Ngủ Dậy Bị đau Lưng: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Có thể bạn quan tâm
Ngủ dậy bị đau lưng thường liên quan tới tư thế ngủ hoặc nệm và gối không phù hợp. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cột sống, cần được điều trị y tế sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân ngủ dậy bị đau lưng
1. Ngủ sai tư thế
Ngủ sai tư thế là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng sau khi ngủ dậy. Tư thế ngủ xấu gây áp lực lớn lên cột sống, làm mất đường cong tự nhiên, lâu dần gây ra các cơn đau nhức lưng và một số bệnh lý về cột sống.(1)
Người bệnh đau lưng nếu thường xuyên ngủ sai tư thế sẽ gây căng thẳng lên cột sống và tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là tư thế nằm sấp. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên chọn chiếc gối đầu phù hợp với khoảng cách giữa cổ và vai, đặt thêm chiếc gối bên dưới đầu gối khi ngủ.
2. Nệm kém chất lượng
Bị đau lưng khi thức dậy có thể là do nệm ngủ không phù hợp. Nệm cũ hoặc kém chất lượng có thể bị mất độ đàn hồi, quá cứng hay quá mềm, gây tác động xấu lên lưng. Bác sĩ thường khuyên người bệnh nên thay đổi nệm để cải thiện tình trạng đau nhức, khó chịu ở lưng và giảm căng thẳng lên cột sống.
3. Hoạt động quá sức vào ngày hôm trước
Làm việc quá sức, khuân vác vật nặng hoặc tham gia những hoạt động thể thao mạnh khiến cột sống chịu nhiều áp lực. Khi cơ và dây chằng căng giãn quá mức, người bệnh sẽ bị đau cột sống, đặc biệt là khi ngủ dậy vào buổi sáng.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên chú ý tư thế trước và sau khi hoạt động với cường độ cao. Khi tập thể dục thể thao, người bệnh nên khởi động nhẹ nhàng, căng cơ đúng cách để hạn chế nguy cơ đau nhức lưng và cứng cơ vào ngày hôm sau.
4. Mang thai
Sự phát triển của thai nhi đã vô tình gây ra các cơn đau nhức lưng cho người mẹ. Một số thai phụ có thể gặp cơn đau sớm nhất ở tuần thai thứ 8. Phần lớn cơn đau trở nên nghiêm trọng vào tháng 5 – 7 của thai kỳ. Để giảm bớt cảm giác khó chịu, bạn có thể đặt chiếc túi chườm ấm lên lưng. Tư thế nằm nghiêng sang trái cũng được khuyến khích trong thai kỳ vì vừa giảm bớt áp lực lên cột sống vừa tốt cho sức khỏe của thai nhi. (2)
Ngủ dậy bị đau lưng là bệnh gì?
1. Thoái hóa đĩa đệm
Cấu trúc đĩa đệm bị thoái hóa, bào mòn tạo ra các chuyển động bất thường (lệch hướng) của khớp, cấu trúc dây chằng, bề mặt xương của đốt sống hoặc gây viêm nhiễm quanh xương. Tình trạng thoái hóa có thể gây ra những cơn đau khó chịu ở lưng, đặc biệt là vào buổi sáng. (3)
2. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa khiến người bệnh bị đau, căng, co thắt cơ khắp cơ thể, bao gồm cả lưng. Tuy không có cách chữa trị chứng đau cơ xơ hóa, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau để cải thiện cảm giác khó chịu. Ngoài ra, những liệu pháp như massage, châm cứu, vật lý trị liệu cũng giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau.
3. Chấn thương cột sống
Cấu tạo của cột sống gồm nhiều đốt sống kết hợp. Đây là điểm tựa chịu toàn bộ sức nặng cơ thể. Vì cột sống phải chịu tải trọng cao nên rất dễ bị tổn thương.
Có nhiều nguyên nhân gây gãy, vỡ, lún, xẹp đốt sống nhưng chủ yếu là do tai nạn trong giao thông, lao động, thể thao. Triệu chứng của chấn thương cột sống tùy thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ tác động. Nếu tổn thương ở đốt sống không ảnh hưởng tới tủy sống bên trong, người bệnh thường gặp các cơn đau kéo dài tại khu vực tổn thương. Cường độ đau tăng dần sau khi ngủ dậy.
4. Vẹo cột sống
Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống mất đường cong sinh lý tự nhiên, bị uốn cong sang phải hoặc trái. Bệnh thường gặp ở nữ, trẻ em khoảng 10 – 18 tuổi. Khi ở mức độ nhẹ, bệnh ít gây hậu quả nghiêm trọng. Các cơn đau lưng do vẹo cột sống nhẹ biểu hiện rõ nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh sẽ bị hạn chế tầm vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.
5. Hẹp ống sống
Đây là bệnh xương khớp liên quan tới tình trạng thoái hóa cột sống. Đối tượng thường gặp là người trung niên, người cao tuổi. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào của cột sống, phần lớn ở cột sống thắt lưng.
Sự hình thành gai xương hoặc sự thoái hóa của dây chằng cột sống, viêm khớp cột sống là nguyên nhân gây hẹp ống sống. Khi tủy sống bị chèn ép, rễ dây thần kinh sẽ bị bó nghẹt, gây đau nhức tại vùng thắt lưng lan dần xuống chân.
Mẹo chữa đau lưng khi ngủ dậy
Giãn cơ
Khi đang nằm trên giường, bạn vươn tay qua đầu hết mức có thể và căng chân theo hướng ngược lại, sau đó đưa gối gần ngực và giữ căng lưng. Sau khi ngồi dậy, hãy đặt chân xuống sàn với tư thế hai chân rộng bằng vai rồi đứng lên, đưa tay qua đầu và kéo căng toàn bộ cơ thể.
Bài tập giảm đau lưng vào buổi sáng
Các bài plank
- Bắt đầu với tư thế nằm sấp và hướng mũi chân xuống.
- Chống hai tay rộng bằng vai tạo một góc 90°. Nâng người lên khỏi sàn, giữ vững thân, chịu toàn bộ lực ở hai tay và mũi bàn chân.
- Giữ cho lưng, mông và chân thẳng rồi siết chặt cơ bụng, đầu nhìn thẳng về phía trước hoặc nhìn xuống sàn. Thở đều và giữ cố định trong khoảng 10 giây.
- Từ từ hạ tay để cơ thể chạm mặt sàn. Sau khi quen dần, có thể tăng thời gian lên 20-30 giây.
Tư thế rắn hổ mang
- Bắt đầu với tư thế nằm sấp trên sàn, lòng bàn tay úp xuống dưới vai, khuỷu tay và cẳng tay gần với cơ thể.
- Từ từ sử dụng lực cánh tay để đẩy phần thân trên lên, đầu hướng về phía trước và giữ thẳng cổ. Duy trì tư thế trong 10 – 15 giây, sau đó hạ xuống.
Uốn cong đầu gối
- Bắt đầu với tư thế ngồi xổm xuống như đang cố ngồi ở ghế.
- Giữ đầu gối uốn cong một góc 90°, đảm bảo không vượt qua ngón chân.
- Thở ra khi uốn cong đầu gối và hít vào khi trở lại tư thế đứng. Thực hiện lại động tác tối đa 10 lần.
Tập thể dục hằng ngày
Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp kiểm soát tốt cân nặng, cải thiện tình trạng đau nhức cơ xương khớp. Thói quen tốt này còn hỗ trợ người bệnh cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hình thức tập luyện đơn giản như đi bộ có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc giảm đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ. (4)
Giảm căng thẳng
Stress quá mức có thể dẫn tới tình trạng đau lưng khi thức dậy. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên dành thời gian thư giãn như nghỉ ngơi, tập thể dục, thiền, massage… Lâu dần, cường độ đau có thể giảm và khỏi hẳn. Khi thiền, bạn chỉ cần tập trung vào hơi thở và ngừng suy nghĩ, bắt đầu thiền khoảng 1 phút rồi tăng dần thời gian.
Tắm nước ấm sau khi ngủ dậy
Nước ấm giúp tăng tuần hoàn máu, giảm tình trạng co cứng cơ, làm dịu cơn đau. Sau khi vệ sinh cá nhân, người bệnh có thể ngâm mình trong bồn nước ấm hay tắm dưới vòi hoa sen để thư giãn xương khớp. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể nhúng khăn vào chậu nước ấm rồi vắt khô và áp nhẹ vào lưng.
Thuốc không kê đơn
Nếu tình trạng đau lưng khi ngủ dậy tiến triển nặng, bạn có thể phải sử dụng những loại thuốc giảm đau ngay lập tức. Trước đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc chống viêm steroid như ibuprofen để giảm viêm, đau lưng vào buổi sáng.
Các loại thuốc bôi ngoài da giúp khắc phục những triệu chứng đau nhức lưng hiệu quả, ít có tác dụng phụ. Các sản phẩm này thường được chiết xuất từ tinh dầu bạc hà hoặc nghệ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS). Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp đau mạn tính, không thể cải thiện theo thời gian.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Tình trạng ngủ dậy bị đau lưng thường có thể dễ dàng được khắc phục. Người bệnh chỉ cần đứng lên di chuyển nhẹ nhàng, tiến hành kéo giãn cột sống là cơn đau sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu tần suất đau lưng buổi sáng dày đặc, dù đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc nhưng vẫn không cải thiện, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý cột sống cần được chữa trị ngay.
Từ khóa » đau Phần Eo
-
Đau Bụng Eo Bên Phải Là Bệnh Gì? Nên Xử Trí Ra Sao?
-
Đau Vùng Eo Bên Phải, Vì Sao? | TCI Hospital - Bệnh Viện Thu Cúc
-
Đau Eo Bên Phải Có Nguy Hiểm Không? Có Phải đang Bị Bệnh?
-
Bị đau Eo Bên Phải Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì, Có Nguy Hiểm Không?
-
Thông Tin Y Học Cộng đồng - Đau Lưng Bên Phải Triệu Chứng Bệnh Gì ...
-
Đau Vùng Thắt Lưng Bên Phải Gần Eo Là Bệnh Gì? Điều Trị Thế Nào?
-
Đau Lưng: Vị Trí, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Tham Khảo Hướng điều Trị
-
Đau Bụng Bên Phải Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì?
-
Đau Lưng Bên Phải Là Bệnh Gì, Chữa Trị Và Phòng Ngừa Như Thế Nào?
-
Đau Vùng Thắt Lưng - Nguyên Nhân Và Cách Phòng Ngừa - Vinmec
-
Vị Trí đau Bụng Cảnh Báo Bệnh Gì? - Vinmec
-
Chớ Chủ Quan Khi Bị đau Bụng Bên Phải ở Nữ Giới - Medlatec
-
Đau Thắt Lưng Bên Trái Là Bị Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
-
Đau Lưng Bên Phải Là Dấu Hiệu Bệnh Gì, Có Nguy Hiểm Không?
-
Đau Lưng Dưới: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán, điều Trị
-
Đau Lưng Bên Trái Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Cách Chữa Trị?