Mức độ Nguy Hiểm Của Ung Thư Vòm Họng Và Phương Pháp điều Trị

1. Khái quát về ung thư vòm họng

Phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn của ung thư vòm họng mà người bệnh sẽ có biểu hiện cũng như tiên lượng bệnh khác nhau. Ung thư vòm họng được chia làm 3 loại chính:

Ung thư mũi hầu (thuộc phần trên của họng):

Mũi hầu nằm phía sau của mũi và ung thư mũi hầu xếp đầu bảng về độ phổ biến trong các loại ung thư ở vùng đầu cổ, đứng thứ 6 trong số các bệnh ung thư nói chung. Người châu Á chiếm tỷ lệ cao mắc ung thư mũi hầu và số lượng nam bị bệnh mắc cao gấp 2 - 3 lần so với nữ giới. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì ung thư mũi hầu thường có tiên lượng tốt, cơ hội chữa khỏi cao.

Ung thư vòm họng có 3 dạng chính và đều có mức độ nguy hiểm như nhau

Ung thư vòm họng có 3 dạng chính và đều có mức độ nguy hiểm như nhau

Ung thư hầu họng (đoạn giữa của họng):

Cấu tạo hầu họng: là một ống rỗng có độ dài khoảng 10 cm, bắt đầu từ phía sau mũi kéo đến đầu trên thực quản.

Hầu họng bao gồm amidan, đáy lưỡi, thành sau họng và khẩu cái mềm. Hiện nay ung thư hầu họng đang có khuynh hướng gia tăng ngày càng cao. Có tới 70% các trường hợp bị bệnh là do virus HPV (điển hình là HPV chủng 16) lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng.

Những người bị ung thư hầu họng có kết quả HPV (+) thường có tiên lượng tốt hơn và phương pháp điều trị khác so với những trường hợp bị ung thư hầu họng mà HPV (-).

Tương tự như ung thư mũi hầu, tỷ lệ bị ung thư hầu họng ở nam giới cũng cao gấp 2 lần so với nữ giới.

Ung thư hạ hầu hay ung thư hạ họng (phần cuối họng):

Loại này khá hiếm gặp và nhờ vào các chính sách tuyên truyền, vận động của các chính phủ, số lượng người mắc ung thư hạ hầu đang có xu hướng giảm vì người dân đã hạn chế hoặc từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

2. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

Bệnh ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm ít khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Sang tới khi khối u tiến triển và di căn thì người bệnh sẽ có các triệu chứng như sau:

  • Đau, thậm chí là chảy máu miệng;

  • Nuốt khó;

  • Đau họng;

  • Giọng khàn đi;

  • Đau tai, ù tai, thính lực giảm;

  • Ho kéo dài không khỏi, ho ra máu;

  • Thị lực giảm, nhìn mờ, nhìn lé hoặc nhìn đôi;

  • Nghẹt mũi và chảy máu mũi;

  • Ở cổ xuất hiện bướu hoặc hạch.

Bệnh nhân có thể bị đau nhức và ù tai khi bị ung thư vòm họng

Bệnh nhân có thể bị đau nhức và ù tai khi bị ung thư vòm họng

Tuy nhiên cũng không ngoại trừ khả năng đây là những biểu hiện của các bệnh lý khác vùng đầu cổ. Chính vì thế, nếu cảm nhận được các dấu hiệu bất thường thì bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán chính xác hơn.

3. Nguyên nhân nào dẫn tới ung thư vòm họng?

Dưới đây là 3 nguyên nhân chính gây nên ung thư vòm họng:

  • Thuốc lá: cho dù là hút thuốc chủ động hay hít phải khói thuốc từ người khác thì đều có nguy cơ cao bị ung thư vòm họng. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư phổi và các bộ phận khác thường xuyên tiếp xúc với hóa chất từ thuốc lá (bao gồm vùng họng) cũng có thể bị tấn công bởi các tế bào ung thư.

  • Rượu: nếu kết hợp cả hút thuốc và uống rượu sẽ làm gia tăng gấp đôi nguy cơ bị ung thư vòm họng. Rượu chứa chất kích thích khiến các hóa chất có trong cả thuốc lá và rượu dễ dàng xâm nhập vào các tế bào, ngoài ra rượu còn khiến khả năng phân hủy các chất độc hại trong cơ thể chậm lại, 2 điều này tạo điều kiện cho khối u ác tính hình thành và phát triển.

  • Virus HPV: thời gian gần đây, virus HPV đã soán ngôi rượu và thuốc lá để trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư vòm họng. Với hơn 100 chủng loại khác nhau và phần lớn trong số đó có khả năng gây ung thư cho con người, HPV lây từ người này sang người khác chủ yếu qua hoạt động quan hệ tình dục.

Cần tránh xa thuốc lá và rượu bia vì đây là 2 tác nhân gây nên nhiều vấn đề cho sức khỏe con người, trong đó có ung thư vòm họng

Cần tránh xa thuốc lá và rượu bia vì đây là 2 tác nhân gây nên nhiều vấn đề cho sức khỏe con người, trong đó có ung thư vòm họng

Ngoài 3 nguyên nhân chính nêu trên, các yếu tố nguy cơ sau đây cũng làm gia tăng khả năng mắc ung thư vòm họng:

  • Dinh dưỡng: ăn nhiều các đồ cay nóng, đồ muối chua lên men lâu ngày, thực phẩm ít vitamin A và E có thể dễ bị ung thư thanh quản, ung thư vòm họng và ung thư họng hầu.

  • Ăn trầu cau: sự kết hợp giữa vôi sống và lá trầu cau sẽ khiến cho vòm họng có thể gặp tổn thương.

  • Tính chất nghề nghiệp: những người hay phải lao động trong môi trường chứa nhiều bụi gỗ, amiang, khói sơn, hoặc làm các nghề chế tác gốm sứ, kim loại, dệt, khai thác gỗ. Đây là các chất độc hại không tốt cho vòm họng.

  • Mắc hội chứng Plummer - Vinson: khá hiếm gặp, liên quan tới tình trạng thiếu sắt và khó nuốt.

  • Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

4. Cơ hội điều trị ung thư vòm họng

Biện pháp phẫu thuật:

Thường được áp dụng khi ung thư vòm họng còn ở giai đoạn đầu, khối u còn khu trú tại vùng. Bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá kích thước và tình trạng xâm lấn của khối u, sau đó tiến hành cắt bỏ khối u hoặc các hạch ở vùng cổ, kèm theo những mô bị tổn thương xung quanh.

Sau khi phẫu thuật, để tiêu diệt tàn dư còn sót của các tế bào ung thư và phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh có thể tiếp tục điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.

Phương pháp xạ trị:

Khi điều trị bằng phương pháp này, tia X sẽ được ứng dụng để ngăn chặn sự phát triển và loại bỏ khối u ác tính. Có 2 hình thức xạ trị:

  • Xạ trị trong: Đặt trực tiếp các chất phóng xạ vào bên trong hoặc nằm gần khối u.

  • Xạ trị ngoài: chiếu chùm tia X về phía khối u thông qua hệ thống máy móc đặt bên ngoài cơ thể bệnh nhân.

Tùy vào mức độ ung thư và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định nên áp dụng hình thức nào sao cho phù hợp. Ngày nay nhờ sự cải tiến không ngừng của công nghệ tiên tiến, một số kỹ thuật xạ trị ngoài hoàn toàn có thể thay thế được xạ trị trong.

Hóa trị liệu:

Với công dụng tương tự như 2 hình thức trên là được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư, hóa trị không can thiệp bằng xâm lấn mà dùng thuốc uống hoặc tiêm truyền qua đường tĩnh mạch vào cơ thể người bệnh.

Thời điểm thực hiện: đồng thời cùng lúc với xạ trị, hoặc trước khi xạ trị, hay là sau khi đã hoàn thành xạ trị.

5. Ung thư vòm họng có cách nào ngăn ngừa được không?

Ung thư vòm họng hoàn toàn có khả năng phát hiện sớm và ngăn ngừa được nếu chúng ta tích cực áp dụng những biện pháp như sau:

  • Thay đổi thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tập thể dục thể thao điều độ.

  • Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HPV: quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc xin ngừa HPV.

  • Thực hiện tầm soát ung thư và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư từ giai đoạn đầu, từ đó gia tăng hiệu quả điều trị về sau.

Nếu còn nhiều băn khoăn cần được giải đáp, quý bạn đọc hãy gọi ngay tới số hotline 1900565656, tổ tư vấn của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chúng tôi sẽ giúp bạn có được những thông tin cần thiết về quy trình thăm khám, các gói dịch vụ phù hợp và đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa.

Từ khóa » Cấu Tạo Cổ Họng Nam Giới