Ngừa Hiểm Họa Do Côn Trùng đốt - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam là một quốc gia có khí hậu nhiệt đới, hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú và đa dạng, trong đó có côn trùng. Cũng vì thế, người dân dễ gặp những hệ lụy về sức khỏe do nguy cơ bị côn trùng đốt, cắn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cần ứng phó ra sao đối với những nguy cơ này?
“Hậu họa” do côn trùng
Theo TS.BS. Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, khi bị côn trùng đốt hoặc khi tiếp xúc với côn trùng có thể gặp một số bệnh ngoài da như sẩn ngứa (do bọ chét, mò ve, ruồi vàng), bệnh ghẻ, bệnh chấy rận, viêm da. Hay gặp nhất là viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng. Do đặc điểm khí hậu, bệnh do côn trùng cũng theo mùa mà bùng phát thành dịch. “Gần gũi” nhất trong cuộc sống của chúng ta chính là muỗi. Muỗi là trung gian truyền khá nhiều bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, Zika hoặc sốt vàng, viêm não Nhật Bản.
Không nên di, miết để giết kiến ba khoang vì có thể gây bỏng cho vùng da tiếp xúc.
Nhưng nhiều khi, nạn nhân của côn trùng không hề biết mình phải hứng chịu những căn bệnh đó là do tiếp xúc với côn trùng. Chẳng thế mà rất nhiều người bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang chỉ biết “thủ phạm” khi đến bác sĩ với những vết tổn thương bỏng rát trên da. Tại BV Da liễu Trung ương, bệnh do côn trùng đốt hay gặp nhất là do kiến ba khoang. Mùa thu năm 2016, vụ dịch kiến ba khoang xảy ra và BV tiếp nhận gần 4.000 bệnh nhân viêm da tiếp xúc do côn trùng. Từ đầu năm nay cũng xuất hiện trở lại các trường hợp mắc bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng, khoảng hơn 300 trường hợp, đỉnh điểm chủ yếu vào đợt mưa ẩm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai: Khi côn trùng đốt như ong mật, kiến, bọ chét thường là nhẹ, biểu hiện tại chỗ là ngứa ngáy khó chịu. Nhưng ngòi, nọc của nó có thể gây tổn thương lâu dài như viêm da, loét da bên ngoài. Trường hợp nặng có biểu hiện toàn thân như sốc phản vệ, tổn thương huyết học, đông máu, hô hấp, có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, thậm chí tử vong.
Một trong những mối lo bệnh tật khác do côn trùng đốt là bệnh viêm não Nhật Bản. PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, viêm não Nhật Bản là một bệnh dịch xảy ra hàng năm. Bệnh lây do muỗi đốt và đó là muỗi Culex. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua vật chủ trung gian là loài chim tu hú, nghĩa là đúng vào mùa vải ở miền Bắc cũng là mùa dịch viêm não Nhật Bản. Và đây là nỗi lo uy hiếp tất cả những người có con nhỏ và cả những thầy thuốc nhi khoa vì viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng về tâm thần, vận động sau này, tỉ lệ tử vong cũng khá cao.
Hàng năm, số ca mắc viêm não Nhật Bản (bệnh do muỗi Culex đốt) vẫn là mối lo ngại cho y tế và xã hội.
Xử lý ra sao khi bị côn trùng đốt, cắn?
Theo các chuyên gia, khi bị côn trùng đốt, cắn, nếu nhẹ có thể xử lý tại nhà. PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyên, trước hết cần xem xét vết cắn, đốt có gì đặc biệt không, chẳng hạn như sưng, nề, ngứa, không có mủ thì không đáng ngại. Còn nếu nó gây hậu quả như sốt cao, sưng phù, tái đi tái lại, trẻ gãi liên tục gây mủ... thì bắt buộc phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trong dân gian thì có nhiều cách như bôi dầu khuynh diệp, bôi vôi... nhưng không nên lạm dụng vì chưa có bằng chứng khoa học. Người ta thường bôi dầu khuynh diệp, dầu đậu nành... để tránh bị côn trùng đốt chứ không phải khi nó đốt rồi thì mới bôi. TS.BS. Đỗ Thị Thu Hiền cũng cho biết, những cách dân gian tự xử lý khi bị côn trùng đốt như rửa bằng nước muối sinh lý có tác dụng giảm viêm rất tốt hoặc rửa bằng xà phòng vì xà phòng có tính kiềm giúp trung hòa acid trong nọc độc của muỗi. Cũng tương tự như vậy thì nước vôi cũng giúp trung hòa acid trong nọc độc của muỗi hoặc côn trùng. Ngoài ra, dân gian còn có biện pháp rửa tổn thương bằng chanh hoặc giấm loãng có tác dụng sát khuẩn cũng làm giảm viêm ở các vết đốt. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo, chúng ta cũng không nên chủ quan vì có một số vết thương có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng dù rất nhỏ. Đó là khi vết thương đó sưng nề, mưng mủ, chảy dịch vàng, gây sốt cao, nổi hạch toàn thân, người mệt mỏi, những vết thương lâu liền, lúc nào cũng rỉ máu... thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
Riêng đối với kiến ba khoang, mặc dù luôn có cảnh báo nhưng năm nào hầu như cũng xảy ra các trường hợp viêm da do kiến ba khoang. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn, sai lầm phổ biến gây ra “ thảm trạng” là do người ta vô tình di, giết kiến ba khoang khiến chất pederine trong kiến giải phóng ra gây tình trạng như bỏng axit, chứ không phải là kiến ba khoang đốt. Khi đó, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như rát đỏ, mụn nước, mụn mủ, thường thành vệt. Nhẹ có thể tự khỏi, nhưng trong trường hợp nặng, mụn nước, mụn mủ nhiều hoặc có các triệu chứng nóng rát nhiều có thể điều trị đặc hiệu bằng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kháng sinh kết hợp corticoid. Các vết thâm do bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt thông thường theo thời gian sẽ tự hồi phục. Vì thế, nếu gặp kiến ba khoang, trước hết tránh di, miết. Nếu đã làm vậy, sau đó phải rửa tay ngay, không bôi ra vùng da khác để tránh vết bỏng lan rộng.
Hen với mạt nhàHen là một bệnh dị ứng và hen phế quản có cơ địa dị ứng với một số loài mạt, gọi là mạt nhà. Con mạt nhà là một loại côn trùng sống trong chăn, màn, giường, chiếu, nó rất nhỏ và khi người hít phải thì gây hen và viêm mũi dị ứng. Mạt nhà gây ra những cơn hen phế quản cấp, là yếu tố hàng đầu gây hen khởi phát ở trẻ em. Vậy làm thế nào để tránh được? Đó là con côn trùng sống trong tự nhiên, có sẵn trong bụi, việc phòng tránh cũng không thể tối đa được, chỉ có thể giảm thiểu nồng độ bụi hít phải vì nồng độ con mạt nhà trong bụi mà chúng ta hít phải càng cao thì khả năng lên cơn hen càng cao. Với môi trường ẩm, ví dụ như chăn màn một tháng không giặt thì độ bụi cao hơn thì con mạt nhà cũng nhiều hơn. Do đó cần vệ sinh, thay ga, gối, màn, chiếu, thảm... thường xuyên 1-2 tuần/ 1 lần. Bệnh nhân nặng thì trong cơ sở y tế có biện pháp giải mẫn cảm để giúp bệnh nhân thích nghi dần với nó. Hàng ngày, người bệnh hen cần giữ vệ sinh và khám định kỳ để có thuốc dự phòng, vì hen là bệnh mạn tính, phải dùng thuốc dự phòng, lúc không bị bệnh cũng dùng kéo dài để đường thở ổn, trẻ mắc hen khỏe mạnh khi lớn.Có nên bôi thuốc chống muỗi lên da trẻ?Một trong những biện pháp phòng ngừa muỗi đốt có thể là diệt muỗi hoặc tránh muỗi đốt bằng thuốc xịt muỗi và thuốc được bán khá phổ biến trên thị trường. Vậy chúng ta có nên lạm dụng thuốc này hay không, nhất là đối với trẻ em? Chúng ta vẫn biết trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với mọi vấn đề, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng. Vậy bản chất của thuốc phòng chống muỗi đốt là gì? Đó chính là những thành phần hóa học để diệt muỗi, chủ yếu là diethyl toluamide có tác dụng gây ức chế các dẫn chất acetylcholine khiến côn trùng không hoạt động được và khi nó ức chế côn trùng như thế thì bản thân đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nếu nồng độ cao. Do đó, vấn đề là phải dùng thuốc như thế nào, với những trẻ còn non dưới 6 tháng thì khá nguy hiểm, còn với những trẻ lớn hơn thì có thể sử dụng thuốc nếu nồng độ không cao. Thuốc có nhiều dạng khác nhau (gel, cream, xịt...). Nếu dùng dạng xịt ở vùng đầu, mặt, cổ thì trẻ có thể bị ảnh hưởng khi hít vào nếu nồng độ cao. Do đó, chúng ta phải kiểm tra trước khi sử dụng thuốc hoặc tư vấn bác sĩ xem thuốc đó có phù hợp với trẻ hay không và không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt khi trẻ đang có vết thương hở hoặc trầy xước...(PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy)
Từ khóa » Dế Cắn Có Nguy Hiểm Không
-
8 Loại Côn Trùng Gây Hại Và Truyền Bệnh Trong Nhà
-
Top 15 Dế Cắn Có Nguy Hiểm Không
-
Dế Mèn Có Cắn Người Không?
-
Mười Loài Côn Trùng Nguy Hiểm Nhất Việt Nam - .vn
-
Cách Xử Lý Khi Bị Côn Trùng Cắn
-
Côn Trùng Cắn | Kiểm Soát Côn Trùng Dịch Hại Rentokil
-
Dế Chũi Là Gì Và Làm Thế Nào để Bạn Chiến đấu Với Nó? - Jardineria On
-
Bé 3 Tuổi Nguy Kịch Sau Khi được Cha Cho ăn Dế Chiên
-
Top 16 Loại Côn Trùng Có Mặt Gây Hại Trong Nhà - Cách Tận Diệt
-
Bị Côn Trùng đốt: Cần Làm Gì? - Sức Khỏe - Zing
-
Dế Cơm Giòn Rụm, đắt Lạ, Khách 'yếu Tim' Không Dám động đũa ở ...
-
Dị Vật Chui Vào Trong Tai Nguy Hiểm Không? Xử Trí Dị Vật ... - Medlatec
-
Dế Dũi Làm Thuốc - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Các Loại Côn Trùng Thường Gặp Trong Nhà
-
Sát Thủ Ong Mặt Quỷ Kinh Khủng Thế Nào, Xử Lý Sao Nếu Bị đốt?
-
Tắc Kè Cắn Có độc Không? Có Nguy Hiểm Không? - Trang Trại Côn Trùng
-
Bị Bọ Chét Cắn Có Nguy Hiểm Không, Làm Thế Nào để Phòng Ngừa?