Lý Nam Bộ: Viên Ngọc Quý Trong Kho Tàng Dân Ca Việt Nam - CAND

  • Liên hoan tiếng hát ru và hát dân ca
  • Đưa dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng
  • Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
  • Cuộc thi tài năng trẻ cải lương và dân ca kịch

Khúc ca cần lao

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, lý Nam Bộ có xuất phát từ nguồn gốc lao động, không do bàn tay nghệ sĩ tạo nên mà chỉ là một hình thức nghệ thuật tự phát của quần chúng nhân dân. Trong quá trình khai phá và chinh phục vùng đồng bằng Nam Bộ, trước một vùng đất màu mỡ, bao la, từ những vườn cây ăn trái bạt ngàn của vùng Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai), cho đến những cánh đồng lúa bông vàng trĩu hạt phơi mình dưới ánh nắng chói chang ở miền châu thổ Cửu Long, đã khơi nguồn cảm hứng dạt dào cho người dân sinh sống tại mảnh đất hiền hòa này sáng tạo ra nhiều làn điệu lý mang nét đặc trưng riêng, đậm chất trữ tình, ngọt ngào, sâu lắng.

Lý Nam Bộ xuất hiện khá nhiều trong sinh hoạt văn hóa dân gian và thường được dùng như một chất liệu để làm phong phú thêm cho một số làn điệu âm nhạc cổ truyền Nam Bộ.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Bộ đã thống kê có khoảng hơn 200 điệu lý đã được thu thập ở miền Nam. Nhạc điệu của chúng dựa trên thang âm ngũ cung của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ, thêm vào đó là những tiếng luyến láy, tiếng đệm làm cho giai điệu thêm phong phú và tiết tấu thường là nhịp đôi (2/4 hay 4/4).

Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhà thơ Lê Giang - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về dân ca và lý Nam Bộ.

Người dân miền Nam đặt tên cho các điệu lý dựa trên tên thú vật như: Lý con Mèo, Lý con Khỉ, Lý con Nhái, Lý con Cua, Lý con Sáo, Lý Chim quyên, Lý con Trâu, Lý con Cúm Núm, Lý Chuồn Chuồn, Lý Ngựa ô, Lý Quạ kêu…; tên cây cỏ gồm có các điệu lý: Lý bông sen, Lý bông lựu, Lý cây khế, Lý bắp non, Lý bụi chuối, Lý lựu lê, Lý cây chanh, Lý mù u, Lý cây ổi…; tên các món ăn thì có: Lý bánh ít, Lý bánh canh, Lý dĩa bánh bò, Lý ăn giỗ, Lý bánh tráng….

Ngoài ra, trong kho tàng các điệu lý Nam Bộ có một số điệu lý còn dựa vào xuất xứ của nghệ thuật “Bóng rỗi” mà đặt tên như điệu “Lý giọng bông” chẳng hạn. Dựa vào đặc tính của nhóm tiếng đệm mô phỏng các bậc âm của “chữ đờn” dân tộc, hoặc tiếng tụng niệm kinh kệ mà đặt tên thì có các điệu lý như: Lý bản đờn, Lý cống chùa…. Cũng có trường hợp lấy địa danh cụ thể để đặt tên thì có: Lý Ba Tri, Lý Cái Mơn, Lý Năm Căn.... Hay tên phong cảnh thì có: Lý cảnh chùa, Lý quán rượu...

Tơ lòng nơi dân dã

Từ buổi đầu đi khai phá miền đất mới phương Nam, người nông dân đồng bằng Nam Bộ đã lấy văn học nghệ thuật truyền miệng để nói lên ước vọng của mình trong cuộc sống. Việc sử dụng thể thơ lục bát vào điệu lý, kết hợp những từ, cụm từ, lặp từ, tiếng đệm, âm hơi ngỡ như thừa thãi nhưng đó lại là nghệ thuật thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất các cung bậc tình cảm của con người Nam Bộ, lúc thiết tha, da diết, khi thì phấn khởi, vui tươi một cách rất tự nhiên, bình dị. Lý Nam Bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như đặc tính âm nhạc.

Cái hay của các điệu lý Nam Bộ trước hết bởi nó là một loại dân ca sinh động về nội dung, phong phú về điệu thức, đa dạng về ngôn từ. Thứ hai là nó có thể xuất hiện trong hầu hết các loại hình nghệ thuật dân gian của miền Nam, thường được xen vào các bài ca vọng cổ, vở tuồng cải lương. Lời ca thì chân chất, mộc mạc, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ hát nên nó thường được sử dụng rộng rãi trong mọi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong mọi thôn cùng ngõ hẻm ở quê hương Nam Bộ.

Ai cũng có thể hát lý và hát bất cứ nơi đâu như: khi chèo xuồng, lúc ru em, khi làm đồng; hoặc vào các dịp lễ, tết, hội hè, giỗ chạp… Nhờ vậy mà lý đã được người dân Nam Bộ bình chọn là: “Nhất Lý, Nhì Ngâm, Tam Nam, Tứ Oán”. Lý Nam Bộ như là một món ăn tinh thần thiết yếu của cư dân đồng bằng Nam Bộ đến nỗi trong dân gian có câu thơ như sau: “Con Cua quậy ở dưới hang/ Nó nghe giọng lý kềnh càng bò lên”. Quả thật, lý Nam Bộ có sức quyến rũ lòng người và thật không sai khi nói lý Nam Bộ là viên ngọc quý trong kho tàng dân ca Việt Nam.

Trong dân ca miền Nam, lý là một làn điệu dân ca đặc trưng của những người nông dân mộc mạc. Những lời ca trong những điệu lý luôn nói lên tinh thần tích cực và sức sống mạnh mẽ của người nông dân. Lời lẽ thường chân thật và mộc mạc, không văn chương bóng bẩy, nhưng diễn tả được tình cảm, thể hiện được cá tính bộc trực, phóng khoáng của người Nam Bộ. Mặc dù lời ca của những điệu lý miền Nam đa phần giống với những câu hát của ca dao, hò, vè vì chúng có vần điệu dễ hát, nhưng khác với ca dao, hò, vè ở chỗ lý mang tính nhạc (hát), trong khi các thể loại dân gian kia mang thuộc tính của thi ca (thơ).

Lý Nam Bộ có đặc điểm là ngắn gọn, mỗi bài chỉ có một lời, giai điệu có những quãng nhảy xa tạo nên sắc thái sâu lắng trầm mặc hơn so với các điệu lý ở các vùng, miền khác. Mỗi điệu lý Nam Bộ đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất như Lý đất giồng, Lý kéo chài chẳng hạn; hoặc ca ngợi những đức tính tốt của con người trong cuộc sống như Lý Ba Tri, ca ngợi cái đẹp trong thiên nhiên như Lý chim xanh; hoặc oán trách nhau như Lý lu là; hoặc mỉa mai, châm biếm bọn cường hào, ác bá như Lý con khỉ, Lý bình vôi, Lý con sam.

Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu về dân ca Nam Bộ, ta thấy rằng, hầu như trong các điệu lý miền Nam đều có hình bóng con sông, bến nước, làng quê với những giai điệu thật trữ tình, tha thiết, luôn chứa đựng tình cảm của người dân phương Nam luôn nhớ về quê hương, nhớ về ký ức của lứa đôi nơi quê nhà.

Ví dụ như lời ca trong điệu Lý Cái Mơn: “Đàn cò bay về nơi thương nhớ. Nhớ bến sông xưa in hình bóng của người yêu… Thuyền tình ơi hãy chờ đợi ta bao tháng năm trôi qua. Nhưng người xưa vẫn luôn ngóng đợi tình chung”. Không gian làng quê hiện ra trong điệu Lý Cái Mơn rất thơ mộng, lãng mạn với nỗi hoài niệm man mác. Điệu Lý qua cầu có đoạn: “Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành. Như mọi ngày dòng sông với con đò mong manh…”. Lý qua cầu cũng nói về một mối tình trên dòng sông, bến nước có cô lái đò và người lữ khách.

Và chuyện tình ấy có kết cuộc dang dở, buồn tênh. Một điệu lý nữa cũng gắn liền với sông nước đó là Lý bông dừa: “Sông dài còn chảy xuôi theo dòng. Mà sao xa vắng em tôi biết tìm nơi đâu. Dòng sông còn chứa chan ân tình. Nay dang dở tình đầu ta còn gắn đợi ai…”. Với những dẫn chứng vừa kể trên, đã quá đủ để minh chứng điệu lý miền Nam phản ảnh tâm tư, tình cảm, tính cách của người Nam Bộ - cũng là biểu tượng của sự mộc mạc, phóng khoáng của cư dân sinh sống trên vùng đất màu mỡ này.

Thoát thai từ tiếng nói của quần chúng nhân dân lao động, lý Nam Bộ cũng như nhiều thể loại dân ca cổ nhạc khác đã in sâu vào lòng người đồng bằng, từ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam. Cho đến hôm nay, các điệu lý miền Nam đã thực sự chinh phục được đông đảo quần chúng, đặc biệt là người bình dân, bởi đề tài và nội dung vô cùng phong phú, phản ánh sống động mọi khía cạnh trong sinh hoạt thường ngày ở nông thôn Việt Nam. Lý thể hiện tình cảm trong quan hệ giữa người với người: tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bè bạn; thể hiện tinh thần lạc quan và yêu thương cuộc đời; ca ngợi cuộc sống và khát vọng hạnh phúc của con người… Nó như một di sản tinh thần nuôi dưỡng, vun đắp tâm hồn của con người phương Nam.

Từ khóa » Các Lý Nam Bộ