Voi Buôn Đôn – Đắk Lắk - Việt Nam Thịnh Vượng

Đến Buôn Đôn – Đắk Lắk, nhiều người đã biết đến lễ hội đua voi nổi tiếng của Tây Nguyên, song không phải ai cũng hiểu đây là vùng đất cội nguồn của nghề săn bắt voi rừng, để rồi từ đây những con voi rừng được thuần dưỡng và trở thành một thành viên không thể thiếu của đồng bào M’nông. Voi ở đây đã trở thành biểu tượng văn hóa -tâm linh đẹp đẽ và thiêng liêng bậc nhất.

Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn. Nguồn ảnh: Lương Định, baodantoc.vn

Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên Đắk Lắk, (nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được mệnh danh là thủ phủ của loài voi. Sông Serepók được xem là linh hồn của vùng đất Buôn Đôn. Con sông hùng vĩ chảy qua rừng già Yok Đôn, đem lại nguồn sống cho rừng khộp, rừng le và đồng cỏ. Buôn Đôn xưa là tâm điểm của vùng sinh thái rộng lớn và là nơi nảy sinh lễ hội đua voi hoành tráng bậc nhất Tây Nguyên. Tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp để Buôn Đôn trở lại chính mình.

Cội nguồn của nghề săn bắt voi rừng Tây Nguyên

Nhà nghiên cứu, tiến sĩ văn hóa học Trần Tấn Vịnh  là người từng gắn bó với Tây Nguyên, trong luận án “Con voi trong đời sống của người M’Nông” khẳng định: nghề săn bắt voi rừng ở Buôn Đôn trước đây đã đạt đến sự hưng thịnh, trở thành trung tâm mua bán voi lớn nhất ở Đông Dương. Buôn Đôn nổi tiếng với cách săn bắt voi rừng không giống với nơi nào trên thế giới. Ở đây, người ta săn bắt voi bằng các loại dây thừng làm từ da trâu hoặc mây rừng, có khi bằng vỏ thân cây khộp trên dãy Chư Min. Những vật dụng này rất bền, có thể khuất phục được loài vật to lớn nhất chốn rừng xanh song lại mềm dẻo không làm những con voi rừng khi bắt được bị tổn thương. Khi gặp đàn voi rừng, thợ săn dùng voi nhà đuổi đánh và chia lẻ đàn voi, dùng thòng lọng trói các chân sau đó dẫn về. Đây là công việc khá nguy hiểm, đòi hỏi phải có sức mạnh và lòng dũng cảm mà không phải ai cũng làm được. Bởi vậy, chỉ có một số dòng họ ở Buôn Đôn sản sinh ra các thợ săn voi giỏi giang (được gọi là gru). Tất cả những ai từng đến Buôn Đôn đều biết tiếng tăm vua voi Y Thu Khunjunốp, hay dũng sĩ săn voi Ama Công.

Săn bắt voi về, dân làng sẽ tiến hành thuần hóa các con voi săn được để biến chúng thành voi nhà. Bởi vậy, người săn voi giỏi giang phải biết cách giữ cho con voi được lành lặn nhất. Những con voi bị thương tật nhiều thường hung hăng khó thuần hóa và không còn mạnh như nó vốn có. Săn bắt voi nhưng không bao giờ làm tổn hại đến loài voi!

Đua voi

Những con voi được thuần hóa là nhân vật chính của lễ hội đua voi nổi tiếng ở Buôn Đôn. Lễ hội đua voi nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ săn bắt, thuần dưỡng voi của người M’Nông. Đây là một lễ hội độc đáo, hấp dẫn của Buôn Đôn. Những con voi được chọn để tham gia vào cuộc đua voi đương nhiên là những con khỏe mạnh, dẻo dai và cả khôn ngoan. Nó là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, công phu của người thuần hóa, chăm sóc voi. Trước ngày thi đấu, voi được tắm rửa, ăn uống kỹ lưỡng, cũng như huấn luyện một số hoạt động trước khi vào lễ đua voi chính thức. Đàn voi được chọn vào đua sẽ tập kết ở bãi đất trống và trên lưng mỗi con voi phải có 2 người quản tượng để điều khiển voi trong suốt cuộc hành trình.

Lễ đua voi chính thức bắt đầu sau hồi tù hiệu lệnh. Đàn voi bắt đầu vào cuộc. Voi chạy trên đường thẳng, khi đường dốc lên xuống quanh co, khi gặp sông phải bơi qua, khi thung lũng hiểm nguy…Tiếng cồng, chiêng thúc giục cùng với tiếng reo hò cổ vũ của khán giả làm thành rừng âm thanh rộn rã ngập tràn niềm vui của một lễ hội hoành tráng chỉ có thể thấy ở đua voi. Điều nhân văn cao cả là sau một cuộc đua vất vả, tất cả những chú voi thắng hay thua cũng đều được thưởng thức một bữa tiệc và nghỉ ngơi.

Hội Đua Voi là một trong những hội của văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Đắk Lắk được tổ chức mỗi một lần vào tháng 3 âm lịch tại Buôn Đôn.

Voi trong đời sống buôn làng người M’nông

Voi nhà được xem như tài sản quý giá nhất đối với cư dân bản địa. Nó được dùng để trao đổi (đơn vị hàng hóa) trong buôn bán. Cho nên, người nào sở hữu nhiều voi là người có của cải và quyền lực lớn đối với cộng đồng.

Voi là vật thiêng trong tín ngưỡng của người M’Nông. Những nghi lễ của vòng đời người như lễ đặt tên, lễ nhập buôn, lễ trưởng thành, lễ cưới đều được tiến hành đối với voi nhà. Hình ảnh con voi hay cặp ngà voi có mặt trong rất nhiều các công trình kiến trúc, điêu khắc, đặc biệt đối với tượng nhà mồ ở Buôn Đôn. Nói chung, với đồng bào M’nông, voi là hiện thân của sự may mắn và thịnh vượng của buôn làng nên họ rất yêu quý, xem voi như thành viên trong gia đình. Voi là hiện thân của “thần voi” (Nguăch Ngual)- vị thần mạnh mẽ, có uy tín che chở và mang lại sự bình yên cho buôn làng. Voi trở thành biểu tượng văn hóa -tâm linh đẹp đẽ và thiêng liêng bậc nhất của đồng bào M’nông

Bảo tồn voi Buôn Đôn

Nghề săn voi rừng chỉ còn lại trong các câu chuyện và những huyền thoại về các gru nhưng nghề thuần dưỡng voi của người M’nông vẫn còn. Voi vẫn có một vị trí không gì thay thế được trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào. Tuy nhiên, Voi Buôn Đôn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai không xa. Diện tích rừng bị thu hẹp do nạn chặt phá rừng trái phép khiến cho voi mất đi nơi cư trú và sinh sống.

Theo số liệu từ Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, tình trạng săn bắn voi tại tỉnh Đắk Lắk gia tăng đáng sợ. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2014 có 17 con voi bị chết, có 5 trường hợp chết do bị bắn, sau đó lấy các bộ phận như: ngà, lông đuôi…[i] Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Tiếp đó, Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020. Voi Buôn Đôn theo đó được quan tâm bảo tồn theo nhiều cách. Tuy nhiên, rất cần sự vào cuộc của nhiều ban, ngành tỉnh Đắk Lắk cũng như chính cộng đồng người dân Buôn Đôn để giữ được biểu tượng độc đáo này của vùng đất Tây Nguyên.

 

[i] Phạm Hoài (2020), Voi Tây Nguyên: Biểu tượng văn hoá đang bị đe dọa. Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/

Triều Nguyễn

Từ khóa » Cách Bắt Voi Rừng