Lũ Về, Nhớ Cá Heo Kho Nghệ - Phunuonline

Hôm cuối tuần, tôi ngồi cà phê với mấy bà bạn, tám chuyện mùa nước lũ, khi nhắc nhắc đến cá heo, ai cũng hào hứng góp vài câu về con cá “thần thánh” này. Câu chuyện bắt đầu bằng việc một người bạn kể: Hồi đó, khi mới về miền Tây, tui nghe món cá heo thì tưởng chừng là cá heo ngoài biển, hay cá mập gì đó. Vì vậy khi bạn tui hỏi “ăn cá heo he?”. Tui liền trả lời “cá heo to quá và nó để xiếc chứ ăn gì”… Mọi người trong bàn cà phê cười rôm rả. 

Lu ve, nho ca heo kho nghe

Chuyện lầm trên cũng dễ hiểu vì loài cá nước ngọt này chỉ xuất hiện ở miền Tây vào mùa nước nổi, chứ không có quanh năm. Hàng năm, vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, cá này cùng với nhiều loài cá từ Biển Hồ (Campuchia) xuôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn dòng Cửu Long.

Trong số đó cá linh là nhiều hơn cả, rồi đến một ít cá heo, đặc biệt về độ ngon thì cá heo là số 1. Chúng thường ở nơi có nước chảy mạnh, như các trụ cầu, miệng cống. Để bắt cá này người dân địa phương thường dùng lưới kéo, ghe cào, dớn, vó, lợp… 

Cá heo nước ngọt to chừng ngón chân cái người lớn, dài chừng 8cm, thân màu xanh lục nhẹ, vảy mềm, đầu nhọn, miệng nhỏ chúm chím, đuôi màu đỏ cam rất đẹp. Khi sơ chế người ta chỉ cắt nhẹ chỗ hầu (cổ) cá để lấy ruột, còn người sành ăn thì để nguyên con, chỉ cần rửa sơ qua là chế biến được. Các món chế biến từ loài cá này cũng rất phong phú: nướng mọi, lẩu mắm, nấu mẻ, chiên, hấp, kho tiêu, kho lạt, kho nghệ… Thịt cá mềm, thơm và rất béo.

Lu ve, nho ca heo kho nghe
 

Năm nào vào mùa lũ cũng là đợt mấy đồng nghiệp của tôi từ Sài Gòn về Cần Thơ tổ chức trao học bổng. Nhớ năm đó, cả nhóm làm việc hì hục nguyên buổi sáng, đến trưa  ai cũng đói meo. Khi đó cơm trưa được mang ra có một món rất đặc biệt đựng trong nồi đất, đó là cá heo vàng ươm màu nghệ còn bốc khói nghi ngút.

Theo lời chủ quán, dù cách làm tương tự các món cá kho nghệ khác nhưng với cá heo nước ngọt sẽ cho vị ngon riêng. Cá sau khi đã sơ chế, cho vào tộ, ướp với gia vị nước dừa, đường, nước mắm, tiêu, ớt và đặc biệt là nghệ… để cá có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn.

Sau đó, bắc tộ lên bếp, để lửa liu riu cho đến khi nước rút vào cá sền sệt, thịt cá mềm thì nhắc xuống. Sau lời giới thiệu, chúng tôi háo hức gắp thử một con cá heo mềm và dịu cong. Vị béo ngọt của da, thơm ngon của thịt cá và mùi nghệ ngai ngái làm cho thực khách nức cả lòng. Giữa sông nước miền Tây, chỉ cần món cá heo kho ăn với cơm trắng kèm vài cọng rau cũng đủ để ăn một lần là nhớ… cồn cào. 

Những năm gần đây, lũ ít về với đồng bằng Tây Nam bộ nên loài cá này cũng trở nên quý hiếm. Tôi ở Cần Thơ thuộc nhánh sông Hậu, gần cuối nguồn Cửu Long nên khi cá về đến đây là lúc đã lớn hơn so với ở đầu nguồn và số lượng còn rất ít. Một lần vào mùa lũ, tôi theo bạn lên miệt An Giang, được tận mắt xem người dân đánh bắt cá mùa nước nổi, mới hiểu thêm vì sao nó có tên là cá heo.

Người dân cho biết, khi lặn xuống những nơi có nhiều cá heo sẽ nghe như có tiếng “éc éc” trong nước, hoặc khi vớt một mẻ cá heo lên tới mặt nước (lúc cá vừa ló dạng) thì chúng sẽ nhảy lung tung và kêu “éc éc” nhẹ, giống tiếng con heo (lợn). Vậy là người dân đồng bằng gọi chúng là cá heo. 

Vào mùa nước nổi, người ăn vẫn có thể tìm mua cá heo ở các chợ đầu mối thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… giá chừng 120 ngàn/kg. Nhưng khi vô quán ăn, nhà hàng, cá lên đến 500-600 ngàn/kg. Được cái, cá này xương nhỏ và mềm nên khi ăn không bỏ gì nhiều, “ít hao”! 

Năm nay nghe chừng lũ về lớn hơn mọi năm, người dân đồng bằng đang ngóng những món ngon từ cá heo, nghe như có mùi cá kho bốc lên thơm lừng, hấp dẫn giữa con nước lớn.  

 Phạm Diễm 

Từ khóa » Cá Heo Con Kho