'Ngự Giá Như Tây' - Diễn Từ Của Vua Khải Định Trên đất Pháp

Vua Khải Định cùng quan chức Pháp tại sân điện Élysée. Ảnh: BNF.

Vua Khải Định cùng quan chức Pháp tại sân điện Élysée. Ảnh: BNF.

Ngày 29 tháng 5, tại ga Bois de Boulogne, buổi đón tiếp vua Khải Định diễn ra long trọng. Theo Nguyễn Cao Tiêu trong “Ngự giá như Tây kí”, “Nhà ga trần thiết toàn dùng gấm vóc và kết hoa rất là rực rỡ, có đội quân Đông giáp kị binh, đội bộ binh, đội thị binh của quan Giám quốc (Tổng thống Millerand. Tổng thống Millerand tặng Khải Định Thượng đẳng Bắc đẩu bội tinh, sau đó đến Khải hoàn môn".

Tại đây “Hoàng thượng để một cánh hoa và một bức bằng bạc trong có khắc bốn chữ “Tú linh tiêu biểu” bằng vàng. Trong bài “Hoàng thượng tại Đại Pháp” đăng trên Thực nghiệp dân báo, ngày 28/6/1922 có viết về chi tiết này như sau: “Hoàng thượng có ngự tới Khải hoàn môn đặt lên trên phần mộ người tử sĩ một bó hoa và một tấm biển bằng bạc trên đề mấy chữ bằng vàng như sau này: Vinh diệu thay những bậc anh hùng”.

Buổi chiều ngày 29, vua Khải Định đến tòa Đốc lí và có bài phát biểu tại đây: “Nay quả nhân vào tại xã sảnh đây chiêm nghiệm những các lề lối, quả nhân sự nhớ bên nước An Nam của quả nhân trong các xã thôn đều cũng có một cái hương đình trước nữa để phụng sự thần linh, sau nữa để cho hòa lí hiệp hội đặng mà bàn luận trong các lối hương chánh cho được công bình, nghĩa là lấy chữ công bình mà làm căn bản cho nền trật tự.

Vả lại để niêm yết những dụ, chỉ, từ, trát của triều đình công bố cho đồng dân tại các hương đình ấy, xem lại trong xã sảnh ở đây cùng với các hương đình nhỏ mọn của các xã thôi bên nước quả nhân thời rõ biết hai cái văn minh của chúng ta tuy là hình thức có khác nhau, nhưng mà nguyên lí cũng một môn vậy”.

Ngày mùng 2 tháng năm (nhuận) vua Khải Định thăm nhà thờ Đông Pháp trận vong tướng sĩ tại Nogent. Đây là đài kỉ niệm 3.000 nghĩa sĩ ở Đông Pháp bảo tồn quyền bình đẳng và công lí mà tử trận. “Hôm nay Hoàng thượng đến đây thăm viếng, hình như trông thấy cái hào quang hiếu nghĩa của dân tộc bản quốc đã chói sáng ở phương Tây vậy.” Sau nữa, ngự vào nhà thờ nghĩa sĩ đặt một cái biểu bằng bạc trong có khắc năm chữ “Việt nghĩa hích an thiên” bằng vàng.

Trong diễn từ của Tổng thống Pháp lúc chiêu đãi tiệc vua Khải Định chiều hôm đó, có nhiều đoạn được Nguyễn Cao Tiêu chép lại. Các diễn từ qua lại giữa vua Khải Định và tổng thống Millerand cũng được chép trong Quốc sử quán triều Nguyễn - Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, tuy nhiên phần dịch nghĩa có chút khác nhau. Căn cứ theo "Ngự giá như Tây kí" của Nguyễn Cao Tiêu thì:

“Từ khi Hoàng thượng kinh quá tới thành Marseille cho tới cả lúc ngài ngự lại du lãm trong nước tôi, thời dân trong nước tôi đều nghinh tiếp ngài hết lòng kính trọng, như vậy thì Hoàng thượng rõ tình chân tâm của người nước tôi.

Ban đầu thiệt lấy làm mừng mà được hoan nghinh ngài là một vị đế vương, quân lính rất là tôn kính; chúng tôi vẫn nhớ rằng, suốt trong bốn năm hữu sự (ý nói 4 năm chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 - 1918 - NP) đều có quân lính ngài giúp đỡ, ngày nay còn nhớ hình dạng lanh lợi, chí khí, gan đảm của lính Ngài. Chẳng khi nào Pháp quốc quên được rằng trong lúc chiến tranh nước Bảo hộ cũng có nhờ ơn con cái nước An Nam đều nỗ lực đem thân qua giúp để cự địch cùng quân nghịch tặc cho thắng nghĩa công lí, văn minh…

Người Tây chúng tôi đây cũng đã biết rằng, dân tộc An Nam là một dân tộc thông minh, có trí suy nghĩ, siêng năng ham học, chúng tôi cũng đã khen ngợi cái văn hiến của nước ngài di truyền mấy ngàn năm rồi mà hiện bây giờ trường Viễn Đông thư quán vẫn còn tìm tòi để giữ gìn các sách vở xưa và các cổ tích còn lại…”.

Vua Khải Định đáp lại: “Từ xưa tới nay ở trong lịch sử của An Nam tôi, các vị đế vương chưa hề xuất dương bao giờ, lần này là thứ nhất quả nhân vì một sự đài ngài mà việt hải đi đến đây {…} Bởi vậy cho nên trong cơ hội ngày nay, các nước lớn nhỏ thảy đều xao động mà hi vọng cho việc hiện tình, cho việc tương lai nhưng mà về phần tệ quốc, từ thượng lưu cho đến hạ lưu, cứ yên lặng không ấp, không dụng gì trong sự phi pháp, là chỉ vì tại một sự luân lí của tệ quốc trong đồng dân không khi nào thay đổi.

Vả lại quý quốc là một nước rất là quảng đại về lối ân trạch, cho nên để nhờ sự cao minh của quý quốc soi xét cho, rồi quân dân của tệ quốc cũng sẽ trông thấy được hạnh phúc, cho nên trước hết quả nhân phải đem Đông cung Hoàng thái tử Vĩnh Thụy mà nhờ ơn quý quốc tạo thành cho, giáo dục cho, đặng trăm năm sau về nối nghiệp cho Nguyễn triều được vững bền mà sự giao hảo của nước Nam với nước Đại Pháp lại càng thân mật hơn nữa”.

Vua Khải Định viếng đài liệt sĩ vô danh tại Pháp. Ảnh: BNF.

Vua Khải Định viếng đài liệt sĩ vô danh tại Pháp. Ảnh: BNF.

Ngày mùng 3 tháng 5 (nhuận), có 3 học sinh An Nam đều đỗ tú tài Tây đến yết kiến vua Khải Định, là “Nguyễn Hữu Giải, Thân Trọng Hậu, Hồ Đắc Dy đến xin lạy chúc mừng”. Một trong số đó, sau này là giáo sư y khoa nổi tiếng của Việt Nam - Giáo sư Hồ Đắc Dy (1900-1984). Cụ Hồ Đắc Dy sang Pháp du học năm 1918, và đến 1922 cụ mới tròn 22 tuổi.

Lịch trình của vua Khải Định bên Pháp kéo dài đến tận ngày 14 tháng 6 âm lịch thì kết thúc và bắt đầu trở về. Chuyến đi này của Khải Định khởi giá từ ngày 24 tháng 4, đến ngày 19 tháng 7 năm Nhâm Tuất loan giá trở về. Quốc sử quán nhà Nguyễn - Đồng Khánh, Khải Định chính yếu nhận xét: “Vua đã đi thăm nhiều đô thành, danh thắng cổ tích, đồng thời vẫn lo tròn việc nước và củng cố tình nghĩa với nước bạn”.

Từ khóa » Khải định Sang Pháp