Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn: Rap Việt Vi Phạm Bản Quyền Tác Giả

Rap Việt là chương trình rất hót trong thời gian gần đây, với sự thành công của mùa một, đến mùa 2 khi chương trình đang được phát sóng thì bất ngờ bị họa sĩ Jasso tố cáo vi phạm bản quyền khi đã sử dụng hình ảnh đồ họa của ông làm poster mà chưa xin phép.

Liên quan đến vụ việc này thì Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) đưa ra một số nhận định để làm rõ các vấn đề.

Câu hỏi: Ê-kíp sản xuất Rap Việt đã vi phạm luật bản quyền như thế nào?

Ê-kíp sản xuất Rap Việt đã sử dụng hình ảnh đồ hoạ của một nhà thiết kế nước ngoài để làm poster chương trình. Theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ê-kíp sản xuất Rap Việt đã vi phạm bản quyền hình ảnh thuộc danh sách các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Điểm g Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, hành vi vi phạm của ê-kíp Rap Việt vi phạm Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi được coi là vi phạm quyền tác giả.

Câu hỏi: Các công ty nắm giữ bản quyền đều ở nước ngoài thì trong tình huống Rap Việt sẽ bị xử lý theo luật pháp nước nào?

Theo quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015: “Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.”

Bên cạnh đó, Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.

3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”

Câu hỏi: Theo luật của Việt Nam, việc vi phạm bản quyền hình ảnh được quy định ra sao?

Bản quyền hình ảnh được hiểu là quyền của chủ sở hữu cũng như là các chủ thể có liên quan đối với tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác (Điều 14 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).

Hành vi vi phạm bản quyền tác giả đối với hình ảnh là hành vi sử dụng hình ảnh trái phép, không có sự đồng ý của chủ sở hữu hay các chủ thể liên quan đến hình ảnh mà thực hiện dùng hình ảnh, khai thác công dụng của hình ảnh mà không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung 2019) quy định về Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo đó tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu hỏi: Mức phạt ê-kíp Rap Việt có thể phải nhận vì vụ việc?

– Sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền bị xử lý hành chính: Căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, theo đó sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

– Sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền bị xử lý dân sự: Khi chủ thể khác có hành vi sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền thì chủ sở hữu hoặc chủ thể có liên quan có quyền về quyền tác giả có thể khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Căn cứ Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2019) quy định về Các biện pháp dân sự, theo đó Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

+ Buộc bồi thường thiệt hại;

+ Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

– Sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền bị xử lý hình sự: Điều 212 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2019) quy định: “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.”

Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó:

+ Cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả hành vi gây ra. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

+ Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Câu hỏi: Trong tình huống không thỏa thuận được với các họa sĩ, đơn vị nắm bản quyền, Rap Việt có nguy cơ phải gỡ các tập đã đăng tải có sự xuất hiện của poster này trên YouTube không ?

Nếu có đủ căn cứ xác minh Rap Việt có hành vi vi phạm bản quyền hình ảnh thì căn cứ Khoản 2 Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, Rap Việt phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, theo đó Rap Việt buộc phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

»BÁO CHÍ ĐƯA TIN:

Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến Zing News đăng tải ý kiến Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội): https://zingnews.vn/nsx-rap-viet-bi-yeu-cau-boi-thuong-vi-vi-pham-ban-quyen-hinh-anh-post1276274.html

Nguồn Luật TGS: https://tgslaw.vn/y-kien-cua-luat-su-ve-viec-rap-viet-bi-to-vi-pham-ban-quyen.html

Từ khóa » Những Vụ Kiện Vi Phạm Bản Quyền