Một Số Biện Pháp Duy Trì Sĩ Số Học Sinh Trong Công Tác Chủ Nhiệm

Một số biện pháp duy trì sĩ số học sinh trong công tác chủ nhiệm

  1. 1. Lý do chọn đề tài

“Vì lợi ích mười năm trồng cây vì lợi ích trăm năm trồng người”. Câu nói của Bác Hồ đã thấm nhuần vào đường lối của Đảng và nhà nước ta. Hiện nay Đảng và nhà nước ta đã nêu ra việc phát triển toàn diện – giáo dục toàn diện. Vậy mỗi người giáo viên chủ nhiệm phải có nhận thức hết sức đúng đắn về vai trò của người thầy trong lớp học. Một công việc không kém phần quan trọng trong công tác chủ nhiệm đó là duy trì sĩ số học sinh. Việc duy trì sĩ số, đảm bảo chuyên cần ở trường tiểu học đóng một vai trò rất quan trọng trong việc học tập của học sinh. Nó là nền tảng giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ và mang lại kết quả học tập tốt.  Việc các em nghỉ học, bỏ học ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài và kết quả học tập là điều không tránh khỏi.

Thông qua Hội nghị Công chức – Viên chức đầu năm học, Ban giám hiệu luôn nhấn mạnh: “Làm thế nào để công tác duy trì sĩ số tốt, giúp học sinh ham thích học tập và đạt kết quả tốt theo kế hoạch chỉ tiêu của Nhà trường hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà Đảng và Nhà nước giao phó”. Trong năm học 2019 – 2020, Tôi được Nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 4B. Ngay từ những buổi tựu trường, có một học sinh không đến lớp. Qua tìm hiểu một số em trong lớp, mới biết bạn không đi học nữa vì lớn tuổi nên xấu hổ.  Là người giáo viên chủ nhiệm lớp, ai cũng như tôi đều trăn trở, bức xúc trước thực trạng học sinh vắng học, bỏ học, không ham học. Bản thân tôi luôn suy nghĩ và đặt cho mình câu hỏi: “Làm thể nào để duy trì sĩ số và đảm bảo chuyên cần?” Đây cũng là một vấn đề giúp các em tiếp thu bài đầy đủ, có kết quả tốt trong học tập và tiếp tục con đường học vấn của mình. Vậy làm thế nào để công tác duy trì sĩ số lớp mình chủ nhiệm đạt kết quả tốt trong năm học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo của nhà trường nói riêng và góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra cho ngành Giáo dục nói chung. Chính vì thế, tôi quyết tâm tìm mọi biện pháp để duy trì sĩ số học sinh lớp và tôi thấy rất hiệu quả. Một khi làm tốt được công tác duy trì sĩ số học sinh sẽ giúp chúng ta hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và thực hiện đúng mục tiêu giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, góp phần xây dựng một xã hội: “Dân trí – Văn minh – Dân giàu – Nước mạnh”

  1. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp.

    Ngay từ đầu năm học, tôi nhận trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm lớp. Bản thân tự nhận thấy nhiệm vụ của mình là hết sức quan trọng, giúp nhà trường thực hiện tốt công tác giáo dục trong đó có công tác duy trì sĩ số. Thông qua kế hoạch và chỉ đạo của Ban Giám Hiệu nhà trường, tôi mạnh dạn áp dụng một số biện pháp như sau: 

  • Tìm hiểu tình hình và nắm thông tin về học sinh của lớp.
  • Xây dựng tình cảm thân thiện giữa giáo viên và học sinh.
  • Tạo sân chơi đoàn kết trong mỗi tiết học.
  • Xây dựng phong trào: “Cùng bạn học tập”
  • Phối hợp các tổ chức trong Nhà trường.
  • Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong.
  • Kết hợp với phụ huynh học sinh.
  • Cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp.
  • Tìm hiểu tình hình và nắm thông tin về học sinh của lớp.

Đầu tiên, tôi cho các em điền thông tin theo mẫu sơ yếu lý lịch. Đồng thời thông qua biên bản bàn giao của giáo viên chủ nhiệm năm trước, tôi đã phần nào nắm được thông tin về học lực, hạnh kiểm của học sinh. Bên cạnh đó tôi còn trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm năm trước để có thêm thông tin. Tôi rà soát và chú trọng những học sinh học chưa tiến bộ có nguy cơ bỏ học; tìm hiểu hoàn cảnh sống của gia đình; công việc thường ngày học sinh phải làm ở nhà…. Qua tìm hiểu và thống kê, tôi lưu tâm đến những trường hợp sau:

  1. Em Phan Văn Phương, sinh năm 1997 (lớn hơn 6 tuổi so với đúng độ tuổi): do hổng kiến thức, lưu ban nhiều năm.
  2. Em Nguyễn Duy Thế: do ảnh hưởng từ phía gia đình, bố mẹ làm ăn thua lỗ, nợ nần, mẹ nghĩ quẩn tự vẫn, mặc dù cứu được nhưng phải nằm viện ở TP. HCM hơn 3 tháng, vì thế em không chuyên cần đến lớp.
  3. Em Lê Thị Thúy: vì sức khỏe ốm đau phải nằm viện thường xuyên.
  4. Em Nguyễn Thị Cẩm Tiên: gia đình khó khăn, còn nợ nhà trường 2 năm chưa đóng các khoản tự nguyện.
  5. Em Trần Xuân Phúc: gia đình thiếu quan tâm, em thích chơi hơn là học dẫn đến hổng kiến thức.

Qua tìm hiểu và khảo sát như thế, tôi đã biết em nào có nguy cơ bỏ học thuộc dạng nào: Học kém, hổng kiến thức; gia đình không quản lý chặt chẽ, ham chơi hay trốn học; học sinh thuộc gia đình khó khăn…. Từ đó, tôi tiến hành vận dụng biện pháp cho từng nhóm đối tượng nhằm giúp các em đi học chuyên cần và đảm bảo duy trì sĩ số.

  • Xây dựng tình cảm thân thiện giữa giáo viên và học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải đảm bảo được sĩ số. Tôi luôn tạo ra môi trường học tập thân thiện, gần gũi với học sinh, làm cho học sinh cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thì sẽ hạn chế được tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học.

Đối với học sinh chưa ngoan, tôi xem các em như chính con em của mình để gần gũi, động viên, chia xẻ cùng các em. Tôi có lợi thế nhà sát trường, đối với những em xa trường, trưa các em thường ở lại để học buổi thứ hai, tôi gọi các em vào nhà nghỉ ngơi. Trò chuyện và gần gũi cùng các em, tôi ân cần thăm hỏi. Lúc đầu các em còn ngại ngùng nhưng dần về sau các em tự nhiên và rất gần gũi, trò chuyện với cô. Từ đó, tôi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em hơn. Đối với học sinh yếu kém, thiếu điều kiện học tập, thiếu tình cảm gia đình thì càng được tôi quan tâm chăm sóc hơn, sự dịu dàng đã làm cho các em yên tâm và ham thích đến trường. Tôi luôn luôn khuyên răn các em và giúp các em hiểu được sự sâu sắc của việc đi học. Đối với những em ham chơi, mê game (Em: Trần Vinh). Tôi gặp riêng em đó nhỏ to tâm sự, phân tích cho em hiểu về tầm quan trọng của việc học, đồng thời kể cho em nghe về những gương học tốt, những người giỏi giang. Bên cạnh đó cũng dẫn chứng cho các em thấy một số người không học hành đến nơi đến chốn, lang thang rồi trộm cắp,…Với đối tượng này tôi đã gần gũi với em vừa bằng tình thương, vừa nghiêm khắc nhắc nhở phê bình và chỉ ra hậu quả để các em sửa chữa. Đối với những em có mặc cảm do nhà nghèo, hay phân biệt dân tộc (Nùng, Tày, Mường,….), tôi kể cho các em nghe những câu chuyện nhằm hướng tới sự đoàn kết. Bên cạnh đó, những cử chỉ như xoa đầu các em cùng với lời khen dù chỉ là một thành tích rất nhỏ, một lời hỏi thăm là bản thân giáo viên đã tạo cho học sinh một sự tin tưởng, dễ gần. Học sinh bậc tiểu học rất dễ nghe lời nên tôi dùng lời lẽ dịu ngọt pha trò với các em. Sau những giờ học căng thẳng, tôi thường đọc những câu chuyện vui (sách mượn thư viện) mang tính chất giáo dục cho các em nghe . Những câu chuyện cười đã giúp các em tâm trạng thoải mái để học tiếp. Tôi giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc đi học và hậu quả của việc nghỉ học, bỏ học. Để từ đó, các em hình thành trong tâm trí mình sự ham thích đến trường, xóa đi mặc cảm, tự ti để hòa nhập với tập thể hơn và ý định chán nản, nghỉ học sẽ dễ dàng quên đi trong đầu óc non nớt của các em.

Trong giảng dạy cũng như chấm chữa bài, tôi luôn quan tâm và chú ý đến những học sinh chưa tiến bộ. Khi học sinh nào làm bài chưa đúng, tôi yêu cầu học sinh đó làm lại chứ không chấm điểm ngay. Tôi giúp đỡ, hướng dẫn học sinh làm lại ngay tại lớp, điểm các em làm lại có thể là điểm khá, điểm giỏi. Bởi tôi quan niệm rằng đối với học sinh tiểu học chấm điểm không phải để bắt lỗi, để la mắng học sinh mà chấm điểm nhằm phát hiện những chỗ chưa đúng của học sinh, giúp các em làm lại cho đúng, cho hoàn thiện hơn. Với cách nói đúng, làm đúng trong học tập sẽ giúp các em trở thành những con người tự tin, trung thực, không gian dối,… Khi có học sinh mắc sai lầm, thiếu sót, tôi luôn cố gắng kiềm chế và tôn trọng học sinh, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ các em sữa chữa. Tóm lại, giáo viên chủ nhiệm tạo được sự mật thiết giữa thầy với trò, giữa học sinh với học sinh, thầy trò tạo được sự vui vẻ học tập trong suốt thời gian ở lớp thì chắc chắn các em sẽ đến lớp đều đặn.

  • Tạo sân chơi đoàn kết trong mỗi tiết học.

Trò chơi một khi thâm nhập vào lớp học nhất thiết là một nội dung của bài học, phải góp phần vào việc hình thành kiến thức cơ bản hoặc rèn luyện kỹ năng cơ bản của tiết học. Tạo sân chơi học tập là một hoạt động mà các em hứng thú nhất. Thông qua trò chơi các em lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng, củng cố khắc sâu kiến thức một cách vững chắc, tạo cho các em niềm say mê trong học tập. Đối với những em ham chơi, lười học và những em bị hổng kiến thức, có nguy cơ bỏ học, tôi cho các em tham gia trò chơi nhiều hơn, giao nhiệm vụ trong quá trình hoạt động nhóm,…Tôi luôn tạo cơ hội cho các em tham gia các hoạt động học tập, phát biểu ý kiến,….Tôi biểu dương kịp thời sự tiến bộ – dù là nhỏ nhất đối với các em.

Tôi luôn chịu khó tìm tòi những trò chơi sao cho phù hợp với nội dung từng bài, từng môn học:

   – Môn Toán tôi thường chọn những trò chơi: Leo núi tìm hoa ; Thi tiếp sức ; Câu cá ; Cá mẹ tìm cá con ; Tìm bạn ; Ai nhanh, ai đúng ; ….

  • Trò chơi : Leo núi hái hoa

 Tôi thường áp dụng trò chơi này vào dạng bài tính nhẩm – Nhân, chia một số với 10, 100, 1000,… trong các tiết toán Luyện tập, Luyện tập chung.

Tôi tiến hành cho học sinh chơi theo đội, tổ chức hai đội chơi, số học sinh mỗi đội tương ứng mỗi em một phép tính. Mỗi đội đứng thành đội hình hàng dọc. Khi giáo viên phát lệnh bắt đầu chơi, em đứng đầu ở mỗi hàng bắt đầu thực hiện phép tính đầu tiên rồi về trao phấn cho bạn đứng kế tiếp sau mình. Trò chơi tiếp tục đến bạn cuối cùng của mỗi đội. Đội nào ghi các bước tính của từng bậc thang đúng và ghi được kết quả cuối cùng vào bông hoa trên “đỉnh núi” là đội thắng cuộc.            

 –  Đối với phân môn Luyện từ và câu, tôi vận dụng một số trò chơi: Thi tìm từ theo chủ điểm (Dạng bài: Mở rộng vốn từ); Nhanh! Nhanh lên bạn ơi (Dạng bài: Xác định đúng từ loại: danh từ, động từ, tính từ); Trò chơi: Tìm bạn (Áp dụng vào dạng bài:  Mở rộng vốn từ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa,); trò chơi: Ghép từ( Vận dụng vào bài tập chính tả, dạy dạng bài đồng nghĩa, từ trái nghĩa) ;….

  – Môn Đạo đức, Khoa học tôi thường tổ chức trò chơi “đóng vai”; “làm phóng viên” ; trò chơi “đi chợ”. Tôi thường gọi những em hay nghỉ học lên tham gia trò chơi nhằm giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, và rèn luyện kĩ năng sống cần thiết cho các em.

  – Đối với những môn ở dạng bài học thuộc như môn: Khoa học, Lịch sử, Địa lý hoặc phần tìm hiểu bài của phân môn Tập đọc, tôi thường áp dụng trò chơi: Đố bạn; Xì điện; Ai nhanh – Ai đúng; …..vào phần củng cố bài nhằm khắc sâu kiến thức và cảm giác thoải mái, hứng thú trong học tập. Đồng thời giúp các em có kỹ năng giao tiếp và biết đưa ra những câu hỏi để đố bạn có trong nội dung bài.

Ngoài ra, tôi còn vận dụng một số trò chơi như: Ai khéo tay (Môn toán: các bài vẽ hình học; Môn Khoa học: Vẽ sơ đồ);

Trong tiết sinh hoạt cuối tuần, tôi hay tổ chức trò chơi: Rung chuông vàng nhằm giúp các em mạnh dạn, tự tin và cũng vừa ôn luyện kiến thức mà các em đã học. Một tháng tôi tổ chức một lần.  Tôi chuẩn bị phần thưởng cho các em.( phần thưởng được trích từ quỹ lớp và quỹ heo đất – được sự đồng ý của phụ huynh về các khoản thu này). Tôi quan tâm đến những em có nguy cơ nghỉ học hoặc chưa chuyên cần tham gia trò chơi. Tôi gợi ý cho các em trả lời nếu các em còn lúng túng nhằm giúp các em một sân chơi đoàn kết, thoát khỏi sự tự ti, mặc cảm vì mình học chưa tốt,…Từ đó, các em đi học chuyên cần và kết quả học tập ngày càng tốt hơn.

   Minh họa:  Tôi chuẩn bị một số câu hỏi sau:

Câu 1: Theo em thứ gì quý nhất?

  1. Tiền của.
  2. Thời giờ.
  3. Vàng, bạc.

Câu 2: Muốn nhân một số với 10, 100, 1000 ta làm thế nào?

  1. Viết thêm một, hai, ba,…chữ số 0 vào bên phải số đó.
  2. Viết thêm một, hai, ba,…chữ số 0 vào bên trái số đó.
  3. Bỏ bớt đi một, hai, ba,…. chữ số 0 ở bên phải số đó.

Câu 3: Ông rất thích thả diều và đã đỗ Trạng nguyên lúc 13 tuổi. Ông là ai?

  1. Cao Bá Quát.
  2. Nguyễn Hiền.
  3. Tô Hiến Thành.

Câu 4: ………….

Câu 5…………..

Thông qua trò chơi vừa giúp các em khắc sâu kiến thức, vừa tạo ra sự hổ trợ, giúp đỡ nhau giữa các đối tượng học sinh. Nhờ thế mà những em học yếu, lười học không còn mặc cảm, tự ti và ham học hơn.

  • Xây dựng phong trào : “Cùng bạn học tập”

Các em học yếu, kém thường có tâm trạng sợ thầy cô mắng, mặc cảm với bạn bè,.. rồi dẫn đến không muốn đến lớp. Vì vậy việc khắc phục tình trạng học yếu kém cũng là việc hạn chế tỉ lệ bỏ học của các em. Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm và qua 2 – 3 tuần đầu thực học, tôi tiến hành phân loại học sinh. Tôi phân công cụ thể cho những em khá, giỏi hổ trợ, giúp đỡ những em học yếu. Xem đây là một phong trào và thực hiện xuyên suốt đến cuối năm học. Tôi treo giải thưởng cụ thể để các đôi bạn thi đua với nhau. Tôi tổng kết sự tiến bộ của đôi bạn cùng học theo bốn đợt: Giữa kỳ 1, cuối kỳ 1, giữa kỳ 2 và cuối năm học. Tôi trích tiền quỹ lớp để thưởng các em (được sự thống nhất của phụ huynh trong cuộc họp đầu năm thu quỹ 2000 đồng /  1 tháng / 1 em và xây dựng phong trào “nuôi heo đất”), phần thưởng cho các em là những cuốn tập, những cây bút hoặc những hộp tô màu.

   Tôi chú trọng đến những đôi bạn “giỏi, khá kèm yếu” ở cùng thôn xóm với nhau, các em có thể cùng nhau học trong những buổi nghỉ học ở trường. Tôi tiến hành sắp xếp cho từng đôi bạn đã được phân công ngồi cạnh bàn nhau. Tránh sự nhầm lẫn giúp bạn là cho bạn chép bài. Tôi cũng phân tích cho các em thấy tác hại của việc cho bạn chép bài.  Tôi hướng dẫn cho các em giỏi, khá cách giúp bạn trong học tập. Những học sinh được phân công giúp bạn điều chỉnh giờ học cho phù hợp, giảng bài cho bạn, học cùng bạn, nhắc nhở động viên và kiểm tra vở ghi chép của các bạn. Những em giỏi, khá sẽ kiểm tra bài cũ và sự chuẩn bị bài mới của những em yếu trước giờ vào lớp. Các em kèm nhau học 15 phút đầu giờ và cần thiết các em hổ trợ cho nhau trong giờ ra chơi.

   Đối với những em bị hổng kiến thức: Tôi củng cố và hệ thống hóa kiến thức cơ bản rồi có kế hoạch giảng dạy hợp lý (tôi dành thời gian ở buổi học thứ 2 cho những đối tượng này nhiều hơn). Thông qua phong trào này, giúp các em học chưa tiến bộ sẽ không còn tự ti, mặc cảm và ý thức học tốt hơn. Các em ham học và thích đến trường và đẩy lùi tư tưởng bỏ học hay trốn học.

  • Phối hợp các tổ chức trong Nhà trường.
  • Phối hợp với Ban giám hiệu Nhà trường:

Kế hoạch của Ban giám hiệu là nền tảng cho mỗi giáo viên chủ nhiệm thực hiện. Trong những lần họp Hội đồng sư phạm, BGH cũng được nghe những ý kiến của giáo viên chủ nhiệm về thuận lợi và khó khăn của lớp. Tôi cũng trình bày thực trạng của lớp về những học sinh có những trường hợp khó khăn, nhà nghèo không có tiền để tham gia đóng góp các khoản theo quy định của Nhà trường. Mỗi lần nhắc đến việc đóng tiền là các em lại không đi học. Để đảm bảo chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số, tôi mạnh dạn đề xuất ý kiến với Ban giám hiệu xin miễn giảm cho những trường hợp đặc biệt khó khăn. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu, tôi liên hệ với phụ huynh và hướng dẫn phụ huynh làm đơn xin miễn giảm các khoản đóng góp.

Trong năm học lớp tôi có 3 em thuộc diện gia đình khó khăn, không có khả năng đóng góp và Ban giám hiệu đã đồng ý miễn giảm.

–  Em Nguyễn Duy Thế: thôn Bình Minh

– Em Lê Thị Thúy: Thôn Xuân Long

– Em Nguyễn Thị Cẩm Tiên

Được sự quan tâm của Ban giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm, gia đình và bản thân các em rất mừng. Đây cũng là một động lực giúp các em học tốt hơn.

  • Phối hợp với các giáo viên bộ môn:

Tâm lý học sinh Tiểu học thường nghe lời cô giáo chủ nhiệm, nên không tránh khỏi việc các em lơ là, không hoàn thành sản phẩm mà giáo viên bộ môn giao phó. Tôi cũng trao đổi với giao viên bộ môn về những trường hợp có nguy cơ bỏ học. Tôi cũng thường xuyên xin phép giáo viên bộ môn được dự giờ, thăm lớp để biết thực lực từng môn học của các em rồi tìm biện pháp giúp đỡ kịp thời các em.

  • Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong:

Hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tạo môi trường vui tươi, lành mạnh để các em đạt kết quả cao hơn trong học tập vả rèn luyện. Thông qua hoạt động Đội, các em được rèn luyện thêm nhiều về phẩm chất của người học sinh cần có như: Tình đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần cầu tiến,…Bởi vậy, tôi luôn quan tâm đến các hoạt động của Đội tổ chức. Mỗi khi Liên đội tổ chức các hội thi, tôi là người cố vấn, chọn lựa những em nào có khả năng đảm nhiệm rồi tiến hành hướng dẫn đến nơi, đến chốn.  Tôi đặc biệt quan tâm đến những em ham chơi, nói dối xin về để trốn chơi game. Tôi chọn các em để tham gia thi những trò chơi dân gian: kéo co, ngậm nước phun chai, nhảy bao bố, …Một khi được cô giáo chọn tham gia luyện tập và thi như thế, các em thấy bản thân được cô giáo trọng dụng nên rất hào hứng, quyết tâm luyện tập để đạt kết quả cao và không còn nghĩ đến việc nghỉ học nữa. Hằng tuần, Liên đội có một buổi sinh hoạt Đội dành cho các em. Tôi đi sinh hoạt cùng các em, giúp các em thực hiện nghiêm túc điều lệ, nghi thức Đội, chương trình rèn luyện đội viên,…Qua đó giúp cho các em có được nhiều sân chơi thực bổ ích và lý thú; tạo động lực để các em phấn đấu trở thành “Con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”.

  • Kết hợp với phụ huynh học sinh.

Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho các em, là động lực giúp các em vượt qua khó khăn. Vì thế, chúng ta cần quyết tâm: “nối nhịp cầu giáo dục với cha mẹ các em”. Khi phối hợp với gia đình học sinh. Tôi thiết nghĩ cần phải linh hoạt vì: “Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh”, hoàn cảnh gia đình không ai giống ai. Có gia đình có điều kiện kinh tế, có thời gian luôn quan tâm theo dõi sâu sát chuyện học tập của con em, thậm chí luôn đưa rước con cái đi học, theo dõi tập vở của con cái hàng ngày. Nhưng cũng có gia đình đầu tắt mặt tối đi sớm về khuya, họ không có thời gian quan tâm đến con cái, mặc dù ai cũng muốn con mình học giỏi, ngoan ngoãn.

Thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi nêu cao tinh thần trách nhiệm của phụ huynh trong việc học tập của học sinh. Tôi trao đổi và quán triệt về sự chuyên cần của các em. Tôi chỉ chấp nhận đồng ý các em nghỉ học với lý do chính đáng như: bệnh, tai nạn,… Còn nghỉ học để đi ăn giỗ, ăn cưới … đều được tôi động viên đi học. Học sinh nghỉ học vì một lý do nào đó thì cha mẹ phải trực tiếp điện thoại cho cô giáo hoặc viết giấy xin phép phải có chữ ký của phụ huynh (tôi đã cho phụ huynh ký vào giấy kiểm tra chất lượng đầu năm – để tránh trường hợp học sinh tự ý nghĩ học và ký thay phụ huynh). Mỗi ngày đến lớp, việc đầu tiên là tôi bao quát lớp, xem các em có đi học đầy đủ không. Nếu thấy vắng em nào mà phụ huynh chưa báo cho giáo viên, tôi liền gọi điện cho phụ huynh em đó để biết vì sao em không đi học.

  1. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu.

Qua vận dụng đề tài vào lớp 4B, tôi thấy kết quả đạt được rất khả quan.

Trong năm học 2019 – 2020, qua khảo sát có 5 em có nguy cơ bỏ học và không chuyên cần. Vào đầu năm học, sĩ số lớp tôi dù có biến động nhưng đối tượng bỏ học (Em Phan Văn Phương – Sinh năm: 1997) trước khi tôi có tư tưởng vận dụng đề tài này. Mặc dù tôi cũng thuyết phục em trở lại trường nhưng em quá lớn tuổi nên không tránh khỏi xấu hổ, mặc cảm. Còn trường hợp của em Nguyễn Duy Thế (ảnh hưởng từ phía gia đình, mẹ nằm viện, kinh tế khó khăn) lúc đầu em đi học không chuyên cần, rồi bỏ học một tuần vì điều kiện hoàn cảnh gia đình nhưng cô đã đến nhà và vận động em đi học lại. Điều đáng mừng là em đã ý thức đi học rất chuyên cần, kết quả học tập của em tiến bộ rất nhiều. Đối với em: Nguyễn Thị Cẩm Tiên (nhà nghèo, 2 năm liên tiếp em chưa đóng các khoản tự nguyện), thấy các bạn trong lớp được bố lên đóng tiền, thế là em không đến lớp. Tôi gọi điện để tìm hiểu nguyên nhân, lúc đầu mẹ em báo ốm. Nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba đều thấy vắng em. Tôi đến nhà thăm hỏi, động viên và hướng dẫn phụ huynh làm đơn xin miễm giảm. Từ đó, em đi học chuyên cần và kết quả học tập được nâng lên rõ rệt. Còn đối với những em ham chơi, lười học cũng đã dần tiến bộ thể hiện qua các đợt kiểm tra, kết quả học tập đã tiến bộ rõ rệt, không còn điểm yếu nữa.

  1. Kết luận

Người giáo viên chủ nhiệm phải thấy việc thực hiện duy trì sĩ số học sinh là trách nhiệm của một nhà giáo. Để làm tốt công tác này giáo viên cần kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các ban ngành của địa phương. Có như vậy công tác chủ nhiệm của giáo viên mới đạt kết quả và khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học. Đồng thời cần xây dựng một môi trường lớp học thân thiện, tạo một mối quan hệ gần gũi giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh để các em có được cảm giác thân thiện khi đến lớp. Một điều không kém phần quan trọng nữa đó là người giáo viên phải thật sự nhiệt tình, chịu khó, có tâm huyết, phải luôn tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đổi mới phương pháp giảng dạy để lôi cuốn học sinh, được sự tin tưởng và tín nhiệm của phụ huynh học sinh, biết kết hợp chặt chẽ với gia đình học sinh thì việc duy trì sĩ số sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI FILE WORD 

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Bài 25: Cao hơn. Thấp hơn (T2)Bài 25: Cao hơn. Thấp hơn (T2)
  • Thi cuối học kì I môn Lịch sử 9Thi cuối học kì I môn Lịch sử 9
  • Giáo án Công Nghệ lớp 4 tuần 35Giáo án Công Nghệ lớp 4 tuần 35
  • Kế hoạch giáo dục khối lớp 4. Năm học 2022 – 2023Kế hoạch giáo dục khối lớp 4. Năm học 2022 – 2023
  • Bệnh dại và cách phòng tránh bệnh dạiBệnh dại và cách phòng tránh bệnh dại
  • Kế hoạch giáo dục khối 4 bộ sách Cánh diềuKế hoạch giáo dục khối 4 bộ sách Cánh diều

Bài viết cùng chủ đề

  • Pham Chat Cham Chi Biện pháp hình thành và phát triển phẩm chất chăm chỉ cho học sinh lớp 1
  • Giao Duc Dao Duc Nâng cao giáo dục đạo đức qua một số kĩ năng sống cho học sinh trong công tác chủ nhiệm lớp
  • Nâng cao giáo dục đạo đức qua một số kĩ năng sống Nâng cao giáo dục đạo đức qua một số kĩ năng sống cho học sinh lớp 1
  • Biện pháp hình thành và phát triển phẩm chất chăm chỉ Biện pháp hình thành và phát triển phẩm chất chăm chỉ cho học sinh lớp 1
  • Bien Phap Nhan Ai 1 Một số biện pháp phát triển phẩm chất nhân ái cho học sinh lớp 1 trong công tác chủ nhiệm
  • C Một số giải pháp nâng cao phẩm chất chăm chỉ cho học sinh lớp 1 qua các buổi học trực tuyến

Từ khóa » Giải Pháp Duy Trì Sĩ Số Lớp Học