Sĩ Phu Bắc Hà Và Mưu Kế đánh Giặc - Sự Kiện Nhân Chứng

Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746, tại làng Tó, huyện Thanh Oai (nay là Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Cha ông là Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, một nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng, nên Ngô Thì Nhậm có điều kiện để học hành từ nhỏ. Năm 1775, ông thi đỗ Tiến sĩ và chính thức bước vào chốn quan trường với chức Hộ khoa cấp sự trung; sau đó lần lượt trải qua các chức quan ở đạo Sơn Nam, đạo Thái Nguyên. Ngô Thì Nhậm gia nhập quan trường khi mà triều đình phong kiến Lê-Trịnh đang lâm vào thời kỳ mục nát, lục đục, rối ren, lòng dân ly tán. Đúng vào thời điểm đó thì cha ông qua đời. Bất bình vì thời cuộc và thế sự, nhân lúc về chịu tang cha, Ngô Thì Nhậm quyết định từ quan về quê.

Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà dẹp quân chúa Trịnh. Sau đó, Nguyễn Huệ trao lại chính quyền cho vua Lê. Ngô Thì Nhậm được Lê Chiêu Thống mời ra giữ chức Hiệu thư và đảm đương công việc ở Quốc sử quán. Tuy nhiên, dưới thời Lê Chiêu Thống, tài năng thực sự của Ngô Thì Nhậm vẫn chưa được phát huy. Chỉ đến khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ hai lật đổ tập đoàn Lê Chiêu Thống và với chính sách trọng dụng nhân tài của vị anh hùng áo vải, Ngô Thì Nhậm mới thực sự được trọng dụng. Thông qua sự giới thiệu của Trần Văn Kỷ-một trong những sĩ phu Bắc Hà đầu tiên về với Nguyễn Huệ-Ngô Thì Nhậm đã nhanh chóng được tin dùng. Ông được Nguyễn Huệ phong ngay chức Tinh phái hầu Tả thị lang bộ Lại.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHẠM HÀ

Sau khi tạm ổn định được tình hình ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã quy tụ một số võ quan cựu thần nhà Lê và sĩ phu nổi tiếng như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng, Trần Thuận Ngôn, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Thì Nhậm... thành lập Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Thăng Long để cai quản Bắc Hà và đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra. Sử cũ chép, trước lúc lên đường trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã căn dặn mọi người một cách chân tình: “Sở và Lân là nanh vuốt của ta; Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta; Tuyết là cháu ta; còn Nhậm vừa là bầy tôi, vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà thông thạo việc đời. Nay ta giao các ngươi cả mười một trấn trong toàn hạt. Những việc quan trọng trong nước đều cho tùy tiện mà làm. Mọi việc cùng nhau họp bàn ổn thỏa. Chớ vì kẻ cũ, người mới mà xa cách nhau”(1). 

Đáp lại tấm lòng và sự tin tưởng của chủ tướng Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm đã cộng tác với Đại tư mã Ngô Văn Sở và các vị quan khác một cách thành thật và chân tình. Không những vậy, bằng tài năng và uy tín của mình, Ngô Thì Nhậm đã kiên trì thuyết phục, vận động thức tỉnh được khá nhiều sĩ phu Bắc Hà đi theo Tây Sơn.

Cuối năm 1788, quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta. Trước tình thế hiểm nghèo đó, trong Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Thăng Long có nhiều ý kiến khác nhau về phương cách đối phó với quân xâm lược. Trong khi phần lớn nghiêng về quyết chiến với quân địch để giữ thành và các trấn, thì Ngô Thì Nhậm lại có ý kiến khác. Với trách nhiệm của “người thông thạo việc Bắc Hà”, sau khi phân tích và xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, Ngô Thì Nhậm đề xuất: “Hiện thời đánh cũng chẳng được, giữ cũng không xong. Cả đánh lẫn giữ đều không phải là kế hay. Rốt cuộc chỉ còn một cách, đó là nhanh chóng điều quân thủy chở lương thực tiến vào Biện Sơn ở biển nam Tĩnh Gia (Thanh Hóa) mà đóng. Còn quân bộ thì sửa soạn khí giới lên đường vào giữ miền Tam Điệp (Ninh Bình). Hai mặt thủy và bộ liên hệ với nhau, giữ chỗ hiểm yếu rồi cho người chạy vào bẩm báo với chúa công (Nguyễn Huệ), chờ chúa công ra rồi quyết chiến một phen cũng chưa muộn gì”(2).

Mặc dù còn có ý kiến cho rằng bỏ thành cho giặc không những mang tội với chúa công mà còn làm mất thanh danh của sĩ phu Bắc Hà, tuy nhiên, đề xuất táo bạo và sắc sảo của Ngô Thì Nhậm cuối cùng cũng đã thuyết phục được đa số các nhân vật chủ chốt trong Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Hà. Để làm yên lòng Đại tư mã Ngô Văn Sở vốn còn chút băn khoăn, Ngô Thì Nhậm nói rõ: “Ta rút lui là để bảo toàn lấy quân lực, không phí mất một mũi tên nào cả. Ta cho giặc ngủ trọ một đêm rồi đuổi đi. Nếu vì thế mà mắc tội với chúa công, tôi xin bộc bạch với chúa công, thế nào cũng được chúa công lượng xét”. Nghe vậy, Đại tư mã Ngô Văn Sở hoàn toàn yên tâm mà đồng thuận với kế rút lui chiến lược do Ngô Thì Nhậm đề xuất.

Cuộc rút lui chiến lược vào Tam Điệp-Biện Sơn diễn ra chóng vánh và hoàn tất vào những ngày giáp Tết. Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết được lệnh phi ngựa về Phú Xuân cấp báo. Nhận được tin, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi lập tức kéo quân ra Bắc. Khi dừng chân ở phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, vua Quang Trung đã tỏ ra rất hài lòng với kế hay và hiểm của Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Hà mà “kiến trúc sư” không ai khác chính là Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm. Ông vừa là người đề xuất, vừa là một trong những nhân vật chủ chốt tổ chức thực hiện thành công cuộc rút lui chiến lược từ Thăng Long về Tam Điệp-Biện Sơn. Tuy Ngô Thì Nhậm là “người mới” nhưng với tài dùng người của mình, Quang Trung hiểu khá rõ tài năng và mưu lược của vị tiến sĩ này. Ngay tại điểm dừng chân Tam Điệp-Biện Sơn, hoàng đế đã bộc bạch với bề tôi: “Ta nghĩ các ngươi đều là hạng vũ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh, còn việc tùy cơ ứng biến thì không có tài, cho nên ta để Ngô Thì Nhậm ở lại làm việc với các ngươi chính là lo về việc đó. Các ngươi đã biết nhịn để tránh cái mũi nhọn của giặc, chia quân đóng giữ ở nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng dân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu; sau hỏi Văn Tuyết thì quả đúng như vậy”(3).

Trong những ngày đầu Xuân Kỷ Dậu, từ chân núi Tam Điệp, Hoàng đế Quang Trung kéo đại quân thẳng tiến về Thăng Long và bằng một cuộc tiến công thần tốc đã quét sạch hơn 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi. Kế sách rút quân vào Tam Điệp-Biện Sơn của Ngô Thì Nhậm đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến công vang dội đó. Sau khi đại thắng quân Thanh, ghi nhận công lao của Ngô Thì Nhậm, Hoàng đế Quang Trung đã thăng cho ông từ Tinh phái hầu Tả thị lang bộ Lại lên chức Thượng thư bộ Binh.

Đất nước sạch bóng quân thù nhưng họa binh đao vẫn luôn rình rập bởi âm mưu phục thù của tập đoàn phong kiến phương Bắc vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, việc bang giao với nhà Thanh trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của vương triều Quang Trung lúc bấy giờ. Sứ mệnh cao cả và khó khăn đó được nhà vua tin tưởng giao cho Ngô Thì Nhậm. Ngay từ trước lúc khởi binh tiến vào giải phóng Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung đã nói trước ba quân: “Là một nước lớn gấp mười lần nước mình, quân Thanh sau khi bị thua trận ắt sẽ lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù, như thế thì họa binh đao chẳng bao giờ dứt. Đó không phải là điều phúc cho dân. Đến lúc ấy chỉ có người khéo lời lẽ mới mong dập nổi binh đao. Việc ấy chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được”(4).

Không phụ lòng tin của Hoàng đế Quang Trung, Ngô Thì Nhậm đã tỏ rõ là một nhà bang giao kiệt xuất. Chính ông đã nhiều lần thảo thư gửi nhà Thanh, rồi thân chinh một năm ba lần lên ải Bắc để gặp gỡ, bàn thảo với sứ nhà Thanh về chuyện bang giao giữa hai nước. Không ít lần, ông đã tháo được “ngòi nổ” làm hạ nhiệt sự căng thẳng trong bang giao giữa hai nước.

Giữa lúc tài năng và sự cống hiến của Ngô Thì Nhậm đang ở độ chín, được Hoàng đế Quang Trung gửi gắm niềm tin thì một biến cố xảy ra. Đó là ngày 16-9-1792, Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Con của ông là Quang Toản lên nối ngôi lúc tuổi còn quá nhỏ. Triều Tây Sơn bắt đầu lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chán chường và bất mãn với cảnh nhiễu nhương của thời cuộc, Ngô Thì Nhậm quyết định từ quan trở về sống ở miền quê bên bờ sông Nhuệ, dành phần đời còn lại cho học thuật. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị.

Năm 1802, sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi đã thi hành một chính sách trả thù tàn bạo với những người từng đi theo Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm cũng không tránh khỏi cuộc trả thù hèn hạ đó. Ông cùng với Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan bị đem ra Văn Miếu đánh đòn. Do bị đòn hiểm, Ngô Thì Nhậm qua đời vào năm 1803, khi đó ông 57 tuổi.

TRẦN VĨNH THÀNH  (1), (2), (3) Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Hà Nội, 1970, tr.337-338, tr.324, tr.361. (4) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.291.

Từ khóa » Nho Sĩ Bắc Hà