Môi Trường ô Nhiễm Và Cách Phòng Bệnh Bụi Phổi - Trang Chủ - Bộ Y Tế

 

Bệnh bụi phổi có thể nói là một bệnh phổi nghề nghiệp vì thường được phát hiện ở những người làm việc, lao động, sản xuất trong môi trường bị ô nhiễm bụi. Ngoài ra những người sinh sống trong môi trường không khí không trong sạch, thường xuyên bị nhiễm bụi bẩn cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh này. Bệnh gây nên do sự tích tụ các hạt bụi ở trong phổi, tạo ra những phản ứng của nhu mô phổi đối với sự thâm nhiễm của bụi.

 

Các loại bụi gây bệnh bụi phổi

Bệnh bụi phổi có thể gây nên do nhiều loại bụi vô cơ và bụi hữu cơ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bụi vô cơ silic. Bụi vô cơ gồm có loại bụi trơ như bụi than, bụi sắt, bụi silic, bụi xi măng, bụi cao lanh, bụi đá, bụi sa thạch, bụi granit, bụi mica, bụi thạch anh... Ngoài ra còn có loại bụi có hoạt tính hóa học như bụi silic, bụi amiăng, bụi magie, bụi berili... Bụi hữu cơ gồm có loại bụi chứa vi khuẩn, nấm mốc; bụi từ các sản phẩm của động vật như bụi lông chim, lông thú, lông gia súc; bụi từ các vảy tróc của da động vật, bụi phân, bụi chứa các bọ mạt nhỏ như mạt bụi nhà, cái ghẻ... Ngoài ra còn có loại bụi thực vật như bụi cây phong, bụi bông, bụi mía, bụi phấn hoa... Thực tế các nhà khoa học ghi nhận trong các loại bụi đã nêu trên, loại bụi gây nên bệnh bụi phổi quan trọng nhất là bụi vô cơ thuộc nhóm bụi silic. Điều kiện để mắc bệnh bụi phổi là công nhân, người lao động hoặc người đang sinh sống, làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm bụi. Thời gian tiếp xúc với không khí có chứa nhiều bụi bẩn càng lâu, nồng độ bụi trong không khí càng cao thì diễn biến bệnh càng nặng và càng tăng nhanh thời gian bị mắc bệnh. Thông thường thời gian tiếp xúc cần thiết để người có thể mắc bệnh bụi phổi loại bụi silic mất khoảng từ 5 đến 10 năm.

Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán bệnh

Khi mới bị mắc bệnh bụi phổi, bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Các dấu hiệu cơ năng mà người bệnh cảm thấy được thường xuất hiện rất muộn khi bụi đã gây tổn thương nhiều ở phổi. Biểu hiện bệnh lý tiến triển chậm do cơ thể người bệnh có khả năng bù trừ từ phần phổi lành và bệnh cũng không có tính chất cấp tính. Bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi sẽ thích ứng dần với hoàn cảnh sống, với những tổn thương ở phổi đã có. Trên thực tế, các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là khó thở, mệt mỏi, sút cân, kém ăn, hay nhức đầu; khả năng lao động, làm việc bị suy giảm... Khám bệnh ghi nhận lồng ngực có tiếng gõ vang nếu bụi phổi gây ra tình trạng giãn phế nang, cũng có thể có tiếng gõ đục nếu bụi phổi gây ra xẹp các phân thùy phổi. Theo thời gian mắc bệnh, nếu bị nhiễm bệnh càng lâu thì biểu hiện triệu chứng lâm sàng càng rõ. Việc chẩn đoán xác định bệnh thường căn cứ vào điều kiện làm việc, triệu chứng lâm sàng, kết quả chụp X quang phổi và thăm dò chức năng hô hấp. Về điều kiện làm việc, người bệnh có quá trình sống, lao động, làm việc, trực tiếp sản xuất trong môi trường có bụi bẩn lâu ngày. Về triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân thường ho và khạc đờm, chất đờm khạc có màu sắc của bụi như nếu nhiễm bụi than thì chất khạc có màu đen lờ mờ hoặc đen. Khi xét nghiệm chất khạc bằng cách soi đờm dưới kính hiển vi có thể xác định rõ loại bụi. Dấu hiệu khó thở tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và mức độ của bệnh. Chụp phim X quang phổi cho thấy hình ảnh chủ yếu là viêm phế quản mạn tính và những tổn thương của nhu mô phổi do bụi gây ra. Các thương tổn nhu mô phổi thường thấy nhỏ như hạt kê, hạt đậu hoặc nốt nhỏ; những tổn thương liên kết nhau tạo thành những đám mờ, mảng mờ lúc đầu tập trung ở vùng rốn phổi, chung quanh rốn phổi, sau đó lan ra các phần khác của phổi như đỉnh phổi, vùng đáy phổi, bìa phổi... Ngoài ra tổn thương xơ cũng có thể thấy nhưng thường chỉ xảy ra ở vùng rốn phổi, chung quanh rốn phổi. Về chức năng hô hấp, người bị mắc bệnh bụi phổi có dấu hiệu rối loạn thông khí hạn chế; mức độ rối loạn xảy ra tùy thuộc vào mức độ bệnh; tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn chỉ xảy ra khi có kèm theo bệnh lý viêm phế quản mạn tính.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị bệnh bụi phổi thường căn cứ vào tình trạng bệnh lý gồm điều trị các tổn thương do bụi gây ra ở phổi và điều trị các bệnh kết hợp, các biến chứng của bệnh. Điều trị các tổn thương do bụi gây ra ở phổi chủ yếu là điều trị những triệu chứng lâm sàng như khó thở, ho, khạc đờm, đau tức ngực... Điều trị các bệnh kết hợp, các biến chứng của bệnh chủ yếu là điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính, cấp tính; viêm phổi-phế quản, tâm phế mạn... Để giảm bớt hoặc khắc phục rối loạn thông khí hạn chế cần phải luyện tập phương pháp thở với cách thở bằng cơ hoành. Phòng mắc bệnh bụi phổi là một vấn đề cần quan tâm vì nếu chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa không để bị mắc bệnh hay để bệnh xảy ra bao giờ cũng dễ dàng và tốt hơn rất nhiều so với để mắc bệnh rồi mới chữa trị, khi chữa trị cũng không thể đem đến kết quả khỏi hẳn bệnh hoàn toàn. Việc phòng bệnh có thể thực hiện bằng phương pháp chủ động và phương pháp thụ động với nguyên tắc là không nên ở hay hạn chế sinh sống, làm việc, lao động, sản xuất trong môi trường không khí bị ô nhiễm có nhiều bụi bẩn; không sử dụng các loại thiết bị, máy móc khai thác, sản xuất phát sinh ra nhiều bụi. Cần có giải pháp làm lắng đọng bụi, hút sạch bụi ở nơi có người lao động, sản xuất. Đồng thời thực hiện chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân, người lao động sản xuất ở môi trường ô nhiễm bụi; truyền thông giáo dục sức khỏe để mọi người nâng cao nhận thức, có ý thức tự bảo vệ, tự phòng tránh nhiễm bụi cho chính bản thân mình để khỏi bị mắc bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh bụi phổi hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh lý thường có khả năng tiến triển không phục hồi. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp cần thiết. Trên thực tế, một số bệnh bụi phổi thường gặp là bệnh bụi phổi silic, bụi phổi amiăng, bụi phổi bông, bụi phổi than... Vì vậy khi làm việc, lao động, trực tiếp sản xuất tại những nơi có môi trường không khí bị ô nhiễm bụi nặng cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cụ thể. Ngoài biện pháp kỹ thuật được áp dụng tại nơi làm việc, lao động, sản xuất và biện pháp y tế bắt buộc đối với công nhân, người lao động; biện pháp phòng hộ cá nhân là vấn đề cần được quan tâm để tự bảo vệ, chủ động phòng ngừa như: không hút thuốc lá, vệ sinh cá nhân bằng cách tắm rửa và thay quần áo sau khi nghỉ lao động sản xuất; luôn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân gồm mặt nạ chống bụi, kính bảo vệ mắt, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động chuyên dụng; rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, khám sức khỏe định kỳ và chụp X quang phổi theo quy định để kiểm tra. Phòng bệnh hơn chữa bệnh là điều cần lưu ý đối với bệnh bụi phổi.​

Administrator

Từ khóa » Các Loại Bụi Bẩn