Ngôn Ngữ Học - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc
Có thể bạn quan tâm
1. Một đơn vị được gọi là đơn vị từ vựng phái sinh khi nó được tạo ra trên cơ sở một (hoặc hai) từ đã có theo một phương thức nhất định. Cách hiểu thuật ngữ “phái sinh” như thế tuy có khác với cách hiểu trong truyền thống ngôn ngữ học nhưng có lẽ là thích hợp đối với tiếng Việt. Trong tiếng Việt các đơn vị từ vựng phái sinh được cấu tạo bằng bốn phương thức chính là: ghép, láy, phỏng và chuyển. Tuỳ thuộc vào cách cấu tạo mà các đơn vị từ vựng đó có những đặc trưng ngữ nghĩa khác nhau, kiểu cơ cấu nghĩa và tính có lí do của chúng. 2. Các đơn vị từ vựng được tạo theo phương thức ghép là những đơn vị do hai yếu tố gốc kết hợp lại với nhau theo nguyên tắc hội nghĩa hoặc nguyên tắc phụ nghĩa. Kết quả là chúng ta sẽ có hai loại tổ hợp song tiết; a) tổ hợp song tiết hội nghĩa; kiểu: quần áo, nhà cửa, sớm muộn, núi sông, v.v... và b) tổ hợp song tiết phụ nghĩa như: xe đạp, vàng hươm, cười khảy, tốt nết, mát tay, v.v... Đặc trưng ngữ nghĩa tổng quát của các đơn vị thuộc nhóm a là tính khái quát hoá về nghĩa của chúng. Đặc trưng này nảy sinh trên cơ sở của quan hệ đẳng kết giữa hai yếu tố gốc. Đó là những yếu tố vốn có nghĩa biểu thị những khái niệm thuộc cùng một phạm trù, có quan hệ gần nghĩa, đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với nhau. Do đó, nghĩa của chúng có thể giải thích được, ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào mức độ biểu trưng hoá ngữ nghĩa của các thành tố: Căn cứ vào đặc điểm này, có thể chia các tổ hợp song tiết hội nghĩa (kí hiệu là AB) thành bốn loại với kiểu cơ cấu nghĩa tương ứng:
- (AB) = A và B, hoặc vừa A vừa B biểu trưng khái quát cho cả phạm trù, trong đó có A và B: Quần áo, ruộng vườn, mới lạ, v.v... - (AB) = hoặc A hoặc B (không A thì B) biểu trưng khái quát cho cả phạm trù, trong đó có A, B: Sớm muộn, trước sau, nay mai, v.v... - (ABº) hay (AºB) = A (hay B) biểu trưng khía quát cho cả phạm trù, trong đó A (hay B) là đại biểu: Nhà cửa, làm ăn, ăn ở, ăn thua, khó dễ, v.v... - (AºBº) = (AB) hay A và B biểu trưng khái quát cho cả phạm trù, trong đó có A, B; nhưng lại cốt để biểu trưng cho A thuộc một phạm trù trừu tượng hơn: đất nước, non sông, sắt son (lòng dạ sắt son), gang thép (ý chí gang thép), v.v...
Những đơn vị thuộc nhóm B đa dạng hơn nhiều. Đặc trưng ngữ nghĩa tổng quát của chúng là tính chuyên biệt về nghĩa. Đặc trưng này nảy sinh do quan hệ không đẳng kết (chính phụ) giữa hai yếu tố gốc A và B. Căn cứ vào mức độ biểu trưng hoá ngữ nghĩa của các thành tố có thể tách các đơn vị đang xét thành hai loại: 1. Những đơn vị mà nghĩa cơ bản của A là cơ sở trong cơ cấu nghĩa của cả tổ hợp, còn B mang nghĩa chuyển, tức là nghĩa biểu trưng, thông báo đặc trưng khu biệt.
- (A1B) : A với đặc trưng khu biệt nào đó do B biểu trưng, ví dụ: xe đạp, xe hơi, xe máy, xe bò, v.v... - (A2B) : A với mức độ, hoặc sắc thái nào đó do B biểu trưng, ví dụ: vàng hươm, vàng khè, vàng suộm, vàng óng, v.v... - (A3B) : A cách thế nào đó do B biểu trưng, ví dụ: nhảy cóc, nhảy phóc, nhảy cẫng, v.v...
2. Những đơn vị mà cơ cấu nghĩa của tổ hợp hình thành trên cơ sở sự biểu trưng hoá ngữ nghĩa của các thành tố.
- (AB): có B mang thuộc tính A như một thuộc tính cố hữu: vui tính, tốt nết, đau mắt (bệnh), đau lưng (bệnh), v.v... - (ABº): có cái do B biểu trưng mang thuộc tính A: tốt bụng, ngon miệng, lắm mồm, nhanh tay, chậm chân, v.v... - (AºB) : có B ở trạng thái do A biểu trưng: mơ mộng, phụt chí, mất vía, v.v... - (AºBº) : Có thuộc tính X do (AB) biểu trưng: mát tay, mát mặt, xanh mắt, thối mồm, v.v...
Tuy các tổ hợp ghép rất đa dạng, song chúng chỉ có một số lượng hữu hạn những kiểu cơ cấu nghĩa, có thể giải thích được nhờ sự biểu trưng hoá ngữ nghĩa các thành tố ở mức độ khác nhau dưới dạng ẩn dụ hoặc hoán dụ. Do đó tính có lí do của các đơn vị này mang hình thái biểu trưng ngữ nghĩa. 3. Phương thức láy cho chúng ta từ láy đối vần kiểu: bập bềnh, tươi tắn, mặn mà, v.v... và từ láy điệp vần như căm căm, đăm đăm, thênh thang, vằng vặc, v.v... Đó là những từ được tạo bằng cách trượt để nhân đôi yếu tố gốc theo quy tắc điệp và đối: Ở các từ láy - tượng thanh, dù là điệp vần, như vo vo, ầm ầm... hay là đối vần, như bì bõm, thì thùng, chí chát,... thì tính có lí do về nghĩa của chúng thể hiện dưới hình thái biểu trưng ngữ âm ít nhiều có tính chất đặc biệt là hình thái phỏng thanh. Đối với các từ láy bình thường thì tình hình có phần khác. Nghĩa của từ láy đối vần có thể giải thích được nhờ nghĩa của yếu tố gốc và, do cho đến nay, trong những trường hợp mà chúng ta đã biết, nhờ cả nghĩa của khuôn vần ghép vào yếu tố láy. Trong các từ láy đang xét có thể có hai loại khuôn vần mang nghĩa. 1. Những khuôn vần được ghép vào yếu tố láy đứng trước. Những từ láy được tạo theo mẫu này (kí hiệu là CVC C x CVC) thường biểu thị quá trình hay trạng thái động, có cơ cấu nghĩa tổng quát là: C x CVC: “CVC cách như thế nào đó do x biểu thị”, ví dụ:
−C −âp CVC : “CVC lặp đi lặp lại nhiều lần với cường độ tăng/giảm (hoặc ẩn/hiện) đều đặn theo chu kì”, ví dụ: bềnh > bập bềnh, thò > thập thò, loè > lập, loè, mô > mấp mô, v.v... −C −âm CVC : “CVC lặp đi lặp lại với cường độ tăng/giảm không đều đặn, không theo chu kì”: nguýt > ngấm nguýt, thụt > thậm thụt, ức > ấm ức, tức > tấm tức, dứt > dấm dứt, v.v... −C −i CVC : “CVC lặp đi lặp lại với cường độ giảm và kéo dài, liên tục”: ngoáy > nghí ngoáy, nháy > nhí nháy, tủm > tí tủm, v.v...
2. Những khuôn vần được ghép vào yếu tố láy đứng sau, thường để tạo những từ láy đối vần biểu thị thuộc tính hay trạng thái tĩnh và có kiểu cơ cấu nghĩa tổng quát là: CVC C x : CVC ở mức độ cao, hoặc với sắc thái nào đó, ví dụ:
−CVC C −âp: “CVC ở mức độ (hoặc với cường độ) cao, liên tục hoặc kéo dài”: nghiện > nghiện ngập, dồn > dồn dập... −CVC C −ăn: “CVC đến mức trọn vẹn, đáng tán dương: đúng > đúng đắn, bằng > bằng bặn, chắc > chắc chắn, v.v...
Trong tiếng Việt có ít nhất là hàng chục khuôn vần kiểu như - ấp, - âm, - i -, - ăn, - ơm, v.v... là những đơn vị nhỏ hơn âm tiết, mang nghĩa và hành chức như những hình vị tạo từ đủ đều đặn. Như vậy là có thể giải thích được nghĩa của từ láy đối vần với tư cách một đơn vị từ vựng (lexeme) bằng hai nghĩa vị (sémantème) do hai hình vị (morfème) biểu đạt. Song xu hướng hài âm - hài thanh thể hiện ở quy tắc đối và điệp trong cấu trúc ngữ âm của từ láy đối vần là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị gợi tả của từ, so sánh: ngùi/ngùi, ngùi/ngậm ngùi, v.v... Vì thế chúng ta có những căn cứ để nghĩ rằng tính có lí do của từ láy đối vần thể hiện dưới hình thái biểu trưng ngữ âm - ngữ nghĩa. Tính hình còn trở nên phức tạp hơn khi yếu tố gốc của từ láy bị mờ nghĩa đi vì những nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp này, chúng ta mất khả năng giải thích nghĩa của từ nhờ cấu trúc hình thái và giá trị biểu trưng ngữ âm của từ nổi lên hàng đầu, trở thành biểu hiện tập trung của tính có lí do của từ. Điều đó là có thể tin được, bởi vì không phải vô cớ mà từ cùng một đơn vị gốc người ta lại tạo ra những từ láy theo những mẫu khác nhau:
Ví dụ này cho phép nhận định rằng tính có lý do của các từ láy điệp vần thể hiện chủ yếu dưới hình thái biểu trưng ngữ âm. Nhờ phương thức phỏng các đơn vị từ vựng phái sinh được tạo ra bằng cách lấy đơn vị gốc làm mẫu mà phỏng theo quy tắc đối ứng về âm và nghĩa. Kết quả là chúng ta sẽ có những từ vừa có liên hệ ngữ âm; vừa có liên hệ ngữ nghĩa với nhau mà gốc của chúng là một hằng thể nào đó trong tiến trình lịch sử.
a) Nếu như các từ đồng nhất với nhau ở phụ âm đầu khuôn vần, thì có sự đối ứng ở thanh điệu: chúm/chụm, túm/tụm, bít/bịt, khít/khịt, kíp/kịp, chắn/chặn, v. v... (Chu Bích Thu 1979). b) Nếu như các từ đồng nhất với nhau ở khuôn vần và thanh, thì có sự đối ứng ở phụ âm đầu: hút/mút, bú/vú, giết/chết, chếch (chách/xếch/nếch/hếch/vếch/mếch/tếch), v.v... c) Nếu các từ đồng nhất ở phụ âm đầu thì có xu hướng đối ứng ở khuôn vần: ngập/ngụp, trầm/chìm, cấp/kíp, v.v...Căn cứ vào hướng của quá trình mô phỏng thì có thể chia các đơn vị đang xét thành ba loại: Loại thứ nhất gồm những từ mô phỏng âm thanh tự nhiên, kiểu như bốp/bộp, cách/cạch, lách cách/lạch cạch, v.v... Tính có lí do của các từ này, như trên đã nói, thể hiện dưới một hình thái biểu trưng ngữ âm đặc biệt là hình thái phỏng thanh (nên gọi là từ phỏng thanh). Loại thứ hai gồm những từ mang nghĩa gợi tả những vật hay hiện tượng có hình dáng tựa như hình dáng của miệng khi tạo cấu trúc ngữ âm của từ, ví dụ: loe, xoè, xoe (tròn xoe) toè, toé, loè, loé, nhoè, v.v..., gợi tả những cái có đáng loe ra, nở xoè ra, v.v... giống như khuôn hình của miệng khi phát âm khuôn vần oe: rúm, chúm, túm, tụm, xúm, chụm, vũm, khúm núm, khum, chũm, v.v... gợi tả cái có hình dáng, hay quá trình thu lại cho gọn, cho nhỏ, tựa như miệng khi phát âm khuôn vần –um: tít/tịt, bít/bịt, khít/khịt, rít/rịt, chít/chịt, sít/sịt, v.v... thường mô tả những trạng thái hoặc quá trình thu hẹp hoặc lấp kín một khoảng cách nào đó, v.v... Tính có lí do của những từ này thể hiện dưới hình thái phỏng hình nên được gọi là từ phỏng hình. Loại thứ ba gồm những từ có nghĩa được phỏng theo nghĩa của một từ đã có nào đó (tồn tại trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ như một hằng thể?). Trong trường hợp này, phụ âm đầu có thể biến đổi theo quy tắc đối ứng, còn khuôn vần được bảo tồn như một hằng thể, có chức năng biểu trưng cho một ý chung nằm trong (hay có mặt ở) cơ cấu nghĩa của tất cả các từ đang xét: trống/rỗng, thông thống, tròng/tròng, thòng lọng, v.v... Tính đều đặn của hiện tượng này đặc biệt rõ ở những mối quan hệ ngữ nghĩa.
- “Hành động - kết quả”: giết/chết, dọi/chói, (đứng) chững, dúi/chúi, dìm/chìm, dứt/đứt, đập/dập, v.v... - “Thuộc tính - thuộc tính của thuộc tính”: trụi lụi/thùi lụi, trọc/lóc, cộc/lốc, cụt/lủn, thun/lủn, tía/ria, tím/rịm, chói/lói, v.v... - “Hành động bằng phương thức này - hành động bằng phương thức khác”: cạo/nạo, cắt/gặt, hút/mút, tróc/róc/lóc, tuốt/vuốt, v.v... - “Số xác định - số gần đúng không xác định”: hai/vài, ba/và, mười/mươi, năm/dăm, man/muôn, vạn/vàn, nghìn/ngàn, v.v...Tính có lí do của các từ được phỏng theo khuôn vần trong thế đối ứng phụ âm đầu thể hiện dưới hình thái ngữ âm - ngữ nghĩa đặc biệt, là hình thái phỏng ý (nên gọi là từ phỏng ý). 5. Các đơn vị từ vựng phái sinh được tạo ra nhờ phương thức chuyển, chiếm một số lượng đáng kể trong vốn từ tiếng Việt. Từ chuyển bắt nguồn từ một từ đã có, nhưng cơ cấu nghĩa đã thay đổi cùng với những đặc trưng ngữ pháp của nó; so sánh: được (trong được của rơi) với được (trong làm như vậy là được) và được (trong Anh có đi được không?). Đó là những từ đồng âm cùng gốc (nếu nhìn theo con mắt của từ vựng học) hoặc những từ kiêm loại, hay chuyển loại (nếu nhìn từ góc độ ngữ pháp học). Chúng có ba đặc điểm chính là:
a) Vỏ ngữ âm của đơn vị phái sinh và đơn vị gốc chỉ là một. b) Nghĩa của đơn vị phái sinh là hệ quả của quá trình chuyển nghĩa từ nghĩa của đơn vị gốc, song đã thay đổi kiểu cơ cấu. c) Đặc trưng ngữ pháp (khả năng tổ hợp, chức năng cú pháp) của đơn vị phái sinh đã đổi khác, đã đặc trưng một lớp hoặc một phạm trù từ loại khác. Cày trong đi cày và cày trong vác cày là hai từ đồng âm cùng gốc, thuộc những phạm trù từ loại khác nhau (đgt và dt).Bản chất của chuyển loại không chỉ là hệ quả của sự chuyển nghĩa nói chung, mà là sự tổ chức lại kiểu cơ cấu nghĩa này thành một kiểu cơ cấu nghĩa khác. Trong quá trình đó, có thể có sự thêm, bớt và thay đổi tôn ti các thành tố nghĩa. Trong tiếng Việt sự chuyển nghĩa dẫn đến chuyển loại rất đều đặn, có tính quy tắc rõ ràng:
- “Hành động - phương tiện hành động”: cày (đi cày - cày (vác cày), cưa (cưa gỗ) - cưa (rửa cưa), đục (đục mộng) - đục (mài đục), v.v... - “Trạng thái x - làm cho có trạng thái x”: mở (mở cửa) - mở (cửa mở), khép (khép cửa) - khép (cửa khép), v.v... - “Thuộc tính x - trở nên có thuộc tính x”: đỏ (cờ đỏ) - đỏ (mặt đỏ lên), đẹp (mắt đẹp) - đẹp (người đẹp ra), v.v... - “Hành động - người hành động”: lái (lái thuyền) - lái (ông lái), v.v...Tính có lí do của các đơn vị đang xét thể hiện dưới hình thái biểu trưng ngữ nghĩa thuần tuý. 6. Tóm lại, các đơn vị từ vựng phái sinh trong tiếng Việt gồm có tổ hợp song tiết (hội nghĩa và phụ nghĩa), từ láy (đối vần và điệp vần), từ phỏng (phỏng thanh, phỏng hình và phỏng ý) và từ chuyển. Đặc trưng ngữ nghĩa tổng quát của các đơn vị đang xét thể hiện ở các kiểu cơ cấu nghĩa và ở các hình thái biểu hiện tính có lí do của chúng. Việc đánh giá những đơn vị từ vựng này trên quan điểm chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt sẽ không thoả đáng nếu chỉ dựa vào những căn cứ có tính chất tâm lí - xã hội, mà không tính đến những quy tắc cấu tạo đặc trưng ngữ nghĩa tổng quát của chúng.
Nguồn: HOÀNG VĂN HÀNH, Tuyển tập ngôn ngữ học. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội 2010.
Từ khóa » Ví Dụ Về Nghĩa Phái Sinh
-
Nghĩa Phái Sinh | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC
-
Cơ Cấu Nghĩa Của Từ
-
Phi Phái Sinh Và Phái Sinh Từ: Ví Dụ - Ad
-
III. Kết Cấu ý Nghĩa Của Từ - Tài Liệu Text - 123doc
-
Câu 9 Dẫn Luận Ngôn Ngữ Học - Tài Liệu Text - 123doc
-
Ví Dụ Về Từ Phái Sinh Trong Tiếng Việt
-
Cách Bắt Nguồn được Sử Dụng Trong Ngữ Pháp - EFERRIT.COM
-
[PDF] NGỮ NGHĨA VÀ KHẢ NĂNG KET Hợp Của Từ "ĂN" TRONG TIẾNG ...
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Phái Sinh Trong Tiếng Anh - Nhân Văn 2022
-
Phái Sinh Hình Thái (ngôn Ngữ Học) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phái Sinh (tài Chính) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "nghĩa Phái Sinh" - Là Gì?
-
[PDF] CHƯƠNG I Khái Niệm Ngôn Ngữ Học - TaiLieu.VN
-
Trình Bày Các Kiểu ý Nghĩa Của Từ đa Nghĩa.