Ngộ độc Vi Khuẩn Yếm Khí Từ Thức ăn Ngay - Nguy Hiểm Khôn Lường

Vi khuẩn Clostridium botulinum dưới kính hiển vi - ảnh Internet

Triệu chứng nhiễm vi khuẩn yếm khí

Sau khi ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn yếm khí từ 8-10 giờ, có trường hợp 4 giờ và chậm là 24 giờ, bệnh nhân khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Độc tố yếm khí là độc tố thần kinh. Do đó, đặc trưng của nó là gây liệt thần kinh cơ. Thời gian ủ bệnh ngắn hoặc kéo dài tùy theo lượng độc tố đưa vào cơ thể. Triệu chứng thần kinh điển hình bao gồm dãn đồng tử, mất phản xạ với ánh sáng, liệt cơ tim, liệt điều tiết (viễn thị), liệt cơ vận động nhãn cầu, nhìn đôi; liệt màn hầu, co thắt họng; liệt cơ thanh quản; triệu chứng tiêu hóa vẫn tiếp tục tiến triển, khô miệng, khô họng. Trường hợp nặng có thể gây liệt cơ hô hấp và gây tử vong. Ở trẻ sơ sinh, những biểu hiện có thể gặp là ngủ gà, táo bón, khó bú, khó nuốt, khóc.

Những thực phẩm dễ bị ô nhiễm do vi khuẩn yếm khí là các loại đồ hộp như: thịt, cá, rau, củ, quả... được bảo quản trong điều kiện thiếu không khí. Thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến ăn ngay nhưng điều kiện bảo quản và kinh doanh không đảm bảo vệ sinh. Đa số trường hợp nhiễm từ thức ăn là do thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói tại nhà.

Các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng chống ngộ độc

Ông Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Hiện trên địa bàn Bình Phước chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc nào liên quan đến vi khuẩn yếm khí. Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang có những biện pháp tích cực trong giám sát, quản lý và tuyên truyền giáo dục các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt chú ý thực phẩm nằm trong danh sách “báo động đỏ” dễ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn yếm khí”.

Qua tuyên truyền và kiểm tra, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh yêu cầu các cơ sở trong quá trình sản xuất, chế biến phải dùng nguyên liệu còn tươi, chất lượng tốt, sạch và tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến.

Với người tiêu dùng, chi cục khuyến cáo không ăn thực phẩm đồ hộp đã bị móp méo, hư hỏng, thủng, phồng nắp, bị hoen gỉ mối hàn; không mua thực phẩm chế biến sẵn ở nơi kinh doanh không đảm bảo vệ sinh. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và tuyệt đối không ăn, uống thực phẩm nghi bị ô nhiễm. Nếu thực phẩm không thể hủy bỏ thì khi nghi ngờ phải đun lại ở 1000C/1 giờ. Rửa tay, dụng cụ, bề mặt tiếp xúc thức ăn bằng xà phòng sau khi chế biến thức ăn tươi, thịt, đồ biển và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh nguồn nước sạch, phòng tránh triệt để nguy cơ ô nhiễm phân người và phân gia súc đối với nguồn nước sạch.

Thực phẩm đã nấu chín phải giữ ở nhiệt độ trên 570C hoặc dưới 50C. Sản phẩm từ thịt động vật phải được bảo quản đông lạnh, rã đông ngay trước khi nấu. Thực phẩm đã rã đông thì phải dùng hết, không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông.

Theo ông Dũng, Chi cục luôn đẩy mạnh giám sát, thanh - kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng các thực phẩm như đóng hộp, lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...), lò mổ, cơ sở chế biến thức ăn, nơi bán sữa... nhằm phát hiện sớm các sản phẩm ô nhiễm do vi khuẩn yếm khí để cảnh báo cho cộng đồng, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm không an toàn.

Vi khuẩn yếm khí sống kị khí tuyệt đối, tức là phát triển trong môi trường không có ôxy. Vi khuẩn tồn tại trong đất, nước, phân động vật, ruột cá, ruột động vật có vú. Từ đó xâm nhập vào thực phẩm sinh độc tố gây ngộ độc.

Dưới ảnh hưởng của nhiệt độ cao và các yếu tố môi trường bất lợi, vi khuẩn chuyển thành bào tử rất bền vững. Vi khuẩn phát triển thuận lợi ở 3-430C. Ở nhiệt độ thích hợp, không có ôxy, ẩm ướt và độ pH axít yếu (pH> 4,6), bào tử biến đổi lại thành vi khuẩn và tiết ra độc tố botulinum. Có 7 chủng yếm khí. Bản thân vi khuẩn không gây ra bệnh mà bệnh là do độc tố của nó sinh ra gây liệt thần kinh.

Phương Thúy

Từ khóa » đất Kỵ Khí