Nghe Gru Kể Chuyện Săn Bắt, Thuần Dưỡng Voi - Báo Đắk Lắk điện Tử

Nghe Gru kể chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi 15:59, 26/02/2015

Buôn Đôn - nơi nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, nhưng từ khi có lệnh cấm săn bắt của Nhà nước, nghề này chỉ còn trong kí ức của những thợ săn voi.

Chúng tôi tìm đến già Nay Keo Pha Lào (tên thường gọi là Ay Nô) ở buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) - một thợ săn voi đã kinh qua nhiều chuyến đi săn voi rừng. Dù đã trải qua 87 mùa rẫy nhưng già vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về nghề săn voi, già Ay Nô vui hẳn lên, mắt ông hướng phía những cánh rừng già như để lục tìm những kí ức của những năm tháng huy hoàng của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở vùng đất này. Già kể, ông là người dân tộc Lào, từ những năm 20 tuổi ông đã theo cánh thợ săn voi của buôn làng vào rừng tìm bắt những con voi đem về thuần dưỡng. Trong những cuộc đi săn, ông đã tự tay mình bắt được 5 con voi, còn thuần dưỡng những con voi để nó biết nghe lời thì nhiều không nhớ xuể. Đi săn voi rừng là công việc gian nan, đối mặt với nhiều mối nguy hiểm nên các thợ săn voi kiêng cử rất nhiều thứ, ví như nhà có người đi săn voi phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống dưới đất. Tín hiệu này mang ý nghĩa báo hiệu cho những ai đang có việc kiêng cữ như sinh đẻ, ma chay không được vào để tránh xui xẻo.

Trước khi đi săn voi, thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, kiêng ngủ với vợ, không được tắm bằng xà bông thơm trong suốt 1 tuần. Nếu ai vi phạm điều cấm kỵ sẽ không săn được voi rừng và còn bị Yàng “phạt”, “hành” cho đến chết. Lúc xuất phát, đội săn phải tổ chức nghi lễ cúng báo với tổ tiên bằng một con heo hoặc một con gà và một ché rượu cần để cầu xin Yàng phù hộ gặp nhiều may mắn. Ngày ấy, vì là thợ phụ nên Ay Nô chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, màu đen; ngủ phải nằm thẳng, không được co chân… Khi Ay Nô đã tự tay mình bắt được con voi rừng mới chính thức được xem là Gru. Đến khi bắt được 5 con voi rừng, Ay Nô mới không phải đóng khố nữa mà được mặc quần áo, được che mưa, ăn cá trắng… Một phường săn voi phải có từ 5-10 con voi, mỗi voi sẽ gồm hai người, một nài chính (gru) và một nài phụ (rmăk) do một người giàu kinh nghiệm chỉ huy. Khi phát hiện đàn voi rừng, người dẫn đoàn sẽ rúc một hồi tù và báo hiệu cho những phường săn khác đàn voi rừng đã có chủ. Khi đó, những thợ săn voi sẽ nằm rạp trên mình voi, lấy dây chằng bụng và bí mật điều khiển voi tiếp cận đàn voi rừng.

Chủ phường săn sẽ điều khiển voi chiến của mình cùng hai voi khác tiếp cận voi đầu đàn. Khi con voi đầu đàn phát hiện thấy đàn voi lạ xâm nhập, nó rống lên rồi lao tới tấn công kẻ thù. Từ lúc này, tất cả mọi người nhớm dậy trên lưng voi, dùng giáo đâm, dao gạt, hỗ trợ cho voi săn của mình chiến đấu. Các voi chiến dùng ngà lao vào đối phương hoặc dùng vòi đánh voi đực đầu đàn. Lúc này, voi săn cũng áp sát voi con đang được voi mẹ che chở, đoàn săn sẽ tách voi mẹ dùng dây tròng móc lấy chân sau của voi con. Khi đã móc được voi con thì lựa một cây to nào đó quăng dây cột lại. Voi con chạy vòng quanh theo thân cây như tự trói mình tại chỗ. “Các thợ săn bằng kinh nghiệm săn bắt lâu đời sẽ phân biệt được lứa tuổi của voi. Thường họ chỉ bắt những con voi từ 2-5 năm tuổi. Dưới 2 tuổi voi còn quá non cần có voi mẹ dẫn dắt, nếu bắt đi, phải tách mẹ quá sớm voi con dễ bị chết. Voi trên 5 tuổi đã hình thành tính cách, khó thuần dưỡng”, già Ay Nô nhớ lại.

Cảnh săn bắt voi rừng được tái hiện trong Hội đua voi Buôn Đôn.
Cảnh săn bắt voi rừng được tái hiện trong Hội đua voi Buôn Đôn.

Theo lời già Ay Nô, voi sau khi bắt ở rừng về đem xích bằng dây rất ngắn vào một cây cổ thụ ở ngoài bãi rộng xa buôn nhằm tránh tiếng voi rống ầm ĩ làm phiền mọi người. Hai chân trước của voi bị lồng trong một cùm mây hình số 8, cổ đóng một chiếc gông có gai nhọn và treo gông lên cành cao, khiến không thể quay cổ được, làm giảm rất nhiều sức lực, sự hung hãn của con voi. Người ta dùng lông nhím xỏ một lỗ trên tai voi, đeo vào đó một sợi dây, đánh dấu voi đã có chủ. Voi con bị bỏ đói vài ba ngày, khi thấy đã thật sự sắp lả đi, người thợ thuần dưỡng voi mới lân la đến gần đưa cỏ non hoặc mía làm quen. Vài lần như thế cho voi bớt sợ và quen dần với con người, khi đó mới bắt đầu đưa ra các mệnh lệnh của giai đoạn tập xỏ còng. Xong mới đến việc tập cho voi nghe các hiệu lệnh điều khiển của nài. Giai đoạn tiếp theo là tập để voi quen với việc tắm dưới nước, tập cho voi làm quen với trọng lượng nặng dần lên ở trên lưng.

Sau chừng vài ba tuần trăng, chú voi con đã thật sự bị thuần phục. Khi đó nó mới được tháo cùm chân, tháo dây buộc cổ đưa ra bãi chăn thả, làm quen với việc không có người và voi nhà kèm cặp. Voi có thể tự do đi lại trong khuôn khổ một sợi dây xích dài tới 10-15 m buộc vào chân, để khi cần cứ theo sợi dây mà tìm voi về. Vài ba tuần voi lại được đưa trở về nơi thuần dưỡng để “ôn bài” cho khỏi quên, đồng thời tập các động tác quỳ xuống cho người lên, hoặc chào nài. Thời gian thuần dưỡng voi có thể kéo dài 5 - 7 tháng, con nào khó tính có khi kéo dài vài năm. Khi voi con đã thuần phục biết nghe mệnh lệnh thì voi mới được đưa về buôn. Nhập buôn là một thời điểm quan trọng đối với cả gia đình chủ và con voi nên được tổ chức rất chu đáo. Gia chủ phải chuẩn bị sẵn một mâm cúng gồm một ché rượu, một gà, cũng đôi khi là chiếc đầu và đuôi heo nhỏ. Trong Lễ nhập buôn, người ta khấn cho voi: “Biết nghe lời, biết đi con đường thẳng trong buôn khi ông mặt trời thức dậy ở đằng đông và đến khi đi ngủ ở đằng tây; siêng năng như con suối chảy hoài không mệt, giúp dân làng gieo hạt lúa, hạt ngô trên rẫy”.

Bây giờ, những người thuần thục nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng như Ay Nô không còn nhiều, phần lớn họ đã về với tổ tiên, với Yàng. Săn bắt voi rừng đã bị Nhà nước cấm, những cảnh săn bắt nay chỉ còn trong những lời kể của các Gru hay trong những lần tái hiện cảnh săn bắt trong hội đua voi được tỉnh tổ chức hằng năm.

Vạn Tiếp

Từ khóa » Cách Bắt Voi Rừng