Nâng đường Sắt Khổ Hẹp Lên Khổ Tiêu Chuẩn - PLO

Loại đường sắt chúng ta đang dùng có khổ hẹp, tốc độ thấp dưới 80 km/giờ, có từ khi mới khai sinh nên bây giờ đã trở thành “đồ cổ”. Loại này có mô-men kháng lật rất thấp nên rất dễ lật. Trên thế giới người ta coi là “rác công nghệ”, đã ngưng sử dụng. Tổng Công ty Đường sắt lại muốn làm song song bên cạnh thì quả thật là một tính toán sai lầm!

“Từ lâu tôi đã kiến nghị mở rộng, hiện đại đường sắt khổ hẹp 1 m thành 1,435 m, sử dụng lại toàn bộ hạ tầng nền đường, hệ thống nhà ga, cầu hầm, tín hiệu nên sẽ tiết kiệm được vốn đầu tư hàng chục tỉ USD. Theo phương án này ta chỉ mở rộng ra mỗi bên khoảng một gang tay nhưng thông số kỹ thuật thay đổi hoàn toàn, hệ số kháng lật tăng gấp ba lần và nâng tốc độ thành loại đường sắt tốc độ cao 150-200 km/giờ, chở được cả hàng hóa và hành khách, các loại hàng siêu trường, siêu trọng.

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ phương án này và việc thi công mở rộng nhưng không làm gián đoạn hoạt động của ngành. Sáng kiến này được tặng giải thưởng quốc gia từ năm 2008 nhưng không được Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lắng nghe. Nếu lại làm đường hẹp sẽ tiếp tục lạc hậu và sẽ tốn kém hàng chục tỉ USD nhưng sau này cũng phải bỏ.

Theo cách của tôi thì mở rộng toàn tuyến 3.000 km Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai với chi phí chỉ 5-6 tỉ USD là thành công, rất kinh tế, tiết kiệm.

Như tôi đã nói, việc nâng từ khổ hẹp lên khổ tiêu chuẩn không phải bồi thường giải tỏa, không phải làm thêm cầu hầm, nhà ga, chúng ta chỉ mở rộng tà vẹt của đường và bánh sắt từ 1 m qua 1,435 m thôi. Đó là bí quyết thành công.

Do vậy, tôi vẫn bảo vệ dự án sáng tạo của mình và tiếp tục đề nghị mở rộng, hiện đại đường sắt theo kinh nghiệm bài học từ đường dây 500 kV. Tôi đã lập xong phương án, nếu chúng ta cùng tổng lực làm thì khoảng 9-12 tháng là xong việc nâng cấp này. Khi mở rộng xong 1,435 m thì hành trình Hà Nội - TP.HCM chỉ còn 13-15 tiếng” - TS Trần Đình Bá phân tích.

Một kỹ sư trong ngành GTVT cũng chia sẻ: “Từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước, khi là sinh viên của ngành GTVT ở Hà Nội, chúng tôi đã dạy về những ưu việt của khổ đường sắt 1,435 m so với khổ 1 m. Đến nay, tôi chuẩn bị nghỉ hưu, tức đã qua biết bao nhiêu đời bộ trưởng Bộ GTVT mà ngành đường sắt vẫn cứ loay hoay với khổ đường 1 m. Việc mở rộng đường sắt khổ 1,435 m lẽ ra phải được thực hiện lâu rồi nhưng đến tận lúc này vẫn chưa thấy có bất kỳ động thái nào, lại còn có đề nghị nghiên cứu xây thêm khổ đường hẹp là rất… lạ”.

Theo các ý kiến khác, nếu còn băn khoăn về nguồn lực, về hiệu quả thì làm dần từng tuyến hoặc chọn một tuyến cụ thể để thí điểm. Hiệu quả và an toàn sẽ được chứng minh rõ và khi đó sẽ tiến hành một cuộc cải cách ngành đường sắt Việt Nam. Nếu không, vẫn chọn khổ hẹp thì ngành đường sắt sẽ cứ mãi lạc hậu.

PHÒNG CTBĐ

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » đường Ray Khổ Hẹp