Một Số Giải Pháp Thiết Kế Móng Trên Nền Castơ - Bộ Xây Dựng
Có thể bạn quan tâm
H2CO3+CaCO3 -> Ca(HCO3)2 + CaCO3 +H2O + CO2
Trong đó H2CO3 được hình thành từ CO2 trong tự nhiên, chủ yếu trong khí quyển cùng với nước và phân ly trong nước theo phản ứng:
H2O+CO2 -> H2CO3 -> H+ + HCO3-
Quá trình phản ứng diễn ra theo 2 chiều thuận nghịch phụ thuộc vào tương quan hàm lượng CO2 và CaCO3 kết tủa. Nếu CaCO3 tăng quá nồng độ bão hòa phản ứng sẽ diễn ra chiều ngược lại. Do đó, nước không vận động quá trình hòa tan sẽ dừng lại Castơ không phát triển. Nồng độ bão hòa phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, áp suất môi trường. Sự hòa tan kết tủa các đá diễn ra theo thời gian địa chất, trong quãng thời gian đó nó luôn bị chi phối bởi các hoạt động khác làm thay đổi các điều kiện hòa tan.
Do đặc điểm hình thành Castơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên trong tự nhiên có nhiều dạng Castơ rất khác nhau, với chiều sâu và quy mô phân bố đa dạng. Thực tế, nhiều công trình xây dựng trên nền Castơ từ vài trăm năm trước đây nay vẫn tồn tại bên cạnh đó nhiều công trình phải xây dựng với chi phí tốn kém để xử lý nền Castơ như Bỉm Sơn, Tam Điệp, hoặc gần đây xuất hiện các hố sụt lớn ở Ký Phú Đại Từ Thái Nguyên, Quốc Oai, Hà Nội, Cẩm Phả Quảng Ninh. Do đó, cần phải tìm hiểu và đưa ra những giải pháp nền móng hợp lý cho công trình xây dựng trên nền Castơ.
2. Phân loại Castơ
Theo đặc điểm phân bố của đá bị Castơ hóa, Castơ được phân chia thành hai loại là Castơ trần và Castơ phủ. Castơ trần là đá bị Castơ hóa nằm ngay trên mặt. Castơ phủ là đá bị Castơ hóa bị che phủ bởi các lớp đất đá không hòa tan, không thấm nước hoặc đất đá không hòa tan có thấm nước, nằm trong lòng đất.
Đối với việc thiết kế nền móng công trình thì Castơ được phân loại thành Castơ sống và Castơ chết.
Castơ sống: Đó là các hang hốc Castơ, rãnh, mạch ngầm…vẫn đang trong quá trình Castơ hóa, tức là vẫn có nước tích tụ hoặc lưu thông trong hang, rãnh, tiếp tục hòa tan đá để phát triển hệ thống hang rãnh này. Biểu hiện là lòng hang có thể là mạch nước hoặc bùn sét, hữu cơ…
Castơ chết: Là hệ thống hang, rãnh, mương đã kết thúc quá trình Castơ hóa, biểu hiện là lòng hang khô hoặc được nhét đầy đất đá.
3. Đặc điểm phân bố Castơ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, đá vôi (địa hình Castơ) chiếm gần 20% diện tích lãnh thổ phần đất liền, tức là khoảng 60.000km2. Đá vôi tập trung hầu hết ở miền Bắc, phân chia thành 6 khu vực:
Khu vực 1: Quần đảo núi sót Castơ nổi lên trên mặt các vũng vịnh khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh và một phần ở Hà Tiên. Đá cacbonat có thành phần chủ yếu là đá vôi khối lớn hoặc phân lớp dày tương đối thuần khiết, đôi chỗ đá vôi nằm xen kẹp với các đá trầm tích khác: cuội kết, cái kết, bột kết, sét kết. Đá vôi có tuổi Đêvôn, cacbon và Permi. Quá trình Castơ vẫn đang phát triển mạnh, các núi sót không có lớp phủ tàn tích, các hang động có kích cỡ lớn, có giá trị du lịch.
Khu vực 2: Vùng đồng bằng ven biển Hải Phòng – Quảng Ninh, Ninh Bình – Thanh Hóa, Hà Tiên và một diện tích nhỏ ở Tây Ninh, có cao độ tuyệt đối biến đổi trung bình từ 0.5÷1.0m đến 8÷10m. Đá cabonat bị phủ bởi các trầm tích đệ tứ có chiều dày từ 1÷2m đến 10÷15m hoặc sâu hơn, đôi chỗ nổi lên trên mặt đất tạo thành các núi sót Castơ đơn độc. Đá cacbonat có thành phần chủ yếu là đá vôi Cacbon-Permi. Castơ phát triển trong đá vôi ở khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, Ninh Bình – Thanh Hóa đến độ sâu 70÷80m, hình thành các tầng hang động phát triển theo chiều ngang và chiều sâu rất phức tạp. Khảo sát địa chất công trình trong khu vực này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt cho các công trình quan trọng với tải trọng lớn như nhà máy xi măng…
Khu vực 3: Vùng đồi núi mềm mại cấu thành chủ yếu bởi các đá phi cacbonat, xen kẹp các đồi núi Castơ có kích cỡ khác nhau, phân bố rộng khắp ở các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang. Đá cacbonat trong khu vực này chủ yếu là đá hoa và đá vôi hoa hóa tuổi Proterozoi và paleozoi. Do sự phân bố hạn chế của đá cacbonat trong khu vực này mà Castơ không ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch phát triển kinh tế và xây dựng.
Khu vực 4: Bề mặt bóc mòn của các khối đá vôi lớn thuần khiết tuổi Cacbon-Permi có cao độ tuyệt đối từ 100÷200m đến 800÷900m, phát triển tương đối tập trung tại Quảng Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Cao Bằng. Castơ trong khu vực này phát triển mạnh cả dưới ngầm và trên bề mặt, tạo thành các hang động lớn ở phía dưới và địa hình hiểm trở, phân cắt mạnh ở phía trên. Xây dựng các công trình lớn như hồ chứa nước sẽ gặp rất nhều khó khăn. Khảo sát địa chất công trình trong khu vực này ít gặp khó khăn, bởi vì trong khu vực hầu như không có lớp phủ.
Khu vực 5: Bề mặt bóc mòn-xâm thực của các khối đá vôi lớn nằm trong đới cà nát và nâng mạnh tân kiến tạo, phân bố ở khu vực Hà Giang, Lai Châu. Cao độ bề mặt khối đá có thể đạt tới 1000÷1900m, địa hình hiểm trở, không có lớp phủ sườn-tàn tích. Đá vôi ở Hà Giang có tuổi Cambri-Ordovic, ở Lai Châu có tuổi Đêvôn, chúng bị phân cách rất mạnh bởi các thung lũng các khe trũng sâu. Castơ bề mặt trong khu vực này phát triển mạnh hơn Castơ ngầm. Quá trình xâm thực đóng vai trò quan trọng trong thành tạo địa hình. Khai thác sử dụng lãnh thổ khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Khu vực 6: Bề mặt san bằng và phân hủy, tạo thành đới hẹp chạy suốt từ Lai Châu về Ninh Bình, cao độ tuyệt đối địa hình biến đổi từ 200÷250m đến 1800÷2000m. Đá cacbonat trong khu vực này là đá vôi trias dạng khối và phân lớp dày. Đây là khu vực đặc trưng cho Castơ trưởng thành, ở đây có thể bắt gặp tất cả các loại hình Castơ như: thung lũng khô khép kín, cánh đồng xâm thực-hòa tan, các dòng chảy ẩn hiện, hang động Castơ, hố sập và phễu Castơ,… Chiều dày của lớp phủ dườn – tàn tích từ 1÷2m đến 10÷15m. Phát triển kinh tế trong khu vực này tương đối thuận lợi, nhưng khảo sát và xây dựng công trình sẽ gặp khó khăn.
4. Các dạng địa hình Castơ
Dòng chảy của nước mặt và nước ngầm xói mòn đá qua nhiều năm tạo thành các dạng địa hình rất phong phú trên bề mặt nền đá cũng như bên trong tầng đá. Những hang hốc trong lòng đá (hang Castơ) có thể phát triển lớn đến mức trần hang không chịu nổi sức nặng của các lớp đất bên trên và sập xuống, tạo thành các hố sụt. Đây là hiện tượng địa chất gây nguy hiểm cho nền móng công trình.
Hố sụt có thể phân chia làm 3 loại:
- Sụt lở - Castơ là hiện tượng sập mặt đất do hang Castơ ở độ sâu không lớn, trần hang yếu.
- Xói sụt lở - Castơ là hiện tượng sập mặt đất do dòng nước mang các vật liệu của tầng phủ nằm trên đưa xuống hang gây sập lớn phủ bên trên (dòng thấm đi xuống)
- Sụt lở - xói sụt lở - Castơ là tổ hợp của cả 2 loại hình nêu trên.
Ngoài hố sụt, nền địa chất đá vôi còn có các dạng khác như gai đá, bướu đá, đá mồ côi, hang dốc, bề mặt đá có độ dốc lớn, nền đá phong hóa nứt nẻ theo phương đứng, chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình thi công các loại móng cọc ép, cọc đóng và cọc khoan nhồi.
5. Thiết kế móng trên nền địa chất có Castơ
Có thể thấy, địa chất trong vùng có hang Castơ rất phức tạp. Quá trình thiết kế và thi công nền móng công trình trong vùng địa chất Castơ gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải tiến hành xử lý trước khi có thể đặt nền móng an toàn. Xây dựng móng trong vùng Castơ là sự kết hợp chặt chẽ, liên tục, lặp đi lặp lại giữa công tác khảo sát địa chất, địa hình, thủy văn với thiết kế thi công. Chi phí xây dựng móng cũng cao hơn thậm chí cao hơn rất nhiều so với các khu vực địa chất thông thường. Giải pháp móng cần được nghiên cứu kỹ và việc lựa chọn giải pháp móng cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu nhưng vẫn phải đảm bảo tính kinh tế của giải pháp ở một mức độ nhất định. Dưới đây giới thiệu một số giải pháp móng đã được áp dụng ở vùng địa chất có Castơ.
a) Khoan phụt vữa xi măng bịt hang Castơ
Phương pháp này thường dùng cho giải pháp đặt phía trên hang Castơ (móng nông hoặc móng cọc có mũi cọc đặt phía trên hang Castơ) và địa chất bị điểm lỗ chỗ bởi những hang Castơ kích thước nhỏ và dễ dàng khoan phụt vừa xi măng vào trong hang. Khả năng chịu lực của các hang sẽ tăng lên, tính nén lún giảm xuống nhờ việc phụt vữa xi măng vào một số lượng lớn các hang. Nhờ khoan phụt vữa nên giảm bớt và ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng xói sụt của các các lớp đất phủ phía trên vào trong hang. Tuy nhiên, thông thường không phải tất cả các hang đều được bịt đầy. Về mặt giá thành, phương pháp khoan phụt là phương án có giá thành cao bởi các yếu tố như phải số lượng lỗ khoan phụt nhiều (phụ thuộc số lượng hang cần xử lý), tồn tại vấn đề một số lượng vữa xi măng nhất định bị chảy sang những vùng không cần xử lý. Phương pháp này cũng có ảnh hưởng đối với dòng chảy nước ngầm do dòng chảy ban đầu trong đất qua các hang rãnh phải tìm hướng chảy khác.
Đối với móng cọc xuyên qua hang Castơ xuống tầng đá còn nguyên vẹn ổn định bên dưới, đôi khi vẫn phải dùng phương án khoan phụt vữa để giữ trần hang hoặc đất trong hang ổn định tạm thời trong quá trình thi công.
Các bước thực hiện phương án khoan phụt vữa bịt hang Castơ bao gồm:
Bước 1: Thăm dò hang
Sử dụng các máy khoan thăm dò chuyên dụng để xác định vị trí cũng như chiều sâu hang Castơ. Chiều sâu thăm dò phải hơn 10m vào trong đá đặc chắc. Nếu tiếp tục gặp hang phải khoan tiếp đến hang cuối cùng và sâu tiếp vào đá liền khối thêm 10m.
Bước 2: Khoan phụt vữa
Trên cơ sở của kết quả khoan thăm dò, tiến hành các bước xử lý khoan phụt vữa như sau:
+ Nếu có nhiều lỗ khoan phụt vữa, thông thường công tác phụt vữa được tiến hành ở vùng biên của khu vực khoan phụt xử lý và hướng dẫn về tâm. Mỗi lỗ khoan tiến hành phụt vữa xong mới di chuyển sang lỗ khoan phụt tiếp theo.
+ Nếu trong một lỗ khoan phụt vữa có nhiều hang chồng lên nhau, công tác phụt vữa cần được tiến hành từ hang dưới cùng và chỉ sau khi hoàn thành mới được di chuyển lên hang phía trên.
+ Trong trường hợp cần thiết, các vật liệu bịt khe có thể được đưa xuống để ngăn ngừa việc vữa xi măng chảy qua các hang khác. Mỗi lỗ khoan phụt vữa cần đi kèm với tối thiểu một lỗ thông khí hoặc một lỗ giảm áp có cùng đường kính và chiều sâu.
Bước 3: Kiểm tra kết quả khoan phụt vữa
Điều kiện để chấp nhận kết quả khoan phụt xử lý đối với nền móng cọc như sau:
+ Chỉ số Nspt của các điểm kiểm tra trong khu vực đất nền xử lý không nhỏ hơn 20. Giá trị trung bình của Nspt của tất cả các điểm kiểm tra không nhỏ hơn 25.
+ Không còn gặp bất kỳ lỗ hổng nào trong quá trình kiểm tra
+ Cường độ chịu nén có nở hông của mẫu đất đã xử lý lấy được trong quá trình kiểm tra (nếu có yêu cầu) phải lớn hơn 2Mpa hoặc lớn hơn giá trị thiết kế đề ra.
b) Móng sâu đặt trên nền đá còn nguyên vẹn
Móng sâu đặt trên nền đất còn nguyên vẹn được xem xét khi lớp đất phía trên mặc dù khá dày nhưng không đủ khả năng chịu tải trọng phía trên hoặc không thỏa mãn điều kiện độ lún. Phương án này cũng được xem xét khi khả năng lún sụt của trần hang cao hoặc mặt trên của trần hang không đủ khả năng chịu tải. Khi đó, tiến hành đào đất nền trần hang Castơ, phá trần hang và đặt móng vào mặt đá dưới đáy hang. Trên một góc độ nhất định, móng sâu là giải pháp tốt nhất khi phải xử lý địa chất sụt lún. Tuy nhiên cũng có những vấn đề và nguy cơ khi sử dụng giải pháp móng sâu, chẳng hạn như chiều sâu chôn móng phụ thuộc vào chiều sâu hang, khi móng quá sâu sẽ làm tăng chi phí và rủi ro thi công. Ngoài ra, việc không thể kiểm soát vùng tới hạn của móng có những khó khăn và đôi khi không thực hiện được. Những vùng tới hạn này bao gồm phần móng tiếp xúc với đá, phần nền đá xung quanh móng và ngay dưới móng, vùng nền đá sâu hơn nhưng vẫn trong phạm vi của ứng suất đáy móng.
c) Móng cọc đóng hoặc cọc ép
Hầu như tất cả các loại cọc đóng hoặc ép đang dùng cho nền móng hiện nay đều được áp dụng cho vùng địa chất có hang Castơ. Đối với các vị trí không có hang Castơ hoặc có những hốc nhỏ, có thể đặt mũi cọc trên mặt nền đá. Có thể xử lý hang bằng phương pháp khoan phụt vữa để tăng sức chịu tải của nền dưới mũi cọc. Khi hang Castơ lớn, trần hang không đủ khả năng chịu tải từ mũi nhóm cọc truyền tới, cần tiến hành khoan dẫn xuyên qua hang và hạ mũi cọc vào mặt đá còn nguyên vẹn. Trong một số trường hợp, đóng hoặc ép cọc phá hỏng vòm trên của hang và gây ra hiện tượng sập hang.
Ngoài sự xuất hiện của hang Castơ, trong quá trình thi công cọc đóng và cọc ép trong vùng đá vôi còn phải quan tâm đến một số vấn đề khác như bề mặt đá dốc không bằng phẳng (có trường hợp độ dốc mặt đá rất lớn), sự xuất hiện của đá mồ côi, các gai đá, bướu đá, khe nứt nẻ thẳng đứng. Một trong những sự cố khi sử dụng cọc đóng hoặc ép trên nền đá có độ dốc lớn là mũi cọc dễ bị trượt xuống, dẫn đến hoặc bị cong vênh hoặc gẫy, thậm chí đôi khi bị cong ngược lên.
Khi gặp bề mặt đá dốc, một số giải pháp cần được xem xét bao gồm:
+ Khi gặp bề mặt đá dốc, chiều dài các cọc trong cùng một đài cọc có thể không giống nhau. Biến dạng đàn hồi giữa các cọc trong cùng một đài cọc khác nhau làm lực tác dụng lên đài cọc phân bố không đồng đều giữa các cọc. Mô men phụ phát sinh trong đài tiếp tục làm tăng lực tác dụng lên cọc. Khi đó, cần bổ sung thêm cọc để đảm bảo hệ cọc mới chịu đựng tải trọng tăng thêm.
+ Trong trường hợp lớp đất ngay trên bề mặt đá quá yếu sử dụng mũi cọc Oslo (mũi thép) để tránh hiện tượng mũi cọc bị trượt trong quá trình thi công và để đảm bảo mũi cọc được cắm chắc chắn vào đá khi chịu tải. Độ cứng của thép làm mũi cọc cần lớn hơn 300 (độ cứng Brinell) và giới hạn chảy không được nhỏ hơn 760Mpa. Mũi cọc bằng thép được tính toán để chịu toàn bộ lực tiếp xúc giữa cọc và nèn đá và cần được giám sát cẩn thận trong quá trình chế tạo để đảm bảo tính chất của mũi thép không bị thay đổi do công tác hàn hoặc các công tác khác.
+ Đối với cọc đóng hoặc ép có khoan dẫn tạo hốc mũi cọc trong đá, cần dựa kết quả thi công trực tiếp trên công trường để cập nhật thông tin về bề mặt đá, từ đó liên tục điều chỉnh vị trí cọc cũng như vị trí hốc mũi cọc để luôn đảm bảo hốc mũi cọc được đặt vào vùng an toàn, đặc biệt trong khu vực bề mặt đá độ dốc lớn hoặc có gai đá hay vách đá dựng đứng.
Khe nứt nẻ thẳng đứng của đá cũng có thể ảnh hưởng gây phá hoại mũi cọc
d) Cọc khoan nhồi
công trình chịu tải đứng và ngang lớn thường dùng kết cấu móng bằng cọc khoan nhồi. Cọc khoan nhồi có thể thi công đến độ sâu rất lớn nên có thể xuyên qua hệ thống hang hốc Castơ đến tận tầng đá còn nguyên vẹn, nhờ đó kết cấu móng rất an toàn. Tuy nhiên, thi công cọc khoan nhồi trong vùng địac chất có hang Castơ vẫn khó khăn hơn nhiều so với địa chất thông thường, khi thi công hay xảy ra sự cố. Sự xuất hiện của các hang dốc trong đá làm chiều dài thực tế của cọc thay đổi nhiều, thậm chí có trường hợp các cọc cạnh tranh có thể chênh nhau hàng chục mét. Có những công trình do tính phức tạp của địa tầng đã phải yêu cầu tiến hành khoan thăm dò hang Castơ cho từng cọc.
Một ví dụ điển hình về sự phức tạp của địa hình Castơ trong thiết kế, thi công nền móng cọc khoan nhồi là công trình nhà máy xi măng Tam Điệp. Trong quá trình khảo sát địa chất, phát hiện rất nhiều hang dốc Castơ chứa nhiều bùn sét. Hang Castơ có chiều cao vòm từ 0,3 đến 3,2m. Trong số 99 hang Castơ thì 77 hang Castơ sống, còn lại là hang Castơ chết. Phương án móng cọc khoan nhồi đã được sử dụng. Trong số 175 cọc thì có đến 64 cọc xuyên qua hang Castơ. Chiều dài cọc khác nhau nhiều, số tầng hang xuyên qua cũng khác nhau, từ xuyên qua một tầng hang đến trường hợp xuyên qua năm tầng hang.
Ống vách thép để giữ thành hố khoan khi tạo lỗ và đổ bê tông được sử dụng thường xuyên khi gặp các hang Castơ lớn, rỗng hoặc nước trong hang có vận tốc. Ống vách khoan cọc và ống vách thành 2 ống vách riêng. Trường hợp tách riêng, khi khoan cọc dùng một ống vách dày để bảo vệ thành hố khoan. Chế tạo ống vách mỏng khác hàn vào lồng thép cọc và hạ vào bên trong ống vách thành lỗ. Khi đổ bê tông ống vách dày được rút dần lên. Khi đổ bê tông ống vách dày được rút dần lên. Trường hợp phải khoan qua nhiều tầng hang thì phải dùng nhiều ống vách bảo vệ thành cọc lồng vào nhau. Ống vách thép để lại sẽ làm tăng đáng kể chi phí hoàn thiện cọc khoan nhồi.
Vẫn có thể không sử dụng ống vách để giảm chi phí cọc khoan nhồi trong những trường hợp sau:
+ Castơ chết có đất đá bên trong
+ Castơ chết, rỗng hoặc Castơ sống kích thước nhỏ, nước trong hang không có vận tốc. Giải pháp tạo thành hố khoan là thả đất sét bịt kín hang sau khi khoan thủng trần hang.
+ Castơ sống có bùn nhão, không có hiện tượng nước ngầm lưu thông nhưng được xử lý bịt kín trước bằng cách bơm bê tông xi măng xuống nhồi trong hang.
+ Với hang Castơ kích thước nhỏ có thể đổ thừa bê tông (lượng bê tông lớn hơn thiết kế) bịt kín toàn bộ hang Castơ.
Trong vùng địa chất có hang Castơ nên dùng máy khoan đập cáp hoặc máy khoan xoay để tạo lỗ cọc khoan nhồi. Tuy nhiên, khi đá vôi có cường độ lớn thì phương pháp khoan xoay không hiệu quả. Kết quả thi công thực tế của Cầu Trạ Ang cho thấy, do đá có cường độ lớn, đạt đến 1400kg/cm2, nên dùng máy khoan xoay tạo lỗ cọc tốc độ rất chậm, một ngày khoan chỉ được 20cm.
Khi thi công cọc khoan nhồi trong vùng có hang động Castơ, ngoài các sự cố thông thường của cọc khoan nhồi, còn có những sự cố khác như:
+ Sự cố mất mũi khoan: Xảy ra khi khoan vào đá nứt nẻ, mũi khoan bị trượt kẹt vào hốc đá. Có thể giải quyết bằng cách hút nước để lỗ khoan khô rồi cho người xuống xử lý thủ công. Tuy nhiên cần chú ý khí độc có thể có trong hang ảnh hưởng đến sự an toàn của công nhân thao tác.
+ Sự cố trượt búa, tụt ống vách: Xảy ra khi dưới hố khoan có mặt đá dốc. Trong quá trình hạ ống vách bằng búa, đáy khoan đập đá hạ xuống sẽ tiếp tục đập vào ống vách và kéo ống vách tụt xuống. Khi gặp hiện tượng này, cần cho tiến hành hút nước, kiểm tra khí độc, đưa công nhân xuống cắt phần ống vách bị xé rách và quăn. Sau đó xử lý mặt đá nghiêng bằng cách bỏ đá hộc vào trong đáy hố khoan rồi dùng búa đập để phá vỉa đá nghiêng. Khi đã tạo phẳng tương đối mặt đá dưới đáy lỗ thì tiến hành khoan bình thường.
+ Cọc bị nghiêng: Búa khoan đập đất đá và đóng ống chống bị trượt theo mặt đá và nghiêng theo mặt đá làm lệch vị trí cọc hoặc làm tim cọc bị nghiêng một góc theo phương thẳng đứng.
+ Mất dung dịch khoan: Với phương pháp thi công cọc khoan nhồi bằng khoan lỗ phản tuần hoàn phương pháp thi công dùng ống vách. Khi gặp hang Castơ chết thông nhau hoặc hang Castơ sống có dòng chảy, dung dịch khoan có thể thất thoát qua các kẽ thông nhau này. Trường hợp gặp hang Castơ sống có bùn nhão có thể xảy ra hiện tượng trái ngược là dự dâng cao đột ngột của dung dịch khoan.
+ Mất bê tông: Trường hợp kết quả khoan địa chất không đủ chính xác để phản ánh hết đặc điểm của địa chất Castơ hoặc độ nứt nẻ của đá vôi quá lớn, khi đổ bê tông xảy ra hiện tượng mất bê tông so với lượng bê tông theo lý thuyết. Cá biệt có thể một số cọc khi đang đổ bê tông thì bê tông tươi tụt xuống rất nhanh, khối lượng bê tông thực tế và lý thuyết chênh nhau rất nhiều. Ngay cả với trường hợp có sử dụng ống vách để giữ thành hố khoan cũng có thể xảy ra sự cố mất bê tông. Khi rút ống vách lên, nếu dưới là hang Castơ sống, đặc biệt các hang có nước có lưu tốc thì bê tông sẽ bị thất thoát. Để xử lý vấn đề này, khi rút ống vách lên, cần dùng ống vách phụ để làm cốp pha đổ bê tông. Ống vách phụ sẽ được để lại sau khi đổ bê tông xong.
+ Không hạ ống chống đến cao độ yêu cầu hoặc khoan không xuống: Do gặp đá mồ côi và các vật cản khác.
+ Không rút được ống vách: Đây là hiện tượng khá phổ biến trong phương pháp thii công cọc có ống vách, vì việc rút ống vách lên phụ thuộc vào chất đất ống vách đi qua và thao tác rút ống vách. Ngoài ra, do bề mặt đá bị nghieengg lệch hoặc gặp các hang hốc Castơ làm tin cọc bị nghiêng lệch khiến thiết bị nhổ ống vách không thể phát huy hết năng lực. Bên cạnh đó, có những nền đá rất cứng mài mòn lưỡi khoan nhanh làm đường kính lỗ khoan nhỏ đi từ đó dẫn đến việc khó xoay và rút ống vách hơn.
+ Vòm rỗng trong bê tông cọc: Khi rút ống vách lên kéo theo cả khối bê tông và phần cọc dưới ống vách cũng bị lồng thép kéo lên theo hoặc tạo thành vòm rỗng trong bê tông.
e) Vải địa kỹ thuật
Vải địa kỹ thuật thường được dùng trong các công trình đường giao thông. Đây là giải pháp kinh tế hơn so với việc thiết kế tấm bê tông gia cố khi khả năng nền bị xói mòn mới chỉ mang tính tiềm ẩn. Vải địa kỹ thuật có thể được tải trong quá trình thi công lớp nền để che phủ mọi vùng có khả năng xảy ra lún sụt.
f) Cọc ngang
Giải pháp gia cố cọc ngang được thực hiện bằng cách khoan tạo lỗ nằm ngang tại độ sâu nhất định phía dưới móng và sau đó đổ đầy bằng bê tông. Ứng suất dưới để móng sẽ được phân bố lại khi gặp hệ thống cọc ngang đặt phía trên hang castơ hoặc các vùng đất yếu xen kẹp.
Có nhiều kỹ thuật có thể sử dụng để tạo lỗ ngang mà không phá hoại lớp đất phủ, bao gồm khoan gầu ngang, khoan dẫn hướng đường kính nhỏ, khoan dẫn hướng đường kính lớn, đào hầm nhỏ, kích đẩy, đào hầm thông thường. Thi công cọc ngang xử lý móng chủ yếu sử dụng giải pháp thứ nhất, tức sử dụng các thiết bị khoan để khoan tạo các hầm nhỏ người không chiu lọt. Trong thực tế được chi làm 2 phương pháp: Phương pháp Auger (khoan tạo lỗ guồng xoắn) và phương pháp Slurry (khoan trong dung dịch).
Phương pháp khoan tạo lỗ guồng xoắn là quá trình vừa khoan vừa đặt ống vách ngang đồng thời vận chuyển đất thừa trong lòng ống vách bằng hệ thống guồng xoắn quay liên tục. Hệ thống guồng xoáy được vận hành bởi nguồn điện ở lối vào, thông qua đó, vận hành lưỡi cắt. Khi lưỡi cắt quay, đất phía trước lưỡi cắt bị chia nhỏ, vận chuyển ra ngoài thông qua guồng xoắn, đồng thời kích đẩy phía sau đẩy toàn bộ hệ thống tiến lên. Các đoạn bổ sung được thêm vào sau mỗi quãng đường khoan nhất định đến khi toàn bộ mũi khoan lộ ra ở hố thoát đầu còn lại. Lưỡi cắt tại một đầu của ống vách có khả năng điều chỉnh góc khoan và được kết hợp với thiết bị nhận dạng độ nghiêng nên có thể khống chế được độ nghiêng của lỗ khoan.
Ống vách có tác dụng bảo vệ thành lỗ khoan khi đất thải được vận chuyển đi. Đường kính ống vách từ 10cm đến hơn 2m. Chiều dài lỗ khoan có thể đạt tới 180m.
Phương pháp Slurry sử dụng mũi khoan và ống giữ thành thay cho lưỡi cắt và guồng xoắn. Dung dịch khoan dùng để giữ cho mũi khoan sạch và hỗ trợ việc vận chuyển đất mùn, không có tác dụng trong việc hình thành mặt cắt lỗ khoan.
Sau khi khoan tạo lỗ, bê tông được bơm vào trong để hình thành nên cọc ngang.
Kết quả tính toán bằng phần tử hữu hạn cho thấy, khả năng chịu tải của đất nền sau khi gia cố bằng cọc ngang có thể tăng từ 45% đến 60% so với khi chưa gia cố, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
6. Kết luận
Có thể thấy, địa hình castơ rất phong phú, khó kiểm soát, với rất nhiều hình thái từ hang động, mặt đá dốc, gồ ghề, chất đá cứng đến các đặc điểm phức tạp của thủy văn, gây ảnh hưởng tới tất cả các loại móng, từ móng nông đến móng sâu. Nhiều giải pháp móng được đưa ra nhưng nhìn chung đều phải tốn nhiều công xử lý làm chi phí tăng cao, thời gian thi công kéo dài. Sự tách rời giữa khâu thiết kế và khâu thi công nền móng trong vùng địa chất castơ là không hợp lý. Thiết kế phải liên tục bám sát quá trình thi công ở hiện trường, cập nhật thông tin địa chất, địa hình thu thập được từ kết quả thi công thực tế và đưa ra những quyết định thay đổi kịp thời. Bên cạnh đó, khâu khảo sát cũng vô cùng quan trọng. Phương án khảo sát cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể dự báo chính xác đặc điểm địa tầng. Nói chung, mật độ khảo sát sẽ dày hơn nhiều so với các khu vực địa chất thông thường và chiều sâu khảo sát phải đủ lớn để xuyên qua các hang động (nếu có) để tìm đến tầng đá nguyên vẹn, không chịu ảnh hưởng của địa hình castơ phía trên nhưng chi phí tốn kém, thi công cũng có nhiều khó khăn, nên dùng cho các công trình có tải trọng lớn. Móng cọc ép kinh tế hơn nhưng lại khó khăn trong vấn đề xử lý mũi cọc. Phương án móng sâu cũng khá an toàn nhưng yêu cầu khảo sát phải kỹ cả phần đá bên dưới và xung quanh vị trí đặt móng. Móng nông trong vùng castơ thực tế đã thực hiện nhiều cho các công trình thấp tầng, thường mang tính tự phát, không có khảo sát địa chất kỹ càng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đối với những công trình được tiến hành khảo sát địa chất đầy đủ, nên áp dụng các giải pháp xử lý như khoan phụt vữa gia cố hang rãnh castơ để đảm bảo sự làm việc bình thường của kết cấu móng.
Việc lựa chọn giải pháp móng trong vùng địa chất castơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Người thiết kế phải có kinh nghiệm tổng hợp và hiểu biết sâu về công tác thiêt kế móng trên nền castơ. Bài viết đã trình bày được một số giải pháp móng thông dụng, những khó khăn có thể gặp trong thi công và phương hướng xử lý. Vấn đề tính toán móng trong vùng castơ sẽ được trình bày trong các bài viết khác.
(Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 36/2019)
Từ khóa » độ Sâu Tới Hạn Là Gì
-
Độ Sâu Tới Hạn - Criuleni - Wikipedia
-
Điểm Tới Hạn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "nhiệt độ Tới Hạn" - Là Gì?
-
Khái Niệm Phân Loại Cách Chon độ Sâu Chôn Móng Nông - LinkedIn
-
Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN 9147:2012 Công Trình Thủy Lợi
-
Nhiệt độ Tới Hạn
-
Nhiệt Độ Tới Hạn Là Gì ? Nhiệt Độ Tới Hạn Nghĩa Là Gì? - Asiana
-
Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN 10304:2014 Về Móng Cọc
-
[PDF] CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NỀN MÓNG
-
[PDF] TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9352:2012
-
[PDF] TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT THIẾT KẾ ĐÊ BIỂN