Về Dòng Tộc Săn Bắt Voi Rừng Buôn Đôn - Báo Đắk Lắk điện Tử

Về dòng tộc săn bắt voi rừng Buôn Đôn 17:00, 23/03/2022

Mộ của Y Thu/N’Thu và R’leo K’Nul hiện tọa lạc tại buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) ngày nay. Mộ được xây dựng theo lối kiến trúc pha trộn giữa người M’nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản, có trang trí những búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ.

"Sống chung" với voi rừng
Du lịch thân thiện với voi
Hãy hứa với anh rằng voi sẽ quay lại...
Chuyện về cái bành voi

Do hai ngôi mộ liền kề nhau và kết hợp hài hòa như một, nên khách tham quan hay nhầm tưởng đây là ngôi mộ duy nhất. Thật ra đây là hai ngôi mộ của hai cha con thuộc dòng tộc K’Nul danh giá nhất vùng nhờ những chiến tích săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nức tiếng.

Y Thu, hay còn gọi theo tiếng M’nông là N’Thu K’Nul (1828 – 1938) được xem là người mở đầu cho nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn. Trong số gần 200 con voi rừng được ông săn bắt và thuần dưỡng, có một con voi trắng (bạch tượng) đem dâng tặng cho Vua Xiêm nên được phong tước hiệu là “Khunjunob” (nghĩa là chiến binh dũng cảm, chứ không liên quan gì đến danh xưng vua voi ở đây cả - PV). Người ta gọi Y Thu là “Vua voi” với hàm ý chỉ người đi tiên phong/mở đầu cho nghề này - hơn thế ông còn là người đại diện cho dòng tộc đứng ra tổ chức mua bán voi với những thương lái đến từ Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia... vào những thập niên cuối thế kỷ 19, khi vùng đất Buôn Đôn được xem là “chợ voi” lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Khu lăng mộ của các vua voi ở Buôn Đôn. Ảnh: Hữu Hùng

Theo sử liệu lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk, vào những năm 1900, lúc Y Thu ở tuổi ngoài 70 thì ông không tham gia những cuộc săn bắt, thuần dưỡng voi cũng như mua bán voi ở Buôn Đôn nữa, mà giao lại cho con trai là R’leo K’Nul kế tục sự nghiệp để lên Buôn Ma Thuột làm thư ký Tòa Luật tục từ thời Công sứ là Léon Bourgeois cho đến Công sứ Sabatier (1989 - 1926), sau đó mất tại Buôn Đôn năm 1938, hưởng thọ 110 tuổi.

R’Leo Knul, còn gọi là Ma Krông (1887 - 1947) và được xem như “Vua voi” đời thứ hai của dòng tộc trên ở Buôn Đôn. Được biết vào những thập niên 50 thế kỷ trước, ông là người được vua Bảo Đại thường xuyên mời đi săn cùng tại những vùng rừng Buôn Đôn, Lắk, Krông Nô và Nâm Nung. Thời kỳ Tây Nguyên thuộc Hoàng triều cương thổ (đất của vua từ năm 1950 - 1955), vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn thường lên đây săn bắn, nghỉ dưỡng - và ông R’Leo Knul là một trong những người được Bảo Đại chọn theo tháp tùng trong nhiều chuyến săn bắt voi rừng nhờ kỹ năng, kinh nghiệm lão luyện học được từ người cha quyền thế của mình. Hơn thế, bản thân ông R’Leo Knul cũng là một “danh gia vọng tộc” ở vùng đất Đắk Lắk lúc bấy giờ là nhờ con gái của ông - cô H’Nhuôn được Công sứ L.Sabatier cưới làm vợ khi đến nhậm chức và cai trị xứ này từ năm 1923 đến năm 1926. Bà H’Nhuôn và Công sứ Sabatier có với nhau cô con gái là H’Nhi nên ông R’Leo Knul còn được gọi là Aê Nhi (ông của bé Nhi). Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi.

Đến đời thứ ba của dòng tộc săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nức tiếng Buôn Đôn là ông Ama Kông (1910 – 2012), tên Êđê là Y Prông Êban. Trong sử liệu tìm được về “Vua voi” đời thứ ba này không thấy nói đến ông có quan hệ huyết thống thế nào với dòng tộc Knul - chỉ thông qua lời kể của ông Khăm Phết Lào (con trai Ama Kông, hiện sinh sống tại buôn Kô Tam, phường Tân Hòa - TP. Buôn Ma Thuột) thì được biết “Vua voi” Ama Kông có cha là người mang dòng máu Lào - M’nông và mẹ là người Êđê mang họ Êban, một trong những dòng tộc lớn của sắc dân này.

Cuộc đời Ama Kông gắn với nhiều huyền thoại như một trong những người săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nhiều nhất, không chỉ ở Buôn Đôn mà cả vùng Đông Nam Á, nổi tiếng ăn chơi và có nhiều vợ nhất nhờ bài thuốc “bí truyền” mang tên ông. Đến nay, bài thuốc này trở thành thương hiệu ở Đắk Lắk, được mọi người biết đến và tìm mua như “thần dược” nhằm cải thiện sinh lý. Trong đó uy tín và hiệu quả nhất phải nói đến thuốc/rượu Ama Kông của Khăm Phết Lào là hơn cả vì ông nắm giữ được bí quyết gia truyền từ người cha truyền lại.

Đình Đối

Từ khóa » Cách Bắt Voi Rừng