Một Mớ Bòng Bong - Tuổi Trẻ Online - Báo Tuổi Trẻ

p98naEIb.jpgPhóng to
Theo dự án thì nơi này phải là khu làng thanh niên nhộn nhịp và đầy khí thế lao động - Ảnh: Q.T
TT - Sự phá sản và bế tắc của dự án có căn nguyên ngay từ những bước đi đầu.

Đó là sự “thoát ly” chủ trương, dự toán; liên tiếp vi phạm các nguyên tắc tài chính, nguyên tắc chuyên môn nông nghiệp và thay vì chấn chỉnh, xử lý các sai phạm thì những cơ quan chức năng lại liên tục “chấp nhận” và đổ tiền “chữa cháy”

Sự bóp méo mô hình

Quyết định số 3566/QĐ-UB ngày 27-12-2000 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án tổng thể Nông lâm nghiệp TNXP xây dựng kinh tế mới huyện Hải Hà ghi: chủ đầu tư phải lập và trình duyệt các tiểu dự án thành phần chi tiết.

Sau này UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể là phải lập 11 dự án thành phần và trồng chè là dự án đầu tiên. Thế nhưng trên thực tế Tổng đội TNXP Quảng Ninh chưa có dự án trồng chè được duyệt mà 139,7ha chè vẫn ra đời.

Quyết định của tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải trồng 20ha chè làm mô hình thử nghiệm nhưng theo các báo cáo thực hiện dự án, tổng đội đã không xây dựng mô hình thử nghiệm mà đồng loạt trồng chè qui mô rộng.

Bản dự toán của dự án ghi rõ: giống chè phải nhập của Viện Nghiên cứu chè VN, phân bón là các loại nằm trong danh mục được phép áp dụng trong nông nghiệp, đã công bố chất lượng và ghi rõ nguồn gốc...

Tại công văn số 144/UB của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 4-2-2002 cũng ghi: “cho phép tổng đội được tự tổ chức thực hiện các khâu công việc đơn giản (làm đất...), đối với các công việc đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên môn (chọn giống và giâm hom) yêu cầu phải nhập giống tốt, chất lượng...”.

Nhưng bà Phạm Thị Mít, trưởng phòng trồng trọt Sở NN-PTNT, cho biết: tổng đội đã tự tổ chức sản xuất giống chè. Tại các công văn của đơn vị này cũng thừa nhận sản xuất và đưa vào trồng 2,5 triệu hom chè.

Đồng thời tổng đội cũng tự sản xuất phân từ rác thải đem bón chè. Sở NN-PTNT tỉnh đã kết luận: phân này “chỉ sàng tuyển thủ công chưa đảm bảo đúng yêu cầu”.

Như vậy là các bước đi, phương thức và các qui định của dự án đã bị chủ đầu tư làm trái ngay từ đầu nhưng các cơ quan hữu trách đã mặc nhiên thừa nhận.

Ông Nguyễn Huy Thuyết, trưởng phòng tài chính đầu tư Sở Tài chính Quảng Ninh, cho biết theo phương án vốn của dự án được duyệt, vốn trồng chè là vốn vay nhưng tổng đội đã dùng vốn ngân sách cấp cho các hạng mục khác để trồng chè...

Tỉnh qui định: thời gian thực hiện dự án theo tiến độ cấp vốn. Tuy vậy chủ dự án liên tục tự đẩy tiến độ, lấy tiền từ khoản này thực hiện cho khoản khác và nợ nhân công chồng chất, sau đó thảo công văn xin cấp tiền.

Tuy vậy, thay vì kiểm tra, xử lý các sai phạm, UBND tỉnh Quảng Ninh lại chỉ đạo kho bạc, Quĩ hỗ trợ phát triển tỉnh rót tiền “chữa cháy”.

Báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về dự án này hồi tháng 10-2003 đã minh chứng: kế hoạch vốn trồng chè đến hết năm 2003 là không có đồng nào (vì qui định chủ đầu tư phải đi vay) nhưng tổng đội đã chi đến 4 tỉ đồng và UBND tỉnh đã cho thanh toán 2,422 tỉ đồng.

Đối chiếu với phương án, kế hoạch vốn thì số lượng và cách thức giải ngân cho trồng chè như vừa nêu là không phù hợp.

Vì vốn trồng chè là vốn vay thương mại và phần ngân sách hỗ trợ chỉ giải ngân khi có dự án thành phần được duyệt, có mô hình trồng chè thử nghiệm và giống, phân tổng đội phải đi mua đúng chủng loại...

Tương tự như vậy với việc sản xuất giống, phân bón của chủ dự án cũng được UBND tỉnh đồng ý hoặc làm ngơ. Dự án vì thế ngày một đi xa chủ trương và dự toán theo ý riêng của chủ đầu tư.

RZeXoXTM.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Tặng, đội trưởng đội sản xuất, và những đồi chè đang chết từng ngày của dự án - Ảnh: Q.T.
Những khoản tiền khuất tất

Theo ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh, nguyên nhân chưa thể quyết toán dự án trồng chè của Tổng đội TNXP là hồ sơ tài chính không hợp lệ và thiếu quá nhiều chứng từ bắt buộc.

Sau hàng tá công văn gửi tổng đội đốc thúc bổ sung giấy tờ đến nay, Tổng đội TNXP còn thiếu các văn bản sau: quyết định chỉ định đơn vị cung cấp giống chè (thiếu vì tỉnh yêu cầu nhập giống nhưng tổng đội tự sản xuất); toàn bộ các hóa đơn mua vật tư: phân lân, phân vi sinh, phân NPK.

Với các hạng mục không có trong dự toán mà chủ đầu tư tự đưa ra như sản xuất giống chè, sản xuất phân rác, mua giống cây phân xanh, cây bóng mát thì đều không có cơ sở áp dụng và không có định mức giá, không có biên bản nghiệm thu, không rõ trồng cây gì, mật độ trồng, giá giống, công chăm sóc...

Không thể quyết toán, Sở Tài chính liên tục “cầu viện” Sở NN-PTNT thẩm định đơn giá cây chè và loại phân mà tổng đội tự chế từ rác thải.

Sở NN-PTNT trả lời trong các công văn như sau: về cây chè, giấy biên nhận mua giống (không hóa đơn) không đúng thủ tục qui định; hom chè ghi nguồn từ Viện Nghiên cứu chè VN nhưng thực tế lấy từ hộ công nhân đội 12; số bầu giống đã ươm quá vụ, giá cao hơn của Viện Nghiên cứu chè, làm lãng phí 1,2 tỉ đồng; về phân rác: nằm ngoài dự toán.

Tổng đội sản xuất chất lượng kém, giá thành rẻ và không xây dựng giá thành nên không có cơ sở thanh toán...

Không chỉ thiếu hồ sơ minh bạch tài chính, mà nhiều bản hợp đồng còn phi lý đến nực cười như hợp đồng số 45 giao khoán làm đất trồng chè ký ngày 1-3-2002.

Bên A: ông Lê Hồng Ca, tổng đội trưởng. Bên B: ông Lê Văn Tặng, đội trưởng đội sản xuất số 2 (đồng thời là em trai ông Ca).

Nhưng đến biên bản nghiệm thu công đoạn này lập ngày 20-8-2002 thì bên A lại có cả ông Ca và ông Tặng (lúc này là phó phòng kỹ thuật). Còn bên B là các nhân viên của ông Tặng.

Tương tự như vậy ở hợp đồng số 72 ngày 15-8-2002, số 41 ngày 5-2-2003, hai anh em ông Ca và Tặng cũng đứng hai bên A- B khi hợp đồng và cùng là bên A khi nghiệm thu!

Những vi phạm nguyên tắc tài chính của tổng đội còn được Sở NN-PTNT khẳng định trong công văn số 06 ngày 6-1-2003 của Sở NN-PTNT: trong trồng chè, đơn giá thi công hầu hết được lập không đúng thủ tục. Không có biên bản nghiệm thu hoàn công từng công việc.

Việc mua phân vô cơ không thanh lý hợp đồng, không phiếu xuất kho. Việc sản xuất và nghiệm thu giống chè ghi hai loại giống chè nhưng nhật ký thi công ghi một và không có số lượng từng loại giống...

Văn bản này chỉ rõ 175 triệu đồng tổng đội chi cho phân bón lót và thiết bị thủy nông không nằm trong dự toán.

Tiền nhân công hầu hết là giấy biên nhận viết tay, không có nghiệm thu đúng qui định và vượt dự toán 20 triệu đồng.

Đến nay không biết ai có thể trả lời câu hỏi: sẽ giải quyết mớ bòng bong của dự án này ra sao?

Cũng như anh Kiên, chàng thanh niên duy nhất đang “hưởng thụ” dự án này, đã không trả lời tôi câu hỏi: với chí hướng và mồ hôi lập nghiệp của mình, anh có thể để lại gì cho hai đứa con anh khi chúng đang thấy con đường đến trường ngày một gập ghềnh, trắc trở trên những đồi chè?

_____________________________________________________

Bài 1: Thảm cảnh chè

Từ khóa » Một Mớ Bòng Bong Là Gì