Ngữ Văn 10 - Tổng Quan Văn Học Việt Nam - CungHocVui

Đề bài

Nêu các bộ phận hợp thành và quá trình phát triển của văn học Việt Nam

Hướng dẫn giải

Các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam bao gồm các sáng tác ngôn từ với hai bộ phận lớn, có quan hệ mật thiết với nhau: văn học dân gian và văn học viết.

1. Văn học dân gian

a) Khái niệm: Văn học dân gian là sáng tác tập thể và truyền miện của nhân dân lao động. Khi người tri thức tham gia sáng tác thì các sáng tác đó phải tuân thủ những đặc trưng của văn học dân gian và trở thành tiếng nói tình cảm chung của nhân dân.

b) Các thể loại chủ yếu: Văn học dân gian bao gồm các thể loại chủ yếu: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, ca dao, câu đố, vẻ, truyện thơ, chèo.

c) Đặc trưng: Văn học dân gian có tính truyền miệng, tính tập thể, và sự gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

2. Văn học viết

a) Khái niệm: Văn học viết là sáng tác của trí thức, được ghi lại bằng chữ viết. Là sáng tạo của cá nhân, tác phẩm văn học viết mang dấu ấn của tác giả. Nền văn học Việt Nam từ xưa tới nay cơ bản được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

b) Hệ thống thể loại: 

Văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX: trong văn học chữ Hán có các thể loại: 

- Văn xuôi (truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi,...), thơ (thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc...); văn biền ngẫu (phú, cáo, văn tế...). Ở thể loại chữ Nôm, phần lớn là thơ (thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc, hát nói) và văn biền ngẫu.

- Văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay: về loại hình tự sự có tiểu thuyết, truyện ngắn, kí (bút kí, tùy bút, phóng sự.) . Loại hình trữ tình có thơ trữ tình và trường ca. Loại hình kịch có kịch nói, kịch thơ...

Quá trình phát triển của văn học Việt Nam

Văn học trung đại Việt Nam

Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Nhìn tổng quát, văn học Việt Nam trải qua  hai thời kì lớn:

1. Văn học trung đại (văn học từ thế kỉ X - XIX)

Văn học thời kì này hình thành và phát triển trong bối cảnh văn hóa, văn học vùng Đông Á, Đông Nam Á có quan hệ giao lưu với nhiều nền văn học khu vực, đặc biệt là văn học Trung Quốc. 

Văn học trung đại được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. 

Ở thời kì này có nhiều hiện tượng nhà văn lớn như thơ văn yêu nước và thơ thiền Lý - Trần. Các thể loại văn xuôi như: truyền kì (Thánh Tong di thảo, Truyền kì mạn lục), kí sự (Thượng kinh kí sự, Vũ trung tùy bút), tiểu thuyết chương hồi (Nam triều công nghiệp diễn chí). Với các nhà thơ yêu nước và nhân đạo lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát...

Văn học viết bằng chữ Nôm phát triển mạnh từ thế kỉ XV. Văn học chữ Nôm ra đời là bằng chứng hùng hồn cho ý chí xây dựng một nền văn hiến độc lập của dân tộc ta. 

Các tác phẩm tiêu biểu: Sơ kính tân trang, Truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa...

Các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...

2. Văn học hiện đại (văn học từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ XX)

Đến đầu những năm 30 của thế kỉ XX, văn học Việt nam bước vào quỹ đạo của văn học hiện đại. Đó là một nền văn học tiếng Việt, chủ yếu viết bằng chữ quốc ngữ. 

Văn học hiện đại có những điểm khác biệt so với văn học trung đại:

- Về tác giả: xuất hiện đội ngũ nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, lấy việc viết văn, làm thơ làm nghề nghiệp. 

- Về đời sống văn học: Tác phẩm văn học đi vào đời sống nhanh hơn, mối quan hệ qua lại giữa tác giả và độc giả mật thiết hơn, đời sống văn học sôi nổi, năng động hơn. 

- Về thể loại: Thơ mới, tiểu thuyết, kịch nói,... dần thay thế hệ thống thể loại cũ.

- Về thi pháp: Hệ thống thi pháp mới dần thay thế hệ thống thi pháp cũ. Lối viết ước lệ, sùng cổ, phi ngã của văn học trung đại được thay thế bằng lối viết hiện thực, đề cao cá tính sáng tạo, đề cao cái tôi dần được khẳng định.

Văn học thế kỉ XX đã phản ánh hiện thực xã hội và chân dung con người Việt Nam với tất cả các phương diện phong phúc, đa dạng. Văn học lãng mạn đi vào khám phá, đề cao "cái tôi" cá nhân, đấu tranh cho hạnh phúc và quyền sống cá nhân. Sau Cách mạng tháng Tám, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đi sâu phản ánh sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới.

Từ sau 1975, đặc biệt với công cuộc đổi mới từ năm 1986, văn học hiện đại Việt Nam từng bước vào giai đoạn phát triển mới.. Các nhà văn đã phản ánh một cách sâu sắc công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Về thể loại, bên cạnh sự phát triển của thơ, văn xuôi quốc ngữ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đã có một số tác phẩm có ý nghĩa. Công cuộc hiện đại hóa, thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết đạt nhiều thành tựu.

 

Tags tổng quan văn học việt nam văn học sử văn học dân gian văn học trung đại văn học viết

Từ khóa » Tổng Quát Văn Học Việt Nam