Màu Nước Tiểu Tiết Lộ Gì Về Sức Khỏe - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Nước tiểu là hỗn hợp nước, chất điện giải và chất thải mà thận lọc ra khỏi máu. Nước tiểu từ lâu đã là một công cụ hữu ích để chẩn đoán bệnh trong y học. Nó có thể có nhiều màu sắc và mỗi màu mang những ý nghĩa khác nhau. Màu sắc nước tiểu chủ yếu phụ thuộc vào mức độ pha loãng của sắc tố urochrome được tạo ra khi phân hủy hemoglobin (protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu).
Các chuyên gia tiết niệu cho hay màu sắc nước tiểu thay đổi một chút mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường nhưng nó phải ở trong một phạm vi màu vàng nhất định. Nếu màu nước tiểu thay đổi quá nhiều và có màu lạ, nguyên nhân có thể do thực phẩm, thuốc hoặc thuốc nhuộm thực phẩm gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự thay đổi này là do các vấn đề sức khỏe bất thường như tình trạng gan, nhiễm trùng tiết niệu hoặc sỏi thận.
Không màu hoặc trong suốt
Điều này có nghĩa là bạn đang uống nhiều nước. Dù hiếm khi một người uống quá nhiều nước, nếu nước tiểu không có màu, hãy cắt giảm lượng nước một chút. Việc này cũng giúp giảm số lần đi vệ sinh.
Đục hoặc có bọt
Những thay đổi về độ quánh của nước tiểu, bao gồm vẩn đục hoặc có bọt, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, thừa một số khoáng chất, triệu chứng của bệnh mạn tính hoặc dấu hiệu của bệnh thận.
Trong một số trường hợp, đây cũng là một dấu hiệu của tình trạng mất nước. Một nguyên nhân khác có thể là do ăn nhiều thịt đỏ hoặc đang áp dụng chế độ ăn kiêng keto (ăn nhiều chất béo và ít tinh bột).
Vàng hoặc vàng nhạt
Khi cơ thể khỏe mạnh, nước tiểu có màu vàng nhạt đến vàng. Việc thường xuyên để ý đến màu nước tiểu rất có ích để sớm nhận biết màu sắc nào bình thường và màu nào là bất thường.
Màu vàng tươi
Nếu thói quen buổi sáng của bạn là uống một ít vitamin và chất bổ sung, đây có thể là lý do đằng sau màu nước tiểu vàng tươi. Điều này là vô hại và chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn đang bổ sung nhiều vitamin hơn mức cơ thể cần. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cắt giảm loại vitamin nào cơ thể không cần nhiều.
Màu nâu
Nước tiểu màu nâu có thể là bạn đang bị mất nước nghiêm trọng hoặc bị bệnh gan. Nếu bạn bị ung thư hắc tố da, cơ thể của bạn có thể đang bổ sung thêm sắc tố da trong quá trình hình thành chất thải lỏng.
Nước tiểu màu nâu có thể bị nhầm thành màu đỏ sẫm do máu. Màu nâu cũng có thể do tiêu thụ nhiều đậu tằm, lô hội hoặc cây đại hoàng. Các loại thuốc khiến nước tiểu của bạn có màu nâu bao gồm thuốc điều trị nhiễm trùng hoặc thuốc ngăn ngừa bệnh sốt rét.
Đỏ và hồng
Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng có thể có nhiều cấp độ khác nhau. Điều này có thể có nghĩa là có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, khối u hoặc một vấn đề về tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể đơn giản là do ăn quả việt quất, củ cải đường hoặc cây đại hoàng, hoặc gần đây bạn đã thực hiện các hoạt động gắng sức.
Màu cam
Nước tiểu màu cam có thể có nghĩa là cơ thể đang bị mất nước và cần nước. Đó cũng có thể là bạn bị bệnh gan hoặc ống mật. Một nguyên nhân khác có thể là do ăn một lượng lớn cà rốt hoặc nước ép cà rốt, hoặc bạn ăn thứ gì đó có thuốc nhuộm thực phẩm. Nhiều loại thuốc cũng có thể khiến nước tiểu có màu cam, bao gồm thuốc chống viêm, thuốc điều trị bệnh lao, một số thuốc nhuận tràng và một số loại thuốc hóa trị liệu.
Màu xanh
Màu xanh lục hoặc xanh lam của nước tiểu không phổ biến, bởi có thể là do một bệnh di truyền hiếm gặp hoặc do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra. Cũng có thể đó là do thuốc hoặc chất nhuộm màu thực phẩm mà bạn đã ăn. Các loại thuốc có thể làm cho nước tiểu có màu xanh lam là thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc gây mê...
Màu tím
Màu tím là màu duy nhất có một hội chứng được đặt tên theo nó: hội chứng nước tiểu màu tím. Điều này xảy ra trong một số trường hợp hiếm hoi khi bệnh nhân sử dụng ống thông tiểu đồng thời bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khi nào cần đi khám
Đôi khi những thay đổi đối với nước tiểu của một người là tạm thời và vô hại, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Bất cứ khi nào thấy máu trong nước tiểu hoặc nhận thấy nó có màu nâu hoặc màu cam, hãy tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị. Đặc biệt là nếu sự đổi màu kéo dài hơn một ngày hoặc đi kèm với đau lưng hoặc bên hông, sốt, nóng rát khi đi tiểu, nôn mửa, tiết dịch hoặc khát.
Tiểu ra máu là dấu hiệu phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc ung thư đường tiết niệu. Nước tiểu màu nâu hoặc màu da cam có thể do gan bị trục trặc, đặc biệt nếu đi kèm với phân nhạt màu, mắt và da vàng.
Ngoài màu sắc nước tiểu, hãy chú ý đến cả mùi nước tiểu khi đi vệ sinh. Những thay đổi về mùi có thể do một loạt các bệnh lý cơ bản gây ra nhưng cũng có thể do thức ăn.
Anh Ngọc (Theo Denver Urology)
Từ khóa » Chẩn đoán Bệnh Qua Màu Của Nước Tiểu
-
Đoán Bệnh Qua Màu Nước Tiểu Bất Thường - VietNamNet
-
Đoán Bệnh Qua Màu Nước Tiểu - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Màu Sắc Nước Tiểu Báo Hiệu điều Gì Về Sức Khỏe Của Bạn? - CarePlus
-
Nước Tiểu: Màu Sắc, Mùi Và Sức Khỏe Của Bạn - Vinmec
-
Màu Nước Tiểu Phản ánh Sức Khỏe Của Bạn Như Thế Nào? - YouMed
-
Màu Sắc Nước Tiểu Báo Hiệu Gì Về Vấn đề Sức Khỏe Của Bạn?
-
Nhìn Màu Nước Tiểu đoán Tình Trạng Sức Khỏe - Medlatec
-
Chẩn đoán Bệnh Qua Nước Tiểu Dự Báo Tuyệt Vời
-
Nhìn Màu Sắc Nước Tiểu đoán Bệnh Cực Chuẩn - Báo Người Lao động
-
Đoán Bệnh Qua Màu Nước... - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Phú Thọ
-
Màu Sắc Nước Tiểu Phản ánh điều Gì?
-
Đoán Bệnh Qua Màu Sắc Nước Tiểu | BvNTP
-
Soi Màu Nước Tiểu đoán Bệnh Cực Chuẩn! - Bệnh Học 4 Phương
-
Nước Tiểu Màu đỏ Là Bệnh Gì & Nguy Hiểm Không [ Giải Đáp ]