Lý Giải Về Thuật Ngữ “phong Kiến” Và “nhà Nước Phong Kiến”

Đối với sinh viên luật, hẳn ai cũng đều quen thuộc với khái niệm « nhà nước phong kiến », « chế độ phong kiến » hay « pháp luật phong kiến ». Khoa học lý luận nhà nước pháp luật định nghĩa nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước thứ 2 trong lịch sử xã hội loài người, sau chế độ chiếm hữu nô lệ hoặc sự tan rã của xã hội công xã nguyên thuỷ. Tuy nhiên, vì sao kiểu nhà nước thứ 2 này lại có tên gọi là “phong kiến”? Từ “Phong kiến” thể hiện bản chất gì của kiểu nhà nước, chế độ hay nền pháp luật được nêu ?

PHONG KIẾN (phong tước, kiến địa) là một từ hán việt có lối viết hán tự là 封 建 (Feng jian), trong đó chữ PHONG (封) có nghĩa là ban chức tước: ngày xưa vua ban phát đất đai, chức tước cho họ hàng nhà vua hoặc cho bầy tôi có công, gọi là “phong” (như phong tước, sách phong… phong tặng). Còn KIẾN (建) nghĩa là xây dựng, thành lập (như kiến thiết, kiến quốc…). Chế độ PHONG (tước) KIẾN (địa) xuất phát từ thời Tây Chu, Trung Quốc khi vua Chu đem đất đai « phong » cho bà con thân thích để « kiến lập » các nước chư hầu gọi là “phong kiến thân thích”.

Tương đương với thuật ngữ “phong kiến” là thuật ngữ féodalité ở phương Tây. Féodalité, féodal là từ tiếng Pháp được sử dụng từ thế kỷ 13, với ý nghĩa liên quan đến đất phong hay chế độ được xây dựng trên cơ sở đất phong – fief. Chế độ đất phong ở phương Tây thời kỳ đầu chủ yếu trên cơ sở cha truyền con nối, nhưng lãnh chúa có thể thu hồi phần đất phong đó nếu người thừa kế là chư hầu chưa thành niên. Một điểm thú vị là thuật ngữ « feudal » chỉ mới được du nhập vào nước Anh vào thế kỷ 17 để chỉ hình thái kinh tế, chính trị thời kỳ này.

Từ những diễn giải trên có thể suy ra, nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước được xây dựng trên nền tảng phong tước ban vị theo huyết thống hoàng tộc và bầy tôi có công. Tên gọi này thể hiện bản chất của nhà nước phong kiến theo định nghĩa của lý luận NNPL: xây dựng bộ máy chuyên chính của vua chúa phong kiến và địa chủ; hình thức phổ biến là chính thể quân chủ chuyên chế với quyền lực vô hạn của hoàng đế.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bản chất của « phong kiến phương Đông » và « phong kiến phương Tây » là khá khác nhau. Việc sử dụng thuật ngữ « phong kiến » chung trong tiếng Việt chỉ mang tính tương đối trên cơ sở các điểm chung về hình thức phân phong đất đai chứ không phải về các đặc điểm kinh tế – chính trị – xã hội. Ngay cả các nhà nước phong kiến phương Tây cũng có sự khác nhau nhất định. Để có thể tìm hiểu sâu hơn vấn đề này, cần đọc thêm tài liệu về lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật.

Tài liệu tham khảo : 1. « Phong », « kiến », Từ điển Hán – Nôm 2. Féodal, Kho dữ liệu tiếng Pháp số hóa http://stella.atilf.fr/Dendien/scripts/tlfiv5/visusel.exe…; 3. Feudal, Từ điển tiếng anh Lexico, https://www.lexico.com/definition/feudal 4. Fief, Wikitionnaire, https://fr.wiktionary.org/wiki/fief 5. Feudalism, Britannica Encyclopedia, https://www.britannica.com/topic/feudalism

Hoàng Thảo Anh, Lê Thị Khánh Linh, Lý giải về thuật ngữ “phong kiến” và “nhà nước phong kiến”, Luật văn diễn dịch.

Chia sẻ:

  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Chế độ Phong Kiến Tiếng Anh Là Gì