Ngành Dệt May, Da Giày Trong Bối Cảnh Dịch Covid-19

Sau hai năm bùng phát, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng. Ngành Dệt may và Da giày là hai trong số các ngành công nghiệp nhẹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, các thị trường nhập khẩu phải đóng cửa do thực hiện phong tỏa xã hội để phòng chống dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm là những khó khăn mà ngành phải đối mặt trong năm 2021. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tăng trưởng của Ngành đã có sự khởi sắc khi dịch bệnh được kiểm soát tốt ở Việt Nam.

Ngành Dệt may

Sau thời gian dồn nén vì tiêu dùng giảm, cuối năm 2020, sức mua tăng lên giúp doanh nghiệp dệt may có nhiều đơn hàng hơn. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị ở một số nước, vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dệt may của họ khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam, nhờ vậy các doanh nghiệp trong nước có thêm nhiều cơ hội tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu lớn. Kết thúc năm 2020, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 35,067 tỷ USD giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 đạt gần 38,9 tỷ USD), nhưng đây vẫn là mức rất tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may toàn thế giới suy giảm.

Ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp ngành dệt may phấn khởi khi đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm thì sang quý II năm 2021, diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến sản xuất của các doanh nghiệp gặp chồng chất khó khăn vì chuỗi cung ứng liên tục bị đứt gãy. Đặc biệt là với những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam khi phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến hoạt động sản xuất gần như bị “đóng băng”. Một số khách hàng chuyển đơn hàng sang thị trường khác, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và làm suy giảm tăng trưởng của toàn ngành.

Hy vọng thực sự trở lại với ngành dệt may khi quý IV năm2021, các tỉnh phía Nam dần mở cửa trở lại. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,29% so với năm 2019. Vượt qua Bangladesh, năm 2021, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may qua các năm

Đơn vị: Triệu USD

STT

Sản phẩm

2017

2018

2019

2020

2021

So 2020 (%)

So 2019 (%)

1

May mặc

24.715

26.730

30.723

27.980

28.980

3,99

-5,67

2

Vải

1.323

1.759

2.127

1.943

2.490

28,15

17,07

3

Xơ sợi

3.593

4.025

4.177

3.737

5.520

47,71

32,15

4

Nguyên phụ liệu dệt may

1.071

1.220

1.270

1.064

1.260

18,37

-0,79

5

Vải không dệt

457

530

589

456

750

64,47

27,33

Tổng XK DM

31.159

36.264

38.886

35.067

39.000

11,21

0,29

Nguồn: Hải quan Việt Nam

Ngành Da giày

Cũng như ngành dệt may, ngành da giày gặp khó khăn nhất là khi tình hình dịch bệnh phức tạp tại các nước là thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ và châu Âu (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam). Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép đạt 22,08 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018), năm 2020 xuất khẩu đạt 19,86 tỷ USD, giảm 2,22 tỷ so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Năm 2021, theo báo cáo của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), từ tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại (đợt thứ 4) tại các tỉnh phía Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài hơn 5 tháng theo chỉ thị 16 của Chính phủ đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày khó khăn. Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang,…là những tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp, chiếm gần 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.

Tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày hoạt động với công suất 50 - 80% do phải giãn cách xã hội và thiếu lao động. Số ít các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất cũng bị suy giảm do người lao động phải làm việc giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động). Doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, cộng với tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bức tranh ngành da giày sáng sủa hơn từ tháng 10 năm 2021 tình hình dịch bệnh được cải thiện tại các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” trên tinh thần sống chung với dịch bệnh theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 11/10/2021. Nhiều lao động bỏ về quê tránh dịch bệnh trong các tháng 8 và 9 đã quay lại sản xuất, doanh nghiệp cũng tăng cường tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp đã tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc trên cơ sở tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt là tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021. Do đó, tính chung cả năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày tăng 5,2% so với cả năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9,9% của năm 2019. Năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 20,78 tỷ USD (tăng 4,6% so với năm 2020). Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 17,77 tỷ USD (tăng 6,1%); xuất khẩu valy, túi, cặp đạt gần 3,01 tỷ USD (giảm 3,2%) so với năm 2020.

Theo phân tích của Lefaso, các thị trường truyền thống có sự phục hồi nhẹ sau tác động của dịch bệnh Covid-19 tại các châu lục. Cụ thể, mức tăng mạnh nhất tại Bắc Mỹ (19,6%), tiếp đến là châu Âu (10,8%) và châu Đại Dương (8,9%). Mỹ là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 8,764 tỷ USD (tăng 15,8 %). Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 đạt 1,718 tỷ USD (nhưng giảm 22,3%), Nhật Bản đạt 1,066 tỷ USD (giảm 10,1%). Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất tại Nam Mỹ (-31%).

Kim ngạch xuất khẩu da giày qua các năm

Đơn vị: Triệu USD

STT

Sản phẩm

2017

2018

2019

2020

2021

So 2020 (%)

So 2019 (%)

1

Giày dép

14.700

16.240

18.330

16.750

17.770

6,1

-3,05

2

Túi xách

3.260

3.390

3.750

3.110

3.010

-3,2

-19,7

Tổng XK DG

17.960

19.630

22.080

19.860

20.780

4,6

-5,9

Nguồn: Hải quan Việt Nam

Trong điều kiện vô cùng khó khăn vì dịch bệnh, ngành dệt may, da giày đã linh hoạt thích ứng an toàn, duy trì sản xuất, kinh doanh tốt, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của hai ngành đạt gần 60 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và bằng với ngành điện tử công nghệ cao. Kết quả đạt được, vượt qua cả kỳ vọng, mang đến nhiều xung lực mới để ngành dệt may và da giày tự tin đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2022.

Mục tiêu của ngành dệt may và da giầy

Dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường; ngay từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5 năm 2022 nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp dệt may tin tưởng Nghị quyết 128 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ổn định trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản. Ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I năm 2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD; kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may trung bình đạt 40-41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38-39 tỷ USD.

Cũng như một số ngành hàng xuất khẩu khác, da giày Việt Nam đang được hưởng lợi về giá nhưng do chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành da giày đồng nghĩa chịu giá hàng hoá đầu vào cao. Cùng đó, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động cũng là các thách thức đang chờ doanh nghiệp da giày trong năm 2022.

Căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch bệnh Covid 19 cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các doanh nghiệp năm 2022, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày – túi xách tăng 10-15% so với năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 23-25 tỷ USD.

Giải pháp hỗ trợ ngành dệt may và da giầy

Trong năm 2022, sản xuất của hai ngành tiếp tục gặp khó khăn, mức độ hồi phục của sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai tiêm vaccine phòng covid-19. Do đó, việc đưa ra những dự báo dài hạn ở thời điểm hiện tại là tương đối khó khăn và độ chính xác không cao, các doanh nghiệp dệt may, da giày vẫn tiếp tục phải dựa trên điều kiện thực tế để thực hiện linh hoạt trong điều hành, sản xuất.

Để giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu năm 2022, với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương sẽ bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng các giải pháp dài hạn, cải thiện nội tại sản xuất, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.

Bộ Công Thương cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.

Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro, đồng thời bảo đảm được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước dịch chuyển từ CMT (phương thức sản xuất thấp nhất của ngành dệt may bao gồm cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) lên các phương thức sản xuất cao hơn: OEM/FOB (sản xuất, giao hàng), ODM (tự chủ thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, quá trình cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và giao hàng), OBM (mẫu và thương hiệu ban đầu độc quyền của doanh nghiệp sản xuất) đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu. Chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa, đồng thời hướng tới xuất khẩu.

Phát triển ngành thời trang trong nước trên cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp, giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt Nam tại Mỹ, EU. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ triệt để những điều khoản về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của các thị trường nhập khẩu./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT

Từ khóa » Dệt May Giày Dép