Con người sống phải có lòng biết ơn, hay nói cách khác, lòng biết ơn làm cho chúng ta thành người. Sự tương phản giữa thái độ biết ơn và vô ơn tựa như hai thế cực đối kháng là ánh sáng và bóng tối bên trong một con người hay là thước đo giá trị giữa hai hạng người. Lòng biết ơn khiến cho con người biết mình, sống hòa hợp với mình, là một nhịp cầu để người đến với người và quan trọng hơn là để con người quy hướng về Thiên Chúa. Nhưng sự vô ơn lại khiến người ta vượt quá chính mình, là bức tường vô hình ngăn cách giữa trái tim con người với nhau, và là vực thẳm đời đời chia tách Thiên Chúa từ trời cao với con người dưới đất thấp. Chỉ khác nhau giữa “biết” với “vô” mà sao hai thực tại này lại cách xa nhau quá!!! Kinh Thánh đã cho chúng ta nhiều hình tượng phong phú về những người biết ơn và bao kẻ vô ơn; thế nhưng, có lẽ, tiêu biểu nhất cho hai thế cực này vẫn là Dụ Ngôn về Mười Người Phong Hủi (Lc 17, 11-19). Bài Tin Mừng theo Thánh Luca thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành cho mười người phong cùi, để nhắc nhở cho chúng ta sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Thánh Luca kể: “Đức Giêsu từ Galilê tiến về Giêrusalem, khi đến Samaria, lúc Người vào một làng kia, có mười người phong cùi đón gặp Người” gồm cả người Do Thái lẫn người Samaria. Đau khổ và bệnh tật làm con người xích lại gần nhau, quên đi mối thù truyền kiếp giữa họ. Nhưng thật kì lạ, khi tất cả mười người phong cùi đang đi được lành sạch, người duy nhất quay lại cám ơn Chúa Giêsu lại là người Samari ngoại đạo. Điều này gợi lên cho chúng ta một sự thật phũ phàng vẫn thường xảy ra trong cuộc sống: “Kẻ ở ngoài” coi mọi sự như quà tặng, “kẻ ở trong” coi mọi sự đều là hiển nhiên. Thánh Inhaxiô nói : “Tội lớn hơn cả là tội vô ơn”. Chín người Do Thái không biết cám ơn vì bị “tê liệt thiêng thiêng”, chỉ được khỏi bệnh phong cùi thể xác; còn người Samaria biết cám ơn vì “nhạy bén với tín hiệu ơn lành” của Thiên Chúa thì được khỏi phong cùi cả phần hồn lẫn phần xác. Anh ta đã được Chúa Giêsu dẫn vào nhịp sống của đức tin. Nhịp sống ấy có thể đưa anh vươn đến những chân trời xa xăm trong Nước Thiên Chúa. Qua dụ ngôn Mười Người Phong Hủi, có lẽ chúng ta sẽ vỡ ra một vấn nghi thật oái oăm - “Ai áp đảo ai?”. Chắc chắn, tỷ số mười trên một đã nghiêng về phe những kẻ vô ơn. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc vẫn không hệ tại ở nấc thang của những con số. Mặc dù sự vô ơn áp đảo lòng biết ơn về số lượng nhưng phẩm chất và giá trị cao quý của lòng biết ơn vẫn luôn tồn tại và có giá trị vĩnh cửu. Chỉ với tỷ lệ mười phần trăm ít ỏi, ta nhận thấy rằng, thái độ biết ơn của người Samaria kia thể hiện bài học nhân bản đầy tính nhân văn cho con người ở mọi thời đại. Người ta sẽ nhớ đến anh như một điển hình của “Đắc Thiên Tâm” và “đắc nhân tâm”, bởi anh vừa làm đẹp lòng Thiên Chúa vừa làm người ta thán phục. Với lòng biết ơn đơn sơ, chân thành, là cảm nghiệm từ một trái tim cậy trông, anh đã làm đảo lộn tình thế, làm nổi bật sự vượt trội của lòng biết ơn. Vậy, đâu là những giá trị ưu việt của lòng biết ơn vượt thắng sự vô ơn? Lòng biết ơn mang một giá trị cao quý, vừa có nét mộc mạc nhưng lại rất thanh cao. Nếu nói tri thức là trí nhớ của bộ não thì lòng biết ơn chính là trí nhớ của trái tim. Tri thức xuất phát từ ngoài vào khi con người lĩnh hội điều mới; còn lòng biết ơn thì phát xuất từ bên trong mà ra vì nó là cảm nghiệm của con tim. Tri thức có thể nhanh quên, nhưng một khi đã thật lòng biết ơn thì sẽ nhớ mãi. Trái với lòng biết ơn là sự vô ơn mà nó luôn bị “ném đá” với những câu tục ngữ “Ăn cháo đái bát - Qua cầu rút ván - Được cá quên nơm”. Y học cho ta thấy, lòng biết ơn không những tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn rất bổ ích cho trí não của chúng ta. Bởi biết ơn là cách hữu hiệu nhất để luyện tập trí nhớ và học cách đo đếm. Người biết ơn luôn nhớ rất chi tiết những điều xảy ra cho mình, những gì mình đã nhận lãnh. Hơn nữa, họ thường đo đếm những ơn lành mình nhận được hằng ngày. Còn những người vô ơn thì hại đến tâm thần, não bộ, ít nhớ nhưng lại mau quên. Tâm lý học đã khẳng định, lòng biết ơn có thể giới hạn lòng tham của con người, vì người biết ơn luôn cảm thấy mình dư dật, đầy đủ, hạnh phúc và thỏa mãn với cuộc sống thực tại. Trái lại sự vô ơn lại đào sâu, bành trướng lòng tham vô đáy của con người. Những người vô ơn thường chỉ thấy mình ở trong tình trạng thiếu thốn, chưa đủ và không thỏa mãn với những gì mình có. Ngoài ra, bất mãn, không hài lòng một cách thường xuyên khiến họ không thể thấy những món quà mà sự biết ơn mang lại. Họ “mù” trước điều tốt đẹp trong những gì người khác làm. Họ không có trải nghiệm phần thưởng nội tâm xuất phát từ ý thức đầy đủ; và khi bị cự tuyệt, họ phản ứng tức giận, phẫn nộ. Hơn nữa, người biết ơn thường tìm cách để chia sẻ những gì mình nhận được cho người khác. Họ sống quảng đại, trao ban vô điều kiện. Còn người vô ơn lại cố gắng giữ mọi thứ lại cho riêng mình vì họ không bao giờ cảm nhận được sự quảng đại của Thiên Chúa, của anh chị em xung quanh, nên họ không thể mở khóa cánh cửa lòng và tháo vòng tay được. Lòng biết ơn luôn mang lại sự ngọt ngào trong tâm hồn, ngay cả trong đau khổ và đắng cay của cuộc đời, nếu có lòng biết ơn thì tất cả sẽ trở nên ngọt ngào chan chứa. Điều trái ngược thì lại xảy đến với người vô ơn bởi trong đau khổ họ luôn cảm thấy bất hạnh, bất lực, giãy giụa và tuyệt vọng. Xã hội học cho biết, người có lòng biết ơn sẽ luôn được yêu quý, trân trọng, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ nồng nhiệt bất cứ khi nào họ gặp khó khăn. Người được biết ơn cũng sẽ cảm thấy vui vẻ, nhiệt tình hơn khi giúp đỡ. Từ đó, các mối quan hệ giữa người và người cũng phát triển và ngày một khăng khít hơn. Bên cạnh đó, người vô ơn lại bị người ta xa lánh vì cảm thấy ngao ngán khi giúp mà không “cảm ơn”. Nếu vấp một lần, thì sẽ không có lần thứ hai, nói như ngôn ngữ của các bạn trẻ là là “Goodbye, not see you again”. Cuối cùng, Nhân Đức học Kitô Giáo vén màn cho chúng ta thấy rằng, tâm hồn biết ơn là một vùng trời bình yên, đất đai trù phú, mọc lên những bông hoa khoe sắc là các nhân đức, loại nào cũng thắm cũng xinh. Tôm hồn vô ơn như một bãi đất hoang, đất đai nứt nẻ, khô cằn, chỉ có những cây cỏ dại là nết hư tật xấu mới tồn tại được, đó đây cũng có một vài bông hoa thiếu chất bị cỏ dại chen lấp. Như vậy, người biết ơn sẽ phát sinh ra thêm nhiều nhân đức tốt đẹp khác nữa, còn kẻ vô ơn thì dù có một vài điểm tốt cũng dễ dàng bị chính sự vô ơn che khuất, làm giảm giá trị. Thêm vào đó, tâm hồn biết ơn là tâm hồn có trí nhớ thiêng liêng tốt, nhạy bén với tín hiệu ân sủng của Thiên Chúa. Ngược lại, những người vô ơn là hạng người mắc bệnh Alzeimer tâm linh hoặc tâm hồn bất khả thẩm thấu, bởi họ chưa bén rễ sâu trong cảm nghiệm ơn lành của Thiên Chúa nên dễ dàng quên đi, hoặc họ minh nhiên phủ nhận ân ban của Thiên Chúa mà cho rằng mọi thứ đều có sẵn hay do họ mà ra. Dù bất cứ một ân huệ nào của Thiên Chúa cũng không thể thấm vào trái tim họ. Nói tóm lại, cũng như câu ngạn ngữ: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, vô ơn một chút cũng đã thừa” thì “biết ơn cả đời cũng chưa đủ, vô ơn một phút cũng đã thừa”. Tâm tình biết ơn phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc sống của con người và mỗi Kitô hữu phải là một chứng nhân của lòng biết ơn Thiên Chúa. Ở bất cứ thời đại nào, dù cho số lượng kẻ vô ơn luôn áp đảo, thắng thế người biết ơn nhưng chúng ta tin rằng, những người biết ơn sẽ là “số sót” quan trọng để cứu vãn thế giới này - một thế giới đang lao vào hư vô, vô thần, vô định, vô ơn, vô tâm, vô luân, và vô đạo đức. Chúng ta hãy luôn nỗ lực sống cảm thức tạ ơn trong từng hơi thở, nhịp tim bằng tâm tình đơn sơ, dễ thương, khiêm tốn của cụ Apraham trong lời cầu nguyện của mình: “Chẳng lẽ Chúa không tha thứ cho thế giới vì những người biết ơn sao? Mặc dù con chỉ là thân tro bụi, con cũng mạn phép thưa với Chúa: Chẳng lẽ Chúa tiêu diệt người biết ơn một trật với kẻ vô ơn ư? Không được đâu Chúa ơi... ”. Và có lẽ nhờ những lời cầu nguyện dễ thương ấy, Thiên Chúa sẽ mỉm cười đáp lại: “Nếu Ta tìm được trên thế giới này dù chỉ còn một người có lòng biết ơn Ta, thì vì nó, Ta sẽ tha thứ cho cả thế giới. ” (x.St 18, 16-33). Vậy, chúng ta hãy để “lòng biết ơn là đầu gối chúng ta quỳ lên nói lời tạ ơn Thiên Chúa hằng đêm” và tha thiết nài van Lòng Thương Xót Chúa cho quả địa cầu này. Lạy Chúa, nếu như một ngày nào, con phải chịu trạng thái hôn mê kéo dài, con ước ao trong những giây phút đó, con được sống liên tục trong tình trạng của ân sủng. Ước chi hơi thở cuối cùng của con là hơi thở của tình yêu và nhịp tim cuối cùng là nhịp tim của lòng biết ơn. Cây Bút Chì - Tập Viện MTG Vinh |