Mỹ - Liên Minh Châu Âu: Định Hình Lại Mối Quan Hệ Xuyên Đại Tây ...

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ ở Brussels (Bỉ), ngày 15-6-2021_Ảnh: AFP/ TTXVN

Những thăng trầm trong quan hệ Mỹ - EU

Châu Âu và Mỹ có mối quan hệ và sự gắn kết đặc biệt về lịch sử cũng như chính trị, kinh tế và an ninh. Trong lịch sử, Mỹ từng là thuộc địa của Anh vào thế kỷ XVII - XVIII. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước châu Âu bị tàn phá nghiêm trọng và chính nguồn lực tài chính được phân bổ từ Kế hoạch Marshall của Mỹ đã góp phần hết sức quan trọng trong quá trình tái thiết châu Âu. Sự ra đời của EU cũng có vai trò và sự hậu thuẫn chính trị, kinh tế không nhỏ từ phía Mỹ.

Châu Âu là một lục địa nằm ở vị trí trọng yếu, có lợi thế trong việc sử dụng và kiểm soát các tuyến giao thông huyết mạch trên biển Đại Tây Dương, nối sang khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Đặc biệt, Mỹ luôn coi châu Âu là một “bàn đạp” địa - chiến lược để nắm giữ vai trò chủ đạo ở lục địa này, kiềm chế Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, triển khai các chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ coi châu Âu là trung tâm lợi ích, là “hạt nhân an ninh” và là bạn hàng quan trọng nhất, chuyển từ trọng tâm hợp tác an ninh phòng thủ sang hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế.

Tuy nhiên, bối cảnh tình hình địa - chính trị thế giới hiện nay liên tục có những chuyển biến toàn diện và sâu sắc; thế giới không còn ở trạng thái hai cực Xô - Mỹ trước đây mà ngày càng có xu hướng đa cực; cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc - một thách thức chiến lược được cho là ngày càng hiện hữu đối với Mỹ, thế giới còn chứng kiến sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ của các tiểu cường quốc khác nhau. Toàn cầu hóa, xu thế đa cực và đan xen lợi ích ngày càng diễn ra mạnh mẽ giữa các nước, các khu vực, khiến châu Âu không còn là mối bận tâm ưu tiên và duy nhất của Mỹ. Do đó, sợi dây kết nối giữa hai bờ Đại Tây Dương có xu hướng ngày càng bị giãn ra là điều khó có thể tránh khỏi.

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tuy thể hiện sự mềm dẻo, tuyên bố coi trọng sự cân bằng hơn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương để chia sẻ trách nhiệm với EU, song việc ưu tiên đẩy mạnh chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á đã khiến mối quan hệ này trên thực tế không được quan tâm đúng mức. Mối quan hệ giữa hai bên đã bị “phủ bóng” bởi những khó khăn về kinh tế của mỗi bên cũng như những nghi kị xuất phát từ các vụ bê bối do thám của Mỹ ở khu vực châu Âu thời gian qua. Ảnh hưởng về an ninh của Mỹ ở khu vực châu Âu cũng bị giảm sút, nhiều nước trong EU phải cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự để đối phó với áp lực ngân sách, đẩy gánh nặng chi phí trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Mỹ. Trong giai đoạn cuối của thời gian cầm quyền, mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Obama có sự điều chỉnh phù hợp hơn, thúc đẩy chính sách tăng cường an ninh, hợp tác kinh tế với châu Âu, song trên thực tế, đã tồn tại những sự nghi ngại nhất định trong mối quan hệ đồng minh truyền thống này.

Bốn năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump, mối quan hệ Mỹ - EU không chỉ dừng lại ở nghi ngại, rạn nứt mà còn có những thời điểm mâu thuẫn đã nảy sinh và bị đẩy lên cao trên nhiều lĩnh vực. Chính sách ngoại giao “nước Mỹ trên hết”, xem nhẹ quan hệ với các đồng minh, những phát ngôn và tuyên bố gây sốc cùng những quyết định và đe dọa xem xét lại quan hệ với EU của Tổng thống D. Trump đã gây ra không ít “sóng gió” cho mối quan hệ giữa hai bên.

Mỹ đe dọa xem xét lại mối quan hệ với EU và NATO, cho rằng NATO “lỗi thời”; ủng hộ Anh rời EU (Brexit); đình chỉ đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP); đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu hàng hóa của các nước EU vào thị trường Mỹ; rút khỏi Thỏa thuận P5+1 mà Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức đã ký kết với Iran vào năm 2015 - thỏa thuận lịch sử vốn được coi là một thắng lợi ngoại giao của EU; rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… Mối quan hệ Mỹ - EU còn bị “khoét sâu” bởi những khác biệt sâu sắc về quan điểm trong hàng loạt vấn đề chủ chốt giữa Tổng thống D. Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuyên bố châu Âu phải thực sự “tự nắm lấy vận mệnh của chính mình” khi đề cập đến quan hệ với Mỹ của bà A. Merkel cho thấy sự xa cách và rạn nứt nghiêm trọng trong mối quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Những nỗ lực hàn gắn

Với cam kết sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhấn mạnh khẩu hiệu “nước Mỹ trở lại”, Tổng thống Mỹ J. Biden đặc biệt chú trọng tầm quan trọng của các liên minh truyền thống. Theo Tổng thống J. Biden, các liên minh của Mỹ là một trong những tài sản lớn nhất của Mỹ (1), do đó, ngay sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống J. Biden đã có hàng loạt cuộc trao đổi nhằm “trấn an” các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, như Canada, Anh, Pháp, Đức, đồng thời triển khai nhiều biện pháp quan trọng nhằm khôi phục lòng tin, củng cố quan hệ với các nước châu Âu.

Điểm nhấn nổi bật là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống J. Biden kể từ sau khi lên cầm quyền, tham dự các sự kiện của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Hội nghị thượng đỉnh NATO và tâm điểm cho mối quan hệ giữa hai bên là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Âu. Kết thúc Hội nghị, Mỹ và EU đã ra tuyên bố chung đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mới và thiết lập một chương trình nghị sự chung cho hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19.

Hai bên đã đạt được những nhận thức chung quan trọng và thể hiện cam kết phối hợp trong nhiều vấn đề, như cung ứng và sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hợp tác để cải tổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); cam kết thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hợp tác giải quyết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác phát triển và triển khai công nghệ xanh; cam kết tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ song phương, cũng như duy trì và cải cách hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; vấn đề tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn; quyết tâm thúc đẩy một hệ thống thuế quốc tế công bằng, bền vững và hiện đại; đồng thời, thống nhất cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ về những nỗ lực xây dựng một thế giới dân chủ, hòa bình và an ninh. Theo giới chuyên gia, với những cam kết và quan điểm thống nhất đạt được, cùng những đánh giá tích cực từ phía EU, rõ ràng Tổng thống J. Biden đã đạt được những thành công bước đầu trong việc nỗ lực “xây dựng thiện cảm”, “xoa dịu” những chỉ trích về Mỹ tại châu Âu, tạo khuôn khổ thuận lợi cho việc triển khai chiến lược đối ngoại đối với châu Âu nói riêng và từng bước hiện thực hóa mục tiêu có tầm quan trọng hơn, đó là tập hợp một liên minh toàn cầu do Mỹ dẫn dắt nhằm đối phó với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc.

Sự kiện Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine từ ngày 24-2-2022 không chỉ đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây vốn đã căng thẳng trước đó sang mức đối đầu nguy hiểm mà còn đặt Mỹ và châu Âu trước thời khắc đòi hỏi phải xác định lại một cách sâu sắc các mối quan hệ về an ninh, kinh tế và chính trị của cả hai bên. Mỹ và EU đã có phản ứng nhanh chóng và thống nhất liên quan đến biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ nhằm vào Nga và cung cấp sự hỗ trợ đối với Ukraine. Từ ngày 24-3 đến 26-3-2022, Tổng thống Mỹ J. Biden thăm châu Âu và tham dự một loạt các sự kiện quan trọng, như: Hội nghị thượng đỉnh bất thường NATO; gặp gỡ lãnh đạo Nhóm G7; tham dự Phiên họp Hội đồng châu Âu tại Brussels (Bỉ);… nhằm thể hiện vị trí, vai trò quan trọng của Mỹ đối với hòa bình, ổn định tại khu vực Đông Âu nói riêng và an ninh toàn châu Âu nói chung. Mỹ và đồng minh châu Âu đã ra một số tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, gia tăng trừng phạt đối với Nga và hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine. Có thể nói, cuộc xung đột Nga - Ukraine dường như đã trở thành chất “xúc tác” thúc đẩy sự khôi phục quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ J. Biden ưu tiên chính sách tham vấn, phối hợp với đồng minh để đối phó với những thách thức an ninh chung.

Thiện chí và kết quả cho những nỗ lực hàn gắn của hai bên còn được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế. Ngày 15-6-2021, Mỹ và EU đã đạt được thỏa thuận lịch sử, giải quyết tranh chấp thương mại kéo dài 17 năm qua về vấn đề bảo trợ cho Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Tranh cãi này bùng phát từ năm 2004 sau khi Mỹ đệ đơn lên WTO kiện EU về việc các nước thành viên EU bảo trợ cho Tập đoàn Airbus sản xuất các máy bay thương mại. Ngay lập tức, EU cũng gửi đơn kiện Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ. Tranh cãi giữa hai bên leo thang lên một mốc mới dưới thời kỳ của chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump khi Mỹ mở rộng danh mục mặt hàng áp thuế trừng phạt. Sau khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống J. Biden đã có những nỗ lực thúc đẩy đàm phán nhằm giảm căng thẳng và thỏa thuận lịch sử này đạt được ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU (tháng 6-2021) - một chỉ dấu cho thấy sự nhượng bộ của Mỹ và hai bên đang cùng nỗ lực khôi phục lại lòng tin lẫn nhau. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ, phương Tây và Nga liên quan đến Ukraine đã đẩy tình hình an ninh năng lượng, an ninh kinh tế của châu Âu vào tình thế hết sức khó khăn do Nga hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho EU. Để đối phó với tình hình đó, Mỹ và EU đã khẳng định cam kết cùng hợp tác để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu và “đối phó với bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào liên quan đến hoạt động cung cấp các nguồn năng lượng” cho khu vực này (2). Tiếp đó, ngày 25-3-2022, Mỹ và EU đã công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Hợp tác an ninh vốn được xem là “hòn đá tảng” trong quan hệ Mỹ - EU cũng đã có những bước tái khởi động sau một thời gian dài bị ngưng trệ. Thông điệp mà NATO đưa ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh (tháng 6-2021) cho thấy sự chuyển dịch trọng tâm lớn của một liên minh vốn được thành lập để đối phó với Liên Xô trước đây trong Chiến tranh lạnh. Để cùng Mỹ hợp lực ứng phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, NATO ra tuyên bố phản đối Trung Quốc về một loạt vấn đề, coi đây là những “thách thức có hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”. Tổng thống J. Biden cũng tích cực trấn an các đồng minh và nhấn mạnh Hiệp ước phòng thủ chung của liên minh là một “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với Mỹ. Sự phối hợp trong triển khai các biện pháp an ninh của Mỹ và NATO tại Đông Âu từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đến nay, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của mối liên kết an ninh chặt chẽ giữa hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương và vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ngày 24-3-2022_Ảnh: AFP.

Triển vọng quan hệ Mỹ - EU

Lịch sử phát triển và những thăng trầm của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cho thấy, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động và diễn biến phức tạp với những thách thức to lớn như hiện nay, EU có lợi ích quan trọng khi nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ trong nhiều vấn đề, nhất là an ninh - quốc phòng, còn Mỹ coi EU như một đồng minh, một đối tác “không dễ có được” và “không dễ thay thế”. Đây chính là điểm gắn kết lợi ích có tính “sống còn” sẽ thúc đẩy hai bên nhanh chóng cải thiện quan hệ và cùng hiện thực hóa các mục tiêu chung. Cả Mỹ và EU đều là những đối tác quan trọng của nhau về kinh tế. Hai bên cũng có sự tương đồng trong hầu hết các giá trị. Do vậy, việc duy trì mối quan hệ này đóng vai trò quan trọng cả về mặt cấu trúc, tính chất, cũng như tầm ảnh hưởng đối với Mỹ và EU.

Tuy nhiên, để mối quan hệ Mỹ - EU thật sự trở lại “nồng ấm” và hiệu quả trên thực tiễn, hai bên cần nỗ lực vượt qua những trở ngại còn tồn tại.

Thứ nhất, các nước EU đều hiểu rằng, các chính sách ngoại giao của Tổng thống J. Biden đều có mục tiêu. Trên thực tế, chính sách của Tổng thống J. Biden đang nhằm thúc đẩy mục tiêu “ngoại giao tầng lớp trung lưu”, nghĩa là gắn chính sách ngoại giao với sự hồi phục ở trong nước, nhằm bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu của Mỹ. Chính sách bảo hộ kinh tế của Tổng thống J. Biden về bản chất không khác nhiều so với thời kỳ của Tổng thống D. Trump, vẫn đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu. Như vậy, EU có thể kỳ vọng gì về triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên? Rõ ràng, nếu hai bên không đạt được quan hệ bền chặt về hợp tác kinh tế - thương mại, mối quan hệ Mỹ - EU sẽ khó có một điểm tựa vững chắc để phát triển. Bên cạnh đó, EU còn tồn tại một số nghi ngại khi chính quyền của Tổng thống J. Biden vẫn có một loạt động thái đơn phương, không cảnh báo, chưa tính đến việc cần tham vấn các nước đồng minh trong quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan; thành lập liên minh AUKUS; ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Và xa hơn, đó là sự lo ngại và thận trọng về nguy cơ liệu có bị “bỏ mặc” một lần nữa sau bốn năm, khi nhiệm kỳ này của Tổng thống J. Biden kết thúc?

Thứ hai, việc hiện thực hóa các kế hoạch về hợp tác phát triển khoa học - công nghệ, lĩnh vực được xác định là “mũi nhọn” trong mục tiêu tập hợp một “mặt trận” chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU, hai bên đặt mục tiêu thành lập Hội đồng thương mại và công nghệ Mỹ - EU để thúc đẩy phối hợp về công nghệ 5G, chất bán dẫn, chuỗi cung ứng và kiểm soát xuất khẩu cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn công nghệ. Tuy nhiên, đây là một ngành có tính toàn cầu hóa cao, các chuỗi cung ứng phức tạp, đồng thời Mỹ và EU còn tồn tại những khác biệt đáng kể xung quanh lĩnh vực công nghệ. Hai bên liệu có thể vượt qua những khác biệt về bảo vệ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu; có thể thống nhất được những điều kiện cho phép hai bên chiếm ưu thế về công nghệ trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc? Vai trò và tác động của các bên quan trọng khác trong lĩnh vực này, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)?, cùng hàng loạt những khác biệt khác mà hai bên cần vượt qua.

Thứ ba, vấn đề lớn đối với EU là dù mỗi nước ở lục địa này có quan điểm và cách thể hiện khác nhau, song tất cả đều né tránh, không muốn liên quan đến “vòng xoáy” của cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ. Trước thách thức trong cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc, EU muốn hợp sức cùng Mỹ trong vấn đề an ninh song cũng muốn duy trì hợp tác với Trung Quốc trong kinh tế, cũng như các lĩnh vực còn nhiều dư địa khác. Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến chuyển khó lường, châu Âu hiện cũng tích cực triển khai chính sách “tự chủ chiến lược”, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà hiện nay dưới tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, châu Âu có xu hướng nhìn nhận lại khả năng phòng thủ của mình, gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và một số nước chủ động theo đuổi chính sách quân sự nhằm tăng tính chủ động trước những thách thức an ninh sát sườn, điển hình là Đức...

Sự phối hợp thống nhất trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn không che lấp được những thách thức trong việc hàn gắn về chiến lược giữa Mỹ và châu Âu. Đã có những khác biệt giữa phản ứng của Mỹ và Anh với Pháp và Đức, thậm chí là cách thức phản ứng hoàn toàn khác như trường hợp Hungary liên quan đến tình hình chiến sự và các biện pháp trừng phạt Nga. Thực tế cho thấy, bối cảnh an ninh châu Âu hiện nay đang thay đổi, hòa bình và ổn định tại châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức. Điều này được cho là sẽ tác động không nhỏ đến tương lai và những quyết sách chính trị của giới cầm quyền tại Mỹ cũng như quan hệ giữa hai bên.

Lịch sử gắn kết và những đan xen lợi ích chặt chẽ đã khiến mối quan hệ Mỹ - EU trở thành một trong những cặp quan hệ quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ đối với hai khu vực mà còn đối với thế giới. Hiện nay, đặt trong tương quan lực lượng, nhất là trước sự phát triển mọi mặt của Trung Quốc và ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng cùng những bước đi kiên quyết của Nga, việc duy trì và củng cố liên minh truyền thống này rõ ràng có ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với cả Mỹ và EU. Tái thiết và định hình lại mối quan hệ kinh tế và chính trị xuyên Đại Tây Dương được cho là không chỉ cần thiện chí mà còn cần những thỏa thuận và kết quả cụ thể giữa hai bên./.

----------------------------

(1) Trích phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 4-2-2021 (2) Trích Tuyên bố chung của Phiên họp lần thứ 9 của Hội đồng Năng lượng Mỹ - EU tại Thủ đô Washingon (Mỹ), ngày 7-2-2022

Từ khóa » Eu Và Mỹ