Người Giàu ở Pakistan Và Lối Sống Tằn Tiện đến Khó Tin
Có thể bạn quan tâm
- Xúc tiến thương mại quốc gia tại Pakistan
Khi đi lòng vòng tìm chỗ đậu xe, tôi bàng hoàng trước toà biệt thự tráng lệ nằm trong khu vực cao cấp của thành phố Karachi. Chị dâu tôi nói rằng tòa dinh thự ấn tượng không kém nằm phía bên kia đường cũng là của bà Bilquis Sulaman Divan, người Memon (một sắc dân thuộc nhánh phụ dòng Hồi giáo Sunni) và là đồng nghiệp cũ của chị ấy mà chúng tôi đang đến thăm.
Hai bên đường là những hàng rào được cắt tỉa hoàn hảo, kiến trúc thuộc địa của dinh thự và những khu vườn rộng lớn trải dài nói lên sự sung túc và cho thấy sự giàu có hơn nữa ở bên trong…
Giàu "nứt đố đổ vách" vẫn tiết kiệm từng đồng
Nhưng khi đến gần, chúng tôi được dẫn đi thẳng qua cổng chính lớn rồi được đưa đến một căn phòng đơn giản chứa đầy những vật dụng sinh hoạt thiết yếu, trong đó có một chiếc máy may xiêu vẹo bên cửa, chiếc sofa sờn chỉ và một chiếc tủ lạnh cổ.
Người Memon ở Karachi tiết kiệm tối đa sự chi tiêu không cần thiết. |
Mặc dù Divan và chị gái, người sống cùng với em rể và cô con gái đã trưởng thành của họ, có khối tài sản gần như không thể đong đếm được, họ là chủ sở hữu của một nhà máy sản xuất chai và là những người thừa kế công ty xuất khẩu trái cây từ người cha quá cố, nhưng họ dành phần lớn thời gian không phải trong những phòng tráng lệ của dinh thự mà là trong một khu nhà nhỏ. Phần còn lại của dinh thự được đem cho một trường tư thục tinh hoa thuê. Đó là nơi Divan và chị dâu tôi làm việc trong suốt hơn hai thập niên.
Tại sao giàu “nứt đố đổ vách” nhưng họ lại sống rất đạm bạc như vậy? Tôi tự hỏi. Divan và gia đình bà không phải là những người duy nhất. Như tôi sớm biết sau đó, toàn bộ cộng đồng Memon sống tối giản tự hào về việc tiết kiệm từng đồng từng cắc.
Sự tập trung vào gìn giữ tài sản, như những dấu tích cuối cùng của quyền lực và sự thống trị mà những người Memon tha phương bám vào, là một phần không thể thiếu trong việc tìm kiếm bản sắc của họ. Và mặc dù bảo đảm an ninh của mình thông qua ổn định tài chính đã trở thành thứ yếu trong cộng đồng Memon ở hải ngoại, những người Memon ở Karachi có câu chuyện thành công đặc biệt thú vị.
Một phần của những gì làm cho người Memon ở Karachi khác biệt so với người Memon ở Ấn Độ là ký ức về thời gian đau buồn của thời kỳ chia cắt, năm 1947. Trong khi những người Memon ở Ấn Độ ngày nay tiếp tục có quyền tiếp cận với các doanh nghiệp và các ngành nghề đã có chỗ đứng của ông cha họ, thì những người đã bứng gốc cơ sở làm ăn của họ và đi di dân đã phải bắt đầu lại từ đầu, đẩy lùi tình trạng tài chính của gia đình quay trở lại nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thế hệ.
"Ông tôi đến Pakistan, đi chân đất theo đúng nghĩa đen, hỏi xin việc mọi người. Ông đã xây dựng đế chế của mình từ từ và đa dạng hóa. Từ thời thơ ấu, chúng tôi đã được gieo vào lòng nhận thức về giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt. Đó là một phần của những gì chúng tôi nghe hằng ngày. Đó là cách chúng tôi sống sót. Và chúng tôi phải cố gắng trao tặng lại", Anila Parekh, cháu gái của nhà công nghiệp và nhà từ thiện Memon quá cố Ahmed Dawood, nói.
Không lãng phí
Đối với người Memon ở Karachi, mỗi “paisa” (tức là tiền trong tiếng Memon) tiết kiệm và tích lũy được là một bài ca cho những thử thách họ đã vượt qua.
Mặc dù hiện nay họ kiểm soát phần lớn các lĩnh vực kinh doanh ở Pakistan, bao gồm dệt may, giáo dục, công nghiệp phân bón và chứng khoán tài chính, nhưng sự tôn kính tiền bạc được khắc sâu trong đạo đức của người Memon, tạo nên một di sản tiết kiệm mà họ tự hào giữ gìn. "Đó không phải là không chi tiêu mà là đừng lãng phí", Nadeem Ghani, một người Memon và là Hiệu trưởng Trường Academia Civitas và Nixor, một trường đại học danh giá ở Karachi, nói.
Cộng đồng Memon ở Pakistan có khoảng 700.000 người, hầu hết sống tại Thủ đô Karachi. |
"Sống tằn tiện, khiêm nhường là biểu hiện của sự tôn trọng. Chúng tôi không né tránh việc đặt giá trị kim tiền vào việc tạo cho mình cuộc sống dễ chịu, thoải mái", ông giải thích.
Người Memon ở Karachi chẳng thà tự xoay xở với ít tiền hay chẳng thà sai lầm để thận trọng hơn là chi tiêu không cần thiết. Đó là một kiểu dự phòng những lúc khó khăn không lường trước được; một sự ghi nhớ những gian khổ trước đây.
Hira Khatri, một người Memon sống ở Karachi, nói với tôi rằng sự kế thừa trong hầu hết các hộ gia đình Memon thường trải qua nhiều chu kỳ khác nhau và mở rộng ra tới anh em họ hàng và thậm chí cả chú bác và cô dì. Tắt đèn hoặc quạt khi rời khỏi phòng là điều quan trọng trong bất kỳ hộ gia đình nào, bà cho biết, nhưng trong các gia đình Memon, quên làm như vậy là một lỗi lớn. Trẻ em Memon được dạy để ý thức về trách nhiệm.
"Tiền hàng tiêu dùng hằng tháng không phải là để ăn vặt, chúng tôi đã phải bỏ tiền túi để mua đồ bổ sung vào tủ lạnh. Chúng tôi cũng phải trả tiền nếu phạm lỗi. Số tiền 15 rupee Pakistan là tiền phạt cho tội quên xả nước bồn cầu hoặc quên tắt đèn, số tiền này được tích lũy để trả tiền mạng internet", Khatri cho biết, nhớ lại sự quan tâm đặc biệt của gia đình bà đối với các chi phí hàng tháng.
Điều thú vị là lối sống của người Memon gần giống với chỉ dẫn 'mới' của phong trào không xả thải. "Giảm bớt, tái sử dụng và tái chế, vốn trở thành xu hướng chủ đạo cách nay vài thập kỷ, đã nằm trong truyền thống của người Memon trong hàng trăm năm. Không phải là câu khẩu hiệu suông", Ghani nói.
Một số chủ đề thường lặp đi lặp lại ở nhiều hộ gia đình Memon mà tôi đã ghé thăm, chẳng hạn như tiêu thụ những thứ gì đang vào mùa và được trồng tại chỗ, hoặc lên kế hoạch bữa ăn để đảm bảo không lãng phí thực phẩm.
Nhiều người Memon ưa mua sắm những món rau quả thực phẩm đúng mùa và được nuôi trồng ở địa phương cho đỡ tốn kém. |
"Vào bữa tối, chúng tôi có một món rau và một món thịt, nếu có thêm bất cứ món nào khác nữa thì tôi bị sẽ chất vấn về sự lãng phí", Parekh nói. Theo Parekh và Manahyl Ashfaq, một người Memon có hoài bão trở thành nhà quay phim, thì việc gọt vỏ rau củ thật mỏng để giảm lãng phí là điều đáng tự hào. Thật ra, sử dụng dao bào được coi là sang chảnh, thay vào đó thì nên dùng dao để gọt vỏ, nếu được.
Ghani đã đi ra nước ngoài trong một tuần. Ông lái xe đi khắp nước Mỹ để đưa con trai 18 tuổi của ông đến thăm các trường đại học hàng đầu thuộc nhóm Ivy League. Hôm đó, hai cha con ông tới Princeton - nhưng ông không hề mắc cỡ mà chia sẻ rằng quần áo ông mặc trên người là mua từ Wal-Mart: chắc, bền và đáng tiền.
Dẫn lại các quy ước ăn uống của người Memon như một ví dụ về sự tiết kiệm, ông nói tiếp: "Đó không phải là về hình ảnh chúng ta xây dựng mà là về cách sử dụng tối ưu. Đối với chúng tôi, sẽ là không thành thật nếu không sử dụng phiếu ăn khai vị miễn phí, cho dù là trong lần hẹn hò đầu tiên hay nhiều năm sau khi kết hôn".
Dành dụm cho tương lai
Đối với người không quen, những đám cưới Memon xa hoa với những lều vải hoành tráng, thực đơn 10 món và trang phục cô dâu có thể lên đến hơn 1 triệu rupee (gần 5.000 bảng Anh) thì có vẻ không hợp với những cách sống thanh đạm của họ, nhưng về cơ bản, lễ cưới như vậy là sự thể hiện lòng tôn trọng khách. Đặc điểm nổi bật của đám cưới Memon là danh sách khách mời, có thể dễ dàng lên đến hàng ngàn người.
Khi được hỏi về nghịch lý này, ông Moshin Adhi, Chủ tịch Diễn đàn Nghề nghiệp Memon, nơi đào tạo nghề và tạo cơ hội xây dựng quan hệ cho giới trẻ Memon, nhanh chóng trả lời: "Đám cưới là cơ hội kết nối và xây dựng thương hiệu tuyệt vời". Có tính toán? Có lẽ vậy. Nhưng cũng thực sự là thẳng thắn.
Sự tằn tiện của người Memon có thể phản ánh "phong trào không xả thải" rộng lớn hơn, nhưng thói quen của họ trong việc nói chuyện một cách sốt sắng và cởi mở về tiết kiệm và tiền bạc là điều khiến họ khác biệt. Parekh nói rằng: "Khi đàn ông trong cộng đồng chúng tôi ngồi xuống ăn tối, họ hỏi về “paisa”. Đàn ông tiết kiệm bằng cách tái đầu tư vào kinh doanh.
Phụ nữ dành dụm vàng hoặc gửi tiết kiệm. Nhưng tất cả chúng tôi đều tiết kiệm vì chúng tôi không bao giờ biết tương lai sẽ ra sao. Các con tôi nay đã 32 và 27 tuổi, nhưng tôi vẫn đứng trước cửa nhà chúng vào ngày đầu tiên mỗi tháng để lấy phần lớn thu nhập của chúng rồi đem đầu tư cho chúng nó". Với nhiều người Memon, điều quan trọng trong cuộc sống là cần biết kiếm tiền, tiết kiệm, và trao tặng, giúp đỡ người khác
Quay trở lại nhà của Divan, từ ngữ trong ngày là 'lãng phí'. Chị dâu tôi, vốn vừa trở về từ lễ Hajj (cuộc hành hương linh thiêng của người Hồi giáo đến Mecca) mang theo vài tấm thảm cầu nguyện, chà là và mấy chuỗi hạt. Divan ngó qua, và ngay lập tức nói rằng không cần phải có đến hai tấm thảm. Khi chúng tôi trao đổi về những chi tiết nhỏ và tiếp tục thảo luận về thuốc nhuộm tóc, Divan đã tỏ vẻ kinh tởm khi chị dâu tôi nói rằng chị ấy bỏ ba muỗng trà vào thuốc nhuộm tóc của mình để nó có màu đậm hơn. "Lá trà chưa sử dụng? Thật là lãng phí quá chừng", bà than.
Tuy nhiên, khi đến lúc phải ra đi, bà chủ nhà lịch thiệp đã không để khách ra về tay không. Tôi nhặt lấy một cốc xốp tái chế chứa đầy rễ cây me để trị ho (lấy từ hốc sâu của tủ đông, vì nó sẽ rẻ hơn nhiều nếu mua số lượng lớn). Chúng tôi theo Divan đến cửa, đẩy những chiếc bàn sang một bên để di chuyển qua không gian nhỏ mà bà giữ lại sau khi cho thuê phần còn lại của dinh thự.
Những lời cuối cùng của bà rất thẳng thừng đi vào vấn đề: "Hãy tắt đèn trước khi rời phòng".
Từ khóa » đất Nước Pakistan Có Giàu Không
-
Pakistan Là Nước Giàu Hay Nghèo. Tìm Hiểu đất Nước, Kinh Tế, Văn ...
-
Pakistan – Wikipedia Tiếng Việt
-
8 Hiểu Nhầm Phổ Biến Về Pakistan - VnExpress Du Lịch
-
Đóng Thuế ở Pakistan: Người Nghèo Trợ Cấp Cho Người Giàu
-
Cô Dâu Việt Trên đất Pakistan Qua ống Kính Galaxy S9+ - Du Lịch
-
Pakistan - Nơi Thừa Bom Thiếu điện
-
Miền đất Thiên đường Này - Du Lịch đến Pakistan Phần 2 - Haydi Tour
-
Pakistan Giàu Tài Nguyên Thiên Nhiên
-
Top 15 đất Nước Pakistan Như Thế Nào
-
100 đô La Có Nhiều ở Pakistan Không? - Tạp Chí ADL
-
Ưu Tiên Của Tân Thủ Tướng Pakistan Là Xây Dựng đất Nước Giàu Mạnh
-
Tường Thuật Bóng đá Nữ Việt Nam Và Pakistan
-
Pakistan: Mưa Lớn Gây Thiệt Hại Nghiêm Trọng ở Karachi