SỰ VÔ ƠN - Suy Niệm Hàng Ngày
Có thể bạn quan tâm
Không có câu chuyện nào trong Phúc Âm trình bày sự vô ơn một cách thấm thía cho bằng câu chuyện nầy. Muời người phong hủi đến cùng Chúa Giêsu với một sự mong đợi có phần nào tuyệt vọng. Vào thời kỳ đó, bệnh phong hủi có nhiều điểm tương đồng như bệnh AIDS (liệt kháng) đối với chúng ta ngày nay. Và bệnh phong hủi rất dễ lây lan cũng như bất trị.
Những người phong hủi bị khai trừ, sống biệt lập và ngay cả bị khước từ những quyền căn bản nhất của con người. Chỉ có phép lạ mới chữa được bênh phong hủi. Và Chúa Giêsu đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài đã chữa lành, thay đổi toàn vẹn cuộc sống của họ.
Tôi tin chắc mỗi người trong nhóm của họ vô cùng biết ơn Ngài, nhưng có chín người không bao giờ nói lên tiếng cám ơn. Chỉ hai tiếng “cám ơn” đơn giản thôi đã làm nên điều khác biệt. Hai tiếng đó được nhìn nhận là những tiếng có thanh sắc nhất trong ngữ vựng chúng ta. Nhưng khi người ta nghĩ tới sự biết ơn hiếm khi xảy ra, cho dù xem ra như thế, thật khó khăn khi phải nói lên hai tiếng “cám ơn”!
Điều hiếm hoi thì quí hóa
Thật rất thường tình, người phối ngẫu, anh em, chị em, bạn bè, bạn đồng nghiệp, người lối xóm… làm cho chúng ta đôi việc tốt, nhưng chúng ta không thể đáp trả lại được. Bi kịch cuộc sống là ngay cả chúng ta cũng không cố gắng đáp trả lại trong hoàn cảnh nầy, như mấy vần thơ sau đây:
“Cứ thổi, thổi đi, hỡi ngọn đông phong, Ngươi không đến nỗi tàn nhẫn Như sự vô ơn của con người.”
Thánh Lu-ca không nói cho chúng ta biết là người phong hủi trở lại cám ơn có được Chúa chúc phúc thêm hay không. Thánh sử cũng không nói điều gì đã xảy ra cho chín người kia, không trở lại cám ơn Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh. Cũng không chút gợi ý gì, chẳng hạn họ bị phong hủi trở lại hoặc bị phát ra một hình thức bệnh trạng gì khác.
Chúa không hờn dỗi. Tặng phẩm của Chúa không bao giờ có điều ràng buộc theo sau. Khi Chúa ban cho, Ngài cho vô điều kiện, không hối tiếc, chỉ vì niềm vui trọn vẹn được chia sẻ thần tính dư dật của Ngài.
Trao đi và nhận lại cách độ lượng
Khi người ta ý thức rằng có ai đó biệt đãi mình thì người ta muốn làm điều gì để đáp lại. Người ta không nhận quà sinh nhật mà xây lưng đi, không nói lời gì. Nếu người ta xử sự như thế thì sẽ bị người đời xem là kỳ dị, nhẫn tâm, vô nhân đạo.
Không, điều người ta làm là chấp nhận quà tặng và nói “cám ơn”, không phải vì người ta bắt buộc phải làm như thế, nhưng vì người ta muốn làm như thế. Đúng thế, khi người ta ý thức là có người biệt đãi mình, người ta muốn làm điều gì tích cực để đáp lại.
Giờ đây, đối với Chúa cũng thế, không khác biệt. Người ta muốn làm điều đó không phải vì bắt buộc, nhưng vì người ta muốn thế. Đó là tất cả những gì tôn giáo đề cập tới. Tôn giáo nói về “Thiên Chúa” và tôn giáo không nói về “cái tôi”. Tôn giáo đáp lại lòng tốt và sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa.
Người ta cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa. Người ta thờ lạy Thiên Chúa vì Ngài đáng được thờ lạy. Người ta yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đáng yêu mến. Người ta ca tụng Thiên Chúa vì Ngài đáng ca tụng nên người ta thường cầu xin: “Lạy Chúa! Con cần đến Chúa.” Quả thật, ngày mà người ta trở về với Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Con cần đến Chúa” thì đó là ngày người ta bắt đầu trở thành một con người trọn vẹn.
Xin nhớ đến tôi
Oscar Wilde đã viết điều mà ông mô tả như truyện ngắn hay nhất trên đời. Câu chuyện xảy ra như thế nầy: Lần kia Chúa Giêsu đi dọc theo con đường chính băng qua một tỉnh nhỏ. Ngài đi ngang qua một người say rượu nằm bơ vơ, ngớ ngẩn, bên vệ đường. Ngài nói: “Anh ơi, sao anh đã phung phí cuộc đời trong rượu chè?” Người đàn ông nhìn Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ôi, Chúa không nhớ con sao? Con là người phong hủi và Chúa đã chữa con lành?”
Khi đi xa hơn một đoạn đường nữa, Chúa Giêsu gặp một người đàn ông khác đang đi theo một cô gái giang hồ. Ngài nói: “Anh ơi, sao anh phung phí cuộc đời trong những tham muốn nhục dục?” Người đàn ông nhìn Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ơi, Chúa không nhớ con sao? Con là người mù và Chúa đã làm cho con sáng mắt.”
Đi thêm một đoạn đường nữa, Chúa Giêsu gặp một người đàn ông thứ ba. Ông ta già cả và dựa vào tường kêu khóc thảm thiết. Chúa nói: “Bác ơi, sao bác phung phí cuộc sống, đêm ngày than thân khóc phận?” Cụ già nhìn quanh, thấy Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ôi, Chúa không nhận ra con sao? Con đã chết và Chúa làm cho con sống lại.”
Oscar kết thúc câu chuyện cùng một luận điệu như thế. Nhưng tôi thiết tưởng còn thiếu sót nếu chúng ta dừng lại nơi đây. Theo tôi tưởng, chúng ta hoàn toàn tự do thêm vào phần phụ lục của riêng chúng ta.
Giả thiết Chúa chặn một người trong chúng ta lại, có thể Ngài sẽ nói: “Tại sao con phung phí đời con?” Và nếu Ngài nói cùng làm như thế, chúng ta nên trả lời: “Chúa ôi, Chúa không nhớ con sao? Con là hư vô và Chúa đã dựng nên con. Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh Ngài. Chúa nâng con lên phẩm giá con cái Thiên Chúa. Chúa là lý do tại sao con được làm người, tại sao con được thấy, nghe, đi đứng, nghĩ tưởng, yêu thương, chọn lựa và mơ ước?” Có thể Chúa sẽ nói: “Vậy thì tại sao con đã quên Cha? Tại sao con đã không cám ơn Cha?”
Phần còn lại
Một người không có của cải gì hết và Thiên Chúa đã cho anh ta mười quả táo. Ba quả dùng để ăn nên anh đã ăn ba quả táo đầu tiên. Ba quả tiếp theo để làm chỗ trú ẩn, che mưa che nắng. Anh ta đã bán đi để mua chỗ ở. Chúa cho anh ba quả nữa để sắm áo quần che thân và anh đã bán đi để mua sắm quần áo. Chúa cho anh quả táo thứ mười để anh ta có gì dâng lại cho Chúa, hầu tỏ lòng biết ơn đối với chín quả táo kia.
Người đàn ông đó cầm quả táo thứ mười lên và ngắm nghía cẩn thận. Quả táo đó xem ra đỏ hồng và có nhiều nước hơn tất cả những quả táo khác. Tự trong thâm tâm, anh ta biết rằng đó là quả táo mà Chúa mong chờ anh ta sử dụng như tặng phẩm để biết ơn Ngài đối với chín quả táo kia.
Nhưng quả táo thứ mười ngon lành hơn tất cả những quả táo khác. Người đó lý luận rằng Chúa có tất cả những quả táo khác trên trần thế nên anh đã ăn quả táo thứ mười và dâng lại cho Chúa cái hột mà thôi.
Vô ơn là một trong những tội gớm ghiếc nhất. Vô ơn làm cho người ta cảm thấy được quyền sử dụng mọi sự, cho mọi việc xảy tới đều là tự nhiên, tự cảm thấy mình vô dụng và hạ thấp cảm quan tự trọng của mình. Không biết ơn Chúa, không biết ơn người thì cuộc đời trở nên trống rỗng, hời hợt và vô vị. Không biết cám ơn thì chính cuộc sống trở thành bạc bẽo, chán chường. Trái lại, biết ơn là một trong những sự việc đẹp nhất trên đời.
Linh Mục Vincent Travers, OP Hương Vĩnh chuyển ngữ
Từ khóa » Câu Chuyện Về Lòng Vô ơn
-
36. Đừng Sống Vô Ơn - Trung Tâm Truyền Giáo Việt Nam
-
8 Mẩu Chuyện Ngắn Chứa đựng Những Bài Học Càng Ngẫm Càng ...
-
Nước Mắt Hạc Tiên Và Cái Kết Của Kẻ Vô ơn - Sống Đẹp
-
Người Học Trò Và Con Hổ - Cổ Tích Việt Nam - TruyệnXưaTíchCũ.cOm
-
ve - CÂU CHUYỆN GÃ ĂN MÀY VÀ CÁI GIÁ CỦA SỰ VÔ ƠN...
-
Kẻ Vô ơn Trong Truyện "Những ân Huệ Bị Lãng Quên" - VOVlive
-
8 Câu Chuyện Nhỏ Chứa đựng Bài Học Lớn - Webtretho
-
75 Câu Chuyện Về Lòng Biết ơn Vô Hạn - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Những Kẻ Vô ơn Thời @ - TGP SÀI GÒN
-
Bóng Mát Tâm Hồn: Xử Kẻ Vô ơn - YouTube
-
Lòng Biết ơn Và Sự Vô ơn | Suy Niệm - Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh
-
Đáng Trách Nhất Trên Đời Là Những Kẻ Vô Ơn | Ngẫm Mà Xem
-
Vô ơn ở Trẻ - Câu Chuyện Của Thế Giới 4.0 - Báo Phụ Nữ