Lớp Tự Học Chữ Hán - Nôm Của Cán Bộ Hưu Trí ở Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
Ấm ức vì đứng trước đền miếu, gia phả của họ tộc hay các tài liệu quý mà không hiểu được, hàng trăm cán bộ hưu trí ở Đà Nẵng đã lập thành lớp học chữ Hán – Nôm để nghiên cứu văn hóa, chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. DỊCH SỐ xin chia sẻ câu chuyện về lớp học ý nghĩa này:
Đã thành lệ, cứ ngày mùng một và rằm hàng tháng, tiếng học Hán – Nôm lại văng vẳng vang phát ra từ nhà đại tá về hưu Huỳnh Phương Bá trên đường Trưng Nữ Vương (Hải Châu, Đà Nẵng). Học viên hầu hết là cán bộ hưu trí, người cao tuổi nhất đã 87.
“Đứng lớp không có giáo viên mà chủ yếu anh em dạy lại cho nhau những gì mình biết”, cụ Bá chia sẻ.
Lật giở từng trang giáo án soạn sẵn, cụ Bá (84 tuổi) cho biết khi về hưu, đi đến nhà thờ họ nhưng không hiểu được chữ Hán – Nôm. “Về nhà tức quá tôi quyết tâm học chữ Hán với mục đích trước mắt là biết đọc những văn tự mình nhìn thấy từ nhỏ đến giờ. Ngày đầu vất vả lắm, tôi đi khắp cả vùng này nhưng chỉ rủ thêm được ba người nữa học cùng”, cụ kể.
Câu chuyện trong giờ nghỉ giải lao với cụ Bá bị ngắt quãng bởi các bạn học xúm lại hỏi nghĩa từ. Có người chưa bằng lòng với cách giải thích thì lên bảng viết chữ để mọi người phía dưới cùng góp ý, phân tích. Theo cụ Bá, người học kiên trì trong 2 năm với việc tập viết chữ, 141 niên hiệu của các đời vua, bản đổi âm lịch ra dương lịch, bách tánh, tứ phương, tứ thời… là có thể đọc được bia, văn tự đơn giản.
Từ 3 người ban đầu, lớp học ngày một đông. Ông Nguyễn Hiền (57 tuổi) đã chạy xe gần 50 km từ huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) ra Đà Nẵng học thử, rồi mê tít. Hơn 2 tháng nay, cứ một tháng 2 lần, ông lại gác việc nhà để đi học. “Giờ tôi đã biết sơ sơ về chữ Hán – Nôm. Tối về nhà, mấy bố con lại rủ nhau học bài. Các con thấy bố đến khuya vẫn còn chong đèn học lên cũng chăm chỉ hơn”, ông Hiền khoe.
Nhà làm ruộng nên khi thấy ông Hiền cắp sách đi học, nhiều người thấy lạ, có kẻ bĩu môi “già thế không lo ở nhà giúp việc cho vợ con lại còn bày đặt đi học, mà đi học chữ Hán – Nôm đâu có giúp ông giàu có hơn được”. Bỏ ngoài tai, ông Hiền lấy chính niềm say mê của mình làm vui. Nhiều khi ông học suốt 3-5 tiếng cũng không biết chán.
Không chỉ đấng mày râu, nhiều phụ nữ cũng bị vốn văn hóa cổ xưa cuốn hút. Ông Nguyễn Quang Sơn (trú quận Thanh Khê) khoe sau khi cắp sách đi học, ông đã động viên vợ là bà Ngô Thị Liễu đến lớp. “Không thể để phụ nữ chịu thiệt được, mình quý những giá trị văn hóa thì phải để bà xã cùng học và cảm nhận. Tối về hai vợ chồng lại lấy sách ra tập đọc, tập viết thấy cũng vui”, ông Sơn tâm sự.
Còn bà Phan Thị Lê Hà (60 tuổi, trú xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) khoe đến lớp được 3 năm nay. Không đi được xe máy, bà bắt xe ôm ra đường lộ rồi bắt xe bus vượt gần 30 km tới lớp. Bà Hà bảo nhiều lần đi du lịch, thấy trên cổng đình chùa thường có ghi 3 chữ. Dù biết đó có thể là tên doanh nhân hay địa danh nhưng không đọc được chữ khiến bà rất ấm ức và quyết phải học cho kỳ được. “Cái khó của chữ Hán – Nôm là có nhiều nghĩa, như chữ phát, chữ du có tới 30 nghĩa nên phải học kỹ lưỡng thì mới dịch chính xác được”, bà Hà chia sẻ.
Theo các học viên, chính sự vô cùng, vô hạn của chữ Hán cùng với khao khát học chữ đề hiểu văn chương sâu sắc hơn đã cuốn hút mọi người. Khi lớp đã đông, các cụ thành lập câu lạc bộ với mức phí 20.000 đồng/tháng để lấy tiền uống nước cho vui. Tháng 9/2012, sau 6 năm thành lập, lớp học đã được nâng cấp thành Trung tâm Hán – Nôm của TP Đà Nẵng, hoạt động với mục tiêu bồi dưỡng Hán – Nôm các cấp, bảo tồn dịch thuật, các văn bản chữ Hán, trao đổi thông tin, liên kết dòng họ và đặc biệt là vận dụng phong thủy phục vụ đời sống.
Trung tâm Hán – Nôm đã biên dịch, giới thiệu nhiều tài liệu dưới thời nhà Nguyễn liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Trong đó có tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ (năm 1838) vẽ Hoàng Sa, vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; bộ công thời Minh Mạng năm thứ 17 phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc đánh dấu ở Hoàng Sa…
Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Trương Đàn, người theo lớp Hán – Nôm hơn hai năm nay, những tài liệu gốc này chính là nền tảng để giải quyết vấn đề liên quan ở thời điểm hiện tại. “Việc sưu tầm và dịch tài liệu Hán – Nôm có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử dân tộc. Các tài liệu cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cần được dịch và quảng bá rộng rãi cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Đàn nói.
Nhờ tìm đến chữ Hán – Nôm, các cụ cũng phát hiện tiểu họa trang trí phía trên ngai vàng triều Nguyễn từ thời Minh Mạng có ghi bốn câu thơ thể hiện tuyên ngôn, khát vọng độc lập của dân tộc: Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu. Dịch nghĩa là: Nước nghìn năm văn hiến/ Núi non vạn dặm xa/ Tự hồng bàng mở nước/ Nước Nam vững sơn hà. “Ngày nay những dòng chữ này vẫn còn nguyên vị trí cũ, nhưng ít ai hiểu nghĩa. Điều này cho thấy từ xưa việc bảo vệ chủ quyền luôn được Nhà nước và nhân dân đề cao”, ông Đàn khẳng định.
Mới đây, cụ Huỳnh Phương Bá đã dịch thành công tài liệu trên tuần báo I’Eveil Économique deI’Indochine (Sự thức tỉnh về kinh tế Đông Dương) do Cucherousset vừa là chủ bút vừa là tác giả của nhiều bài viết về Hoàng Sa từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Tài liệu này cho thấy ở thời điểm 1924-1934, Pháp xâm lược Việt Nam thì phải có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Tuy nhiên giới toàn quyền và quan chức Pháp lại làm ngơ, thông đồng với Nhật và Trung Quốc khai thác tại quần đảo này và để cho các nước này lăm le lấy Hoàng Sa.
“Chính điều này đã thúc đẩy những nhà báo Pháp sang Việt Nam để điều tra về trách nhiệm của thực dân Pháp tại Hoàng Sa để đưa ra ánh sáng công luận. Họ đã tìm được nhiều tài liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này như vua Gia Long cho người ra cắm cờ chủ quyền từ năm 1816, vua Minh Mạng và vua Duy Tân xuất bản sách dạy cho học sinh về chủ quyền Hoàng Sa”, cụ Bá dẫn chứng.
Những tài liệu này sau khi nghiệm thu sẽ được công bố rộng rãi, in kèm tiếng Pháp và tiếng Việt để người xem đối chiếu. “Hy vọng chúng tôi sẽ góp thêm công sức vào bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”, cụ Bá hào hứng.
Từ khóa » Bộ Hưu Hán Tự
-
Cách Viết, Từ Ghép Của Hán Tự HƯU 休 Trang 1-Từ Điển Anh Nhật ...
-
Tìm Kiếm Hán Tự Bộ HỰU 又 Trang 1-Từ Điển Anh Nhật Việt ABC
-
Tra Từ: Hưu - Từ điển Hán Nôm
-
Tra Từ: 休 - Từ điển Hán Nôm
-
Bộ Hựu (又) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Học Bộ Thủ Tiếng Trung: Bộ Hựu 又 Yòu
-
Hán Văn Tự Học 4+ - App Store
-
Hữu - Wiktionary Tiếng Việt
-
Hanzi52 Chữ Hán Có Bộ Mộc (chữ LÝ, Chữ HƯU, Chữ QUẢ) - YouTube
-
Lê Văn Hưu Và Đại Việt Sử Ký - Báo Thanh Hóa
-
BỘ SƯU TẬP SÁCH HÁN NÔM - THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM
-
Hữu Là Gì, Nghĩa Của Từ Hữu | Từ điển Việt - Việt
-
TCHN - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm