Mặc Cảm Về Ngoại Hình (Sợ Xấu) Và 7 Cách Giúp Bạn Vượt Qua
Có thể bạn quan tâm
Mặc cảm về ngoại hình là hội chứng đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức và dai dẳng về các khiếm khuyết trên cơ thể. Hội chứng này khiến người bệnh luôn căng thẳng, đau khổ và mất nhiều thời gian, tiền bạc cho các biện pháp thẩm mỹ.
Mặc cảm về ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder) là gì?
Mặc cảm về ngoại hình, rối loạn khiếm khuyết cơ thể hay hội chứng “sợ xấu” (Tiếng Anh: Body Dysmorphic Disorder/ BDD) là một dạng rối loạn tâm thần ít gặp với tỷ lệ dao động từ 1.4 – 2.4% dân số thế giới. Người mắc chứng bệnh này thường cường điệu hóa nỗi lo lắng về ngoại hình từ vóc dáng, làn da, mái tóc, răng hay đến những chi tiết nhỏ nhất như móng tay, móng chân, đốm tàn nhang và thâm mụn.
Mặc cảm về ngoại hình khác với sự tự ti thông thường. Hội chứng này khiến người bệnh chú ý quá nhiều đến những khiếm khuyết trên cơ thể dẫn đến trạng thái lo lắng, căng thẳng, buồn bã, bi quan và đôi khi có cảm giác sợ hãi vì lo lắng người khác sẽ cười chê khuyết điểm của bản thân – dù đó chỉ là những khuyết điểm rất nhỏ.
Để xoa dịu sự lo lắng và cảm thấy thoải mái hơn, người bệnh nỗ lực làm đẹp bằng rất nhiều phương pháp bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi khuyết điểm được chỉnh sửa, bệnh nhân sẽ có cảm giác thoải mái và hài lòng. Tuy nhiên, người mắc hội chứng này lại tiếp tục tìm kiếm những khiếm khuyết trên cơ thể và lặp lại trạng thái lo lắng quá mức, sau đó tìm kiếm giải pháp khắc phục.
Khi nghe đến hội chứng “sợ xấu”, mọi người thường không hình dung được những cảm xúc tiêu cực mà bệnh nhân phải đối mặt và đa phần đều cho rằng đây là đặc điểm của những người quá xem trọng ngoại hình. Định kiến của xã hội và sự thiếu hiểu biết chính là nguyên nhân khiến cho người bệnh không được tiếp cận sớm với các biện pháp chăm sóc sức khỏe.
Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê về tỷ lệ người mắc chứng mặc cảm về ngoại hình. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu quy mô nhỏ được thực hiện. Kết quả nghiên cứu của Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Bác sĩ Trần Vũ Anh Đào và các cộng sự ở Bệnh viện Da liễu TPHCM trên 173 bệnh nhân cho thấy, 11 bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng “sợ xấu”, trong đó nữ giới chiếm 82.66% và độ tuổi trung bình rơi vào khoảng 30 – 32 tuổi.
Nhiều nghiên cứu khác cũng được thực hiện cho thấy, tỷ lệ bệnh khá cao ở những người thường xuyên phẫu thuật thẩm mỹ và thực hiện các phương pháp làm đẹp khác. Mặc cảm về ngoại hình là rối loạn tâm thần nên cần được thăm khám và điều trị. Trường hợp kéo dài có thể gây ra trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và đôi khi dẫn đến tự sát.
Nhận biết chứng mặc cảm về ngoại hình
Triệu chứng đặc trưng của hội chứng sợ xấu là người bệnh quá chú ý đến các khiếm khuyết trên cơ thể và cường điệu hóa nỗi lo về ngoại hình. Tỷ lệ bệnh nhân dao động trên dưới 2% nhưng trong đó có khoảng hơn 50% bệnh nhân can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ và 15% người bệnh thường xuyên đến thăm khám da liễu. Điều này cho thấy sự lo lắng về ngoại hình gây ra nhiều vấn đề đối với cuộc sống và tài chính của người bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng “sợ xấu”:
- Dành nhiều thời gian đứng trước gương để tìm ra những khuyết điểm về ngoại hình – đặc biệt là ở vùng mặt. Người mắc chứng bệnh này thường chú ý đến khiếm khuyết ở làn da, mũi, mắt và hình thể.
- Người mặc cảm về ngoại hình thường lo lắng về những khuyết điểm như da ngăm, lỗ chân lông to, nổi mụn, sẹo lồi, mắt 1 mí, tàn nhang, mũi tẹt, tóc mỏng thưa, không mượt mà, thân hình mập hoặc quá ốm, vóc dáng không cân đối,…
- Dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để chăm sóc sắc đẹp như ăn kiêng, tập thể dục, đắp mặt nạ, ủ tóc, dưỡng da, thử nhiều bộ quần áo,… Người bệnh mất ít nhất 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ra đường. Đặc điểm thường thấy ở người mắc hội chứng sợ xấu là hay tạo kiểu tóc cầu kỳ, quần áo thời trang, tươm tất, sử dụng nước hoa và trang điểm kỹ.
- Mặc dù người bệnh có ngoại hình khá ưa nhìn nhưng không bao giờ tự tin, luôn cho rằng bản thân xấu xí và sợ bị người khác chê cười, giễu cợt khiếm khuyết trên cơ thể.
- Không ngừng so sánh bản thân với người khác.
- Vì thường trực sự lo lắng về ngoại hình nên người bệnh hay hỏi ý kiến của những người xung quanh về ngoại hình của bản thân, cách ăn mặc, kiểu tóc,… Đồng thời thường xuyên đề cập đến việc có nên phẫu thuật thẩm mỹ và thực hiện các biện pháp làm đẹp hay không. Tình trạng không chỉ xảy ra một vài lần mà diễn ra dai dẳng trong một thời gian dài và người bệnh thường bày tỏ điều này với người thân hoặc bạn bè thân thiết.
- Luôn nỗ lực sửa chữa và cải thiện các khuyết điểm của bản thân bằng việc chăm sóc da, tập thể dục,… Một số người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để sở hữu ngoại hình vừa ý. Sau khi khắc phục khuyết điểm, người bệnh sẽ có cảm giác thoải mái và hài lòng. Tuy nhiên ngay sau đó, người bệnh sẽ nỗ lực tìm kiếm những khiếm khuyết khác, kể cả những khiếm khuyết rất nhỏ như tóc bạc, lỗ chân lông to, sẹo, thâm mụn, da sần sùi, lông mi thưa, ngắn,…
- Dấu hiệu khác của hội chứng sợ xấu là người bệnh rất nghiêm khắc trong chu trình dưỡng da, chế độ ăn uống và tập luyện để có thể sở hữu ngoại hình như mong muốn. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân quá cực đoan trong chế độ ăn và tập luyện quá mức khiến cơ thể suy kiệt.
- Một số người có nhận thức méo mó về cái đẹp và cho rằng bản thân bị dị dạng, không giống với người bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể giam mình trong phòng vì cho rằng bản thân rất xấu xí và sợ đi ra bên ngoài vì nghĩ mọi người sẽ chê cười bản thân.
- Nhạy cảm và quan tâm đến những lời nói của người khác về ngoại hình của mình. Nếu bị chê bai về cách ăn mặc, kiểu tóc, làn da,… người bệnh sẽ trở nên đau khổ và chăm chăm vào những khuyết điểm mà người khác nói đến.
- Trạng thái cường điệu hóa nỗi lo về ngoại hình khiến người bệnh luôn căng thẳng, lo lắng, buồn bã, u sầu, đau khổ,… Người mắc chứng bệnh này chỉ có thể cảm thấy thoải mái ngay sau khi khuyết điểm được cải thiện và tình trạng sẽ nhanh chóng quay trở lại vì người bệnh luôn tìm kiếm những điểm chưa hoàn hảo trên cơ thể.
Người mắc hội chứng “sợ xấu” lãng phí nhiều thời gian cho việc cải thiện ngoại hình và tiêu tốn tiền bạc cho các phương pháp thẩm mỹ đắt đỏ. Ngoài ra, việc quá chú tâm vào ngoại hình cũng khiến cho những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi và cho rằng người bệnh sống hời hợt, thiếu chiều sâu.
Người mắc chứng bệnh này khó khăn trong việc thăng tiến, ít mối quan hệ bạn bè, ngại hẹn hò, thiếu kỹ năng xã hội,… Một số người lo sợ người khác cười chê nên giam mình trong phòng và sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ xấu
Quan tâm đến ngoại hình là phản ứng thông thường. Một số người có thể chú ý hơn đến ngoại hình của bản thân do tính chất công việc, độ tuổi và đặc điểm tính cách. Tuy nhiên, điều này khác hẳn với hội chứng sợ xấu.
Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ xấu vẫn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu đã được thực hiện phần nào cho thấy vai trò của sang chấn tâm lý trong cơ chế bệnh sinh. Ngoài ra, những người có sẵn các rối loạn tâm thần và tính cách tự ti, nhút nhát sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ xấu:
- Gia đình có người thân (dù cùng huyết thống hay không) bị mặc cảm về ngoại hình sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Bởi sống chung trong một thời gian dài khiến trẻ học theo suy nghĩ, hành vi của người bệnh và dần dần phát triển các triệu chứng của hội chứng sợ xấu.
- Trường hợp gia đình quá xem trọng vẻ bề ngoài và có xu hướng đối xử bất công do con ngoại hình xấu sẽ có khả năng cao mắc chứng mặc cảm về ngoại hình.
- Gia đình tra tấn, vứt bỏ hoặc thờ ơ do con cái có ngoại hình không ưa nhìn.
- Bị tẩy chay, chế giễu vì ngoại hình mập mạp, xấu xí.
- Xã hội quá xem trọng ngoại hình dẫn đến việc khó khăn trong quá trình học tập và tìm kiếm việc làm cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ xấu. Đặc biệt quan điểm này ảnh hưởng sâu sắc đến phái nữ nên tỷ lệ nữ giới mắc bệnh thường cao hơn so với nam giới.
- Người có tính cách cầu toàn luôn theo đuổi sự hoàn hảo dễ bị ám ảnh về khiếm khuyết ngoại hình.
- Gen di truyền cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ xấu. Các chuyên gia nhận thấy, gen quy định các chất dẫn truyền thần kinh và cách thức não bộ hoạt động. Do đó, trẻ có thể di truyền gen mang bệnh và hình thành sự lo lắng quá mức về khiếm khuyết ngoại hình.
- Người có sẵn các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ăn uống,… sẽ có khả năng cao mắc hội chứng sợ xấu.
- Người từng bị tổn thương do ngoại hình không ưa nhìn (bị bỏ rơi, bạn đời phản bội,…) dễ hình thành sự ám ảnh về khiếm khuyết ngoại hình và có khả năng phát triển thành hội chứng sợ xấu.
- Tính cách nhút nhát, tự ti, thiếu bản lĩnh cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Bởi các chuyên gia nhận thấy, người có tính cách mạnh mẽ và quyết đoán sẽ biết cách vượt qua nghịch cảnh một cách lành mạnh, thay vì hình nỗi sợ và sự lo lắng thái quá về khiếm khuyết ngoại hình.
Cho đến nay, các yếu tố trên vẫn chỉ là giả thuyết do kết quả nghiên cứu không có sự đồng nhất. Hơn nữa, rất nhiều người có đầy đủ các yếu tố nguy cơ nhưng hoàn toàn không có biểu hiện mặc cảm về ngoại hình. Dù vậy, di truyền và các yếu tố tâm lý xã hội vẫn được xem là 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý này.
Mặc cảm về ngoại hình có ảnh hưởng gì không?
Hiện tại, hiểu biết về các vấn đề tâm thần nói chung và hội chứng sợ xấu nói riêng vẫn còn khá hạn chế. Nhiều người cho rằng, các biểu hiện của hội chứng này là do tính cách chú trọng đến ngoại hình và quan tâm quá nhiều đến hình thức. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong việc chăm chút cho ngoại hình là nỗi sợ, sự lo lắng dai dẳng về những khiếm khuyết ngoại hình.
Mặc cảm về ngoại hình khiến người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng, lo âu, sợ hãi bị cười chê, giễu cợt,… Nếu không được điều trị, các cảm xúc tiêu cực này sẽ trở nên sâu sắc theo thời gian khiến người bệnh có nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn cảm xúc và đôi khi phát triển chứng rối loạn ăn uống.
Người mắc hội chứng sợ xấu còn phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe do luyện tập quá độ, ăn uống kiêng khem và khả năng cao gặp phải các biến chứng do nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, dành quá nhiều thời gian cho các biện pháp làm đẹp cũng khiến cho người bệnh lơ đễnh việc học, nghề nghiệp, khó duy trì được các mối quan hệ thân thiết và khó khăn trong việc hẹn hò, kết hôn.
Người mặc cảm về ngoại hình phải đối mặt với áp lực tài chính do tiêu tốn quá nhiều tiền bạc cho phẫu thuật thẩm mỹ và thu nhập thấp vì không thể duy trì hiệu suất lao động ổn định. Các phiền toái trong cuộc sống cộng với những bất ổn về cảm xúc khiến người bệnh bi quan, tuyệt vọng, nghĩ đến cái chết và thực hiện hành vi tự sát. Có thể thấy, hội chứng sợ xấu gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, tài chính và những khía cạnh khác của cuộc sống. Chính vì vậy, thăm khám và điều trị sớm là vấn đề hết sức cần thiết.
7 Cách vượt qua mặc cảm ngoại hình (hội chứng sợ xấu)
Mặc cảm về ngoại hình khác với sự tự ti, nhút nhát. Bệnh lý này cần phải được thăm khám và điều trị y tế sớm để tránh những ảnh hưởng nặng nề về lâu dài. Hiện nay, chẩn đoán hội chứng sợ xấu chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và bác sĩ thường sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định.
Về cơ bản, hội chứng này có thể được kiểm soát bằng liệu pháp hóa dược và trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, để vượt qua mặc cảm về ngoại hình, bệnh nhân cần phải nỗ lực để thay đổi suy nghĩ và hướng đến những điều tích cực hơn.
Một số phương pháp giúp bệnh nhân vượt qua mặc cảm về ngoại hình:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý hay tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị hội chứng sợ xấu. Phương pháp này được thực hiện với mục tiêu giúp người bệnh điều chỉnh quan niệm, suy nghĩ về cái đẹp. Chuyên gia sẽ giúp người bệnh hiểu rằng ngoại hình không bao giờ quan trọng bằng tính cách và năng lực. Việc cải thiện ngoại hình chỉ bổ trợ để dễ dàng hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
Ngoài ra, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bệnh nhân hiểu rằng, bất cứ ai cũng có khiếm khuyết và đây là điều hoàn toàn bình thường. Thay đổi suy nghĩ có thể giảm thiểu sự lo lắng về khiếm khuyết ngoại hình và cải thiện được tình trạng người bệnh lo sợ về việc những người khác sẽ cười chê bản thân.
Hiện nay, liệu pháp nhận thức – hành vi là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị mặc cảm về ngoại hình. Phương pháp này giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ, nhận thức, qua đó giải tỏa cảm xúc và điều chỉnh hành vi theo chiều hướng tốt hơn. Liệu pháp nhận thức – hành vi cũng mang lại hiệu quả trong việc cải thiện những rối loạn tâm thần đi kèm như rối loạn ăn uống, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Ngoài những mục tiêu trên, trị liệu tâm lý còn hướng người bệnh đến lối sống lành mạnh, cải thiện tình trạng ăn uống kiêng khem quá mức, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ và tập thể dục quá độ. Sau khi trị liệu, bệnh nhân sẽ biết cách điều chỉnh cảm xúc và hiểu rõ giá trị của bản thân. Từ đó có thể sống vui vẻ, lạc quan và nỗ lực hoàn thiện bản thân theo cách lành mạnh nhất.
2. Liệu pháp hóa dược
Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự lo lắng, căng thẳng quá mức về khiếm khuyết ngoại hình. Do đó bên cạnh tâm lý trị liệu, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra, dùng thuốc còn giúp nâng đỡ tinh thần và phòng ngừa tình trạng hoảng loạn khi trị liệu tâm lý.
Đối với bệnh nhân đồng mắc với các rối loạn tâm thần khác, sử dụng thuốc được xem là phương pháp chính phải thực hiện song song với trị liệu tâm lý. Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mặc cảm về ngoại hình:
- Các loại thuốc chống trầm cảm
- Thuốc an thần, giải lo âu
- Các viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất và thuốc tái tạo tế bào thần kinh cho bệnh nhân suy nhược cơ thể do chế độ ăn uống, tập luyện cực đoan.
3. Chia sẻ với những người xung quanh
Hội chứng sợ xấu có thể khiến bệnh nhân bị cô lập vì những người xung quanh cho rằng người bệnh thiếu chiều sâu và quá quan tâm đến ngoại hình. Vì vậy, nên chia sẻ thật lòng với mọi người về bệnh tình của bản thân để nhận được sự hỗ trợ khi làm việc, học tập,…
Nỗi sợ, lo lắng về những khiếm khuyết ngoại hình khiến bệnh nhân luôn căng thẳng, buồn bã và đau khổ. Thay vì giữ kín những cảm xúc này, bệnh nhân nên chia sẻ với người thân và bạn bè. Lời khuyên và sự an ủi, động viên sẽ giúp người bệnh có động lực vượt qua bệnh tật.
4. Kết bạn với những người bị hội chứng sợ xấu
Đôi khi người bệnh không tìm thấy sự đồng cảm ở những người xung quanh vì họ vốn dĩ không hiểu được tâm lý phức tạp do hội chứng này gây ra. Do đó, hãy kết bạn với những người cùng mắc chứng mặc cảm về ngoại hình để thoải mái chia sẻ và giãi bày cảm xúc.
Bệnh nhân có thể liên hệ với chuyên gia tâm lý để được kết nối với mọi người. Ngoài việc giải tỏa cảm xúc, người bệnh có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người đã điều trị thành công. Điều này góp phần rất quan trọng trong việc vượt qua nỗi sợ về khiếm khuyết ngoại hình và xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực.
5. Tham gia các hoạt động ý nghĩa
Nếu giam mình trong phòng, người bệnh sẽ đứng hàng giờ trước gương để tìm những khiếm khuyết trên cơ thể. Vì vậy, nên hạn chế khoảng thời gian rảnh rỗi bằng cách tham gia các hoạt động có ý nghĩa như hiến tóc, hiến máu, tham gia các câu lạc bộ ở phường, khu phố, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tham gia công tác xã hội,…
Các hoạt động này mang lại niềm vui và giúp người bệnh quên đi sự lo lắng, căng thẳng về khiếm khuyết ngoại hình. Hơn nữa, các hoạt động ý nghĩa cũng sẽ giúp bệnh nhân hiểu ra rằng giá trị của bản thân không nằm ở ngoại hình. Ngoài ra, khi nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn, người bệnh sẽ có ý thức nỗ lực làm việc và hoàn thiện bản thân để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
6. Tránh xa nguồn thông tin tiêu cực
Những thông tin tiêu cực với nội dung bị tẩy chay, bỏ rơi và ngược đãi do ngoại hình xấu khiến cho nỗi sợ về khiếm khuyết ngoại hình tăng lên. Vì vậy, người bệnh nên tránh xa những nguồn thông tin này.
Có thể tìm những câu chuyện truyền cảm hứng để hiểu ra rằng, thành công bắt nguồn từ sự nỗ lực và năng lực thực sự. Ngoài ra, gia đình cũng cần hỗ trợ người bệnh trong việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe để tránh tình trạng ăn uống kiêng khem, tập thể dục quá độ và nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.
7. Học cách giải tỏa căng thẳng
Quá chú tâm đến những khiếm khuyết ngoại hình khiến cho bệnh nhân luôn căng thẳng, lo âu, bi quan, buồn chán,… Vì vậy ngoài những biện pháp trên, cần học cách giải tỏa stress. Nếu không giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, tình trạng sẽ trở nên sâu sắc hơn theo thời gian dẫn đến một loạt các rối loạn tâm thần.
Có khá nhiều biện pháp giải tỏa stress bệnh nhân có thể áp dụng như tập yoga, ngồi thiền, massage, liệu pháp mùi hương và sử dụng một số loại trà thảo mộc. Ngoài ra, dành thời gian cho gia đình và bạn bè cũng là cách cân bằng cảm xúc hữu hiệu.
Mặc cảm về ngoại hình là rối loạn tâm thần cần được thăm khám và điều trị y tế. Bệnh lý này khác hẳn với tâm lý tự ti và không hài lòng với ngoại hình. Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để tránh những hậu quả về lâu dài.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối Loạn Cảm Xúc Có Chữa Được Không? Có Tự Khỏi Không?
- Rối loạn Stress sau sang chấn tâm lý (PTSD): Biểu hiện và điều trị
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: Nguyên nhân và cách chữa trị
Từ khóa » Xóa Bỏ Mặc Cảm Ngoại Hình
-
Xóa Bỏ Mặc Cảm Về Ngoại Hình - VnExpress Đời Sống
-
Ám ảnh Mặc Cảm Ngoại Hình Hay Bệnh Rối Loạn Khiếm Khuyết Cơ Thể
-
Mặc Cảm Về Ngoại Hình (Hội Chứng Sợ Xấu) Và Cách Vượt Qua
-
Chỉ Dẫn Giúp Teengirls Xoá Bỏ Mặc Cảm Về Ngoại Hình - Kenh14
-
Mặc Cảm Ngoại Hình (hội Chứng “sợ Xấu”) - Hello Bacsi
-
Mặc Cảm Về Ngoại Hình (Hội Chứng Sợ Xấu) Và Cách Khắc Phục
-
Cách Vượt Qua Mặc Cảm Ngoại Hình để Sống Hạnh Phúc Hơn.
-
Mặc Cảm Ngoại Hình: Những Bất An Về Vẻ Bề Ngoài đến Từ đâu?
-
Làm Sao để Vượt Qua Mặc Cảm Ngoại Hình? - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Xóa Bỏ Mặc Cảm Ngoại Hình
-
[Tâm Lý] Vượt Qua Mặc Cảm Về Ngoại Hình Của Bản Thân - YBOX
-
Chứng Mặc Cảm Ngoại Hình (Hội Chứng “Sợ Xấu”) - Dr.Tân
-
Nỗi Mặc Cảm Ngoại Hình Sinh Ra Từ đại Dịch - Đời Sống - Zing News