Người Gom Nhặt Truyện Cười Xứ Bắc
Có thể bạn quan tâm
Cuối những năm tám mươi (thế kỷ trước), tôi được UBND tỉnh Hà Bắc phân công phụ trách khối Văn hóa - Xã hội, trong đó có ngành văn hóa - thông tin, khi đó ông Trần Quốc Thịnh đã nổi tiếng là người đam mê nghiên cứu Văn nghệ Dân gian, chủ yếu là truyện cười. Một ngày cuối thu năm 1997, ông Trần Quốc Thịnh đến Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Ninh (lúc đó ở nhờ Nhà nghỉ Suối Hoa) tặng tôi “Tuyển tập tiếu lâm xứ Bắc”(*).
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh (trái) và “cây” cười Bùi Vinh Thường.
Trong cuộc trò chuyện tâm tình, ông cho biết xứ Bắc (ý nói tỉnh Hà Bắc cũ gồm Bắc Ninh và Bắc Giang) có 14 làng cười, trong đó Bắc Ninh có 6 làng. Các làng dùng nghệ thuật khoa trương (dân gian gọi là nói khoác, nói phét) có Trúc ổ, Đồng Sài huyện Quế Võ; Đông Yên, Yên Từ huyện Yên Phong; nghệ thuật châm biếm (nói tức) làng Can Vũ, huyện Quế Võ; nói lưu đôi dân gian gọi là nói ngang có làng Ngang huyện Tiên Du. Những làng này có nhiều người biết sáng tác truyện cười và hầu như cả làng ai cũng biết kể truyện cười, họ kể hay, vui và hấp dẫn. Nghệ thuật của họ là nói khoác, nói tức, nói ngang, nói khoe, nói giễu... Người nghe biết họ nói khoác, nói giễu, nói tức mà vẫn thích nghe vì mỗi câu chuyện đều làm người nghe cười lăn cười lóc, cười rũ rượi. Mỗi làng cười đều có đặc điểm riêng Trúc ổ nói khoác có lý, Đông Yên nói khoác để khoe giàu, Yên Từ nói để giấu nghèo; Can Vũ nói tức cả gia súc, gia cầm...
Ông tâm sự: “Tiến hành công trình này tôi muốn nối chí người xưa, chép hậu Tiếu lâm Việt Nam ở một tỉnh để góp vào vườn hoa hài hước Việt Nam thêm vẻ, thêm màu. Cả đời lăn lộn, khi sách được ra thì tỉnh Hà Bắc lại chia làm hai, nhưng xứ Bắc thì vẫn là một”.
Ông Trần Quốc Thịnh sinh ra trong một gia đình có bốn đời đi hát chèo ở làng Thất Gian, xã Châu Phong, huyện Quế Võ. Cụ tứ đại làm lý trưởng. Một năm mất mùa, dân bị đói, quan về thu thuế, cụ cho giai làng đập vỡ mảnh sành của vung hồ (cái đựng nước gánh ra đồng) lấy mảnh sành để vào lọ mang đến trình quan huyện. Quan sai lính tráng đổ ra thấy toàn mảnh sành, quan tức quá ra lệnh đánh cụ. Cụ cùng các trai làng du đổ cửa huyện rồi chạy về làng. Cuộc phản kháng đã khiến cụ bị cách chức và đi tù. Khi ra tù, cụ đem bán ruộng và nửa cái đầm cá, lấy tiền lập gánh hát chèo làng Thất Gian. Cụ tứ đại mất, ông nội đem nửa cái đầm còn lại bán nốt để nuôi phường chèo, đến đời bố mẹ ông tiếp tục duy trì gánh chèo làng Thất Gian với 12 diễn viên đi diễn khắp làng trên, xóm dưới và vùng lân cận. Ông Trần Quốc Thịnh được mang khăn gói đi theo gánh chèo. Sự thâm thúy của đạo Nho, tính trào lộng của nghệ thuật hát chèo đã làm nên tiếng cười dân gian vừa hóm hỉnh, thông minh vừa có chút cay đắng, hài hước. Lời hát động chạm tới tất cả những thói hư tật xấu của quan tham như một sự giải tỏa cho những người dân bị áp bức... Tinh hoa môn nghệ thuật chèo truyền thống đã dần ngấm vào máu thịt ông, nhen nhóm niềm đam mê chèo và nghiên cứu văn nghệ dân gian từ thời niên thiếu.
Năm 1968, ông được huyện điều động lên công tác tại Phòng Văn hóa huyện Quế Võ, phụ trách đội nghệ thuật không chuyên của huyện, kiêm diễn viên. Trong thời gian này, ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong các vai diễn, tấu hề trên sân khấu chèo quần chúng như vở chèo Quan Âm Thị Kính, Hội nghị Diên Hồng, Sản xuất tiết kiệm... Đặc biệt, ông thành công với những vai tấu hề và tấu kể chuyện như Câu chuyện lúa xuân (năm 1964), Thổ công thủy lợi (năm 1968).
Năm 1970, ông Trần Quốc Thịnh có tên trong danh sách giảm biên chế của Phòng Văn hóa huyện và chuyển sang làm công nhân Xí nghiệp Vôi Nam Thắng ở Đáp Cầu. Ban ngày ông tham gia sản xuất, tối về đi học bổ túc văn hóa đến hết phổ thông và sáng tác những tiểu phẩm tấu hề như Hòn vôi kể chuyện và tấu tự sự Chẳng có việc gì khó. Hai vai tấu tự biên tự diễn này đã đưa ông trở lại sân khấu chèo với giải Nhất Hội diễn Công - Nông - Binh tỉnh Hà Bắc, năm 1975 và giải Nhất hội thi Thông tin cổ động tỉnh năm 1976. Ông đã gửi tâm tư của người tiếc nhớ tiếng chèo cổ truyền vào sự dày công nghiên cứu, sưu tầm ra cuốn Những lời bông trong chèo.
Năm ông 40 tuổi, theo chủ trương “đại học hóa cán bộ”, cơ quan bắt khai rút đi 5 tuổi để đi học đại học. Anh Trần Quốc Khải, con trai cả của ông vốn là sinh viên được động viên đi bộ đội, “Mỹ cút, ngụy nhào” anh trở lại trường tiếp tục học, sau này lấy vợ cùng lớp. Thế là ba bố con cùng học một lớp tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1976 - 1980). Thời gian học đại học, nhờ sự khích lệ của bạn bè, đồng nghiệp, ông Thịnh bắt đầu chú tâm nghiên cứu “làng cười của xứ Bắc”. Lúc đầu, ông chỉ có ý định sưu tầm chừng 50 truyện làm ví dụ. Quá trình tìm hiểu đã đưa ông tới một niềm đam mê mới. Ông làm luận văn tốt nghiệp đại học, với đề tài “Nói phét, nói tức, nói ngang là văn hóa” khiến thầy Đinh Gia Khánh hướng dẫn luận văn băn khoăn, nhưng đề tài này đã được điểm 9, đem lại niềm vui bất ngờ! Tốt nghiệp ra trường, ông về lại cơ quan cũ và tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm chuyện tiếu lâm.
Bìa cuốn Tuyển tập Tiếu lâm xứ Bắc tập 1.
Sưu tập truyện cười là công việc theo suốt đời ông, những lúc vui buồn, sướng khổ, ông vẫn không nguôi ý nghĩ và xa rời công việc, thậm chí lúc nuôi con gái cụt chân ở bệnh viện, ông vẫn tiếp tục hoàn chỉnh bản thảo Truyện làng cười xứ Bắc để đưa in. Có người bảo: “Anh còn sung sướng gì mà viết truyện cười?”, ông bảo “Cả xã hội đang cười, chỉ có mình tôi khóc, sao lại bắt mọi người phải khóc theo”.
Có một thời ông dự định sẽ xuất bản dăm quyển sưu tầm truyện cười và làng nói tức xứ Bắc. Nhưng có người “xúi”, bảo “lão Thịnh viết sách chửi cả tỉnh Hà Bắc (cũ)”, thế là “người ta” cấm. Anh vừa tiếc nuối vừa đau buồn, đau tới mức đi làm hàng ngày, gò lưng kéo càng xe cải tiến, tay vẫn cầm chai rượu, ngẫm ngợi sự đời và... lẩm bẩm nói đổng!
Ông đã xuất bản 32 đầu sách gồm hàng vạn trang, tiêu biểu là Truyện làng cười xứ Bắc (1987-1988), Trong hang đá (1989), Thánh Tam Giang và sự tích thờ thần (1990). Năm 1997, tuyển tập Tiếu lâm xứ Bắc 3 tập do ông Trần Quốc Thịnh sưu tầm, biên soạn nhận được giải Ba của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ngoài ra còn xuất bản các tập sách: Quần thể văn hóa Phả Lại - Đại Phúc (2000), Văn hóa ẩm thực Kinh Bắc...
Ông Trần Quốc Thịnh không phải là người sáng tác hoặc kể truyện cười, ông bảo truyện cười sinh ra từ dân gian, ông chỉ là “người đi nhặt” truyện cười. Nhưng trong giao tiếp hàng ngày, từ vóc dáng, điệu bộ, trang phục và phong cách biểu đạt cảm xúc đều toát lên sự hóm hỉnh và hài hước. Ông thường mặc quần vải thô, áo sơ mi, đầu đội mũ cát trắng, với chiếc xe đạp cà tàng, có lúc chống chiếc gậy tre cần mẫn, thong dong trên khắp nẻo đường quê. Trong một cuộc trò chuyện thân mật, ông thổ lộ: “Nhà có 3 người Tổng hợp Văn được trên “phân bổ” mỗi một cái xe đạp khung miền Nam, xăm lốp chả có. Tôi mới mạnh dạn lên phòng ông Chủ tịch tỉnh Mai Thúc Lân xin được cấp một đôi lốp và một bộ đùi đĩa để tôi đi... nghiên cứu văn hóa xứ Bắc”!(**).
Một lần ông đi ăn cỗ ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), trước đông đủ quan khách của gia chủ, một cậu thanh niên biết ông Trần Quốc Thịnh ngồi gần, bèn đứng lên nói to cốt để mọi người nghe thấy: “Ôi, ông Trần Quốc Thịnh toàn đi hỏi han, chép nhặt, chắp vá lằng nhằng. Đọc truyện ông Thịnh chán lắm!” Ông Thịnh ngồi phía sau, mặt đỏ bừng vì tự ái, quay sang hỏi: “Cậu là người ở đâu?”. Cậu thanh niên cười rõ tươi bảo: “Thú thật với bác, bác không biết cháu, nhưng cháu biết bác lâu rồi. Cháu người ở xóm Muỗi, thôn Trung, xã Nội Hoàng”. Tác giả đi nhặt truyện cười bắt chặt lấy tay cậu ta: “Nói tức giỏi nhất là người ở đó. Nói cho người khác tức mà không giận là nghệ thuật nhưng cậu lại nói tức được cả người nghiên cứu nói tức mới hay chứ. Đúng không hổ danh đất Nội Hoàng cả làng nói tức”.
Trong một hội nghị, ông và bà xã cùng được mời dự, lúc giải lao, có người hỏi: “Bà xã nhà bác chắc cũng học cùng khóa chứ?”. ông nhoẻn cười: “Vâng, bà nhà này học cùng khóa. Học giỏi lắm”. Mọi người đều trầm trồ. Ông nói tiếp ngay: “Bà ấy giỏi nhất môn khóa cửa, khóa cổng, khóa hòm và khóa cả chuồng trâu...”. Mọi người được một phen cười rộ. Ông nói thêm: “Nhờ có bà cùng khóa này nuôi 6 người con trưởng thành mà tôi yên tâm đi lang thang trong dân gian để gom nhặt truyện cười”. Đó là cách giới thiệu hài hước, hóm hỉnh nghề nghiệp của ông.
Trong cuộc sống hàng ngày ông luôn cởi mở, hòa đồng, coi những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu với mọi lứa tuổi là niềm vui, như mở thêm một “cánh cửa” cho cuộc đời, xua tan khoảng cách xa lạ bằng những lời lẽ hóm hỉnh tạo nên tiếng cười thân thiện.
Rời cõi nhân gian, về miền cực lạc ở tuổi bát thập, Nhà nghiên cứu Văn nghệ Dân gian Trần Quốc Thịnh để lại hậu thế kho tàng tinh hoa trí tuệ vô giá của các thế hệ người Kinh Bắc, tô thắm cho đời bằng những tiếng cười thâm thúy, hóm hỉnh, hài hước và sảng khoái!
--------------
(*) Tuyển tập Tiếu lâm xứ Bắc tập 1 gồm 299 truyện cười, sách dày 420 trang, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành, tháng 4/1997.
(**) Ông Mai Thúc Lân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.
Từ khóa » Trúc ổ Tổ Nói Phét
-
Thành Ngữ – Tục Ngữ: Trúc Ổ Tổ Nói Phét | Ca Dao Mẹ
-
Trúc Ổ Tổ Nói Phét | - Cộng đồng Tri Thức & Giáo Dục
-
Làng “nói Phét Gia Truyền” ở Bắc Giang - Báo Giao Thông
-
ăn Tục Nói Phét Là Gì? - Từ điển Thành Ngữ Tiếng Việt
-
Chết Cười Nghe Dân Làng Văn Lang, Phú Thọ Nói Khoác - VTC News
-
Cả Làng… Nói Phét! - An Ninh Thủ đô
-
Thăm Làng “nói Phét” Truyền Thống ở Bắc Giang - Môi Trường Đô Thị
-
Kỳ Lạ Làng Nói Phét ở Bắc Giang Khiến Du Khách Ngã Ngửa
-
Có Một Làng “nói Phét” ở Ngoại Thành Hà Nội - ThanhtraVietNam
-
Khám Phá Những Làng Nói Phét Nổi Tiếng Việt Nam - TravelMag
-
Làng Nói Phét “gia Truyền” | Báo Dân Trí
-
Những Ngôi Làng Có Truyền Thống Nói Phét Nổi Tiếng Nhất Việt Nam ...
-
Kỳ Lạ Làng Nói Phét | Sống 4 Màu | - Kiến Thức