Nghĩa Trang Liệt Sĩ Dốc Bà Đắc - Xót Lòng Những Ngôi Mộ Vô Danh

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 1

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc có tổng diện tích hơn 35.000m2, được xây dựng vào năm 1986. Được mệnh danh là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi An Giang, nơi đây đã quy tập hơn 8.000 ngôi mộ của các chiến sĩ ở cả 3 miền bắc - trung - nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh; trong đó phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 2

Trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nghĩa trang Dốc Bà Đắc được hình thành và trực thuộc Sư đoàn 330. Sau nhiều lần tôn tạo, hiện thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tịnh Biên trực tiếp quản lý.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 3

Sau nhiều năm “lưu lạc” trên địa bàn các tỉnh Kandal, Kampong Chnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot… của đất nước chùa Tháp, các anh đã được đội chuyên trách K90 (Quân khu 9) và K93 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) tìm kiếm, cất bốc và đưa về hồi hương.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 4

Theo số liệu thống kê, từ năm 2002-2022, đội K90 và K93 đã tìm kiếm và đưa được hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ về đất mẹ. Thiếu tá Lê Đắc Thoa – Chính trị viên đội K93 cho biết: “Trong đợt tìm kiếm kéo dài gần 5 tháng vừa qua trên đất bạn Campuchia, riêng đội K93 đã quy tập được 41 hài cốt. Ngoài ra, đội K90 cũng quy tập được 22 bộ hài cốt. Tổng số 63 bộ hài cốt này sẽ được tổ chức cải táng tại Nghĩa trang Dốc Bà Đắc vào đúng dịp 27/7”.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 5

Hầu hết các anh nằm xuống khi ở độ tuổi mới mười chín, đôi mươi. Người bỏ lại mẹ già nơi quê hương đang vào vụ gặt, người buông sách bút gác lại giấc mơ tuổi trẻ để lên đường. Từ nhiều miền quê, các anh trở về chung một mái nhà trong khát vọng hòa bình, toàn vẹn non sông.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 6

Đến nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc vào những ngày cuối tháng 7 lịch sử, chúng tôi đứng lặng giữa mênh mông gió chiều. Ngút tầm mắt là những bia mộ được sơn vàng, nằm ken dày và đều tăm tắp. Bên cạnh lư hương là những bông sen nhựa được bày lên trang trọng. Chung quanh, dãy hoa sứ, hoa chăm-pa trắng muốt đã nở bừng lên, càng khiến tất cả cảm nhận rõ hơn nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 7

Đau xót hơn, trong số hơn 8.000 ngôi mộ, có tới gần 5.000 ngôi mộ mang trên mình dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Quá nửa những anh hùng dù đã được đưa về với vòng tay quê hương vẫn chung số phận vô danh như thế này. Nhiều trường hợp liệt sĩ có họ tên nhưng không có quê quán, tên đơn vị hoặc ngược lại. Nhiều trường hợp liệt sĩ có di vật nhưng không có họ tên, địa chỉ...

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 8

Ngoài ra, nghĩa trang còn xây sẵn hàng trăm hộc mộ trống. Đây là nơi sẵn sàng đón các liệt sĩ trở về với đất mẹ. Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm. Và cũng từng ấy năm, các anh vẫn còn gửi thân nơi đất bạn. Tại nghĩa trang này, hàng trăm đồng đội, đồng chí còn lại vẫn cứ xây “nhà sẵn” để chờ các anh trở về giữa vòng tay Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 9

Ông Ngô Văn Định – quản trang tại tại Dốc Bà Đắc cho hay: Đây có lẽ là nghĩa trang đặc biệt nhất khi luôn mở cửa 24/24 giờ. Thân nhân liệt sĩ ở xa có thể vào bất cứ lúc nào để tìm mộ.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Xót lòng những ngôi mộ vô danh ảnh 10

Những ngày cuối tháng 7 lịch sử, “nghĩa trang Trường Sơn” phía Tây Nam của Tổ quốc vẫn ngào ngạt hương trầm và lồng lộng gió.

(còn nữa)

Chủ đề: 75 năm Đền ơn đáp nghĩa Dâng hương và an táng các liệt sĩ tại Tây Ninh Truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng quà cho người có công với cách mạng tại Huế

Từ khóa » Dốc Gì Anh Vệ Quốc Quân