Quan Hệ Kinh Tế EU Với Mỹ Và Trung Quốc: Trước Nga Ba đường

Trong nhiều năm qua, Liên minh châu Âu (EU) - một mặt tìm kiếm lợi ích từ quan hệ kinh tế, thương mại, một mặt cố gắng hạn chế ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Về lý thuyết, EU - do những vấn đề lịch sử luôn đề cao mối quan hệ với Mỹ hơn là Trung Quốc. Ở khía cạnh này, Mỹ nhiều lần chỉ trích EU vì quyền lợi riêng đã nhiều lần phớt lờ các cảnh báo cũng như không thống nhất quan điểm với Mỹ trong vấn đề Trung Quốc. Và đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, sự chỉ trích đã được nâng lên thành "đe dọa" gây lo ngại và bất bình đối với EU. Liên minh châu Âu có thể giải quyết mối quan hệ phức tạp này như thế nào khi nội bộ đang ngày càng có nhiều vấn đề. Trong bối cảnh Brexit hỗn loạn và con đường nước Anh rời khỏi EU vẫn đầy bất ổn, mối quan hệ với Mỹ đang xuất hiện nhiều bất đồng, căng thẳng; châu Âu đang bắt buộc phải nhìn nhận, đánh giá lại thách thức từ phía Trung Quốc.

Thách thức từ Trung Quốc và nguy cơ EU chia rẽ

Trong tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch định hướng lại quan hệ kinh tế của EU với Trung Quốc, kêu gọi một chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, vài ngày sau khi Hội đồng châu Âu tranh luận về đề xuất đó, Italia đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Rome và Italia đã chính thức tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trở thành nhóm 7 thành viên đầu tiên và là chính phủ lớn nhất châu Âu thực hiện sáng kiến này, báo hiệu một sự chia rẽ giữa các thành viên sẽ cắt xén những nỗ lực của EU để có một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng hết sức để thúc đẩy sự chia rẽ đó.

Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa EU và Trung Quốc được thể hiện thông qua các hội nghị thượng đỉnh thường niên, các cuộc họp thường xuyên cấp bộ trưởng và hơn 60 cuộc đối thoại chuyên ngành. Đặc điểm nổi bật của mối quan hệ này là khía cạnh kinh tế: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, sau Mỹ và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Thương mại giữa hai bên hiện ở mức 360 tỷ USD và Trung Quốc được hưởng thặng dư thương mại hàng hóa 200,4 tỷ USD trong năm 2017. Sự thâm hụt đó là hồi chuông báo động các doanh nghiệp châu Âu. Các chính phủ châu Âu rất lo ngại về tác động an ninh quốc gia của đầu tư Trung Quốc vào các lĩnh vực như cảng biển, năng lượng, công nghệ và nông nghiệp. Trong một tài liệu được đệ trình vào tháng trước, EC đã chính thức coi Trung Quốc là một đối thủ. Nhưng cùng với đó vẫn xác định quan hệ đối tác chiến lược. Trung Quốc và châu Âu đồng ý về sự cần thiết phải giải quyết biến đổi khí hậu, duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran mặc dù Mỹ rút lui và ủng hộ trật tự thương mại đa phương.

Báo cáo của EC cũng cảnh báo rằng, cần phải có sự thống nhất nếu muốn giải quyết các thách thức từ phía Trung Quốc. Nguyên nhân là cho đến nay, các chính phủ thành viên đã nhanh chóng theo đuổi các lợi ích riêng của từng quốc gia hơn là của liên minh. Italia là nước đầu tiên nhanh chóng thu vén trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu tháng 3 vừa qua. Tại Rome, hai nhà lãnh đạo Italia và Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự tham gia của Italia vào BRI trị giá hàng tỷ USD mà Bắc Kinh đã đưa ra để liên kết châu Á với phần còn lại của thế giới và mở rộng tầm ảnh hưởng. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã ký 29 hợp đồng trị giá 2,8 tỷ USD trong các dự án, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng cảng ở Trieste, Genova và Palermo. Italia được lợi nhưng sự chia rẽ trong nội bộ EU lại rõ ràng hơn bao giờ hết.

Xoay trục sang châu Á

Khi Tổng thống Obama tuyên bố tái tổ chức chiến lược, hay còn gọi là "xoay trục sang châu Á", châu Âu đã lo ngại Mỹ sẽ ít chú ý đến mối quan hệ Đại Tây dương. Và EU đã xác định, phải xây dựng chiến lược toàn cầu của riêng mình để đối phó với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, trong đó, châu Á được coi là ưu tiên. Nhưng thực sự quan điểm của nội bộ EU về cấu trúc, các mục tiêu cụ thể của chiến lược này vẫn còn rất khác nhau. Nhưng tựu trung, cuộc tranh luận ở châu Âu xoay quanh các lựa chọn chính sách về cách phối hợp với Mỹ trong các chính sách ở châu Á. Yếu tố chính thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc là kinh tế. Quan trọng không kém, Trung Quốc và EU có chung lợi ích trong việc duy trì một hệ thống thương mại đa phương ổn định, trong khi Mỹ ngày càng tỏ ra khắt khe với các tiêu chí của toàn cầu hóa thương mại. Do vậy, EU không chỉ tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, mà còn mong muốn thúc đẩy quan hệ với các chủ thể quan trọng khác trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cũng như với các diễn đàn khu vực, như ASEAN. Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản là một biểu hiện rõ ràng của sự chuyển hướng đa chiều này sang châu Á.

Cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết

Sau cuộc họp tại Nhà Trắng vào tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tuyên bố hai bên có một thỏa thuận thương mại hoặc ít nhất là đang xây dựng một hiệp định cho tương lai. Cho đến nay, đã 8 tháng trôi qua, nhưng rõ ràng hai bên không có tiến triển gì thêm.

Sự bất đồng đã khiến mối quan hệ đồng minh truyền thống trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tổng thống Donald Trump cũng đã áp đặt thuế quan cứng đối với thép và nhôm từ EU, khiến châu Âu phải trả đũa bằng thuế đối với nước cam, xe máy và thuốc lá của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích các tập quán thương mại của EU và cách đối xử với nông dân Mỹ thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc. Đồng thời tiếp tục đe dọa bằng thuế quan đối với ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ châu Âu. Hai bên đang cố gắng thực hiện một thỏa thuận nhưng rất khó khăn, trong khi ông Donald Trump coi thuế ôtô là đòn bẩy, thì người châu Âu coi chúng là một quả bom có thể phá vỡ các cuộc đàm phán.

Nguồn: Báo Công thương

Từ khóa » Eu Và Mỹ