Những Kẻ Vô ơn Thời @ - TGP SÀI GÒN

Kết quả khảo sát trên 874 sinh viên từ các trường ĐH phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học "Sự lựa chọn các giá trị đạo đức - nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường ĐH tại TPHCM trong giai đoạn hiện nay" do tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TPHCM làm chủ nhiệm cho thấy: có đến 32% sinh viên chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức.

Từ góc nhìn của người lớn

Chồng chị H. Mai mất sớm. Chị một mình tần tảo nuôi con. Ngay lúc chị bị đau khớp, phải nghỉ hưu non thì con trai út đậu đại học, con gái báo tin chuẩn bị cưới. Chị kể: "Con có bạn trai hồi nào tôi không hề biết. Giờ đùng một cái nó báo tin ngày, giờ đàng trai tới nói chuyện. Tôi không cản trở hạnh phúc của con, chỉ nói cần thêm thời gian, để giúp tôi nuôi em hoàn tất đại học.

Thật lòng, đó chỉ là cái cớ, tôi muốn con gái suy nghĩ chín chắn và tìm hiểu kỹ đối tượng trước khi kết hôn. Không ngờ, nó lại giận dữ hét lên: "Chưa thấy người mẹ nào... ác với con cái như mẹ! Mẹ phải nuôi con của mẹ chứ, sao bắt con nuôi "nó”? Con còn lo cho tương lai, hạnh phúc của đời con, ở với mẹ hoài mai mốt trắng tay sao?".

Vậy là Thu lấy chồng, còn tuyên bố: "Từ nay mẹ khỏe rồi, chỉ còn phải nuôi có một người thôi!"... "Tấm gương" của chị ghi dấu sang em.

Cậu vòi vĩnh, yêu sách mẹ đủ điều: xe tay ga, điện thoại di động đời mới, hàng hiệu... Có lần, khi mẹ từ chối cho tiền cậu nói: "Sao mẹ không bán lô đất bên cạnh nhà để lo cho con? Hay mẹ tính để dành cho chị Thu?". Chị Mai không ngờ cậu con bé bỏng mà chị cứ tưởng còn ăn chưa no lo chưa tới, đã biết tính toán đến tài sản của chị, trong khi chưa hề nghĩ đến chuyện sẽ chăm lo cho mẹ thế nào lúc tuổi già.

Anh H., gà trống nuôi ba đứa con cho đến lúc dựng vợ gả chồng xong cho hai đứa lớn. Anh ở với con trai út, đang học lớp 12. Nghe tin anh có "bạn gái", là một phụ nữ cùng xóm, chồng mất, con trai duy nhất đã lập gia đình ở riêng, ba con anh tức tốc họp lại, bắt anh phải... phân chia tài sản.

Anh H. nói: "Hơn 10 năm lo cho con không tiếc gì, giờ mình có bạn, đáng lẽ con phải mừng vì mình tìm được niềm an ủi, không ngờ cả ba xúm lại buộc tôi muốn tái giá thì phải... ra đi mình không! May mà cô ấy chấp nhận... Giờ cha con gặp nhau như người xa lạ. Mà tôi có lỗi gì đâu chứ!".

Chị Trần Thị Hoa, ngụ ở P.15, Q. Tân Bình nhận xét: "Nhà tôi là quán cà phê. Những khi trời mưa, người lớn tuổi tấp vào trú mưa, luôn xin phép tôi đàng hoàng, lúc đi thì vào tận quầy để nói lời cảm ơn. Trong khi đó, bọn trẻ tấp vô trú, tôi kéo ghế cho ngồi, còn đem trà nóng ra mời nhưng hết mưa các em kéo nhau đi, không thèm chào một tiếng! Chuyện nhỏ còn như vậy, nói gì đến những chuyện lớn hơn".

Người trẻ nói gì?

"Khách sáo quá, chi li quá!" - đó là ý kiến của 7/10 bạn trẻ được chúng tôi phỏng vấn nhanh tại khu du lịch Văn Thánh về câu chuyện kể của chị Hoa. Minh Tuấn - một sinh viên CĐ Văn hóa nói: "Có thể lời cảm ơn vẫn có nhưng họ để trong lòng. Hãy nhìn lớp trẻ chúng tôi dễ chịu một chút, gì cũng bắt chẹt, khó sống lắm!".

Tuy nhiên, Minh Hạnh - nữ nhân viên văn phòng ở Q.3 cho biết: "Thật sự tôi cũng rất xấu hổ trước cảnh nhiều bạn trẻ đã không biết ơn, thậm chí còn vong ơn với người giúp mình. Tại công ty tôi, có một cô gái trẻ mới vào làm, nhờ anh chị giúp em cái này, cái kia thật ngọt ngào, cảm ơn cũng nhẹ nhàng... Ai cũng quý. Sau này, cô nhờ những việc lớn hơn như nghĩ ra giúp cô những ý tưởng đổi mới công việc, cuối cùng thì lấy hết công sức của mọi người, làm bản báo cáo cá nhân. Sếp khen, thưởng, cô chẳng nói gì với những người đã giúp cô trước đó... Sự vô ơn, đoạt công kiểu đó, theo tôi còn ghê gớm hơn chuyện không nói những lời cảm ơn. Nhưng, nếu không có những lời cảm ơn, khó mà có được sự biết ơn...".

Trần Thị Thúy, 23 tuổi, công nhân khu công nghiệp Bon Yuen Q.Bình Tân lại có cái nhìn khác: "Theo tôi, thái độ vô ơn của lớp trẻ không tự nhiên mà có. Trách nhiệm là ở người lớn, ở bậc cha mẹ. Trước đây, tôi từng quen một người bạn trai. Tình cảm chúng tôi tiến triển tốt. Anh ấy đưa tôi về giới thiệu với gia đình vài lần, tôi nhận ra anh ấy và chị như là "vua" trong nhà, cha mẹ phải phục tùng mọi mệnh lệnh của họ. Anh ấy không biết quan tâm, chia sẻ với ba mẹ bất cứ việc gì.

Tôi nhắc, anh còn bảo: nước mắt chảy xuôi... Lâu dần, tôi thấy anh đối xử với bạn bè, đồng nghiệp hay bất kỳ ai giúp mình cũng bằng thái độ như vậy, không hề biết cảm ơn ai! Tôi đi từ thất vọng đến hoang mang nên đành tìm cách chia tay...".

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: "Có người nói, các bạn trẻ ngày nay thích làm nhánh cây vươn cao để đón ánh mặt trời, nhưng lại vô tư, vô tâm, đón nhận những chất dinh dưỡng từ rễ cây đưa lên mà quên nguồn gốc đó. Nên nhớ, những cành lá tốt tươi vươn cao bao giờ cũng phải được vun bồi từ gốc rễ. Nếu bạn không biết ơn, sẽ như một cành cây khô héo, ngày nào đó sẽ trụi lá, xác xơ... Bao giờ, ở đâu hay ở thời đại nào cũng vậy, hành vi vô ơn luôn đáng bị lên án!".

Từ khóa » Câu Chuyện Về Lòng Vô ơn