Nam Bộ Là “thành đồng Tổ Quốc” - Báo Bình Phước

Nhân dân Nam bộ trong những ngày kháng chiến năm 1945 - Ảnh tư liệu

Ngày 19-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội. Một tuần sau, ngày 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn và Nam bộ cũng giành được chính quyền. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cũng ngày ấy, hàng triệu người dân Nam bộ đã kéo về Sài Gòn tổ chức mít tinh chào đón độc lập. Đất nước non trẻ ra đời chưa được 1 tháng thì quân xâm lược đã quay trở lại Sài Gòn, thẳng tay dùng vũ lực hòng xóa đi thành quả của cách mạng mới giành được. Giữa đêm 23-9-1945, quân Pháp đồng loạt tấn công các vị trí của chính quyền cách mạng và tiếng súng đáp trả cũng lập tức nổ vang khắp nơi. Sáng hôm sau, lời kêu gọi chiến đấu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã đến với hàng triệu người: “Độc lập hay là chết!... Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược!”

Ngay từ ngày đầu tiên, nhân dân Sài Gòn đã tổng đình công, không hợp tác với địch. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng chặt, chợ không họp, các ụ chiến đấu mọc lên khắp phố phường. Đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả, ngăn chặn không cho địch phá, giáng cho chúng những đòn quyết liệt. Kế hoạch dự tính bình định Nam bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Quân và dân Sài Gòn được sự chi viện của các tỉnh lân cận đã tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà, ngõ phố, giam chân địch suốt một tháng trời. Thiếu niên Lê Văn Tám làm ngọn đuốc sống chạy vào đốt kho xăng dầu ở Thị Nghè đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước khắp nơi, trở thành một tấm gương sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tin tức đầu tiên về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc. Phong trào Nam tiến xuất hiện khắp nơi. Các chi đội giải phóng quân được thành lập, ra đi với quyết tâm cứu nước, khí thế bừng bừng. Từ vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp, bảo vệ non sông yêu dấu. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân và dân miền Nam xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Bác Hồ trao tặng (tháng 2-1946): “Thành đồng Tổ quốc”.

Nhân dân Nam bộ đi trước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với khí thế hào hùng như thế. Trong cuộc kháng chiến 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp, nhân dân Nam bộ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề là chiến trường phối hợp, tiêu hao lực lượng địch tạo điều kiện cho chiến trường miền Bắc đánh những đòn tiêu diệt lớn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, Nam bộ là chiến trường chính và lại đi trước trong cuộc đấu tranh vũ trang. Khi có nghị quyết của Đảng, toàn dân Nam bộ đã lập tức vùng lên làm cuộc đồng khởi và mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang, đánh bại quân xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Miền Nam đã về đích độc lập, tự do sau cả nước 21 năm nhưng đó là cuộc “về sau” đầy vinh quang, vì miền Nam đã gánh chịu những hy sinh, gian khổ lớn lao nhất cho cả nước. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Miền Nam đi trước về sau/Bước đường cách mạng dài lâu đã từng/Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/Gió càng lay càng vững thành đồng...”. 70 năm đã đi qua nhưng cái ngày mà triệu triệu người dân Nam bộ “nhịp chân tiến ra trận tiền” vẫn còn mãi âm vang trong mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam, thôi thúc chúng ta vững tin vào sự nghiệp xây dựng, kiến tạo đất nước giàu mạnh.

Hà Thanh

Từ khóa » Thành đồng Tổ Quốc Nghĩa Là Gì