Lưu Giữ Và Phát Huy điệu Khèn Mông
Có thể bạn quan tâm
Ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, nhiều năm nay Và Bá Khả luôn tích cực tham gia các lớp đào tạo khèn Mông mở tại bản. Chiếc khèn gia truyền, luôn được treo trang trọng trong gian khách của gia đình, nay được Khả mân mê lau chùi để mang theo khi tham gia lớp học.
Khi được hỏi về chiếc khèn, Khả tự hào: Đây là chiếc khèn được ông nội truyền lại cho con cháu, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những dịp bản làng hay ngoài xã, trên huyện tổ chức văn nghệ, không chỉ thành viên trong gia đình được sử dụng mà ai có nhu cầu gia đình đều sẵn sàng cho mượn. Gia đình xem đó là niềm tự hào, khi được góp một phần nhỏ vào lưu giữ nét văn hóa riêng của dân tộc mình.
Một buổi luyện tập của nghệ nhân khèn cho những người đam mê nhạc cụ đồng bào ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai. Ảnh: Xuân Thống
Gần 10 giờ trưa, thế nhưng màn sương mù giữa cái giá rét mùa Đông đã không hãm được nhiệt huyết của cả nghệ nhân và 40 học viên lớp khèn được tổ chức tại bản Huồi Cọ, một bản cao nhất của xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Họ say sưa trau chuốt từng nhịp thổi, cái đưa chân. Họ nói rằng, chân nhảy là điệu, nhịp thổi là hồn. Thế nên muốn điệu - hồn sâu lắng vào lòng người, người thổi phải biết hòa nhịp bằng cái tâm và sự trân trọng nhất, mới có thể tiếp nhận được tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.
Nghệ nhân Và Bá Đùa, chủ nhiệm lớp dạy khèn Mông ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai nói: “Bản thân tôi rất mừng, vì Đảng, Nhà nước quan tâm, có chủ trương cấp nguồn kinh phí cho chúng tôi mở lớp. Tôi được dạy lớp học, chắc chắn sau này về già, khi sức khỏe mình giảm đi thì lớp con cháu vẫn giữ được bản sắc, dân tộc mình”.
Trong sáng tinh sương, nam thanh nữ tú biểu diễn “đặc sản” khèn Mông. Ảnh: Xuân Thống
Với đồng bào Mông, từ bao đời, họ có tập quán sống trên núi cao, có những bản sống tít tắp trên đỉnh núi, cách mực nước biển trên cả 1.000m. Với họ cái núi, màn sương đã mài dũa tâm hồn trong vắt, họ tự thích ứng, tự tô thắm văn hóa, bản sắc dân tộc mình bằng cả trái tim. Vì thế múa khèn được người Mông vùng Mường Xủng, Tương Dương đặc biệt quan tâm, lưu giữ và truyền dạy lại tiếng khèn của đồng bào dân tộc mình, đó là mục đích lớn lao của các lớp truyền dạy khèn Mông, tổ chức tại một số bản có 100% đồng bào Mông sinh sống.
Với sự nhiệt tình, tự nguyện xin tham gia của đông đảo học viên ở mọi lứa tuổi, có những em đang học tập ở các thành phố lớn, khi biết lớp mở, đã xin phép nhà trường về tham gia học. Với 2 hình thức, tổ chức học tập trung trong 40 ngày và học tranh thủ thời gian rảnh rỗi, huyện đã linh hoạt mời các nghệ nhân và người biết thổi, múa khèn trực tiếp gảng dạy. Trong thời gian đó các học viên được hướng dẫn cách thổi, múa, sao cho tiếng khèn âm vang trên vách, điệu múa nghiêng ngả màn sương điêu luyện và cách làm, bảo quản khèn lâu bền.
Khèn Mông không chỉ là nét truyền thống mà còn là “bộ môn” đòi hỏi sự điêu nghệ, tinh xảo. Ảnh: Lương May Huyền
Ông Và Bá Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết, trong quá trình triển khai đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong việc tích cực học tập và trách nhiệm của đông đảo học viên. Thời gian tới mong muốn Đảng, Nhà nước cùng cấp trên tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho nhân dân Huồi Cọ nói riêng và xã Nhôn Mai nói chung để cộng đồng dân tộc nơi đây có hình thức bảo tồn và lưu giữ nét đẹp cuả người Mông.
Nhiều năm trở lại đây, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Đề án Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học được huyện Tương Dương chỉ đạo đưa vào các trường học thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, những lớp học như lớp dạy thổi khèn Mông được mở ngay chính ở bản dân tộc Mông sinh sống, càng thể hiện sự trân trọng, mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của mỗi người con các dân tộc anh em sinh sống ở Tương Dương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Những nếp nhà Mông ẩn mình trong sương sớm. Ảnh: Xuân Thống
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, trong Đề án Phát huy và Lưu giữ giá trị truyền thống của các đồng bào dân tộc trên địa bàn Tương Dương, địa phương xác định khèn Mông là một trong những yếu tố đặc biệt, gắn liền với văn hóa Mông và người đàn ông Mông. Thông qua đó mỗi nghệ nhân thêm yêu để truyền dạy cho con cháu và trong dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thực hiện các đề án của ngành Văn hóa - Thể thao đã hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ, nhóm bảo tồn, phát huy dân ca, dân nhạc, dân vũ, một số hình thức nghi lễ dân gian truyền thống các dân tộc tại địa phương. Trong đó, khuyến khích nhân dân phát huy truyền thống để tổ chức hội mang đậm văn hóa dân tộc mình. Với dân tộc Mông, tổ chức múa khèn Mông, trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ hòa vào các dân tộc khác, tạo nên một không khí tưng bừng ngày Xuân.
Ngày nay, dù cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng trong tâm thức của đồng bào Mông, vẫn còn có thứ mềm mại, dịu dàng, có thứ làm đắm mê lòng người, ấy là tiếng khèn trầm hùng chắc chắn, kiên cường như người Mông nơi sống núi gồ sương. Đồng bào Mông vẫn còn đó những nghệ nhân như Và Bá Đùa, vì yêu tiếng khèn ông đã ngược xuôi tìm tòi, học hỏi để mà gắn bó và truyền dạy lại cho con, cháu cách thổi khèn để gìn giữ giá trị của dân tộc mình để những âm trầm nghiêm, những thanh cao như gió vọt, những âm bè như tiếng suối đẩy đưa theo nhịp chân múa làm sáng bừng cả những đỉnh non cao.
Bà Quách Thị Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: Thực hiện Quyết định số 4638/QĐ-UBND ngày 9/10/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018- 2025, trong những năm qua, ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ tuy có nhiều khó khăn, bất cập nhưng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, vào các dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm các địa phương thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, lễ hội dân gian truyền thống. Từ các hoạt động này đã tạo ra môi trường văn hóa sinh động, phù hợp và hiệu quả cho nghệ thuật trình diễn dân gian, dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc được bảo tồn, phát huy.
Từ khóa » Khèn Hay
-
Khèn - Biểu Tượng Văn Hóa Của Người Mông
-
Nghệ Nhân Già Thổi Khèn Mông Hay Nhất [ Hà Giang ] - YouTube
-
Phóng Sự: Tiếng Khèn Mông Trên Cao Nguyên đá Đồng Văn - YouTube
-
Khèn Của Người H'Mông ở Sapa (Lào Cai)
-
Tiếng Khèn Dân Tộc - Nhạc Nền Hay - Zing MP3
-
Giữ Tiếng Khèn Mông
-
Giúp Học Trò Ngân Mãi Tiếng Khèn Mông
-
Khèn Lá ơi, Hãy Tiễn Một Năm Truân Chuyên! - Tuổi Trẻ Online
-
Nghệ Thuật Múa Khèn Của Người Mông - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Tiếng Khèn Mông Trên Vùng Cao Xứ Nghệ - Tìm Kiếm
-
Nghệ Thuật Khèn Của Người Mông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cái Lý Của Người Mông Qua điệu Khèn - Ủy Ban Dân Tộc
-
Hấp Dẫn Khèn Của đồng Bào Dân Tộc Mông Bắc Hà, Lào Cai