Ngô Thì Nhậm "danh Sĩ Bắc Hà" Tiêu Biểu Thế Kỷ 18 | VOV2.VN

Xuất thân từ một gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, có truyền thống văn học, Ngô Thì Nhậm là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, nhà văn hóa lớn. Và tài năng của ông càng được bộc lộ rõ khi ông ra giúp nhà Tây Sơn đánh quân xâm lược nhà Thanh, bảo vệ chủ quyền đất nước.

22 tuổi ông đỗ giải nguyên, 29 tuổi đỗ tiến sĩ tam giáp. Sau khi đỗ đạt, Ngô Thì Nhậm được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê -Trịnh, được chúa Trịnh Sâm vô cùng yêu mến.

Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Thì nhậm trải qua rất nhiều những thăng trầm nhưng với bản lĩnh kiên cường của mình ông đều đối mặt và vượt qua. Điển hình nhất phải kể đến vụ án năm Canh Tý (1780), ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn. Sau sự kiện này, Ngô Thì Nhậm đã quyết định theo nhà Tây Sơn và giúp vua Quang Trung.

Đền thờ danh nhân Ngô Thì Nhậm tại quê hương ông, làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội
Đền thờ danh nhân Ngô Thì Nhậm tại quê hương ông, làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội

Có thể nói việc nhận rõ thời thế, thời cuộc đã đưa Ngô Thì Nhậm đến với vua Quang Trung và khi giúp nhà Tây Sơn thì lúc này tài năng quân sự, chính trị, ngoại giao của ông mới được bộc lộ một cách rõ nhất. Sử cũ viết rằng khi được Ngô Thì Nhậm ra giúp sức Nguyễn Huệ mừng mà rằng: "Thật là trời để dành ông cho ta vậy", và phong cho ông chức Tả thị lang bộ Lại, sau lại thăng làm thượng thư bộ Lại-chức vụ cao nhất trong Lục bộ.

Cuối năm 1788, do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn. Theo nhà sử học Lê Văn Lan thì nước cờ Tam Điệp là một sách lược kiệt xuất nói lên trình độ mưu trí và cực kỳ sáng tạo của Ngô Thì Nhậm.

Ngô Thì Nhậm và nước cờ Tam Điệp
Ngô Thì Nhậm và nước cờ Tam Điệp

Như vậy, có thể thấy Ngô Thì Nhậm đã có đóng góp rất lớn trong việc bảo toàn lực lượng để tiêu diệt quân nhà Thanh. Đánh giá về công lao của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung nói với tướng sĩ rằng: “Các người đều là chiến tướng, tự nhiên gặp giặc là đánh, mà lâm cơ cần ứng biến thì không đủ tài. Mấy tháng trước, ta phải để Ngô Thì Nhậm ở lại, cộng sự với các ngươi, chính là lo sẵn cho chỗ đó”.

Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Những văn kiện ngoại giao của Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia với các chính sách vừa mềm dẻo, linh hoạt lại vừa cứng rắn.

Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm hai lần đi sứ sang nhà Thanh vào những dịp rất quan trọng, khoảng các năm 1790, 1792, 1793. Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng Ngô Thì Nhậm đã dốc toàn tài năng cho nhà Tây Sơn và đây cũng là thời kỳ tỏa sáng nhất trong cuộc đời của ông.

Tài năng, nhân cách của Ngô Thì Nhậm chính là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Những câu chuyện về vị danh nhân họ “Ngô Thì” vẫn luôn được lớp người hậu thế kể lại với một sự ngưỡng vọng tự hào. Theo ông Ngô Ngọc Lưu, hậu duệ dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai thì danh nhân Ngô Thì Nhậm đã viết tiếp và đưa dòng họ Ngô Thì đến đỉnh cao của sự vẻ vang.

Có thể nói, Ngô Thì Nhậm để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ, ngoài tâm huyết của một nhà mưu lược quân sự, nhà ngoại giao khéo léo và tự chủ, ông còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn với nhiều tác phẩm chứa đựng tinh hoa tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Từ khóa » Nho Sĩ Bắc Hà