Nghi Lễ (Nho Giáo) – Wikipedia Tiếng Việt
Nghi lễ | |||||||||
Tên tiếng Trung | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Phồn thể | 儀禮 | ||||||||
Giản thể | 仪礼 | ||||||||
Nghĩa đen | Lễ nghi | ||||||||
| |||||||||
Tên tiếng Việt | |||||||||
Tiếng Việt | Nghi lễ |
Nghi lễ (chữ Hán:儀禮) là một trong thập tam kinh của Nho giáo, nội dung ghi chép các loại lễ nghi trước thời Tần, trong đó chủ yếu ghi chép lễ nghi của sĩ đại phu. Trước thời Tần không rõ mục lục các thiên của Nghi lễ, đến đầu thời Hán có Cao Đường Sinh truyền thụ một bản Nghi lễ bao gồm 17 thiên. Ngoài ra còn có một bản Cổ văn Nghi lễ bao gồm 56 thiên, nay đã thất truyền. Nghi lễ cùng với Lễ ký và Chu lễ được gọi chung là Tam lễ.
Lịch sử văn bản
[sửa | sửa mã nguồn]Thời Thương, Chu có rất nhiều lễ nghi, được gọi là "ba trăm lễ nghi, ba ngàn uy nghi"[1], nhưng do không có các chức vụ chuyên môn để huấn luyện và diễn tập nên chưa thể thực hiện các lễ nghi này. Sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, "Lễ" bị thất truyền, chỉ có Cao Đường Sinh là còn nhớ được[2]. Thời Hán, Nghi lễ bao gồm 17 thiên, chia làm bốn loại là quan hôn (hôn nhân), triều sính (đi thăm viếng các nước khác), tang tế (tang lễ và cúng tế), xạ hương (bắn cung ở trong làng). Trong 17 thiên thì ngoại trừ 4 thiên Sĩ tương kiến lễ, Đại xạ lễ, Thiếu lao quỹ thực lễ, Hữu ti triệt, các thiên còn lại đều có phần "Ký". Trong thiên Tang phục còn có phần "Truyện", tương truyền do học trò của Khổng Tử là Tử Hạ sáng tác. Đầu thời Hán Nghi lễ chỉ được gọi tắt là Lễ (禮), là lời kinh của "Lễ", còn được gọi là Sĩ lễ (士禮)[3].
Học giả về "Lễ" là Bành Lâm phân tích rằng: "Có thể nhận định là Cao Đường Sinh truyền Nghi lễ cho Tiêu Phấn, Tiêu Phấn truyền cho Mạnh Khanh, Mạnh Khanh truyền cho Hậu Thương, Hậu Thương truyền cho Đại Đới (Đới Đức), Tiểu Đới (Đới Thánh), Khánh Phổ, đó là năm đệ tử được truyền thụ Kinh Lễ vào thời Hán. Tuy nhiên theo Sử ký, Nho lâm truyện, trước Tiêu Phấn còn có Từ Thị, Kinh Lễ của Tiêu Phấn đương nhiên có được từ Từ Thị, quan hệ giữa Từ Thị và Cao Đường Sinh thế nào không rõ"[4].
Thời Hán, Kinh Lễ trong Ngũ kinh là sách Nghi lễ, tên gọi Nghi lễ xuất hiện sớm nhất là trong Hậu Hán thư của Phạm Diệp. Đến thời Tấn chính thức được gọi là Nghi lễ, các gia tộc quyền quý lúc bấy giờ lấy làm điểm chính yếu của tông pháp, đặc biệt coi trọng 4 thiên ghi chép về tang lễ là Tang phục, Sĩ tang lễ, Ký tịch lễ, Sĩ ngu lễ. Đến thời Đường, Kinh Lễ là Tiểu Đới Lễ ký, sau đó dần dần chuyển thành Tam lễ (Nghi lễ, Lễ ký, Chu lễ) trong Thập tam kinh như hiện nay[5].
Thời Hán có bốn bản Nghi lễ là bản của Đại Đới, bản của Tiểu Đới, bản của Khánh Phổ và bản Biệt lục của Lưu Hướng. Bản Nghi lễ còn tồn tại đến ngày nay là bản kim văn, chỉ có 17 thiên, ít hơn bản cổ văn tới 39 thiên.
Nghi lễ ghi chép tường tận về chế độ cung thất, trang phục, ẩm thực, tang lễ thời cổ đại, giống như một bức tranh miêu tả về sinh hoạt trong xã hội cổ đại. Thời Đường, Giả Công Ngạn biên soạn Nghi lễ sớ bao gồm 17 quyển, thời Nam Tống hợp nhất với lời chú thích của Trịnh Huyền thành Nghi lễ chú sớ. Thời Nguyên, Ngao Kế Công biên soạn Nghi lễ tập thuyết. Các quan lại trong Tứ khố toàn thư quán thời Thanh căn cứ trong Vĩnh Lạc đại điển cho biết thời Tống có Trương Thuần biên soạn sách Nghi lễ thức ngộ. Hồ Bồi Huy thời Thanh biên soạn Nghi lễ chính nghĩa.
Văn bản mới phát hiện
[sửa | sửa mã nguồn]Trong quần thể các ngôi mộ cổ thời Hán ở thôn Ma Chủy Tử, hương Tân Hoa, quận Lương Châu, thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc phát hiện được một bản Nghi lễ viết trên thẻ tre, là bản cổ nhất được phát hiện cho đến nay. Tổng cộng có 469 thẻ tre và gỗ, được viết bằng lệ thư, mặt trước và mặt sau có mã số thứ tự, trên mặt thẻ tre có ký hiệu cạo sửa và khuyên tròn, chấm câu. Được chia làm ba bản A, B, C: bản A có 398 thẻ gỗ, mỗi thẻ dài 55,5 ~ 56 cm, rộng 0,75 cm, bao gồm 7 thiên Sĩ tương kiến, Phục truyện, Đặc sinh, Thiếu lao, Hữu ti, Yến lễ, Thái xạ, bản B có 37 thẻ gỗ, mỗi thẻ dài 50,05 cm, rộng 0,5 cm, nội dung chỉ có thiên Phục truyện, bản C có 34 thẻ tre, mỗi thẻ dài 56,5 cm, rộng 0,9 cm, nội dung chỉ có thiên Tang phục.
Nội dung
[sửa | sửa mã nguồn]STT | Chữ Hán | Bính âm | Hán-Việt |
1 | 士冠禮 | Shiguan li | Sĩ quán lễ |
2 | 士昏禮 | Shihun li | Sĩ hôn lễ |
3 | 士相見禮 | Shi xiangjian li | Sĩ tương kiến lễ |
4 | 鄉飲酒禮 | Xiang yinjiu li | Hương ẩm tửu lễ |
5 | 鄉射禮 | Xiang she li | Hương xạ lễ |
6 | 燕禮 | Yan li | Yến lễ |
7 | 大射 | Dashe | Đại xạ |
8 | 聘禮 | Pin li | Sính lễ |
9 | 公食大夫禮 | Gongshi dafu li | Công thực đại phu lễ |
10 | 覲禮 | Jin li | Cận lễ |
11 | 喪服 | Sang fu | Tang phục |
12 | 士喪禮 | Shi sang li | Sĩ tang lễ |
13 | 既夕禮 | Ji xi li | Ký tịch lễ |
14 | 士虞禮 | Shi yu li | Sĩ ngu lễ |
15 | 特牲饋食禮 | Tesheng kuishi li | Đặc sinh quỹ thực lễ |
16 | 少牢饋食禮 | Shaolao kuishi li | Thiếu lao quỹ thực lễ |
17 | 有司徹 | Yousi che | Hữu ti triệt |
Các tác phẩm chú giải
[sửa | sửa mã nguồn]- Nghi lễ chú sớ: Trịnh Huyền thời Đông Hán biên soạn Nghi lễ chú, Giả Công Ngạn thời Đường biên soạn Nghi lễ sớ, bao gồm 40 quyển, là một trong Thập tam kinh chú sớ.
- Nghi lễ tích nghi của Phương Bao thời Thanh.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Trung Dung: Lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên
- ^ Sử ký, quyển 121: Nho lâm liệt truyện: "Có nhiều học giả giảng về "Lễ", trong đó Cao Đường Sinh ở nước Lỗ là sớm nhất. "Lễ" kể từ Khổng Tử kinh văn không đầy đủ, đến khi nhà Tần đốt sách, nhiều thiên trong sách bị mất, đến nay chỉ còn lại sách "Sĩ lễ", Cao Đường Sinh có thể giải thích được" (Chư học giả đa ngôn Lễ, nhi Lỗ Cao Đường Sinh tối bản. Lễ cố tự Khổng Tử thời nhi kì kinh bất cụ, cập chí Tần phần thư, thư tán vong ích đa, vu kim độc hữu Sĩ lễ, Cao Đường Sinh năng ngôn chi). Hán thư, quyển 30: Nghệ văn chí: "Đến thời nhà Chu suy, chư hầu đều vượt pháp độ, sợ có hại cho mình nên đều tiêu hủy kinh sách, từ thời Khổng Tử đã không còn đầy đủ, đến thời Tần thì suy kém cực độ. Sang đầu thời Hán, Cao Đường Sinh người nước Lỗ truyền thụ sách "Sĩ lễ" bao gồm 17 thiên" (Cập Chu chi suy, chư hầu tương du pháp độ, ố kì hại kỉ, giai diệt khử kì tịch, tự Khổng Tử thời nhi bất cụ, chí Tần đại hoại. Hán hưng, Lỗ Cao Đường Sinh truyền Sĩ lễ thập thất thiên).
- ^ Hán thư Nghệ văn chí chú thích vị biên khảo chứng rằng: "Kinh Lễ tức là Nghi lễ, lúc đầu gọi là Sĩ lễ. Nội dung của Sĩ lễ là lễ tiến lui vái chào, hôn lễ, tang lễ và yến ẩm của người xưa" (Lễ kinh tức Nghi lễ. Sơ danh Sĩ lễ. Sĩ lễ sở ngôn, cái cổ nhân tiến thoái ấp nhượng chi tiết, hôn tang yến ẩm chi đạo).
- ^ Nhất bàn nhận vi, Cao Đường Sinh bả Nghi lễ truyền cấp Tiêu Phấn, Tiêu Phấn truyền cấp Mạnh Khanh, Mạnh Khanh truyền cấp Hậu Thương, Hậu Thương truyền cấp Đại Đới (Đới Đức), Tiểu Đới (Đới Thánh), Khánh Phổ, giá tựu thị Hán đại đích Lễ học đích sở vị ngũ truyền đệ tử. Đán thị, Sử ký, Nho lâm truyện sở ký, tại Tiêu Phấn chi tiền hoàn hữu Từ Thị, Tiêu Phấn chi Lễ đương đắc tự Từ Thị, Từ Thị dữ Cao Đường Sinh đích quan hệ bất tường.
- ^ Bì Tích Thụy trong Kinh học thông luận, Tam lễ cho rằng: "Thời Hán gọi "Lễ" là chỉ sách "Nghi lễ" bao gồm 17 thiên, nhưng thời Hán không gọi là "Nghi lễ", do chủ yếu là lời kinh nên được gọi là "Lễ kinh", hợp với lời ký (ghi chép) nên còn gọi là "Lễ ký". Hứa Thận, Lư Thực gọi "Lễ ký" tức là chỉ sách "Nghi lễ" cùng với lời ký trong các thiên, chứ không phải chỉ sách "Lễ ký" bao gồm 49 thiên hiện nay. Sau này tên gọi "Lễ ký" bị tác phẩm bao gồm 49 thiên đoạt mất, cho nên "Lễ kinh" bao gồm 17 thiên bị gọi thành "Nghi lễ" (Hán sở vị Lễ, tức kim thập thất thiên chi Nghi lễ, nhi Hán bất danh Nghi lễ, chuyên chủ kinh ngôn, tắc viết Lễ kinh, hợp ký nhi ngôn, tắc viết Lễ ký. Hứa Thận, Lư Thực sở xưng Lễ ký, giai tức Nghi lễ dữ thiên trung chi ký, phi kim tứ thập cửu thiên chi Lễ ký dã. Kỳ hậu Lễ ký chi danh vi tứ thập cửu thiên chi ký sở đoạt, nãi dĩ thập thất thiên chi Lễ kinh biệt xưng Nghi lễ).
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn] Wikisource có văn bản gốc liên quan đến bài viết: Nghi lễ (chữ Hán)- Kudo Takuji, Khái quát tình hình nghiên cứu Nghi lễ ở Nhật Bản trong gần một trăm năm qua Lưu trữ 2014-11-01 tại Wayback Machine
Từ khóa » Nghi Lễ ý Nghĩa Là Gì
-
Nghi Lễ Là Gì? Định Nghĩa, Khái Niệm - LaGi.Wiki
-
Nghi Lễ Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Ý Nghĩa Và Giá Trị Của Nghi Lễ - GĐPT Việt Nam
-
Nghi Thức Và ý Nghĩa Của Nghi Thức - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Thế Nào Là Nghi Lễ - Hỏi Đáp
-
Nghi Lễ Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Từ Điển - Từ Nghi Lễ Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Từ điển Tiếng Việt "lễ Nghi" - Là Gì?
-
Nghi Thức – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ý Nghĩa Và Tác Dụng Của Lễ Bái - Nghi Lễ
-
Sự Khác Biệt Giữa Nghi Lễ Và Nghi Lễ - Sawakinome
-
Ý Nghĩa Của Nghi Lễ, Sự Cúng Dường Và Lễ Khai Tâm Trong đạo Phật
-
Sự Cần Thiết Của Nghi Lễ Phật Giáo
-
Ý Nghĩa Nghi Lễ Phật Giáo - Chùa Bửu Châu