Nắm Quyền Dân Chủ Mà Chọn Lấy Những Người Xứng đáng Là đại ...

Đó là ngày quang minh lỗi lạc của quốc dân ta, tiếp tục trong tư cách công dân của nước Việt Nam suốt hơn 75 năm qua, thật sự “vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do” trước trọng sự và quyền lợi dân chủ để lựa chọn ra cho mình những đại biểu của mình, thay mặt mình vận hành quốc gia độc lập một cách thống nhất và toàn vẹn. Vì, 76 năm qua, “nước ta là nước dân chủ”.

Đó cũng chính là ngày của số thành viên của Quốc hội ta và HĐND các cấp, ngày 23-5-2021 khắp nước ta, trong suốt hơn 28.000 ngày qua, kể từ ngày 6 tháng Giêng năm 1946, đã bầu nên một cách dân chủ 14 khóa Quốc hội và HĐND các cấp của nước Việt Nam ta, dưới ngọn cờ của Đảng. Vì, 76 năm qua, dưới chính thể nước Việt Nam mới, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Bởi, đó thật sự là những sự thật trải qua 76 năm, không ai có thể chối cãi hay bất cứ lực lượng nào có thể làm vấy bẩn được!

Trong tầm nhìn năm 2045, Việt Nam hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trước mắt trong tầm nhìn năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, trên nền móng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, với tổng thể chiến lược phát triển đất nước: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển nhanh và bền vững; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu thường xuyên, thì sự xác quyết của Nhân dân Việt Nam trong việc bầu ra Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp càng có ý nghĩa trọng đại.

Bởi đây là sự nghiệp lịch sử to lớn của đất nước, là sự nối tiếp vẻ vang truyền thống nghìn năm anh hùng và văn hiến của dân tộc, phát triển trên tầm cao mới 76 năm chính thể nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; kết tinh tầm vóc và sức mạnh của 35 năm đổi mới: Tất cả phải lấy dân là gốc, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Quốc hội và HĐND đại diện Nhân dân một cách xứng đáng, tiếp tục là sự kết tinh và tỏa sáng trí tuệ, khát vọng của Nhân dân. Nói khái lược, Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải đáp lại vô điều kiện sự đòi hỏi của quốc dân, của sự phát triển lịch sử đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng và phù hợp với xu thế vận động và phát triển của thế giới hiện nay.

Vì thế, hơn lúc nào hết, hiện nay, người đại biểu của Nhân dân cần hội tụ và tỏa sáng tư cách người đại biểu của Nhân dân, do Nhân dân và phẩm giá của người đại diện vì Nhân dân. Trước hết, phải là người vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đạo đức cách mạng, có tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hy sinh và có năng lực thực thi nhiệm vụ được giao, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói; và sau hết, phải có dũng khí và liêm sỉ, có óc độc lập và óc phản biện. Không có dũng khí tất rơi vào vị kỷ, quẩn quanh và hẹp hòi trong lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà lẩn tránh lợi ích cộng đồng, lợi ích Nhân dân và lợi ích quốc gia, không thể đại diện cho Nhân dân, dù có thể là đại biểu được bầu. Không có liêm sỉ thì trước sau sẽ rơi vào bạc nhược, dù có thể là đại biểu, càng không nhận được sự tín nhiệm chính trường và tự mình đánh mất tư cách đại diện của mình, thậm chí tự mình tiêu vong! Không có óc độc lập sẽ rơi vào a dua hoặc rập khuôn hoặc cô lập, không tranh luận, phản biện nguy cơ sẽ rơi vào mù quáng hoặc dân túy hoặc xuôi chiều, thậm chí cơ hội. Như thế vị thế và tư cách người đại biểu - người đại diện sẽ không còn sức mạnh và uy tín trước sứ mệnh quốc dân giao phó. Do đó, tư cách người đại biểu phải tiếp tục thể hiện thực sự mang tầm nhìn, trí tuệ và hành động sáng tạo một cách đầy dũng khí vươn tới và trở thành người đại diện của Nhân dân trong thực tiễn, chứ không phải là người đại biểu suông. Đó là phẩm hạnh chính trị và đạo đức trước tiên.

Mỗi đại biểu cần có phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo: Để có tri thức khoa học, phải học tập thật sự, nghiên cứu thật sự để nâng cao trình độ về chính trị, về chuyên môn, văn hóa chính trị, kỹ năng nghị trường. Nếu không có tư chất và bản lĩnh đó, khi gặp thuận lợi dễ lạc quan, lúc gặp khó khăn thì dễ lúng túng, bị động, dẫn đến bi quan, dao động và không thể quyết sách đúng và trúng; càng khó nâng cao tính khách quan, minh bạch, tăng cường công tác giám sát, từ đó rất dễ rơi vào nguy cơ không kiểm soát nổi việc thực thi quyền lực, nhất quyền quyết sách và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả... hậu quả sẽ khôn lường đối với việc xác quyết quốc kế dân sinh.

Dù tiếp xúc cử tri trước bầu cử hay sau khi là đại biểu của Nhân dân, phải trau rèn phong cách dân chủ nhưng quyết đoán. Đó là thước đo danh dự và uy tín mỗi người. Nghĩa là, phải không ngừng chủ động một mặt “gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp xếp nó thành những ý kiến có tính hệ thống”; mặt khác, “rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm nó thành ý kiến của quần chúng và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu dựa vào Nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, tham ô, biến của công thành của riêng... có nguy cơ làm hèn yếu thể chế và đẩy đất nước vào vòng nguy cơ bạc nhược, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Trách nhiệm của người trúng cử “là để thay mặt Nhân dân gánh vác việc nước” và trách nhiệm trước mắt là “phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào”. Đây là một trách nhiệm hết sức nặng nề. Lại nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”. Lời dặn dò ấy làm người đại biểu của Nhân dân trở nên khí phách, để thực thi trọng trách cao cả và thiêng liêng.

Và, khi “người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử”.

Vì thế, trong cuộc bầu cử này, sẽ có người chưa được trúng cử. Nhưng, dù không được cử thì không nên ngã lòng mà vẫn nên hết lòng hăng hái với việc của dân, của nước. Lại nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người ngụ ý rằng, dù có trở thành đại biểu của Nhân dân hay không thì việc đóng góp công sức, trí tuệ với đất nước vẫn không có gì khác, có chăng cần phải cố gắng hơn để “cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta” để lần sau được trúng cử. Theo Người, dù “Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta”. Trên đời, lâu nay, vẫn chỉ thường nghe những lời hứa hẹn của người trúng cử rằng, phải làm gì để xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân, rằng để thực sự là đại biểu của Nhân dân phải thế này thế khác, chứ rất ít được nghe những lời khích lệ đối với người chưa trúng cử. Lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất Người! Điều đó càng lấp lánh sự tinh tế và mẫn cảm tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lúc đất nước vừa độc lập hơn 4 tháng lúc bấy giờ đang rất cần người tài đức để đảm đương việc nước thì lời Người như lời cầu hiền vô giá và thành tâm. Hiện nay, ở lần bầu cử này, đất nước càng cần như thế!

Hơn lúc nào hết, hiện nay, Quốc hội tiếp tục đổi mới toàn diện ngang tầm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của đất nước. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Quốc hội từng bước chuyển từ kiêm nhiệm sang chuyên nghiệp hóa, chuyển từ báo cáo thuần túy sang giải trình minh bạch, chuyển từ diễn giải độc thoại sang chất vấn, đối thoại, tranh luận, phản biện, chuyển từ trách nhiệm tập thể chung chung khó định lượng sang cá thể hóa trách nhiệm... theo Hiến pháp và pháp luật, để thực sự xứng đáng là cơ quan lập pháp tối cao đồng thời là một nghị trường dân chủ và tập trung, phát triển sự thống nhất và đồng thuận xã hội. Vì, tranh luận, phản biện một cách dân chủ là con đường ngắn nhất tiếp cận và tìm ra chân lý. Vì, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Hơn nữa, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân - tức là phục tùng chân lý”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng các quyết sách chính trị và xây dựng luật và giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử. Qua đó, rèn luyện toàn diện, đo lường và thẩm xét chính xác phẩm hạnh, năng lực và kiểm soát dân chủ và chặt chẽ người đại biểu của Nhân dân theo pháp luật và sự giám sát của Nhân dân.

Cấp bách nhất, cùng với chức năng nâng cao toàn diện lập pháp tối cao phải đồng thời đề cao giám sát tối cao. Tiếp tục thực thi cử tri chất vấn trực tiếp nghị trường cùng với chất vấn đại biểu đại diện nghị trường tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND. Đồng thời, thực thi quyền bãi miễn tư cách đại biểu trực tiếp như khi bầu với bãi miễn đại diện. Đó là con đường ngắn nhất để thực hành dân chủ hóa đặng Quốc hội, HĐND thật sự xứng đáng của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; và cử tri ngày càng thực thi dân chủ trọng trách nặng nề và vẻ vang tư cách của mình một cách thật sự độc lập, có trách nhiệm theo Hiến pháp và luật định...

Và, HĐND các cấp theo đó, thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình ở địa phương, một cách đổi mới không ngừng, vì và cho Nhân dân, vì và cho Tổ quốc!

Các đại biểu của Nhân dân nên được lựa chọn theo hướng đổi mới tất yếu đó.

Đối với cử tri, hơn hết bao giờ, hiện nay, Nhân dân cũng luôn tự biết thực thi quyền và nghĩa vụ chân chính của mình và phân định minh bạch đâu là lợi ích chính đáng của mình theo đạo lý và đúng pháp lý, để thực sự xứng đáng là cái tôi quý nhất của quốc gia, tài sản vô giá của dân tộc, trong bầu cử dân chủ lựa chọn những đại biểu xứng đáng cho mình. Cử tri cần được thông tin toàn vẹn, chân thực, đúng luật về các đại biểu ứng cử và chất vấn họ một cách trực tiếp các đại biểu sẽ được lựa chọn và giám sát họ, cần thiết phải bãi miễn họ, theo luật định. Đó chính là biểu hiện sức mạnh dân chủ quyết định của Nhân dân!

Như thế sẽ tiếp tục mở ra một con đường mới cho dân tộc, cho đất nước phát triển dân chủ, đồng thời hiện thực hóa quyền làm chủ đất nước của người dân và “đem lại niềm vui sướng cho đồng bào ở một nước thực sự tự do, độc lập”. Nó cũng khẳng định sức mạnh, lòng yêu nước của Nhân dân trong bối cảnh hiện nay. Và, toàn thể Nhân dân đi bầu cử cũng tiếp tục khẳng định với thế giới về một nước Việt Nam độc lập, tự chủ và dân chủ, người dân đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách dân chủ, bình đẳng, vui vẻ và hạnh phúc. Việc bầu cử dân chủ ra Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng được một Quốc hội mạnh, chính quyền vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Tới đây, lại nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, dặn dò đồng bào tích cực đi bầu cử vào ngày 6 tháng Giêng năm 1946 để bầu ra Quốc hội Việt Nam thống nhất khóa đầu tiên. Người không dùng lời lẽ quá trịnh trọng để kêu gọi Nhân dân đi bỏ phiếu, Người chỉ dặn đồng bào: “Phải nhớ đi bầu cử” và “Mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Việc đi bầu là quyền lợi của mỗi người dân, mà quyền lợi cao nhất, lớn nhất chính là được thể hiện rõ ràng tự giác về tư thế và trách nhiệm của một người dân độc lập, tự do đối với đất nước độc lập, tự do, “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, tất cả vì nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân!

Cử tri lựa chọn và bầu ra những đại biểu đại diện xứng đáng cho mình một cách “thiết diện vô tư”!

Không có Nhân dân không thành dân tộc, chế độ chúng ta sẽ không có gì cả!

Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp lần này diễn ra ngay sau khi Đảng ta tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII hơn 4 tháng - đại hội xác quyết nhiều trọng sự quan trọng về định hướng phát triển đất nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ và chủ động hội nhập quốc tế ở một vị thế mới và tầm vóc mới, trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc - nên càng có ý nghĩa lớn lao đối với quốc dân ta và vận mệnh tiến lên của dân tộc!

Yêu cầu phát triển mới đó của lịch sử, vị thế và sức mạnh mới của đất nước đang và nhất định sẽ góp phần tôn vinh Ngày bầu cử thực sự là “một ngày vui sướng của đồng bào ta”, thực sự là “một ngày hội non sông” thống nhất!

Theo luật định, danh sách 868 người ứng cử ĐBQH khóa XV và những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được niêm yết công khai và công bố rộng rãi ở nơi cư trú, các điểm bầu cử khắp trong cả nước, ở nước ngoài - nơi có công dân Việt Nam cư trú, sinh sống, học tập và làm việc - trên báo chí và các phương tiện, để xin ý kiến toàn thể quốc dân và cử tri cả nước sẽ bầu lấy 500 ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Đó là “một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... một ngày vui sướng của đồng bào ta... hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt che... Dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước”, như ngày 6 tháng Giêng năm 1946.

Vượt qua đại dịch COVID-19, vượt lên mọi sự khó khăn, toàn thể quốc dân dù ở trong nước hay ở nước ngoài mãi mãi xứng đáng là con Lạc cháu Hồng đi bỏ phiếu lựa chọn đúng, đủ những người xứng đáng thay mặt cho mình, quyết sách và đi đầu gánh vác công việc đổi mới Nhà nước trong tầm nhìn 2021-2026, vì sự hùng mạnh của Tổ quốc Việt Nam trong hoàn cầu.

Lòng dân tin tưởng - Thế nước vững bền - Dân tộc trường tồn - Quốc gia phồn thịnh!

Từ khóa » Sự Xác đáng Là Gì