Miền Nam Và Danh Hiệu “Thành đồng Tổ Quốc” - Thế Giới Di Sản

Chúng ta đều biết, sự gây hấn của quân đội Pháp là xuất phát từ âm mưu của chúng quyết tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Và sự gây hấn của quân đội Pháp đã được sự che trở của quân Anh và quân đội Nhật tại Sài Gòn. Hai sư đoàn thiết giáp của Anh và gần 2 vạn quân Nhật đã yểm trợ cho 6 ngàn lính Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Chỉ huy quân đội Anh lúc đó, tướng Douglas D.Graccy đã ra lệnh cho quân đội Nhật tước vũ khí của người Việt Nam, đuổi Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ ra khỏi Dinh Toàn quyền tại Sài Gòn.

Trước thái độ kiêu căng của thực dân Pháp nhân dân Sài Gòn đã ở tư thế sẵn sàng làm mọi việc chống Pháp để giữ vững nền độc lập. Vì vậy, ngay rạng sáng ngày 23-9-1945, Hội nghị Liên tịch giữa Xứ ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban kháng chiến và đại diện của Tổng bộ Việt Minh đã họp cấp tốc tại số nhà 107 đường Cây Mai (Chợ Lớn), hạ quyết tâm chiến đấu. Hội nghị đã thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn do Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Hội nghị đã thông qua bản hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Cũng ngay buổi sáng hôm đó, chính quyền Nam Bộ đã nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến.

Những tin tức đầu tiên về cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn đã làm rung động cả nước. Ngày 24-9, ngay sau khi nhận được tin, Chính phủ Việt Nam DCCH đã gửi Huấn lệnh cho nhân dân Nam Bộ. Báo Cứu Quốc ngày hôm đó đã đăng toàn văn Huấn lệnh này. Trong đó có đoạn: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục mà còn chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm độc lập của dân tộc Việt Nam…Trong giờ phút nghiêm trọng này, Chính phủ kêu gọi đồng bào yêu quý Nam Bộ phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, dũng cảm và thận trọng, kiên quyết và trấn tĩnh, nghe theo lời Chính phủ, đưa cuộc giải phóng của chúng ta đến bước thắng lợi cuối cùng…”.

Nhân dân Sài Gòn đấu tranh giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: internet

Ngày 25-9-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp một số người khách quốc tế, nêu rõ âm mưu của Pháp, Người nói: “Cuộc chiến tranh không tuyên bố” giữa Pháp và Việt Nam đã bắt đầu và “cuộc xung đột công khai” cũng không còn xa nữa. Người cũng khẳng định, nhân dân Việt Nam đang “triển khai kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lâu dài chống người Pháp.”

Ngày 26-9-1945, qua làn sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Bác gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định niềm tin và quyết tâm của đồng bào cả nước. “…Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ “thà chết tự do còn hơn là sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ chiến sỹ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta…”

Sau khi gây hấn ở Sài Gòn, thực dân Pháp đã từng bước mở rộng phạm vi chiến tranh, muốn nhanh chóng thực hiện âm mưu thống trị nước ta một lần nữa. Khi chiến tranh lan đến Nam Trung Bộ, Bác Hồ lại kịp thời gửi thư động viên đồng bào và chiến sỹ, rằng tất cả đồng bào ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã không biết bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta; Rằng đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt, hồi hộp và cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu Tổ quốc.

Nhân dân ngoại thành với tầm vông vạt nhọn kéo vào nội thành tham gia Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, năm 1945. Ảnh: internet

Không chỉ ca ngợi cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi nhân dân cả nước hướng về miền Nam bằng hành động cụ thể của mình. Người nêu rõ: Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn, thực hiện khẩu hiệu: “tấc đất tấc vàng”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và tiếp tế cho bộ đội.

Hướng về Nam Bộ, nhiều thanh niên các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã xung phong tình nguyện vào miền Nam. Cùng với việc thành lập các đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ kháng chiến cũng ra đời. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội đầu tiên, khai mạc tại Hà Nội ngày 2-3-1946, Chính phủ Kháng chiến (còn gọi là Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến) đã ra đời. Đọc Báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ Kháng chiến, Bác Hồ tuyên thệ: “Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin kiên quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn, dù phải hy sinh tính mạng cũng không từ. ” Trước khi Quốc hội bế mạc, phát biểu cảm ơn, Bác nói: Chúng ta cùng hứa với nhau rằng, Quốc hội lần này là Quốc hội Kháng chiến, mà Chính phủ cử ra là Chính phủ Kháng chiến. Tôi mong rằng, Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi.

Ảnh: internet

Ngay sau khi Quốc hội bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đã được triệu tập để bàn về những vấn đề quan trọng để chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ cũng như chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trong cả nước và như chúng ta biết, cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đã nổ ra mấy tháng sau đó và kéo dài 9 năm ở miền Bắc và miền Nam cuộc chiến đấu kéo dài sau 30 năm.

Tháng 9 chúng ta có ngày “Tết Độc lập.” Và tháng 9 chúng ta còn có ngày bắt đầu cuộc kháng chiến để  thực hiện lời thề tự do và độc lập mà đồng bào Nam Bộ đã anh dũng đi đầu. Tháng 2-1946, thay mặt Chính phủ, Bác Hồ đã tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang: Thành đồng Tổ quốc.

TS Nguyễn Thị Tình

Từ khóa » Thành đồng Tổ Quốc Nghĩa Là Gì