Nghĩa Của Câu Và Nghĩa Của Phát Ngôn - Tài Liệu, Ebook

  • Đăng ký
  • Đăng nhập
  • Liên hệ

Thư viện tài liệu, ebook tổng hợp lớn nhất Việt Nam

Website chia sẻ tài liệu, ebook tham khảo cho các bạn học sinh, sinh viên

  • Trang Chủ
  • Tài Liệu
  • Upload
Trang ChủKhối Ngành Xã HộiNgôn Ngữ HọcNghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn Nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn

Tóm lại, cần phân biệt câu với phát ngôn, cũng như nghĩa của câu với nghĩa của phát ngôn. Nghiên cứu ngôn ngữ trong sử dụng, cần đặc biệt quan tâm tới nghĩa của phát ngôn. Khi nghiên cứu nghĩa của câu, chúng ta phải nói đến điều kiện chân trị (truth condition). Nghiên cứu nghĩa của phát ngôn, chúng ta cũng phải thấy rằng để cho những nghĩa ngôn trung được thực hiện, các hành động ngôn từ phải thỏa mãn các điều kiện hữu hiệu (felicity condition).

pdf6 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 5406 | Lượt tải: 5download Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trênTạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 30, Số 2 (2014) 1-6 1 NGHIÊN CỨU/RESEARCH Nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn1 Nguyễn Thiện Giáp* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam Nhận bài ngày 25 tháng 3 năm 2014; Chấp nhận đăng ngày 29 tháng 5 năm 2014 Tóm tắt: Trên cơ sở phân biệt câu với phát ngôn - câu thuộc ngữ ngôn còn phát ngôn thuộc lời nói, tác giả phân biệt nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn. Nghĩa của câu (sentence meaning) là nghĩa toàn thể của một câu khi đối lập với nghĩa của từng từ riêng biệt. Trong triết học và logic học, nghĩa của câu có xu hướng được đặt ngang với các mệnh đề hoặc với các chân trị (truth values). Tuy nhiên, trong ngôn ngữ học, nghĩa của câu, về cấu trúc có thể bắt nguồn từ nguyên tắc hợp thành (principle of compositionality). Nghĩa của phát ngôn là cái nghĩa mà một người nói truyền đạt nhờ việc sử dụng một phát ngôn nào đó trong một ngữ cảnh tình huống nào đó. Theo lí thuyết hành động ngôn từ, các phát ngôn có hai loại nghĩa: (i) Nghĩa mệnh đề (propositional meaning) và (ii) Nghĩa ngôn trung (illocutionary meaning). Khi nghiên cứu nghĩa của câu chúng ta phải nói đến điều kiện chân trị (truth condition). Nghiên cứu nghĩa của phát ngôn chúng ta cũng phải thấy rằng để cho những nghĩa ngôn trung được thực hiện, các hành động ngôn từ phải thỏa mãn các điều kiện hữu hiệu (felicity condition). Từ khóa: Chân trị, điều kiện chân trị, điều kiện hữu hiệu, nghĩa của câu, nghĩa của phát ngôn, nguyên tắc hợp thành, mệnh đề. Câu là những đơn vị của một hệ thống ngôn ngữ trừu tượng, còn phát ngôn là những ví dụ của hệ thống.*Vì là một đơn vị ở bậc ngữ ngôn nên câu là một đơn vị trừu tượng chỉ có thể nhận thức được thông qua các biến thể trong lời nói, đó là các phát ngôn. Phát ngôn là đơn vị hiện thực của câu trong giao tiếp. Quan hệ giữa câu và phát ngôn cũng tương tự như quan hệ _______ * ĐT.: 84-917879047 Email: nguyenthiengiap@yahoo.com.vn 1 Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII2.1-2012.06 giữa từ với các dạng thức cụ thể của từ, giữa hình vị và hình tố. Các phát ngôn được tạo ra vào thời gian và địa điểm nào đó bởi một người nào đó. Câu là nhóm các từ được dùng để biểu hiện một tư tưởng (hoàn chỉnh) nào đó. Xem xét một câu như Có con bọ trong bồn tắm. Chúng ta biết nhiều thứ về câu này: Đó là một câu của tiếng Việt, nó gồm có 6 từ, nó có cấu trúc cú pháp nhất định... Tuy nhiên, trong khi chúng ta có thể miêu tả các đặc điểm như thế của một câu, các câu là những thực thể trừu tượng. N.T. Giáp / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 30, Số 2 (2014) 1-6 2 Khi một câu được sử dụng bởi một người nào đó dưới dạng nói hay viết trong một tình huống giao tiếp cụ thể, thì ta có một phát ngôn. Phát ngôn không phải là một thực thể trừu tượng. Nó là một sự kiện, một cái gì đó đang diễn ra. Nếu ta đọc to câu Có con bọ trong bồn tắm rồi yêu cầu người bên cạnh làm điều tương tự và nếu anh ta làm theo những chỉ dẫn đó thì anh ta sẽ nghe được hai phát ngôn, nhưng chỉ có một câu. Như vậy, phát ngôn không đơn thuần chỉ là một hành động nói năng mà nó có thời gian, không gian, người nói và ngôn ngữ. Phát ngôn có thể là một câu hoàn chỉnh nhưng cũng có thể chỉ là một từ hoặc một ngữ (phrases). Các phát ngôn có thể được miêu tả như là có nhiều đặc điểm như của câu (chẳng hạn: ngôn ngữ và độ dài). Tuy nhiên, các phát ngôn còn có những đặc điểm khác nữa: chúng ta có nói về thời gian phát ngôn, địa điểm phát ngôn, giọng điệu, âm lượng phát ngôn, người phát ngôn và v.v. Câu chỉ là một tư tưởng trừu tượng, mặc dù nó có một dạng thức ngôn ngữ (linguistic form) nhất định. Câu không phải một sự kiện, và do đó nó không có ngữ cảnh. Phát ngôn trong ngôn ngữ tự nhiên không chỉ là chuỗi dạng thức của từ. Chồng lên cái thành tố ngôn từ của bất kì phát ngôn nói nào (chuỗi các từ tạo nên nó), bao giờ và tất yếu cũng có thành tố cận ngôn ngữ2 (paralanguage), như: - Các đặc tính ngôn thanh: tốc độ (độ nhanh chậm của lời nói); cao độ (độ cao thấp của lời nói); cường độ (độ mạnh nhẹ của lời nói) ; phẩm chất ngôn thanh (khàn, trong, rè, the thé,...). _______ 2 Nguyễn Thiện Giáp, Nghiên cứu giao tiếp phi ngôn từ qua các nền văn hóa, Ngôn ngữ, số 7, 2008. - Các yếu tố xen ngôn thanh: hắng giọng, ậm ừ, à,... - Các loại thanh lưu Đó là chưa kể các yếu tố ngoại ngôn ngữ (extralanguage) như ngôn ngữ thân thể (nhãn giao, diện hiện, cử chỉ, tư thế, hành vi động chạm,...) ; ngôn ngữ vật thể (trang phục, đồ trang sức, phụ kiện, đồ trang điểm, mùi nhân tạo, hoa, quà tặng,...) ; ngôn ngữ môi trường (địa điểm, khoảng cách, thời gian, màu sắc, nhiệt độ, ...) cũng ảnh hưởng đến việc lĩnh hội phát ngôn. Trong việc xác định nghĩa của phát ngôn, những đặc trưng phi ngôn từ này cũng quan yếu như nghĩa của các từ được dùng trong phát ngôn và ngữ pháp của nó, cả hai đều được mã hóa trong thành tố ngôn từ của phát ngôn. Nghĩa của câu (sentence meaning) là nghĩa toàn thể của một câu khi đối lập với nghĩa của từng từ riêng biệt. Trong triết học và logic học, nghĩa của câu có xu hướng được đặt ngang với các mệnh đề hoặc với các chân trị (truth values). Tuy nhiên, trong ngôn ngữ học, nghĩa của câu, về cấu trúc có thể bắt nguồn từ nguyên tắc hợp thành (principle of compositionality). Với khuôn khổ đó, nghĩa của câu là một chỉnh thể được cấu trúc toàn vẹn. Do nghĩa của câu được xác định không chỉ dựa vào những gì thực sự được nói ra, cho nên để hiểu nghĩa của một câu, tri thức về thế giới xung quanh là rất cần thiết. Nghĩa của câu được biết trước trực tiếp từ các đặc trưng từ vựng và ngữ pháp của câu, trong khi nghĩa của phát ngôn bao gồm tất cả các kiểu khác nhau của nghĩa không có quan hệ trực tiếp với chúng. Nghĩa của câu có quan hệ với nghĩa của phát ngôn thông qua khái niệm về cách dùng đặc trưng, nhưng lại phân biệt với nó ở chỗ: nghĩa của câu thì độc lập với ngữ cảnh cụ thể mà câu đó được sử dụng. Trong khi đó, để xác N.T. Giáp / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 30, Số 2 (2014) 1-6 3 định nghĩa của phát ngôn ta buộc phải tính đến các nhân tố tình huống. Sự khác biệt giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn là: thứ nhất, nghĩa của câu mang tính độc lập với văn cảnh, trong khi nghĩa của phát ngôn được xác định bởi chính ngữ cảnh mà phát ngôn đó được nói ra. Thứ hai, tồn tại một mối liên hệ mang tính bản chất giữa nghĩa của câu và cách dùng đặc trưng (characteristic use), không phải của một câu cụ thể nào đó mà là của cả cái kiểu câu mà cái câu cụ thể đó là thành viên, dựa trên tiêu chí về cấu trúc ngữ pháp của nó. Đối với kiểu câu, có thể công thức hóa mối liên hệ này theo cách như sau: Câu trần thuật (declarative) là câu mà căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp của nó, thuộc vào kiểu câu mà các thành viên được dùng một cách đặc trưng để nêu nhận định (statement) Câu nghi vấn (interrogative) là câu mà căn cứ vào cấu trúc cú pháp của nó, thuộc vào kiểu câu mà các thành viên của nó được dùng theo lối đặc trưng để hỏi (question)3. Nghĩa của phát ngôn là cái nghĩa mà một người nói truyền đạt nhờ việc sử dụng một phát ngôn nào đó trong một ngữ cảnh tình huống nào đó. Thí dụ: Đồng hồ của tôi lại chết rồi! Có thể truyền đạt những nghĩa sau đây tùy theo ngữ cảnh tình huống: a) Tôi không thể cho anh biết bây giờ là mấy giờ. b) Đó là lí do tôi đến muộn. c) Đúng ra tôi phải đem nó đi sửa. d) Mua cho tôi một cái khác chứ? Theo lí thuyết hành động ngôn từ, hành động ngôn từ (speech act) là một phát ngôn với tư cách một đơn vị chức năng trong giao tiếp. _______ 3 John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận (Nguyễn Văn Hiệp dịch), NXB Giáo dục, 2006. Trong lí thuyết hành động ngôn từ, các phát ngôn có hai loại nghĩa: (1) Nghĩa mệnh đề (propositional meaning) hay còn được gọi là nghĩa ngôn tạo (locutionary meaning). Đây là nghĩa đen, cơ bản của phát ngôn, nó được truyền đạt bởi các từ và các cấu trúc trong phát ngôn này. (2) Nghĩa ngôn trung (illocutionary meaning) hay còn được gọi là lực ngôn trung (illocutionary force). Đây là hiệu lực mà phát ngôn hoặc văn bản viết có được đối với người đọc và người nghe. Thí dụ: Trong phát ngôn Con đói! , nghĩa mệnh đề là cái mà phát ngôn này nói về trạng thái vật chất của người nói. Nghĩa ngôn trung là hiệu lực mà người nói muốn phát ngôn có đối với người nghe. Đó có thể là ý định yêu cầu ăn cái gì đó. Một hành động ngôn từ là một phát ngôn có cả nghĩa mệnh đề lẫn nghĩa ngôn trung. Khi nghiên cứu nghĩa của câu chúng ta phải nói đến điều kiện chân trị (truth condition). Điều kiện chân trị là giả định về những tình huống mà các câu nhất định về tình huống ấy có thể áp dụng hoặc được coi là đúng. Bất cứ ai biết nghĩa của một câu thì cũng biết những điều kiện khiến cho câu đó là đúng - biết những điều kiện chân trị của nó. Nghiên cứu nghĩa của phát ngôn chúng ta cũng phải thấy rằng để cho những nghĩa ngôn trung được thực hiện, các hành động ngôn từ phải thỏa mãn các điều kiện hữu hiệu (felicity condition). Điều kiện hữu hiệu là những hoàn cảnh thích hợp để việc thực hiện một hành động ngôn từ được thừa nhận là đúng với dụng ý. Ví dụ câu: “Tòa kết án anh sáu tháng tù giam” sẽ không hữu hiệu nếu người nói không phải là một người đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt (trong trường hợp này là ông chánh án của tòa án). Trong bối cảnh hàng ngày với những N.T. Giáp / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 30, Số 2 (2014) 1-6 4 người bình thường còn có những điều kiện khác nữa. J.Austin và J. Searle đã nói đến những điều kiện sau đây: (1) Điều kiện chung (general condition) Những người tham gia giao tiếp phải hiểu ngôn ngữ đang sử dụng, họ không đóng kịch hoặc nói chơi. (2) Điều kiện nội dung (content condition) Đó là những điều kiện cần thiết, cụ thể cho việc thực hiện hành động ngôn từ. Đối với hành động hứa và hành động cảnh báo thì nội dung của phát ngôn phải nói về một sự kiện tương lai, hành động hứa đòi hỏi cái sự kiện tương lai đó sẽ là hành động của người nói. (3) Điều kiện ban đầu (preparatory condition) Đó là những gì liên quan đến sự cần thiết để hành động ngôn từ được thực hiện. Hành động ra lệnh thì người nói phải ở vị thế cao hơn, có đủ quyền để buộc người nghe thực hiện việc trong mệnh lệnh. Khi hứa cái gì đó thì phải có hai điều kiện ban đầu: (1) Việc đó sẽ không tự diễn ra; (2) Việc đó phải đem lại kết quả có lợi. Khi phát ra một lời cảnh báo, có những điều kiện ban đầu như sau: 1) Chưa rõ người nghe có biết việc đó có xẩy ra hay không; 2) Người nói nghĩ rằng việc đó sẽ xẩy ra và việc đó sẽ đem lại kết quả không có lợi. Đối với hành động đặt tên, chẳng hạn, đặt tên cho con mới đẻ, đặt tên cho một con đường hay một công viên v.v. thì người nói phải là người được chọn để đặt tên cho nó. Nếu không hành động này sẽ không thực hiện được ngay cả khi câu nói đã được phát ngôn. (4) Điều kiện chân thực (sincerity condition) Đó là điều kiện quy định người nói phải chân thành trong nội dung phát ngôn: hứa thì phải thực sự có ý định thực hiện lời hứa, ra lệnh thì thực sự tin mình có quyền ra lệnh và người nghe sẽ chấp hành. Đối với hành động cảnh báo thì người nói phải thực sự tin rằng cái sự kiện tương lai không mang lại hiệu quả có lợi. (5) Điều kiện thiết yếu (essential condition) Đó là điều kiện quy định trách nhiệm và sự ràng buộc của người nói. Khi hứa hẹn bằng lời, người nói đã gắn cho mình trách nhiệm thực hiện lời hứa. Khi ra lệnh, trách nhiệm và sự ràng buộc lại gắn vào người nghe, nghĩa là người nghe phải thực hiện nó hoặc bị ràng buộc phải thực hiện nó. Để hữu hiệu, mỗi kiểu hành động ngôn từ phải được phát ngôn trong một số kiểu ngữ cảnh nhất định. Trong thực tế, đối với mỗi hành động ngôn từ, có một tập hợp các điều kiện phải tuân thủ để cho hành động ngôn từ này có hiệu lực. Đây là một số thí dụ về những điều kiện hữu hiệu cho hai hành động ngôn từ rất phổ biến: đề nghị và hỏi. Đối với một lời đề nghị, để hữu hiệu, phải hướng thẳng vào một người có thể thực hiện hành động được yêu cầu. Người nói đề nghị người nghe thực hiện một hành động nào đó sẽ hữu hiệu trong trường hợp mà: a) Người nói tin rằng cho đến lúc đó hành động này chưa được thực hiện. b) Người nói muốn hành động đó được thực hiện (hoặc nghĩ rằng hành động đó sẽ được thực hiện vì lí do nào đó). c) Người nói tin rằng người nghe có khả năng thực hiện hành động đó. d) Người nói tin rằng người nghe có thể sẽ làm việc đó cho người nói Đối với hành động hỏi thì những điều kiện hữu hiệu là gì? Người nói hỏi người nghe về sự tình nào đó sẽ hữu hiệu trong trường hợp : N.T. Giáp / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 30, Số 2 (2014) 1-6 5 a) Người nói chưa biết thông tin nào về sự tình đó. b) Người nói muốn biết thông tin đó về sự tình này. c) Người nói tin rằng người nghe có thể có khả năng bổ sung thông tin về sự tình mà người nói muốn. Mục đích của đề nghị là đi đến một công việc được thực hiện. Nếu mục tiêu này được thực hiện thì các điều kiện hữu hiệu đã tạo nên ý nghĩa. Nếu không điều kiện nào được gặp thì mục tiêu này không đạt được. Để hiểu khi nào là thích hợp để đưa ra một đề nghị hoặc nêu một câu hỏi thì chúng ta cần suy nghĩ về những điều kiện hữu hiệu liên quan đến mỗi một hành động ngôn từ đó. Rõ ràng, đối với các hành động ngôn từ khác cũng vậy. Để hành động cám ơn được hữu hiệu, người cám ơn phải đánh giá được cái người được cám ơn đã làm. Để lời xin lỗi được hữu hiệu, người xin lỗi phải muốn người được xin lỗi tin rằng nó đã hối hận., Một số điều kiện hữu hiệu cho một hành động ngôn từ có thể bị hủy bỏ trong những ngữ cảnh nhất định. Chẳng hạn, trong hội thoại bình thường, chúng ta không đặt câu hỏi khi đã biết câu trả lời, nhưng có những ngoại lệ: các luật sư khi hỏi nhân chứng, các thầy giáo cho kiểm tra bài. Chúng ta thừa nhận những tình huống đó là những ngoại lệ xã hội theo cách nào đó. Chất vấn nhân chứng vi phạm điều kiện (a) vì một luật sư tốt cố gắng tránh ngạc nhiên; đặt câu hỏi kiểm tra vi phạm điều kiện (a) và (b) vì thầy giáo biết câu trả lời. Câu hỏi kiểm tra cũng có thể vi phạm điều kiện (c) vì trọng tâm của câu hỏi kiểm tra là xác định sinh viên có thể cung cấp câu trả lời hay không. Thực tế là chúng ta đặt câu hỏi với những mục đích khác nhau trong những ngữ cảnh xã hội khác nhau và để phản ánh những sự khác nhau đó chúng ta có thể thay đổi các điều kiện hữu hiệu nào đó. Đối với luật sư chúng ta có thể loại bỏ điều kiện (a); đối với giáo viên chúng ta có thể loại bỏ tất cả ba điều kiện. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong trường hợp giáo viên nêu câu hỏi thì không phải không có điều kiện hữu hiệu nào. Đúng hơn, sẽ có một tập hợp các điều kiện hữu hiệu bị thay đổi bao gồm các điều như “thầy giáo muốn biết người nghe có khả năng cung cấp câu trả lời không”. Tóm lại, cần phân biệt câu với phát ngôn, cũng như nghĩa của câu với nghĩa của phát ngôn. Nghiên cứu ngôn ngữ trong sử dụng, cần đặc biệt quan tâm tới nghĩa của phát ngôn. Khi nghiên cứu nghĩa của câu, chúng ta phải nói đến điều kiện chân trị (truth condition). Nghiên cứu nghĩa của phát ngôn, chúng ta cũng phải thấy rằng để cho những nghĩa ngôn trung được thực hiện, các hành động ngôn từ phải thỏa mãn các điều kiện hữu hiệu (felicity condition). Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Thiện Giáp, Cơ sở ngôn ngữ học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998. [2] Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000. [3] Nguyễn Thiện Giáp, Giáo trình ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008. [4] Nguyễn Thiện Giáp, 777 khái niệm ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. (Công trình được giải thưởng về Khoa học và Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2010) [5] Nguyễn Thiện Giáp, Nguyên tắc hợp thành trong nghĩa học cú pháp, Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN, Nghiên cứu nước ngoài, số 1, 2014. [6] John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận (Nguyễn Văn Hiệp dịch), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006. N.T. Giáp / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 30, Số 2 (2014) 1-6 6 Sentence Meaning vs. Utterance Meaning Nguyễn Thiện Giáp VNU University of Social Sciences and Humanities, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hanoi, Vietnam Abstract: In this article, the author, drawing on the distinction between the sentence, which belongs to langue and utterance, which belongs to parole, distinguishes the sentence meaning from the utterance. Sentence meaning refers to what the whole sentence means in opposition to what every single word means. From the philosophical and logical perspectives, the sentence meaning tends to be equated with propositions or truth values. This is opposed to the linguistic perspective which views the sentence meaning as structurally being derived from the principle of compositionality. Unlike the sentence meaning, the utterance meaning refers to what the speaker means in a particular context of situation. According to speech act theories, every utterance has two types of meaning: (i) propositional meaning and (ii) illocutionary meaning. Thus, the sentence meaning should be studied with reference to truth condition. By contrast, in studying the utterance meaning it is necessary to satisfy felicity conditions for the operation of the illocutionary meaning. Keywords: Truth values, truth condition, effective condition, sentence meaning, utterance meaning, principle of compositionality, proposition.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf1_3_7868.pdf
Tài liệu liên quan
  • Tiếp nhận văn luận phương Tây của Lương Khải Siêu

    10 trang | Lượt xem: 416 | Lượt tải: 0

  • Ultimate Phrasal verb book

    431 trang | Lượt xem: 1842 | Lượt tải: 0

  • Ngôn ngữ học - Sự “trưng dụng” tư tưởng f. dostoievski của văn nghệ đô thị miền nam 1954 – 1975

    11 trang | Lượt xem: 745 | Lượt tải: 0

  • Kết cấu truyện ngắn Thạch Lam

    28 trang | Lượt xem: 5943 | Lượt tải: 3

  • Tính cách người Nam Bộ - Dấu ấn đặc sắc trong du kí Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX

    9 trang | Lượt xem: 1369 | Lượt tải: 2

  • Dạy trẻ gieo vần tiếng Anh

    6 trang | Lượt xem: 2531 | Lượt tải: 0

  • Mấy vấn đề trong các hướng nghiên cứu mới của Việt ngữ học

    7 trang | Lượt xem: 384 | Lượt tải: 0

  • Mối quan hệ giữa Folklore và văn học viết qua vấn đề tiếp biến cái kỳ ảo từ truyện kể dân gian đến truyện truyền kỳ trung đại

    9 trang | Lượt xem: 502 | Lượt tải: 0

  • Nhận thức về người học và phương pháp học ngoại ngữ: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

    16 trang | Lượt xem: 1465 | Lượt tải: 4

  • Phân tích thể loại văn bản và các chiến lược viết thư tín thương mại

    11 trang | Lượt xem: 496 | Lượt tải: 0

Copyright © 2024 TaiLieu.tv - Tổng hợp luận văn mẫu tham khảo cho sinh viên, Những bài sáng kiến kinh nghiệm hay nhất, Thư viện đề thi. Chia sẻ: TaiLieu.tv on Facebook Follow @TaiLieuTV

Từ khóa » Các Loại Phát Ngôn