Lọt Tốp 21 Thành Phố Thông Minh Thế Giới: Bình Dương Có Gì? - PLO

Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vừa công bố danh sách 21 thành phố, khu vực được vinh danh có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2019 (Smart 21). Trong danh sách này có nhiều thành phố lớn của các nước như Hoa Kỳ, Úc, Brazil, Canada, Pháp, Ấn Độ, Kenya, Nga, Đài Loan...

Đặc biệt, tỉnh Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ICF.

ICF lựa chọn 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới dựa trên số liệu định lượng và định tính.

Các phân tích được dựa trên phương pháp ICF, cung cấp khuôn khổ, khái niệm để tập trung phát triển các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của cộng đồng về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Tỉnh Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ICF.

Để trở thành thành phố thông minh và tham gia vào Cộng đồng thành phố thông minh thế giới, một khu vực (thành phố, vùng…) cần đáp ứng đầy đủ sáu tiêu chí:

1. Băng thông rộng

Băng thông rộng là tiện ích thiết yếu của tương lai, là một công cụ đầy sức mạnh và đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, ngang bằng nước sạch và giao thông tốt.

Băng thông rộng kết nối máy tính bàn, máy tính xách tay hoặc thiết bị di động của bạn tới hàng tỉ thiết bị và người dùng trên thế giới, tạo một môi trường số bao trùm thế giới vật chất, tạo ra cuộc cách mạng về cách thức chúng ta làm việc, vui chơi, sinh sống, giáo dục và giải trí cho bản thân, quản lý người dân và liên kết với thế giới. Đây là yếu tố thể hiện sự phát triển vượt bậc của ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Lực lượng lao động tri thức

Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ thì thiết yếu cần có một lực lượng lao động tri thức cao để sử dụng những thiết bị công nghệ đó phục vụ công việc, tạo ra giá trị kinh tế.

Trong tương lai, nếu người lao động không tạo ra được những giá trị gia tăng vượt qua mức chi phí lương của họ, không sớm thì muộn họ sẽ bị thay thế bởi công nghệ (phần mềm, phần cứng).

3. Đổi mới

Cộng đồng thông minh theo đuổi sự đổi mới thông qua các mối quan hệ giữa doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức như các trường đại học, bệnh viện. Tam giác đổi mới hay "Triple Helix" hỗ trợ duy trì các lợi ích kinh tế ở địa phương. Việc chính quyền đầu tư vào công nghệ tiên tiến đóng góp to lớn vào sự phát triển nền văn hóa và cải thiện dịch vụ cho nhân dân, giảm chi phí vận hành.

4. Bình đẳng tiếp cận công nghệ số

Mọi người trong cộng đồng đều có quyền tiếp cận công nghệ băng thông rộng và có kỹ năng sử dụng chúng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống và nhu cầu truyền thông, giao tiếp.

5. Bền vững

Cải thiện đời sống hiện tại, đồng thời đảm bảo các thế hệ tương lai có thể giữ vững và phát huy là yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững.

Trong lịch sử loài người, tăng trưởng kinh tế luôn liên quan tới việc tiêu thụ rất nhiều tài nguyên và tạo ra nhiều chất thải. Do đó chúng ta cần phải tìm cách để tiếp tục tăng trưởng, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.

6. Ủng hộ - khích lệ

Các lãnh đạo cộng đồng hoặc các nhóm cộng đồng thường gặp nhiều khó khăn hoặc rào cản trong việc đổi mới hoặc ủng hộ sự thay đổi. Tuy nhiên, nỗ lực để thay đổi và quyết tâm để thực hiện là những điều cốt lõi của Cộng đồng thông minh.

VŨ HỘI Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Top 21 Là Gì