Một Số Nguyên Phụ Liệu Ngành Da Giày Bạn Nên Biết - Lefaso
Có thể bạn quan tâm
- Một số nguyên phụ liệu ngành da giày bạn nên biết
- 05/03/2021 Chia sẻ
Ngành công nghiệp da giày đang ngày càng phát triển với nhu cầu ngày càng lớn từ khách hàng.
Bạn muốn tìm hiểu về các nguyên phụ liệu ngành da dày để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm được những thông tin chính xác nhất!
Nhóm nguyên phụ liệu của ngành da giày gồm các loại sản phẩm như: da và giả da, vải, đế giày, phụ liệu trang trí và nguyên liệu phụ trợ.
1. Da làm giày
Da là thành phần quan trọng nhất trong số các nguyên phụ liệu ngành da giày. Có 2 loại chính thường được sử dụng là da thật (hay còn gọi là da thuộc) và giả da.
1.1. Da thật
Da thật được làm từ da động vật, là loại da tốt nhất và thường có mức giá cao nhất, giúp thể hiện sự đẳng cấp thời thượng khiến mọi người mong muốn có được những sản phẩm làm từ da thật. Da thật còn có cách gọi khác đó là da thuộc, nhờ quá trình thuộc da mà da thật sẽ không bị mục nát theo thời gian, giúp bề mặt da bóng đẹp bền lâu hơn ngay cả sử dụng về lâu dài.
Da thuộc được chia thành 3 loại:
- Aniline
- Bán Aniline
- Và da Pigmented.
Một số loại da động vật được sử dụng trong ngành da giày:
Da bò
Da bò là loại da phổ biến nhất được sử dụng làm giày dép. Bởi vì loại da này có lỗ chân lông hình tròn thẳng, không khít lại với nhau và được phân bố đồng đều. Với kết cấu hạt và sợi da chặt chẽ, mỏng, nhẹ và dễ bảo quản hơn các loại da khác nên sẽ cho ra những đôi giày tốt hơn.
Da dê
Da dê cũng nằm trong danh sách các loại da phổ biến trong sản xuất giày dép. Nhất là đối với giày dép của phụ nữ.
Da trâu
Da trâu có lỗ chân lông to, số lỗ ít, chất da mềm và nhão hơn da bò, trông bề mặt không được mịn bóng và đẹp như da bò. Nhưng loại da này vẫn được dùng trong sản xuất giày dép bởi nó tương đối chắc chắn và bền theo thời gian.
Da lợn
Da lợn cũng được sử dụng nhiều trong sản xuất giày dép. Bởi chất da này có thể dễ dàng chấp nhận mọi loại thuốc nhuộm đủ màu sắc khi sản xuất giày dép cho phụ nữ. Gần đây, nhờ sự phát triển của công nghệ tiên tiến hiện đại, con người có thể sản xuất ra những loại giả da có tính chất như da lợn thật và cũng đã trở nên rất phổ biến.
1.2. Giả da
Da giả là những chất liệu nhân tạo có vẻ ngoài giống như da, hầu hết được sử dụng làm mũi giày và lớp lót trong. Một số loại chất liệu này có các thuộc tính vật lý tương tự như da thật. Những loại vật liệu này có giá trị như các loại sợi phủ (fabric) bởi chúng có lớp phủ như PU, PVC trên sợi. Sợi phủ có thể là sợi tự nhiên hay sợi nhân tạo hoặc một sự pha trộn cả hai. Những loại sợi này có thể được nhuộm màu, in, trang trí nổi cho lớp hoàn tất hấp dẫn như da thật.
Simili
Chất liệu Simili là tên gọi cho các sản phẩm giả da, làm từ tấm vải lót đã được dệt kim bằng sợi Polyester, sau đó nhuộm thêm 1 đến 2 lớp nhựa PVC để tạo sự liên kết giữa tấm vải và lớp nhựa. Tấm liên kết này được đưa qua công đoạn tạo vân trên bề mặt và cuối cùng là nhuộm màu giúp cho sản phẩm đẹp và trơn láng hơn.
Bề mặt có vân như da thật nhưng Simili vẫn là sản làm từ nhựa PVC, chúng có thể dễ dàng phân biệt được qua mùi và độ bóng đặc trưng. Simili thường cứng, khó lau chùi nên thường dùng để sản xuất những đôi giày dép có giá thành thấp.
Da PU
Da PU còn có tên gọi là nhựa tổng hợp, da nhựa dẻo hay da nhựa mềm. Da PU chính là Simili đã được phủ lên lớp nhựa Polyurethane (PU). Bởi có tính chất của nhựa PU nên da PU mềm gần giống da thật, dễ lau chùi, dễ bảo quản, có độ bền cao hơn simili.
Chất liệu da PU khá tốt, bền và dẻo. Giá thành cũng rất rẻ, chỉ bằng một nửa so với da thật.
Những đôi giày dép chất lượng cao thường sử dụng da để làm các bộ phận:
- Đế ngoài giày (phần chạm đất)
- Đế trong giày
- Lớp lót giày
- Gót giày (gồm nhiều lớp tạo độ cao cho gót)
- Phần thân giày (phần còn lại của giày, không bao gồm những bộ phận trên)
Tham khảo bài viết: Các loại da giày và cách phân biệt, bảo quản chính xác nhất để biết thêm có những loại da nào, cách bảo quản ra sao để bền nhất.
2. Đế giày
Đế giày thường được làm bằng các chất liệu: PVC, EVA, PU, Cao su nhiệt dẻo hoặc Cao su lưu hóa.
2.1. Ðế PVC
Ðược hình thành bởi phản ứng trùng hợp của các monomer vinyl chloride. Polymer này được kết hợp với các thành phần khác để có được các thuộc tính yêu cầu cho vật liệu đế. Hỗn hợp của PVC với các chất khác như cao su Nitrile, PU… giúp cung cấp các loại đế có nhiều thuộc tính tốt và độ bền cao khi mang. Khả năng chống trơn trượt và chống vỡ của đế giày phụ thuộc vào hàm lượng chất dẻo hóa.
PVC là vật liệu làm đế rẻ hơn các loại khác.
2.2. Ðế EVA
Là một polymer đồng trùng hợp etylen và vinylacetate, nhẹ là ưu điểm của loại đế này.
2.3. Ðế PU
Là chất liệu đế năng động nhất. Ðế PU rất bền, nhẹ, khả năng chống trượt tốt. Thành phần cơ bản của nó là một hợp chất polyhydroxyl và di-isocyanate.
Ðế PU có 2 loại polyester hoặc polyether. Polyester PU có độ bền căng hơn là đế PU polyether.
2.4. Ðế cao su nhiệt dẻo (TPR)
Loại đế này có các thuộc tính của cao su và có thể được đúc phun. Hợp chất chính là styren - butadiene - styren (SBS) được kết hợp với các thành phần khác như dầu naphtalene (chống oxyhóa do ozone).
Các loại đế TPR có độ chống xé và mang rất tốt, chống được sự gãy vỡ ở nhiệt độ thấp.
2.5. Ðế cao su lưu hóa
Chất liệu cao su trở nên phong phú nhờ vào phương pháp lưu hóa. Mỗi loại cao su được biết đến dưới tên của các polymer cơ bản. Các polymer này được kết hợp với các thành phần khác như tác nhân lưu hóa, chất tăng cường, chất độn (các muối silicat hoặc đất sét) và các tác nhân khác như dẻo hóa, mềm hóa. Tác nhân lưu hóa cao su có thể là lưu huỳnh.
Một vài loại cao su khác như cao su styren-butadien (SBR), polyisoprene, cao su nitril… chống dầu tốt.
3. Gót và mặt gót
3.1. Gót
Giày da có nhiều loại gót khác nhau tùy thuộc vào thiết kế và kiểu dáng. Các loại gót phải đáp ứng được yêu cầu, chất liệu sử dụng phải chống được va chạm, không được giòn, mềm và nứt vỡ trong suốt quá trình dán và mang.
Gót da ép là một loại gót được làm bằng cách ép nhiều lớp da với nhau hoặc các loại sợi cứng hoặc kết hợp cả hai loại với nhau. Ngoài ra còn có các loại gót gỗ và loại gót làm bằng da thuộc động vật với độ dày khoảng 1cm. Ðộ dài của đinh và độ sâu của đường may tùy thuộc vào độ cao của gót:
Ðộ cao gót / Ðộ xuyên tối thiểu của đinh:
- Gót 50mm - 8mm
- 50-90mm- 10 đến18mm
- Trên 90mm - 12 đến 20mm
Gót nhựa thường được làm bằng Polystyrene hoặc Polypropylene và có thể được đúc hoặc ép phun. Gót cao của nữ thường ép phun.
3.2. Mặt gót
Phần tiếp xúc đất của gót bị mòn nhanh chóng trong quá trình sử dụng, do đó người ta phải thêm vào phần gọi là mặt gót để tránh hoặc giảm thiểu sự mòn gót.
Chất liệu để làm mặt gót phải bền, chống mài mòn, không giãn hoặc gây trượt, trong đó, PU được sử dụng rộng rãi đặc biệt đối với giày nữ - là loại giày có diện tích mặt gót nhỏ.
Mặt gót làm bằng vật liệu Nylon hoặc PE có giá rẻ nhưng dễ gây trượt.
Cao su nhiệt dẻo hoặc polypropylen thường được sử dụng trong mặt gót giày nam.
4. Ðế trong
Ðế trong là phần nối đế ngoài với mũi giày và nằm ở giữa chúng, chính là phần chân đặt lên lớp lót dán lên đế trong. Mũi giày và đế ngoài được dán lên đế trong bằng keo hoặc bằng chỉ may.
Những loại đế trong này được sản xuất từ loại da thuộc động vật, tấm bằng da, tấm sợi (fibre board). Da phần da thuộc động vật rất thích hợp cho việc sản xuất đế trong nhưng nguyên liệu này khá đắt tiền.
Một số điểm chú ý trong việc sản xuất đế trong:
- Ðế trong được cắt theo dạng của phần đế trong của cốt giày.
- Ðế trong chịu sức nặng của cơ thể vì vậy sẽ bị uốn cong trong suốt quá trình vận động, thấm và chuyển hơi ẩm của chân ra bên ngoài.
- Ðế trong phải chịu được lực ma sát giữa chân, miếng lót và đế trong.
- Bờ của đế trong không được gãy hay trầy xước và phải có đường cắt rõ ràng cũng như không được gãy khi khâu lượt và không bị rách khi may.
- Chất liệu của đế trong phải chống nhiệt như trong loại khuôn phun trực tiếp hoặc quá trình lưu hóa trực tiếp.
- Đế trong cần có sự gắn kết với loại keo dán nóng và có độ co giãn, độ bền tốt.
5. Pho mũi
Ðược chèn vào giữa phần che phủ các ngón chân và lớp lót, pho mũi giúp giữ hình dáng của mũi giày và bảo vệ các ngón chân. Vật liệu dùng sản xuất pho mũi có thể mềm giúp uyển chuyển linh động hoặc cứng để có thể giữ được hình dáng trong khi mang.
Pho mũi được sản xuất từ loại da thuộc động vật, các loại sợi tẩm Polystyrene, cao su và các chất liệu nhiệt dẻo.
6. Pho hậu
Ðược dán giữa mũ giày và lớp lót ở phần sau của giày, pho hậu mang lại cho giày sự vừa vặn và tránh cho giày bị trượt. Pho hậu thường có khả năng chống ẩm, có độ bật nẩy tốt nhưng vẫn tạo phần chắc và dẻo mềm ở phần sau giày. Pho hậu thường làm bằng da thuộc động vật, tấm da, tấm sợi, nhựa dẻo hoặc nhựa nhúng trong dung môi.
7. Độn cứng
Độn cứng là một vật liệu được đặt giữa đế trong và đế ngoài của giày, có tác dụng như một bộ phận gia cố. Ưu điểm của độn cứng:
- Ðộn cứng giúp giữ được hình dáng của giày.
- Nâng đỡ vòm chân theo chiều thẳng đứng, chủ yếu giữ cho trạng thái ổn định của chân và giúp gia tăng độ bền cho phần eo của giày.
- Có khả năng ổn định cấu trúc chính trong phần gót giày.
- Chống được độ căng và độ giãn trong suốt quá trình chịu đựng sức nặng.
8. Các loại keo dán
Keo dán là một loại hợp chất hóa học có chức năng hình thành sự kết dính tạm thời hoặc vĩnh viễn theo yêu cầu giữa các bề mặt.
Ngành da giày thường sử dụng mủ cao su, Neoprene, Polyurethane cũng như các loại keo dán nóng chảy khác.
Mủ sao su
Loại keo này được sử dụng để tạo sự kết dính tạm thời trước khi thực hiện các thao tác may, gồm có hai loại: tan trong nước và tan trong các dung môi như Benzen, Gasoline.
Keo dán Polychloroprene
Theo đó, Polychloroprene, MgO và các chất chống oxit hóa được trộn với nhau, ZnO và các chất gia tốc được cho thêm vào. Sản phẩm nhận được từ hỗn hợp trên có dạng tấm, sau đó sẽ được chặt thành từng miếng nhỏ.
Loại keo dán này thường được sử dụng để dán da mũi giày vào đế da hoặc đế cao su.
Keo dán Polyurethane (keo dán PU)
Keo này có hai loại: một loại được sử dụng mà không cần thêm vào bất cứ loại chất hóa học nào, loại thứ hai trước khi dùng phải cho thêm chất xử lý. Keo dán PU thường sử dụng để dán đế và mũi giày với vật liệu bất kỳ.
Keo dán nóng chảy
Công thức pha trộn với các polymer căn bản như Polyamides, Polyesters hoặc EVA với các phụ gia như chất dẻo hóa, chống oxy hóa, chất ổn định…. Loại keo dán này trở nên mềm ở 180 độ C và chảy ra ở 200 độ C và được trét lên đế trong ở nhiệt độ 120 độ C.
Sau khi nguội và cứng lại loại keo này hình thành một sự kết dính rất mạnh giữa hai bề mặt.
9. Hoá chất hoàn tất giày
Mục đích của việc hoàn tất giày nhằm hoàn chỉnh sự mất cân bằng của vật liệu trong suốt quá trình sản xuất giày, cũng như nhằm làm cho da mềm hơn, tăng khả năng chống thấm nước hoặc để làm sạch và đánh bóng…
Một tiến trình ba giai đoạn được thực hiện nhằm đạt được mục đích trên:
GDD1: Làm Sạch (Cleaner)
Có 3 loại chất làm sạch dựa vào nước: các dung môi hoặc hỗn hợp các dung môi khác và nước, chúng được sử dụng tùy thuộc vào chất liệu da hoặc không phải da.
Chất làm sạch dựa vào nước được cấu thành từ xà phòng, nước và một tác nhân làm ướt, có thể bổ sung thêm Amoniac để gia tăng hiệu quả tẩy rửa. Hỗn hợp làm sạch gồm nước và một dung môi khác như Methylated Spirit, chúng có thể chứa thêm Petrol, Alcohol hoặc Acetone. Hỗn hợp trên có tác dụng tốt cho việc tẩy nhờn (hoặc dầu mỡ) dính trên các sản phẩm da.
Sau đó sử dụng Conditioners - hoạt động như một chất gắn kết giữa da và lớp hoàn tất, có tác dụng làm mềm bề mặt da.
GDD2: Sử dụng chất nền (Filler)
Là chất phủ nền có tác dụng che phủ các vết rạn rất nhỏ hình thành trong quá trình gò mũi giày. Theo đó, các tác nhân thẩm thấu và làm ướt giúp chất nền thâm nhập vào da dễ dàng hơn.
Các chất dẻo nhân tạo như Methacrylic Ester thường được sử dụng phổ biến nhất trong giai đoạn này.
GDD3: Hoàn thiện các lớp phủ ngoài (Dressers)
Là quá trình trang trí ở lớp ngoài cùng hay việc tạo vẻ đẹp thẩm mĩ cho giày.
- Lớp phun xịt ngoài cùng được phân loại dựa vào dung môi như nước, Cellulose hoặc các dung môi khác chứa thêm các loại sáp tự nhiên hay nhân tạo, các loại dầu cần thiết và một số chất dẻo hóa.
- Hoàn tất sáp: Sáp là thành phần có giá trị cho việc hoàn tất giày, các lớp phủ, làm bóng. Trong thực tế một hỗn hợp đồng nhất của hai hay nhiều loại sáp thường được sử dụng để đánh bóng. Ví dụ như: Loại sáp nhão được chế từ hỗn hợp của sáp được hòa tan trong Turpentin hoặc bất cứ loại dung môi thích hợp nào khác. Các loại sáp dùng trong sửa chữa có màu hoặc không màu được trình bày thành các thỏi có cỡ 10x10cm.
Các loại kem đánh giày thường được làm bằng cách nhũ hóa các loại sáp với Turpentin và nước hoặc chất nhũ hóa nhân tạo. Những loại dầu cần thiết được sử dụng như các chất phụ gia.
- Hoàn tất đế: Bờ và phần dưới của đế được trả lại vẻ đẹp bằng cách hoàn tất phần dưới. Gum tẩy các vết ố là các loại Gum hoặc hỗn hợp Gum với các loại sáp hòa tan trong alcohol. Việc hoàn tất đế sẽ sử dụng các dung dịch của Resin và sáp trong nước. Mực bôi cạnh đế thường là dạng nước bao gồm sáp, màu hoặc nhũ Acrylic có chứa Aniline.
Nguồn : internet
Từ khóa » Da Giày Là Gì
-
Ngành Công Nghệ Da Giày Là Học Gì? Điểm Chuẩn Và Các Trường đào ...
-
Ngành Công Nghệ Da Giày Là Gì? Học Ngành ... - Hướng Nghiệp GPO
-
Giày Da Tổng Hợp Là Gì ? Phân Biệt Giữa Giày Da Thật Và Da Giả Như ...
-
Ngành Công Nghệ Da Giày Và 6 Thông Tin Hữu ích Cần Biết
-
Nhận Biết Các Loại Da Giày Nam Phổ Biến Nhất Hiện Nay - LAFORCE
-
Da Dùng Sản Xuất Giày Da Là Gì - Zelola
-
DA GIẦY Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Ngành Công Nghệ Da Giày - Học Ngành Này ở đâu ? - Tuyển Sinh
-
Giả Thuyết Chi Phí Da Giày Là Gì? Chi Tiết Về Giả ... - LADIGI Academy
-
Ngành Công Nghệ Giầy Da Học Gì, Làm Gì?
-
Từ điển Tiếng Việt "công Nghiệp Giày - Da" - Là Gì?
-
Ngành Da Giày: – Mega Story - Vietnamplus
-
Cơ Hội Việc Làm Ngành Công Nghệ Da Giày Hiện Nay Như Thế Nào