Nam Bộ Kháng Chiến - Thành đồng Tổ Quốc "đi Trước Về Sau" - VOV2
Có thể bạn quan tâm
Rạng sáng 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập bao lâu và dù gặp rất nhiều khó khăn khi phải đương đầu với quân đội nhà nghề khi trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, song trước “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, quân và dân Nam Bộ đã nêu cao tinh thần quyết tâm kháng chiến chống quân xâm lược.
Ngay khi quân Pháp nổ súng xâm lược, sáng 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ triệu tập Hội nghị tại đường Cây Mai, quyết định phát động toàn dân kháng chiến, thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; đồng thời gửi điện xin chỉ thị Trung ương. Trong “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ” đã xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Bước vào kháng chiến, quân và dân Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, chưa có nhiều vũ khí, tài chính, lực lượng, chưa xây dựng được căn cứ địa, chiến khu... Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách là phải thống nhất tổ chức đảng, kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất, làm cơ sở để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và thực lực kháng chiến.
Ngày 15/10/1945, Hội nghị cán bộ đảng Nam Bộ nhất trí giải thể hai Xứ ủy (Tiền Phong và Giải phóng), thành lập Xứ ủy Nam Bộ thống nhất do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Mười ngày sau, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng được tổ chức tại Thiên Hộ (Mỹ Tho), bàn chủ trương củng cố, kiện toàn hơn nữa hệ thống tổ chức đảng trên toàn Nam Bộ, thống nhất lực lượng vũ trang, đồng thời cử đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy thay đồng chí Tôn Đức Thắng. Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Chính sự thống nhất về tổ chức đảng - cơ quan lãnh đạo kháng chiến toàn Nam Bộ đã tạo cơ sở cho việc xây dựng, củng cố chính quyền và các tổ chức, đoàn thể cách mạng. Bên cạnh đó, sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, kịp thời đề ra đường lối, chủ trương sát đúng đã tạo tiền đề, điều kiện căn bản để cuộc kháng chiến từng bước phát triển về mọi mặt".
Ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ.
Ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào Nam Bộ bức thông điệp thể hiện niềm tin vào “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”.
Ngày 27/9/1945, Chính phủ Trung ương gửi Huấn lệnh cho Nam Bộ.
Ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, trong đó xác định rõ những “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ”.
Ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước...”.
Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Thời gian đã lùi xa 76 năm, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến đã được kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: “Bài học thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kịp thời đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Bài học thứ hai là tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc cho toàn dân. Và một điều luôn luôn được khẳng định, đó là Bắc - Nam là một nhà, Bắc - Nam là máu thịt”.
Tinh thần Nam Bộ kháng chiến cũng là sự khẳng định và thể hiện khát vọng và ý chí không gì lay chuyển được của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Để đến hôm nay, hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” tiếp tục được thể hiện và phát huy, mọi người dân cùng chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong mỗi chặng đường đất nước...
Mời nghe âm thanh tại đây:
Từ khóa » Thành đồng Tổ Quốc Nghĩa Là Gì
-
Mãi Xứng đáng Là Thành đồng Tổ Quốc
-
Từ điển Tiếng Việt "thành đồng Tổ Quốc" - Là Gì?
-
“Thành đồng Tổ Quốc” Mãi Mãi Vang Danh - Báo Bạc Liêu
-
MẢNH ĐẤT "THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC" - Báo Người Lao động
-
'thành đồng Tổ Quốc' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Sáng Mãi Danh Hiệu Vẻ Vang “Thành đồng Tổ Quốc”
-
Nam Bộ Xứng Danh 'Thành đồng Tổ Quốc' - Báo Nghệ An
-
Nam Bộ Xứng đáng Là Bức Thành đồng Vững Chắc Của Tổ Quốc
-
Miền Nam Và Danh Hiệu “Thành đồng Tổ Quốc” - Thế Giới Di Sản
-
Từ Thành Nam đến Miền Nam “Thành đồng Tổ Quốc” - Báo Nhân Dân
-
Nam Bộ Là “thành đồng Tổ Quốc” - Báo Bình Phước
-
Thành đồng Tổ Quốc... - Báo Hà Tĩnh
-
Miền Nam “Thành đồng Tổ Quốc” - Tạp Chí Xây Dựng Đảng
-
Tinh Thần "Thành đồng Tổ Quốc" - Faa@.vn