Ngoại Giao Văn Hóa Việt Nam: Hội Nhập Mà Không Hòa Tan

(VOV5) - Năm 2013, ngoại giao văn hóa đã tích cực góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Năm 2013 đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam được bầu vào Ủy ban di sản của Công ước 1972 của Liên hợp quốc. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có ngoại giao văn hóa,hình ảnh một nước Việt Nam yêu hòa bình, có nền văn hóa đậm đà bản sắc đã đến gần hơn với thế giới.

Công tác ngoại giao văn hóa năm 2013 được triển khai mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế, tích cực giới thiệu để bạn bè quốc tế hiểu rõ về Việt Nam. Ngoại giao văn hóa cũng hỗ trợ tích cực các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Hội nhập mà không hòa tan - ảnh 1

Giá trị văn hóa Việt Nam được tôn vinh

Cùng với hàng loạt các hồ sơ di sản của Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, hát xoan, tục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể từ những năm trước, năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tiếp tục được UNESCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông Dương Văn Quảng, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, khẳng định: Chúng tôi cho rằng với những di sản được công nhận như vậy thì đó là thành công của ngoại giao Việt Nam nói chung, ngoại giao văn hóa nói riêng. Có được điều đó nhờ chúng ta có một đường lối đối ngoại rất đúng đắn, đường lối hội nhập kịp thời, trong đó có hội nhập về văn hóa. Chúng ta đã rất thành công trong vấn đề bảo tồn, trùng tu di sản và đồng thời khai thác di sản để phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Chính sự thành công này đã góp phần tạo nên những thành công

Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị

Năm 2013 cũng là năm mà Việt Nam tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, những ngày văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, tại Phần Lan, Pháp…, nhân dân các nước sở tại hiểu hơn về lịch sử của Việt Nam, văn hóa Việt Nam để từ đó mở ra sự hợp tác sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng cho điều này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cho rằng nhờ các hoạt động giao lưu văn hóa dồn dập trong năm được tổ chức ở cả hai nước, Năm hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã đem lại những kết quả ngoài mong đợi: Chúng ta đã có một năm rất thành công. Người Nhật Bản và người Việt Nam đã trở nên hiểu nhau nhiều hơn. Và thực sự trên cương vị đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, tôi đã cảm nhận được sự tin cậy tăng lên rất nhiều giữa nhân dân và lãnh đạo hai nước. Tôi cho rằng đây là yếu tố vô cùng quan trọng cho việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Hội nhập mà không hòa tan - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Ousmane Paye, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Văn hóa Việt Nam hội nhập

Có thể khẳng định năm 2013 là năm ngoại giao văn hóa được triển khai mạnh mẽ theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XI và Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Đó là "Xây dựng nhận thức chung về hội nhập văn hóa, gắn kết ngoại giao văn hóa với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế; tích cực giới thiệu để bạn bè quốc tế hiểu rõ về Việt Nam, tham gia tích cực vào các thiết chế văn hóa đa phương; tận dụng các chương trình, ý tưởng của UNESCO để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam". Đây là phương hướng chung, toàn diện, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng văn hóa thế giới. Cũng nhờ sự chủ động, tích cực hội nhập đó mà năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam được bầu là thành viên Ủy ban di sản của Công ước 1972 của Liên hợp quốc. Đây là vinh dự to lớn, thể hiện sự tin cậy của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng ban UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Tôi nghĩ trước hết là vị thế của chúng ta. Chúng ta đã đóng góp rất nhiều ý kiến cụ thể cho Hội đồng chấp hành, Cơ quan điều hành chính của UNESCO. Thêm nữa là thời gian vừa qua, quan hệ giữa Việt Nam với UNESCO rất tốt. Việt Nam luôn có sáng kiến thúc đẩy đoàn kết của các thành viên UNESCO. Chính vì vậy, chìa khóa dẫn đến thành công là khả năng đóng góp của Việt Nam vào UNESCO, chúng ta cũng là một quốc gia, một dân tộc có ngàn năm văn hiến được bạn bè quốc tế ghi nhận, chúng ta là một trong những nước có nhiều di sản được công nhận ở khu vực Đông Nam Á.

Trong hoạt động ngoại giao, văn hóa đôi khi đi trước chính trị. Một quốc gia có thể có những giao lưu hoạt động văn hóa khi chưa có quan hệ ngoại giao và văn hóa có thể là cầu nối dẫn đến quan hệ ngoại giao. Khi có quan hệ ngoại giao rồi thì giao lưu văn hóa, giới thiệu bản sắc của mỗi quốc gia sẽ làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn.

Trong lịch sử nền ngoại giao Việt Nam, ngoại giao văn hóa đã nhiều lần được sử dụng thành công để hóa giải những xung đột và tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các nước. Vì vậy, xây dựng một chiến lược lâu dài cho ngoại giao văn hóa, tạo thêm nguồn lực cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục là định hướng ưu tiên cho công tác đối ngoại Việt Nam 2014 ./.

Từ khóa » Hòa Nhập Chứ Không Hòa Tan In English