Mô Hình Trồng Lan Mokara - Tạo Hướng đi Mới Cho Nông Nghiệp Nông ...

Chị Văn Hồng Dạ Thảo đến với nghề trồng hoa lan từ năm 2012. Nhận thấy trồng lan Mokara cắt cành không chỉ “hái ra tiền” mà còn làm đẹp cho đời. Không bỏ lỡ cơ hội, chị nhanh chóng đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm và đặt hàng mua cây giống với ý định sẽ triển khai mô hình tại xã Xuân Thới Đông.

Chị Thảo cho biết, việc trồng và chăm sóc lan đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Do đó, nếu người chơi lan không trang bị sẵn kiến thức thì việc chăm sóc lan sẽ rất khó khăn, nhất là khi giống cây bị yếu do sâu bệnh, môi trường… Để lựa chọn được cây lan giống chất lượng đòi hỏi người chăm sóc phải tìm hiểu và có một lượng kiến thức nhất định về giống cây này…

Nhằm tích luỹ kinh nghiệm, chị Thảo đã đến nhiều vườn lan để tìm hiểu về cách chăm sóc lan của chủ vườn, học kinh nghiệm của người trồng lan trên các diễn đàn, mạng xã hội, tham khảo ý kiến của cộng đồng chơi lan để rút ra cho bản thân những kiến thức trồng lan hiệu quả nhất.

Theo chị Thảo, trồng loài hoa này ít tốn thời gian chăm sóc, nhưng thu lợi hơn hẳn các loài hoa khác. Khi cây đã lên xanh tốt, đến kỳ cứ thế trổ bông. Nhiều hôm, thả sức làm việc khác mà không cần ngó ngàng đến vườn nhưng vẫn yên tâm.

Với kinh nghiệm học tập, đến nay vườn lan của chị đã có trên 2.000 cây cho thu hoạch. Mỗi tháng chị cắt được từ 1.000 bông, với giá bán dao động từ 5.000-7.000 đồng/bông, giúp chị thu về hơn 6 triệu đồng, trừ chi phí chị còn lãi trên 3 triệu đồng. Đặc biệt vào mỗi dịp Xuân về, hoa lan của chị được khách từ các nơi về mua, những khách quen cũng hay đặt hàng chị thảo mua về biếu hoặc tặng người thân.

Ngoài thu nhập từ trồng lan Mokara, mỗi dịp Tết, chị và gia đình còn trồng thêm giống hoa lan Hồ điệp với hơn 200 chậu có nguồn gốc từ Đà Lạt, thu nhập từ loại lan này sau khi trừ tất cả các hi phí mang về lợi nhuận trên 3 triệu đồng.

Chia sẻ về nghề trồng hoa, chị Thảo bộc bạch: “Do điều kiện kinh tế nên bản thân tôi tự chăm sóc vườn lan không mướn nhân công. Đây là một mô hình kinh tế hiệu quả ổn định, nếu ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây lan cứ tìm đến tôi sẽ hỗ trợ.”

Bày tỏ thêm về nghề trồng hoa, chị cho biết, nghề nông tuy vất vả nhưng cũng có nhiều niềm vui nhất là vừa được thỏa niềm đam mê yêu thích hoa, vừa mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, giúp chị cùng chồng chăm sóc tốt hơn cho 2 đứa con. Trong tương lai gần, chị đang có kế hoạch mở rộng quy mô. Dự kiến trong năm 2022, chị tiếp tục trồng thêm nhiều giống lan quý hiếm cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Xuân Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Đông nhận xét về mô hình kinh tế của chị Thảo: Mô hình trồng lan Mokara cắt cành của chị Thảo là mô hình đáng để nông dân học tập. Đặc biệt, đối với những chị em có diện tích đất ít, ngoài mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, mô hình đã góp phần tạo hướng đi mới cho nông nghiệp nông thôn. Đối với chị Thảo, ngoài là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chị luôn tích cực, hăng hái tham gia các phong trào hoạt động của tổ chức hội, nhiệt tình ủng hộ tinh thần, vật chất hỗ trợ nông dân khó vươn lên thoát nghèo…

Từ khóa » Người Nông Dân Trồng Lan