MỘC Là CÂY - Tống Phước Hiệp Vĩnh Long
Có thể bạn quan tâm
Theo âm dương ngũ hành thì Đông phương Giáp Ất Mộc. Nên hành Mộc thuộc hướng đông. Mộc 木 là tên gọi chung của tất cả cây cỏ lá hoa, nên ta lại có từ Thảo Mộc 草木 để chỉ chung cho các loài thực vật. Cỏ cây hoa lá sinh sôi nẩy nở được là nhờ ánh nắng của ba tháng mùa xuân, nên ông bà ta lại có câu :
Hướng dương hoa mộc tảo phùng xuân 向陽花木早逢春 Có nghĩa : Hoa cỏ nào hướng về ánh nắng mặt trời thì sẽ đón nhận mùa xuân sớm ngay từ ánh nắng ban đầu của mùa xuân !
Mộc là Cây cỏ thực vật có hình dáng hẵn hoi, nên chữ Mộc cũng thuộc dạng chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy : Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn và Đại Triện đều là hình vẽ của một cây con có hai lá mầm đưa lên trên và hai nhánh rể ăn xuống dưới; cho đến Tiểu Triện thì các nét vẽ được nối lại cho liền lạc và khi đến chữ Lệ thì các nét đã được kéo thẳng ra thành các biểu tượng của chữ viết như ngày hôm nay : MỘC 木 là Cây Cối.
MỘC 木 còn là Kiều Mộc 喬木 là loại cây có thân cao to thẳng đứng. Chương Chu Nam trong Kinh Thi có bài : 南有乔木, Nam hữu kiều mộc, 不可休思. Bất khả hưu tư. Có nghĩa : Phía nam có cây kiều mộc, mà… Ta không thể nghỉ ngơi dưới cây nầy được !
Kiều Mộc là cây cao bóng cả, tại sao lại không thể hóng mát dưới cây được ? À thì ra còn hai câu sau nữa : 漢有游女, Hán hữu du nữ, 不可求思。 Bất khả cầu tư. Có nghĩa : Bên dòng sông Hán có cô gái đang bơi lội trên đó, mà ta không thể cầu xin nhớ nhung được ( Ý nói : Không thể tỏ tình để yêu nàng được ).
Xin được diễn Nôm bài Kinh Thi đó theo Ca dao của ta như sau :
Phía nam cao ngất có cây, Ta không thể hóng mát ngay dưới tàn. Bên sông Hán thủy có nàng, Thầm thương trộm nhớ ai màng đến ta !
Người mà chàng yêu dấu, có thể gặp mà không thể cầu. Đối tượng mà chàng trai theo đuổi chẳng ở đâu xa, chỉ ở bên kia sông thôi, có thể nhìn thấy nàng nhưng không thể tiếp cận với nàng được, chỉ mãi mãi tương tư tưởng nhớ về nàng và biết sẽ mãi mãi không bao giờ có được nàng. Vì sao ? thì người đọc tự suy diễn và tự hiểu lấy !
Ngoài Kiều Mộc 喬木 ra, ta còn có từ Cù Mộc 樛木, cũng là một loại cây to nhưng thân uốn lượn bên dưới thẳng bên trên, cành lá xum xuê như cây sồi, cây da… Chương Chu Nam Quốc Phong trong Kinh Thi cũng có bài :
南有樛木, Nam hữu cù mộc, 葛藟累之。 Cát lũy luy chi. 乐只君子, Lạc chỉ quân tử, 福履绥之。 Phúc lý tuy chi.
Có nghĩa : Phương nam cù mộc một cây, Kóc kèn bìm bịp mọc đầy leo quanh. Vui thay quân tử chí thành, Trên hòa dưới thuận yên lành tề gia.
Cù Mộc cũng là cây cao bóng cả, chỉ người chồng và vợ lớn, còn Cát Lũy 葛藟 là Dây sắn, dây bìm bịp, kóc kèn leo quanh cây Cù Mộc, được ví như vợ bé vợ mọn. Cô Kiều đã mượn ý nầy để ví với thân phận lẻ mọn của mình khi về với Thúc Sinh là :
Sắn Bìm chút phận con con, Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
và… Khi khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư là vợ cả, cô Kiều cũng đã biết thân biết phận của mình mà nói với Thúc đừng có :
Mặn tình Cát Lũy, nhạt tình tào khang.
Trong đoạn kết của Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du lại mượn hình tượng của cây Cù Mộc để ví với cái gia đình vinh hiển của Kim Trọng là :
Thừa gia chẳng hết nàng Vân Một cây Cù-Mộc, một sân quế hòe,
Một sân Quế Hòe chỉ Thúy Vân sanh nhiều con trai và đều thành đạt.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng cho nàng cung nữ ngao ngán cho cái thân phận phải chờ đợi của mình là :
Ngán thay cái én ba nghìn, Một cây Cù-Mộc biết chen cành nào ?
Mộc 木 là Cây, nhưng song mộc liền nhau thì không phải là Cây nữa mà là LÂM 林 là Rừng, theo như câu nói của các ông Đồ Nho ngày xưa :
Song mộc thành lâm 雙木成林 và… Tam mộc thành sâm 三木成森 Có nghĩa : Ba cây chồng lên nhau là Rừng Rậm.
Nên… Độc mộc bất thành lâm 獨木不成林 Có nghĩa : Một cây thì không thành rừng được.
như ông bà ta đã nói : Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên… hòn núi cao.
Nhưng trong chữ Nho thì có tới.. 5 cây lận, 5 chữ Mộc ghép lại thành một Từ. Đó là từ : SÂM LÂM 森林 : có nghĩa là Rừng Rậm âm u che khuất cả ánh sáng mặt trời, như câu hát mở đầu bài ” Chiều Trong Rừng Thẳm ” của tác giả Anh Việt :
Trong rừng xa vắng âm u nhuộm ánh sương mờ…
Tiếng gió rít lên . . . ngàn cây xác xơ…
làm cho tôi nhớ lại hồi nhỏ hay nghe các cô chú lớn tuổi hơn sửa lời hát lại thành :
Cô mười cô chín hai cô anh muốn cô nào? Lén lén dắt đi… đừng cho má nó hay !…
Mộc 木 là Cây, Nhưng nếu ghép với bộ Nhân 亻 là Người ở bên trái thì đọc là HƯU 休 theo phép Hội Ý là Người đứng hay ngồi dựa vào cây, nên có nghĩa là Nghỉ Ngơi. Từ đó ta có các nghĩa phát sinh là Hưu Trí, về Hưu, nghỉ Hưu …
Mộc 木 là Cây, Nhưng nếu thêm một nét ngang ngắn phía trên để chỉ phần ngọn, thì đọc là VỊ 未, có nghĩa là CHƯA, chỉ phần cây còn chưa lớn. Vị Ngộ 未遇 là Chưa gặp, ý chỉ Chưa gặp thời, như một câu trong bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ là :
Lúc Vị Ngộ hối tàng nơi bồng tất có nghĩa là : Khi chưa gặp thời còn ở ẩn trong gian nhà cỏ. Và ta lại nhớ đến câu thơ của La Ẩn là :
Ngã Vị công thành khanh Vị giá 我未功成卿未嫁 là…. Ta Chưa đậu đạt nàng Chưa gả !
Nhưng nếu nét ngang ngắn nằm ở phía dưới nét ngang dài, thì ta có chữ MẠT 末, có nghĩa là Cuối, là Tận Cùng. Như Mạt Lộ 末路 là Cuối đường, là cùng đường. Anh Hùng Mạt Lộ 英雄末路 là Anh hùng đã đến bước đường cùng. Từ đó ta có các từ như Lê Mạt là Cuối đời Lê; Mạt Vận là Vận cùng, là Hết Thời rồi….
Và… Nếu trên đầu chữ MỘC 木 có thêm một nét phẩy về phía bên trái như một bông lúa trổ nặng oằn đầu xuống 禾, thì đọc là HÒA, có nghĩa là Cây Lúa, như ông bà xưa đã dạy :
Học giả như HÒA như đạo, 學者如禾如稻, Bất học giả như cảo như thảo. 不學者如稿如草, có nghĩa : Người có học thì như Cây Lúa, hạt lúa, còn… Người không có học thì như cọng rơm cọng cỏ.
Cây lúa hạt lúa nuôi sống con người thì giá trị cao hơn là cọng cỏ cọng rơm chỉ nuôi sống có trâu bò mà thôi !
VỊ là Chưa MẠT là Cuối HÒA là Cây Lúa
Ngoài ra, nếu phía dưới phần rể của Mộc 木 là Cây có thêm một nét ngang ngắn nữa, thì đọc là BỔN 本, có nghĩa là Cái Gốc cây, cái Cội Cây, như ông cha ta đã dạy :
MỘC BỔN Thủy Nguyên 木本水源 là… Cây có cội, nước có nguồn.
Nên BỔN hiểu rộng ra là cái nguồn gốc, cái Vốn Liếng lúc ban đầu. BỔN là Tiền vốn, nên khi khai trương buôn bán hay khi Tết nhứt, giới thương buôn hay chúc nhau câu :
Nhứt BỔN vạn lợi 一本萬利 có nghĩa : Một đồng vốn, một muôn ( mười ngàn ) đồng lời ! Quả là tham lam quá độ, trong khi người Việt Nam ta chỉ chúc nhau có :
Một đồng Vốn Bốn đồng lời … mà thôi !
BỔN 本 là Vốn, cả đến khi dùng làm Phó Từ Bổn Lai 本來 cũng có nghĩa Vốn Dĩ, Vốn Là, như trong thành ngữ Bổn Lai Diện Mục 本來面目 : là Mặt Mũi Vốn Có, là Mặt mũi gốc, là Bộ mặt thật. Hai câu chót trong bài kệ : Bồ Đề bổn vô thọ, Minh kính diệc phi đài 菩提本無樹,明鏡亦非臺 của Lục Tổ Huệ Năng là:
BỔN LAI vô nhất vật, 本來無一物, Hà xứ nhạ trần ai ? 何處惹塵埃 ? Có nghĩa :
Vốn dĩ không có vật gì cả, thì chỗ nào để mà nhuốm bụi trần đây ?
Mộc là cây, nhưng Mộc Nhĩ 木耳 không phải là Lổ Tai Cây, mà là Nấm Mèo, một loại nấm có hình dạng giống như là Lổ Tai của con mèo. Cũng như Mộc Ngư 木魚 không phải là Con cá bằng cây, mà là cái Mỏ của các nhà sư dùng để gỏ lốc cốc khi tụng kinh niệm Phật. Và Mộc Kê 木雞 không phải là Con gà gỗ, mà là Hình Dung Từ chỉ sự Ngẩn Ngơ như con gà bằng gỗ, đứng Đực ra một chỗ. MỘC NGẪU 木偶 : là Hình Cây, là con rối, có nghĩa như là Bù Nhìn, thường dùng để chỉ người không linh động, phải giựt dây mới nhúc nhích ! Còn đối với dân bợm nhậu thì ta có từ Mộc Tồn. Mộc Tồn 木存 không phải chỉ Cây Còn mà là chỉ… Con Cầy, một loại chó nhỏ như con chồn thịt rất ngon, nhậu rất bắt.
Mộc Nhĩ : Nấm mèo Mộc Ngư : Cái mỏ Mộc Tồn : Cây Còn là Con Cầy
Mộc là Cây, nhưng cây cũng dùng để xẻ thành ván, nên Mộc cũng có nghĩa là Ván, như trong thành ngữ Mộc Dĩ Thành Chu 木已成舟. Ta nói là Ván Đã Đóng Thuyền, như trong lời nói của Vương Viên Ngoại an ủi Kim Trọng khi chàng trở lại Vườn Thúy tìm Kiều :
Bây giờ Ván Đã Đóng Thuyền, Đã đành phận bạc khôn đền tình chung.
Nhưng cũng có những chiếc thuyền không cần phải đóng, chỉ khoét bọng thân cây lớn là ta đã có ngay một chiếc Thuyền Độc Mộc. Còn Cầu Độc Mộc thì chỉ cần một thân cây bắt ngang qua mương rạch là ta đã có ngay một Độc Mộc Kiều 獨木橋, với câu tục ngữ : “ Anh đi đường cái quan của anh, còn tôi qua cầu độc mộc của tôi “.Ý chỉ việc ai nấy làm, không nên chen vào việc làm của người khác . Người Hoa nói là : Nễ tẩu nễ đích dương quan đạo, ngã qúa ngã đích độc mộc kiều 你走你的陽關道,我過我的獨木橋 ! Và như câu thơ đầu tiên của Thế Lữ trong bài Giây Phút Chạnh Lòng :
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi !…
Mộc còn là tên gọi chung cho Hoa Thảo Thọ Mộc 花草樹木, ta nói là Cỏ Cây Hoa Lá, là những thực vật khô héo úa tàn trong mùa đông lạnh lẽo, chỉ hồi sinh và sống lại trong ánh nắng ấm áp của mùa xuân mà thôi. Nên ông bà ta cũng thường nhắc nhở con cháu bằng câu :
Khô mộc phùng xuân do tái phát, 枯木逢春猶再發, Nhân vô lưỡng độ tái thiếu niên. 人無兩度再少年。 Có nghĩa : Cây khô khi gặp mùa xuân còn tái phát để xanh tươi trở lại, chớ… Con người thì không có hai lần được trẻ lại bao giờ. Cho nên phải cố gắng mà trân trọng lấy tuổi xuân của mình để phát huy hết những ưu thế của tuổi hoa niên như bài thơ Vãn Xuân 晚春 của Hàn Dũ 韓愈 sau đây :
草木知春不久歸, Thảo mộc tri xuân bất cửu quy, 百般紅紫鬥芳菲。 Bách ban hồng phấn đấu phương phi. 楊花榆莢無才思, Dương hoa du giáp vô tài tứ, 惟解漫天作雪飛。 Duy giải mạn thiên tác tuyết phi.
Có nghĩa :
Cây cỏ biết xuân sắp ” bái bai “(bye-bye). Muôn hồng ngàn tía trổ khoe hay. Vô tài nở trắng hoa dương liễu, Chỉ biết đầy trời giả tuyết bay !
Vãn Xuân 晚春 là xuân sắp tàn, nàng xuân sắp từ biệt để ra đi, nên tất cả các loài hoa đều cố gắng nở bung ra để khoe hết cái đẹp của mình trong mùa xuân; chỉ có du giáp ( như hoa lau của ta ) và dương liễu không có hương sắc gì đặc biệt, chỉ biết nở hoa trắng xóa để giả làm tuyết bay mỗi khi có cơn gió xuân thổi đến mà thôi ! Mùa xuân mà giả làm tuyết bay thật không hợp thời chút nào cả, nhưng khả năng chỉ có thế, và chỉ biết làm hết sức của mình mà thôi. Hàn Dũ muốn khuyên ta hãy cố gắng thi thố hết khả năng của mình để đừng uổng phí tuổi xuân, mặc dù cái năng lực của mình không bằng được người, không đáp ứng được thực tế trước mắt, nhưng ít ra cũng tạo được một cảm giác đẹp như hoa dương liễu giả tuyết bay trắng cả trời xuân. Còn hơn không có gì cả !
Vô tài nở trắng hoa dương liễu, Chỉ biết đầy trời giả tuyết bay !
Mộc là Thảo Mộc 草木, là cây cỏ, tuy vô tri vô giác, mềm mại hiền lành, nhưng nếu ta biết khéo lợi dụng thì Cây Cỏ sẽ có sức mạnh còn hơn là thiên binh vạn mã nữa ! Xin mời đọc về tích của thành ngữ Thảo Mộc Giai Binh 草木皆兵 sau đây sẽ rõ :
Công Nguyên năm 383, Tiền Tần Vương Phù Kiên sau khi thống nhất một dãy ven sông Hoàng Hà, định tập trung đủ 90 vạn quân sẽ đem quân đánh ụp tiêu diệt nước Đông Tấn, bèn phái em là Phù Dung làm tiên phong chiếm lấy thành Thọ Dương. Phù Dung đánh lấy thành một cách dễ dàng, biết Đông Tấn binh yếu lại thiếu lương thực, mới đề nghị với Phù Kiên nhanh chóng đánh chiếm Đông Tấn. Phù kiên không đợi binh lực tập trung đầy đủ, lập tức đem quân tấn công Đông Tấn ngay. Tướng Đông Tấn là Tạ Thạch biết được binh lực của Tần chưa tập trung đầy đủ, bèn dùng kế khích tướng thách Phù Kiên nếu muốn phân cao thấp thì hãy lui binh một dặm, mình sẽ đem binh qua sông Phì Thủy quyết một trận hơn thua, bằng nếu sợ thua thì hãy đầu hàng ngay đi. Phù Kiên cả giận, định giả vờ lui binh, đợi cho binh Tấn qua sông nửa chừng sẽ quay lại đón đánh một trận cho tan tác binh nhung. Nào ngờ, lòng binh Tần đã chán nản vì chinh chiến lâu ngày, nay thấy sứ giả quân địch vừa rời trại thì chủ tướng bèn ra lịnh lui binh, nên lòng càng hoảng sợ mạnh ai nấy chạy người ngựa ngổn ngang dẫm đạp lên nhau hổn loạn thành một khối. Phù Kiên ra lệnh dừng lại thì đã không còn kịp nữa. Bên kia sông Tạ Thạch thấy thế bèn thừa cơ hạ lịnh quân sĩ cấp tốc sang sông truy sát. Quân Tần thấy quân Tấn qua sông ráo riết càng hoảng sợ hơn dẫm đạp lên nhau mà chạy trốn, đến nỗi nghe cơn gió thổi qua cây cỏ lào xào cũng tưởng là quân Tấn đã đuổi đến nơi rồi. Sự kiện nầy đưa đến câu thành ngữ THẢO MỘC GIAI BINH 草木皆兵, có nghĩa : Cỏ cây cũng đều là binh lính cả ! Điều nầy làm ta nhớ lại đầu tháng 4 năm 1975 với DI TẢN CHIẾN THUẬT của Miền Nam, dân quân của Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy trối chết, làm hỗn loạn cả Miền Trung, Cộng Sản Bắc Việt bất chiến tự nhiên thành, chiếm trọn Miền Trung một cách dễ dàng và uy hiếp Sài Gòn trong chớp mắt… Còn trận đánh trên quân Tần cũng đại bại. Phù Dung chết trong đám loạn quân, còn Phù Kiên trúng tên bị thương may mà chạy thoát được. Sử gọi trận đánh nầy là PHÌ THỦY CHI CHIẾN 淝水之戰. Tạ Thạch đã biết lợi dụng cái nhược điểm của kẻ địch để làm cái thuận lợi cho sự chiến thắng của mình.
Sang qua sử VN, chữ Mộc 木 còn làm cho ta nghĩ đến chữ LÊ 梨 là Cây Lê là Trái Lê, là chữ đồng âm với chữ Lê là họ LÊ 黎 trong bài Sấm trên cây Gạo làng Diên Uẩn như sau :
Tương truyền, năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Theo ghi chép của sử sách ( Việt Sử lược, Đại Việt Sử Ký toàn thư, Việt Sử tiêu án, Khâm định Việt Sử Thông Giám cương mục ), tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà có ý kiến cho rằng tác giả chính là sư Vạn Hạnh. Bài sấm như sau :
樹根杳杳 Thụ căn diểu diểu
木表青青 Mộc biểu thanh thanh
禾刀木落 Hòa đao mộc lạc
十八子成 Thập bát tử thành
東阿入地 Đông a nhập địa
木異再生 Mộc dị tái sinh
震宮見日 Chấn cung kiến nhật
兑宮隠星 Đoài cung ẩn tinh
六七年間 Lục thất niên gian
天下太平 Thiên hạ thái bình
Có nghĩa :
“Thụ căn diểu diểu”, chữ căn 根 nghĩa là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu 杳 đồng âm với yểu 夭 là Non nớt, nên hiểu là yếu. “Mộc biểu thanh thanh”, chữ biểu 表 là bề ngoài, nghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh 青 là Màu xanh, âm gần giống với chữ thạnh 盛 nghĩa là thịnh; Hòa, đao, mộc, ghép lại là chữ Lê 梨; Thập, bát, tử là chữ Lý 李; Đông A là chữ Trần 陳; nhập địa là phương Bắc vào cướp: “Mộc dị tái sinh” là họ Lê khác lại sinh ra. “Chấn cung kiến nhật”, chấn là phương Đông, kiến là mọc ra; nhật là thiên tử. “Đoài cung ẩn tinh”, “đoài” là phương tây, “ẩn” cũng như lặn, “tinh” là sao, nghĩa là thứ dân. Mấy câu này ý nói là vua thì non yếu, bề tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình.
Cách CHIẾT TỰ chơi chữ của bài thơ :
Câu 3: chữ Hòa (禾) + bộ Đao (刂 ) + chữ Mộc (木) bên dưới, ghép lại thành chữ Lê (梨) là Trái Lê, đồng âm với chữ (黎) là họ LÊ. Câu 3 tiên đoán : Lưỡi đao mỏng như lá lúa đốn ngã cây, có nghĩa nhà Tiền Lê ( Lê Đại Hành ) sẽ mất.
Câu 4: chữ Thập (十) + chữ Bát (八) thành chữ Mộc 木, + chữ Tử (子) bên dưới thành chữ Lý (李). Câu 4 tiên đoán nhà Lý sẽ lên thay nhà Lê.
Câu 5: chữ Đông (東) ghép với chữ A (阿) thành chữ Trần (陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần vào nước Việt làm vua.
Câu 6: cây khác lại sinh. Sấm ra đời thời Lê. Cây lê khác lại sinh, tiên đoán nhà Hậu Lê ( Lê Lợi ) kế tục nhà Trần.
Câu 7: phương Đông có mặt trời, ứng vào nhà Mạc khởi xuất từ phía Đông (Hải Dương) thay nhà Hậu Lê.
Câu 8: sao ẩn mình phía tây. Có các ý kiến khác nhau về câu này. Có ý kiến cho rằng câu này chỉ chúa Trịnh đóng phủ ở phía Tây kinh thành Thăng Long, ” ẩn mình ” là không ra mặt xưng vua nhưng lại nắm thực quyền hơn vua. Có ý kiến cho rằng ” phía Tây ” trong câu 8 là ám chỉ nhà Tây Sơn.
Câu 9 và câu 10: Có ý kiến cho rằng ” lục thất ” chỉ nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa có lời giải đáp cụ thể cho 2 câu này.
Tổng quát, bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam suốt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20, từ khi nhà nước Phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam hình thành ổn định tới khi kết thúc thời phong kiến.
Điều đáng lưu ý là Việt sử lược ra đời thời Trần nhưng không chép 2 câu: “Đông a nhập địa, Mộc dị tái sinh” liên quan tới chính nhà Trần và nhà Hậu Lê. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào đây mà cho rằng : Bài sấm này được Vạn Hạnh Thiền Sư làm ra để tạo dư luận cho Lý Công Uẩn lên ngôi một cách thuận lợi theo ý trời.
Hai câu này do người đời sau (Trần, Hậu Lê) sáng tác xen thêm vào cho đủ các đời vua từ Ngô, Đinh, rồi đến LÊ ( tiền ), LÝ, TRẦN, LÊ ( hậu ), còn Tây Sơn và Nguyễn thì hãy còn mơ hồ
Mộc 木 là một trong Ngũ hành 五行 : Kim, MỘC, Thủy, Hỏa, Thổ, theo Kinh Dịch là 5 tố chất tạo nên tất cả mọi sự vật trong vũ trụ nầy. Như Mộc Vương 木王 là Vua Cây, ý chỉ trong mùa Xuân thì lấy cây cỏ làm chủ tể tượng trưng cho sức sống đang hồi sinh một cách mãnh liệt. Mộc Hành 木行, ta nói là Hành Mộc, chỉ Mộc Đức là cái đức của mùa xuân, của trời đất cho cây cối đâm chồi nẩy lộc. Mộc Khí 木气 là cái hơi hám, mùi hương của cỏ cây hoa lá, là cái Can Khí 肝气 điều hòa trong lá gan của con người. Mộc Tinh 木星 là Sao Mộc, theo chiêm tinh học thì đây là vì sao may mắn cho ai có lưu tinh là Mộc Tinh trong năm. Bài vị cúng sao trong ngày vía Ngọc Hoàng của mồng 9 Tết hằng năm ghi : Đông phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh quân chi vị 東方甲乙木德星君之位. Khác với…
Mộc Tinh trong Thái Dương Hệ hiện nay là Jupiter, đứng ngôi thứ 5 và là một hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ, lớn hơn cả Địa Cầu có màu xanh của cây cỏ.
Mộc Tinh 木星 trong Thái Dương Hệ là Jupiter
Ngoài nghĩa là cây, Mộc 木 còn có nghĩa là LÁ, như trong thành ngữ Mộc Lạc Quy Bổn 木落歸本. Có nghĩa như là Diệp Lạc Quy Căn 葉落歸根, ta nói là Lá Rụng Về Cội. Hay như 2 câu trong bài thơ Đăng Cao của Đỗ Phủ là :
無邊落木蕭蕭下, Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ, 不盡長江滾滾來。 Bất tận Trường Giang cổn cổn lai. Có nghĩa : Rạt rào lá đổ bên trời thẳm, Cuồn cuộn Trường Giang nước chảy dài !
Hay như 2 câu đầu trong bài Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài của Mạnh Hạo Nhiên :
木落雁南渡, Mộc lạc nhạn nam độ,
北風江上寒. Bắc phong giang thượng hàn.
Có nghĩa :
Lá rụng nhạn xuôi nam,
Trên sông gió bấc tràn.
Mộc là Cây, mà cây hiện diện trong tất cả các mặt của đời sống, từ cây ngô, cây khoai, cây lúa cho gạo thóc để nuôi sống con người , cho đến nhà cửa vật dụng chung quanh đời sống nhất nhất đều bằng… Mộc, như muổng, đủa, bàn, ghế, tủ, giường, phòng ôc … kể cả cỏ cây hoa lá để điểm tô làm đẹp thêm cho đời sống con người đều có gốc… Mộc cả !
Đời sống của con người không thể rời xa chữ Mộc được, kể cả khi chết đi rồi vẫn còn phải nằm trong Quan Mộc 棺木, mà ta quen gọi là Quan Tài 棺材, là cái hòm đựng thây người chết ! Nhớ khi xưa, các danh hài Tùng Lâm và Phi Thoàng đã từng đố nhau : Trên Mộc dưới Thổ là … Cái quan tài chưa chôn, trên Thổ dưới Mộc là … Cái quan tài đã chôn rồi và câu đố hóc búa là : Trên Thổ giữa Mộc dưới Thổ là… ” Thằng Thổ mang guốc ” !
Người xưa để lại 4 chữ ” Cái Quan Luận Định 蓋棺論定 ” ý nói : Khi nắp quan tài đã đóng lại rồi thì mới biết chắc chắn con người đó là như thế nào, mới luận định một cách chính xác thị, phi, thành, bại, hơn thua, anh hùng hay tiểu nhân, có công hay có tội… Nắp quan tài chưa đóng thì còn chưa biết ai như thế nào và ai đã hơn ai !?
Xin được khép lại bài phiếm ” Mộc là Cây ” ở đây khi… nắp quan tài còn chưa khép lại và mùa xuân chỉ mới bắt đầu mang sức sống mới đến với tất cả hoa lá cỏ cây !
Đỗ Chiêu Đức
——————————————————————————–
Kính xin ĐÍNH CHÍNH :
Chữ MẠT 末 trong đoạn văn sau :
Nhưng nếu nét ngang ngắn nằm ở phía dưới nét ngang dài, thì ta có chữ MẠC 末, có nghĩa là Cuối, là Tận Cùng. Như Mạc Lộ 末路 là Cuối đường, là cùng đường. Anh Hùng Mạc Lộ 英雄末路 là Anh hùng đã đến bước đường cùng. Từ đó ta có các từ như Lê Mạc là Cuối đời Lê; Mạc Vận là Vận cùng, là Hết Thời rồi….
MẠT tận cùng là T chứ không phải C.
Qủa là một sơ hốt sai lầm đáng trách !
Kính xin được Đính Chính.
Đỗ Chiêu Đức
Post Views: 1.440Từ khóa » Cái Mộc Là Gì
-
CÁI MỘC - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Từ điển Việt Trung "cái Mộc" - Là Gì?
-
Mộc Là Gì, Nghĩa Của Từ Mộc | Từ điển Việt
-
Mộc Không Chỉ Là “cây” - Báo điện Tử Bình Định
-
Mệnh Mộc Là Gì? Cách Xác định Ngũ Hành Bản Mệnh Theo Năm Tuổi?
-
→ Cái Mộc, Phép Tịnh Tiến Thành Tiếng Anh, Câu Ví Dụ | Glosbe
-
Mộc (Ngũ Hành) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cái Mộc Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
Mặt Mộc Là Mặt Gì? - TIẾNG VIỆT
-
Mộc Trong Kiến Trúc Xưa Và Nay Tại Phú Yên
-
Cái Mộc Trong Tiếng Hàn Là Gì? - Từ điển Số
-
Các Loại Mệnh Mộc Trong Ngũ Hành Bản Mệnh Phong Thủy
-
Giải Mã Mệnh Mộc Trong Ngũ Hành Tương Sinh Tương Khắc