Nghịch Lý đổ Phế Liệu, Gạch Vỡ San Lấp đất Nông Nghiệp để Làm... Dự ...

Cánh đồng Rộc, thôn Cổ Phục Nam là khu đất nông nghiệp mà người dân quanh năm cấy lúa, thời gian gần đây đã được một số đối tượng thu mua của người dân rồi "vẽ" ra làm dự án…

Theo đó, khu ruộng có diện tích gần 5.000m2 cạnh đường liên xã hướng từ Quốc lộ 5 đi vào khoảng 400m và nằm tiếp giáp khu dân cư thôn Cổ Phục Nam đã được một đối tượng thu mua, đến nay đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quy hoạch làm dự án.

leftcenterrightdel
Khu ruộng có diện tích 4.830m2 đang được đổ "xà bần" san lấp trái phép. 

Khu ruộng này, đầu tháng 6 vừa qua hàng vạn m3 xà bần của Công ty Cổ phần bê tông Phan Vũ (Công ty Phan Vũ), đã được các xe ben trọng tải lớn vận chuyển đến san lấp trái phép, gây bụi bặm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng dường như không gặp sự can thiệp nào từ phía các cơ quan chức năng.

Mặc dù ngay đầu đường vào khu ruộng để làm dự án này, là trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19, có cả CSGT - Công an huyện Kim Thành thời gian đó ngày đêm thúc trực để kiểm soát các phương tiện giao thông và người đi vào khu vực địa phương. Đặc biệt, đoạn đường đi qua khu dân cư này đã cắm biển chỉ dẫn 8 tấn. Vậy không hiểu sao những xe ben trọng tải hàng chục tấn lại chở đầy phế thải xây dựng vẫn qua chốt kiểm soát dịch đi vào đổ phế thải san lấp trái phép (!?).

“Xà bần” đổ, san lấp chỉ cách khu vực đầu cầu Kim Khê (bắc qua sông Rạng) hơn trăm mét. Khu vực này, trước đây là nơi tập kết rác thải sinh hoạt trái phép. Đến nay đã được một số đối tượng đứng ra đấu thầu và mua thêm những thửa ruộng xung quanh của người dân. Sau đó, làm chòi canh để hàng ngày xe chở phế thải xây dựng ngang nhiên đổ xuống rồi san lấp trái phép diện tích đất nông nghiệp...

leftcenterrightdel
Phế thải, gạch vỡ được đổ xuống khu đất nông nghiệp dìa sông để làm dự án trồng cây xanh!?. 
Trước những sự việc trên, Phóng viên (PV) đã về tận nơi để ghi nhận tình hình và tìm hiểu vụ việc. Những lần đến trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại thôn Cổ Phục Nam, CSGT đã dừng xe của PV để khai báo và kiểm tra y tế rất kỹ trước khi vào địa bàn của xã. Vậy không biết những xe vận chuyển phế thải xây dựng đến san lấp trái phép ở khu ruộng nói trên có bị kiểm tra không?

Để làm rõ vụ việc, PV đã có buổi làm việc ông Vũ Ngọc Uông - Chủ tịch UBND xã Kim Liên, thì được ông cho biết: Khu đất được san lấp nằm trên địa bàn của xã, nhưng dự án là do huyện và tỉnh cấp cho các đợn vị tư nhân. Vừa qua các đơn vị doanh nghiệp này có vận chuyển vật liệu xây dựng thải của công ty bê tông về san lấp, nhưng người dân không biết là phế thải gì. Khi PV đề nghị cung cấp tài liệu thì ông Uông không cung cấp được gì.

Vụ việc này, PV đã có buổi trao đổi với ông Phạm Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Kim Thành. Sau khi nắm bắt vụ việc, ông Hưng nói sẽ cùng cán bộ của huyện xuống địa bàn xã Kim Liên kiểm tra ngay để xử lý. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng trôi qua, việc xử lý không thấy đâu nhưng càng ngày việc san lấp trái phép lại càng được đổ thêm.

leftcenterrightdel
Phế liệu xây dựng, gạch vỡ được đổ xuống khu đất nông nghiệp dìa sông để làm dự án trồng cây xanh theo lời ông Vũ Văn Hải nói. 
Tại trụ sở UBND huyện Kim Thành, PV cũng nhiều lần làm việc với ông Vũ Văn Hải - Trưởng phòng TN&MT huyện và được ông Hải cho biết: Khu ruộng nằm sát khu dân cư đang san lấp “xà bần” của Công ty Phan Vũ là dự án đã được cấp phép, còn khu vực dìa sông trước đây là nơi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường nên có đơn vị đứng ra san lấp để làm dự án trồng cây xanh. Tuy nhiên, thực tế thì khu vực này san lấp toàn gộc, gạch vỡ là phế liệu xây dựng thì không hiểu trồng được cây gì ở đây? Khi PV hỏi tên các dự án này và đề nghị cung cấp hồ sơ thì vị lãnh đạo này né tránh và không cung cấp.

Sau đó, phóng viên có nhận được tin nhắn của cấp dưới ông Vũ Văn Hải cho biết về khu đất dự án có diện tích rộng 4.830m2 là của bà Nguyễn Thị Đã (thông gia với ông Trương Văn Hơn), đã được UBND huyện Kim Thành cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư số: 2181/QĐ-UBND, ký ngày 30/6/2020; cấp GCNQSDĐ ngày 14/6/2021, số DA 991111 (PV về làm việc và không cung cấp hình ảnh hoặc photo các giấy tờ đó - PV), còn dự án khu vực dìa sông thì không thấy đề cập.

leftcenterrightdel
 Biển báo cấm phương tiện 8 tấn lưu thông.

Sau buổi làm việc với các vị lãnh đạo, PV ra về thì một người tự giới thiệu tên là Hiếu gọi điện cho PV muốn gặp để nói chuyện. Tại điểm hẹn gặp, ông Hiếu nhận là người đang cho san lấp phế thải “xà bần” được mua của Công ty Phan Vũ. Đồng thời, không rõ có ý gì nhưng ông Hiếu còn giới thiệu mình là con rể của ông Trương Văn Hơn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương!?.

Ngày 5/7, PV đã đến Công ty Phan Vũ và làm việc với ông Lê Xuân Trường - Trưởng phòng Tổ chức của công ty, ông Trường cho biết: “Xà bần” là sản phẩm lỗi của bê tông, để xử lý chất thải rắn này Công ty Phan Vũ đã ký kết với Công ty TNHH môi trường xanh Minh Phúc, đó là đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải rắn này. Ngoài ra, công ty không cung cấp “xà bần” cho đơn vị nào cả. Bởi khuôn viên trong công ty còn hơn 4ha đang cần san lấp, theo qui định thì chúng tôi được san lấp tại chỗ, còn mang ra ngoài san lấp mà không phải đơn vị được cấp phép xử lý thì không được. Việc san lấp ở xã Kim Liên có thể họ lấy “xà bần” của Công ty Kiến Hoa đóng trên địa bàn xã đó. Cuối năm ngoái một công trình của xã Kim Liên cũng được san lấp “xà bần” của công ty đó rồi cũng có Nhà báo đến công ty chúng tôi hỏi" - ông Trường nói.

Vậy thực hư sự việc này ra sao, “xà bần” có nguy hại và gây ô nhiễm môi trường hay không? Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương cần sớm xác minh, làm rõ. Đồng thời cần kiểm tra các quy trình, thủ tục cấp phép các dự án này. Có hay không việc chia nhỏ khu đất nông nghiệp và lập dự án dưới 5000m2, để thuộc thẩm quyền UBND huyện cấp phép? Có dấu hiệu khuất tất phía sau việc lập và triển khai dự án này?

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục xác minh thông tin vụ việc này./.

Từ khóa » Vì Sao Xà Bần Gây ô Nhiễm Môi Trường đất