Một Số Chia Sẻ Cá Nhân Về Vấn đề Dịch Sách Chuyển Pháp Luân ...
Có thể bạn quan tâm
Kính thưa Sư Phụ!
Kính thưa quý đồng tu!
Trong bài viết này, con xin được tạm gọi Sư Phụ là Tác giả.
Em/cháu xin được tạm xưng là Tôi.
Tôi đến với Pháp chỉ được hơn một năm, thể ngộ không được bao nhiêu, học Pháp thì vẫn chưa tinh tấn. Lúc mới bắt đầu tiếp cận Pháp, tôi chỉ đọc qua loa bản dịch hiện được đăng trên Minh Huệ Việt ngữ do một người bạn giới thiệu. Một thời gian sau khi tìm hiểu và suy nghĩ kỹ càng, tôi đã tìm đọc bản tiếng Trung và quyết định bước vào đường tu luyện. Trong suốt quá trình học Pháp của mình, tôi chỉ sử dụng bản gốc tiếng Trung, chỉ khi nào học Pháp chung với mọi người tôi mới sử dụng bản tiếng Việt, lúc ấy, cá nhân tôi nhận thấy bản dịch có một số chỗ không được rõ ràng nhưng cũng không dám nói ra, vì e ngại tâm hiển thị. Càng ngày, càng có nhiều đồng tu khác thắc mắc với tôi về một số từ ngữ trong kinh sách và ngỏ ý muốn đọc bản tiếng Trung cùng tôi. Lúc đó, tôi mới dần dần hiểu được khoảng cách giữa bản dịch và bản gốc ảnh hưởng thế nào đến chỉnh thể tu luyện: Có một số người hiểu sai, có một số người quá xem trọng từ ngữ gốc Hán, có một số người thì đào sâu vào một câu riêng lẻ mà lý giải. Điều này đã khiến tôi dần dần hiểu được trách nhiệm của mình, bằng vốn liếng sở học và kinh nghiệm ít ỏi nơi người thường, xin được chia sẻ vài thể hội cá nhân về một số sự khác biệt giữa bản dich tiếng Việt và bản gốc tiếng Hoa sách Chuyển Pháp Luân. Những mong có thể giúp mọi người có thể minh bạch ra điều gì đó có ích cho việc học Pháp, và đó cũng là cách để tôi đón đợi thêm nhiều sự góp ý, chỉ dạy từ các đồng tu lâu năm, từ các cô chú dịch giả tiền bối có nhiều kinh nghiệm. Trước hết, tôi xin được có vài lời tiền ngôn: tất cả những nhận xét của tôi từ đây trở về sau chỉ là quan điểm cá nhân. Mọi lý giải của tôi chỉ trong phạm vi bề mặt ngôn ngữ. Tôi không hề có ý bình luận Pháp, hay giảng giải điều gì trong Pháp, tôi chỉ quan tâm đối chiếu xem mọi đơn vị ngữ vựng có được chuyển tải đúng dung lượng thông tin mà nó có hay không. Thông qua một vài thống kê đối chiếu giữa bản dịch sách Chuyển Pháp Luân được đăng trên Minh Huệ Việt ngữ và bản gốc tiếng Hoa, xin được trình bày một vài nhận xét cá nhân như sau:
Thứ nhất, về các tiêu chí dịch thuật
Theo cá nhân được biết, sau khi dịch giả tiếp cận, nghiên cứu và nắm được đặc điểm văn bản gốc như nội dung, đề tài, đặc điểm ngôn ngữ, kiểu văn bản, mục đích tác giả,… họ sẽ tiến hành xây dựng tiêu chí cho bản dịch. Tiêu chí này sẽ là nguyên tắc chỉ đạo trong suốt quá trình dịch thuật, giúp họ lựa chọn trường ngữ vựng, cú pháp, văn phong… làm như thế nào đó để cho bản dịch đạt được hiệu quả chuyển tải cao nhất. Ví dụ: tiểu thuyết hành động thì phải có văn phong mạnh, ấn tượng; văn bản khoa học thì phải chính xác, sáng sủa…
Đối với kiểu văn bản: tôi thấy Chuyển Pháp Luân gần với kiểu văn bản khoa học nhất.
Đối với mục đích: Đây là sách chỉ đạo tu luyện, nên độ chính xác về mặt ngữ nghĩa phải được ưu tiên.
Đối với văn phong: Tác giải đã từng viết trong tờ bìa cuối cuốn sách Chuyển Pháp Luân:
Cuốn «Chuyển Pháp Luân» không đẹp đẽ về văn chương bề mặt, thậm chí không phù hợp với ngữ pháp hiện đại. Tuy nhiên, nếu tôi dùng ngữ pháp hiện đại để chỉnh lý cuốn [sách] Đại Pháp này, thì sẽ xuất hiện một vấn đề nghiêm trọng: quy phạm kết cấu của ngôn ngữ văn chương [dẫu] trau chuốt, nhưng sẽ không có nội hàm cao hơn và sâu hơn. Bởi vì việc sử dụng từ vựng quy phạm hiện đại hoàn toàn không cách nào biểu đạt được chỉ đạo của Đại Pháp tại các tầng khác nhau ở cao hơn và biểu hiện của Pháp tại mỗi từng tầng, cũng như [không thể] dẫn đến diễn hoá [về] bản thể và công của học viên cùng các loại biến hoá về thực chất trong đề cao [tầng].
………
Lý Hồng Chí 5 tháng Giêng, 1996
Xin phép không bàn đến những vấn đề nội hàm tại cao tầng, ở đây chỉ nói đến vấn đề ngữ pháp câu chữ
“không phù hợp với ngữ pháp hiện đại” ở chỗ nào?
Cá nhân tôi nhận thấy, những điểm “không phù hợp với ngữ pháp hiện đại” được thể hiện ở chỗ: một số câu trong sách Chuyển Pháp Luân không có chủ ngữ. Đây là một đặc điểm biểu đạt của Hán ngữ cổ đại, đối với các nhóm ngôn ngữ Đông Á khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn thì tôi không biết. Nhưng, đối với tiếng Hán và tiếng Việt mà nói, đây chính là một đặc điểm thể hiện tính linh hoạt trong ngữ pháp của hai loại ngôn ngữ này. Lấy ví dụ, trong tiếng Anh, khi chúng ta nói một câu thì phải có đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, nếu chủ ngữ không xác định thì phải dùng chủ ngữ giả (điều này thì những đồng tu hiểu tiếng Anh có thể giải thích rõ hơn tôi ). Nhưng trong tiếng Việt và tiếng Hoa, đôi khi chủ ngữ bị lược đi nhưng ý nghĩa của câu vẫn được bảo đảm.
Xin lấy ra một đoạn ví dụ trong sách Chuyển Pháp Luân, Bài giảng thứ bẩy, Vấn đề ăn thịt:
我在單位上班的時候,單位食堂老虧損,後來就黃了。黃了大夥帶飯。早晨做點菜,忙忙活活上班挺費勁。有的時候買兩個饅頭,買塊豆腐泡醬油。按理說那麼清淡的東西可以了吧,老吃也不行,也得給去去這個心。你剛要瞅豆腐,就讓你泛酸,再吃吃不了,也怕你產生執著心。當然這得修煉到一定成度之後,剛剛開始的時候不會這樣。
Người viết tạm dịch:
Lúc tôi còn làm việc ở đơn vị, căn tin của đơn vị thường lỗ vốn, sau đó không làm nữa. Đổi thành tự mình mang cơm. Buổi sáng làm ít thức ăn, bận rộn đi làm cũng thật là tốn công. Có lúc mua hai cái màn thầu, mua một miếng đậu hũ dầm nước tương. Theo lý mà nói thứ thanh đạm như vậy cũng tạm rồi, ăn mãi cũng không được, cũng phải bỏ đi cái tâm này. Chư vị vừa nhìn thấy miếng đậu phụ thì liền khiến chư vị ợ chua, ăn nữa thì ăn không nổi, cũng sợ chư vị có tâm chấp trước. Đương nhiên, đây là phải tu luyện đến một thành độ nhất định, lúc vừa mới bắt đầu thì sẽ không như thế.
Trên đây là đoạn dịch sát với ngữ pháp mà Tác giả dùng.
Trong bản gốc tiếng Hoa chúng ta chỉ thấy mỗi một chữ 我 (tức là “tôi”) ở câu đầu tiên. Những hành động trong một đơn vị câu kế tiếp đó “Có lúc mua hai cái màn thầu, mua một miếng đậu hũ dầm nước tương….” không có chữ我, không có chủ ngữ “tôi” ở đây, chỉ có hành động mà không có chủ thể.
Bản dịch trên Minh Huệ Việt ngữ:
Sáng sớm làm cơm, rồi vội vội vàng vàng đi làm rất nhọc sức. Đôi lúc [tôi] mua hai cái bánh bao, một miếng đậu phụ chấm tương. Về lý mà xét thì đó là món rất thanh đạm cũng khả dĩ; [nhưng] cứ ăn thế mãi cũng không được, cũng cần vứt bỏ cái tâm ấy. Chư vị vừa nhìn thấy món đậu phụ, liền cảm thấy buồn nôn; nếu ăn nữa [cũng] không ăn được; cũng e rằng chư vị sẽ sản sinh tâm chấp trước. Tuy nhiên đó là phải sau khi tu luyện đến một trình độ nhất định; lúc mới bắt đầu sẽ không như thế.
Người dịch đã chua thêm chữ [tôi], tức đặt cho câu đầu tiên thêm một chủ ngữ.
Trong Hán ngữ cổ đại, câu không chủ ngữ được sử dụng khi tác giả có dụng ý riêng, không muốn hạn cuộc hành động, tính chất, trạng thái vào một sự vật, một sự việc hay một người nhất định, (đây cũng là một thủ pháp thường thấy trong thơ Đường, dĩ nhiên, chúng ta ở đây không nói chuyện nghệ thuật). Cá nhân tôi hiểu: Tác giả không để chữ “tôi” vào câu thứ hai vì muốn biểu đạt rằng: tình trạng kể ra tiếp theo sau đó là tình trạng chung, chứ không phải tình trạng riêng của một người.
Đơn cử thứ hai là môt đoạn trong Bài giảng thứ nhất, Chân chính dẫn người lên tầng thứ cao
Bản gốc:
你抱著各種有求的目地來學功、學大法,那你甚麼都學不到的。告訴你一個真理:整個人的修煉過程就是不斷的去人的執著心的過程。
Người viết tạm dịch
Chư vị ôm giữ các loại mục đích cầu mong đến học công, học Đại Pháp, thì chư vị hoàn toàn không học được gì cả. Nói cho chư vị một chân lý: Toàn bộ quá trình tu luyện của con người chính là một quá trình không ngừng vứt bỏ các tâm chấp trước của con người.
Bản dịch trên Minh Huệ Việt ngữ:
[Khi] chư vị ôm giữ các loại mục đích hữu cầu mà đến học công, học Đại Pháp, [thì] chư vị sẽ không học được gì hết. [Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.
Trong bản gốc “告訴你一個真理…” “Nói cho chư vị một chân lý…” hoàn toàn không có chủ ngữ “tôi”, người dịch bản trên Minh Huệ đã thêm chủ ngữ vào bên trong dấu ngoặc vuông.
Vì sao tác giả không nói “tôi nói cho chư vị một chân lý” ? vì sao tác giả lại không để “tôi” vào? Điều này xin nhường lại cho các quý đồng tu chia sẻ thêm.
Tóm lại, câu không chủ ngữ là một thủ pháp diễn đạt được sử dụng chủ yếu trong Hán ngữ cổ đại và cả tiếng Việt. Quy phạm ngữ pháp của tiếng Hán hiện đại so với tiếng Anh hiện đại là có sự tương đồng khá lớn. Nếu bám chặt vào ngữ pháp tiếng Hán hiện đại thì một câu phải có chủ – vị hẳn hoi, dĩ nhiên, cách nói bỏ lửng chủ ngữ vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay; kiểu biểu đạt này chủ yếu được sử dụng trong khẩu ngữ giao tiếp, trong văn bản nghệ thuật, hoặc khi tác giả có dụng ý biểu đạt riêng. Nhưng những văn bản khoa học chính thống yêu cầu sự chặt chẽ rõ ràng thì không thể sử dụng như thế.
“không đẹp đẽ về văn chương bề mặt” ở chỗ nào?
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sự “không đẹp đẽ” này chính là biểu hiện của đặc điểm phong cách văn bản: đây là văn bản nói.
Tác giả và cũng chính là Sư Phụ đã nói trong cuối mục Tâm lý hiển thị, Bài giảng thứ sáu, sách CHuyển Pháp Luân có viết:
Tôi còn nói với chư vị rằng: nội dung cuốn sách này là bài giảng Pháp tại một số lớp hợp lại. Đều là [điều] mà tôi giảng, từng câu đều là tôi giảng ra, đều là từ băng thâu âm lấy từng chữ từng chữ mà ra, lấy từng chữ từng chữ sao chép ra, đều là do các đệ tử, học viên của tôi đã giúp tôi sao lục lại, sau đó tôi chỉnh lý từng lượt từng lượt. Đều là Pháp của tôi, những điều tôi giảng chính là Pháp này.
Chúng ta có thể thấy: đây là một văn bản ghi chép từ một loạt bài giảng của Tác giả, ban đầu nó là văn bản nói sau đó được chuyển thành văn bản viết, sau đó do chính Tác giả chỉnh lý, biên tập lại. Vì thế ngôn ngữ được sử dụng ở đây là tiếng Hán khẩu ngữ hiện đại. Môi trường thông tin không hề tách rời hoàn cảnh giao tiếp bằng tiếng nói.
Tôi nhớ có đọc một đoạn kinh văn mà tôi không nhớ tên, Sư Phụ giảng về tiến Hán cổ và tiếng Hán hiện đại (đồng tu nào tra ra được xin chỉ giúp cho, tôi xin được cảm ơn!). Đại ý là Sư Phụ nói tiếng Hán hiện đại không có nội hàm bằng tiến Hán cổ, nhưng để cho con người thời nay hiểu được, Sư Phụ đã dùng tiếng Hán hiện đại để giảng Pháp.
Trong hệ thống ngôn ngữ viết của tiếng Hoa, có phân ra “Văn ngôn” và “Khẩu ngữ”. Hiểu đơn giản, “văn ngôn” là phong cách ngôn ngữ từ chương, sách vở, có sắc thái bay bổng đẹp đẽ dùng để sáng tác văn chương, phải tốn thời gian học hỏi, luyện tập mới sử dụng được; “khẩu ngữ” là ngôn ngữ nói hàng ngày, phổ thông, dễ hiểu, dễ sử dụng, hầu như ai cũng sử dụng được… Phong cách ngôn ngữ của Chuyển Pháp Luân, tôi có thể khẳng định là phong cách “khẩu ngữ”. Bởi vì Sư Phụ giảng Pháp là để mọi giai tầng đều có thể nghe và hiểu được, chỉ cần là một người Hoa học hết phổ thông, là có thể hiểu được toàn bộ bề mặt ngôn ngữ của Chuyển Pháp Luân.
Trong cuốn sách, ngoài một số từ ngữ đặc biệt mà tác giả sử dụng ra (cũng có thể tạm gọi là “thuật ngữ”) ví dụ như: thành độ (thay cho trình độ), chân tượng (thay cho chân tướng),… thì hầu hết bộ phận còn lại đều là Khẩu ngữ của tiếng Hán hiện đại.
Vậy thì, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chúng ta cũng cần phải chú ý đến khía cạnh này: làm sao cho một người Việt học hết phổ thông có thể đọc hiểu được (trừ những từ có nội hàm như tôi vừa nói). Cố gắng tối đa nhất có thể để một đơn vị ngữ vựng của tiếng Hoa sẽ được chuyển nghĩa thành một đơn vị ngữ vựng tiếng Việt tương đương, ví dụ: một từ tiếng Hoa thành một từ tiếng Việt, một câu tiếng Hoa thành một câu tiếng Việt, tránh tối đa tình trạng một từ thành hai ba từ, một câu thành hai ba câu hay chen thêm chú thích (trong dấu ngoặc) theo cách hiểu của người dịch vào. Dịch giả cũng nên chú ý, tránh để “cách hiểu thâm sâu” của mình ảnh hưởng vào ý nghĩa của câu cú.
Về vấn đề sức biểu đạt của tiếng Việt
Chúng ta hãy cùng đọc câu hỏi của học viên và phần trả lời của Sư Phụ tại Pháp hội năm 2005, Sanfrancisco
“Đệ tử: Học viên Việt Nam chúng con đang phiên dịch «Chuyển Pháp Luân», vẫn luôn cảm thấy phiên dịch không chuẩn, đã qua thời gian hơn hai năm rồi. Xin Sư phụ chỉ rõ.
Sư phụ: Phiên dịch «Chuyển Pháp Luân», hãy thử hỏi học viên tiếng nước khác thì có thể chư vị sẽ minh bạch; [nếu] chư vị muốn phiên dịch hoàn toàn chuẩn xác thì không thể. Tất nhiên, nếu dùng chữ nguyên lai [thuở xưa] của Việt Nam thì hầu như không cần phiên dịch, vì thời bấy giờ Á Châu hầu như đều dùng chữ Hán; nhưng sau này người Pháp đã sáng tạo ra loại văn tự này, từ đó về sau khiến văn hoá cổ đại của người Việt Nam trở nên cách đoạn với phương thức tư duy của người cận đại. Người Việt Nam hiện đại về phương thức tư duy là đã chịu ảnh hưởng; nội hàm của văn tự cận đại hầu như không còn nữa; vậy nên khi phiên dịch «Chuyển Pháp Luân» thì rất khó phiên [dịch] chuẩn xác. Vậy hãy dùng phương thức phiên dịch của Anh văn và loại ngôn ngữ khác; ý tứ bề mặt cần gắng sức biểu đạt rõ ràng là khả dĩ rồi; Pháp Lý cao tầng thì không cần phiên [dịch]. Nội hàm cao tầng là [do] Pháp phản ánh xuất lai, là nội hàm của Pháp ở các cảnh giới khác nhau phản ánh.”
Tôi xin được chia sẻ một vài thể ngộ về cách làm việc sau khi đọc đoạn Pháp trên: vì sao Sư Phụ khuyên học viên Việt Nam chúng ta nên tham khảo bản dịch của tiếng nước khác?
Cá nhân tôi nhận thấy: ngữ nghĩa hiện đại của các nhóm ngôn ngữ chính trên thế giới đa phần là đại đồng tiểu dị. Giả dụ có hai ngôn ngữ A và B, thì trong đa số trường hợp, khi ngôn ngữ A có một từ để biểu đạt một ý nghĩa X nào đó, thì ngôn ngữ B cũng sẽ có một từ biểu đạt ý nghĩa tương đương như vậy. Không nhất thiết là một từ của ngôn ngữ A thì phải dùng đến cả câu của ngôn ngữ B để biểu đạt.
Mọi người đều biết, tiếng Việt của chúng ta có đến 70 – 80% từ vựng gốc Hán. Theo quá trình diễn biến lịch sử, chúng ta là một quốc gia tiếp xúc với chữ Hán sớm nhất cõi Đông Á (có thể sớm hơn cả Nhật Bản và Triều Tiên theo hiểu biết của tôi). Việc học tiếng Hoa đối với người Việt không có khó khăn gì nhiều. Đến khi chữ Quốc ngữ ra đời, chúng ta đã không còn sử dụng chữ Hán – Nôm nữa, chính vì thế chúng ta không còn hiểu được 100% ý nghĩa của từ vựng gốc Hán. Nhưng cái mà chúng ta giữ được đó chính là tiếng nói.
Lấy ví dụ: chữ thành độ 成度 và trình độ 程度 nếu đọc theo âm tiếng Hoa phổ thông được sử dụng bây giờ thì sẽ là “chéngdù” (chớn tù). Hai chữ này có cách viết khác nhau và ý nghĩa cũng khác, nhưng lại đồng âm. Một người Hoa chưa hề đọc qua Chuyển Pháp Luân mà chỉ nghe giảng, đảm bảo rằng sẽ không phân biệt được mà họ sẽ nghĩ ngay đến程度(trình độ). Nhưng người Việt thì hoàn toàn ngược lại thành độ – trình độ, vừa nghe là biết khác.
Còn nhiều đơn cử tương tự: mục đích 目的 – mục địa 目地 tiếng Hoa phổ thông đều đọc là mùdì, chân tướng真相 – chân tượng真像, tiếng Hoa phổ thông đều đọc là zhēn xiàng。
Đó là lý do tại sao các nhà âm vận học của Trung Quốc khi nghiên cứu lịch sử âm tiết phải thông qua tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Việt để nghiên cứu. Vì cách phát âm từ gốc Hán của chúng ta gần với các phát âm của thời Hán – Đường, kể cả cách sử dụng từ ngữ cũng như thế. Còn tiếng Hán hiện đại ngày nay, thông qua một quá trình diễn biến vận động cũng đã khác đi nhiều, cho nên rất khó nói rằng: người Trung Quốc hiện nay hiểu rõ hơn về nghĩa gốc của một chữ Hán hơn là cách mà chúng ta hay một người Nhật Bản, Triều Tiên vẫn hiểu. Chỉ có một điều rõ ràng là chúng ta không còn đọc và lý giải được văn tự mà thôi.
Ví dụ: chữ “chân chính” 真正 zhēnzhèng, người Việt ta lý giải như sau: chân chính tức là cái gì đó chính thống, đàng hoàng. Một con người chân chính là một người có phẩm chất tốt, đàng hoàng, xứng đáng là một con người,… nhưng trong tiếng Hoa phổ thông hiện nay, chữ này chỉ có nghĩa là: “thật sự”, “đúng là như vậy”, 你真正想这样做?(Anh thật sự muốn làm như vậy?). Rất khó có thể nói rằng, cách hiểu nào là sát với nghĩa gốc nhất.
Cho nên, tôi nghĩ, chấp vào ngữ vựng gốc Hán là không nên. Từ nào có nghĩa thuần Việt tương đương thì ta cứ mạnh dạn sử dụng, từ nào có gốc Hán mà người Việt ta cũng thường sử dụng và cũng có thể hiểu được thì ta cố gắng giữ nguyên. Sư Phụ khuyên chúng ta nên tham khảo bản dịch tiếng Anh và các loại ngôn ngữ khác, tức là muốn chúng ta thông qua cái “tiểu dị” mà nắm bắt được “đại đồng”. Thông qua đối chiếu ngữ vựng của các ngôn ngữ khác nhau, mà nắm được nghĩa biểu đạt tối ưu nhất, từ đó lựa chọn trong vốn ngữ vựng của mình những từ ngữ sáng rõ nhất, có hiệu quả biểu đạt trên bề mặt ngôn ngữ cao nhất.
Một số đồng tu người Việt chúng ta thường chấp hơi nhiều vào những tư vựng gốc Hán, lúc học Pháp thường , hay phát biểu thường sử dụng một số từ ngữ như: “phi thường”, “bất hảo”, “chân chính”… thực ra tôi thấy đó không phải là tôn trọng Pháp mà là đang chấp vào câu chữ. Những từ trên không có ý nghĩa kinh thiên động địa gì cả, “phi thường…” đơn giản là “vô cùng, rất…”; “bất hảo” chỉ là “không tốt”; “chân chính” trong rất nhiều trường hợp chỉ mang nghĩa là “thật sự…”. Trong nói viết lạm dụng những từ như thế thì không ai hiểu được là mình đang nói gì.
Kết từ
Qua những phân tích trên, tôi xin phép được kiến nghị một số tiêu chí dịch thuật để đóng góp một phần nhỏ nhoi vào công việc dịch thuật cũng như chỉnh lý các Kinh sách Đại Pháp sau này:
- Phải bảo đảm được tính nhất quán logic, cách dùng từ thống nhất từ trên xuống dưới, tránh tình trạng dùng từ tùy tiện, lúc nói thế này, lúc nói thế khác.
- Bảo đảm được tính truyền tải của một đơn vị ngữ vựng, một từ thành một từ, một câu thành một câu, văn bản dịch cần tránh tình trạng thêm thắt, giải thích thêm theo ý người dịch. (Tôi nghĩ tiếng Việt có thể bảo đảm được tiêu chí này)
- Tôn trọng cách sử dụng ngữ pháp của Tác giả.
- Các từ ngữ đặc biệt có nội hàm do Tác giả dùng phải được giữ nguyên, như: chân tượng, mục địa, thành độ…
- Từ nào có nghĩa thuần Việt tương đương thì ta cứ mạnh dạn sử dụng, từ nào có gốc Hán mà người Việt ta cũng thường sử dụng và cũng có thể hiểu được thì ta cố gắng giữ nguyên.
Trên đây là một vài kiến giải cá nhân, vì tuổi đời, kinh nghiệm làm việc cũng như tầng thứ tu luyện vẫn có hạn chế nên sai sót là điều khó tránh khỏi. Những mong được các đồng tu và các dịch giả tiến bối đóng góp, chỉ rõ thêm cho. Thể theo yêu cầu của một số đồng tu, tôi sẽ update bảng đối chiếu một đoạn nhỏ bản dịch Chuyển Pháp Luân hiện được đăng trên Minh Huệ Việt ngữ với bản gốc trong thời gian ngắn để mọi người tham khảo. Tất cả ý kiến của mọi người, tôi xin chân thành cảm ơn.
Hợp thập!
Share this:
Related
Từ khóa » Chuyển Pháp Luân Tiếng Hán
-
Chuyển Pháp Luân (sách) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chuyển Pháp Luân Hán Việt
-
Kinh Chuyển Pháp Luân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kinh Chuyển Pháp Luân - Kinh Sanskrit/Hán Tạng
-
Học Tiếng Trung: Mỗi Ngày 10 Từ Vựng Có Trong Sách Chuyển Pháp ...
-
Chuyển Pháp Luân - Falun Dafa
-
Kinh Chuyển Pháp Luân Từ Bản Khắc Gỗ Càn Long - .vn
-
Được Ban Cho Trí Huệ để đọc Sách Chuyển Pháp Luân Bằng Tiếng ...
-
Bản Dịch Tiếng Việt Mới Của Cuốn Chuyển Pháp Luân đã được Xuất ...
-
Học Tiếng Trung Thông Qua Việc Học Pháp
-
Mucwomencom Học Tiếng Trung Mỗi Ngày 1otu Vựng Sách Chuyển ...
-
Kinh Chuyển Pháp Luân - Kinh điển Bắc Truyền (Đại Thừa)
-
Học Viên Việt Nam Luyện Học Thuộc “Chuyển Pháp Luân” Bằng Tiếng ...