Người Mệt Mỏi đau Nhức Toàn Thân Là Bệnh Gì? • Hello Bacsi

Người mệt mỏi đau nhức toàn thân là tình trạng mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Cảm giác đau mỏi người, ê ẩm mình mẩy, mệt mỏi khiến bạn chỉ muốn nằm trên giường để nghỉ ngơi và chẳng còn sức lực làm gì nữa.

Bạn có thể cảm thấy đau nhức toàn thân dai dẳng âm ỉ hoặc đau buốt từng cơn. Cảm giác thường được mô tả là trên gân, cơ, xương hoặc khớp. Người bị ảnh hưởng có thể cảm thấy chỗ nào cũng đau khi bị sờ ấn, hoặc có những vùng đau cụ thể như cổ, vai, lưng, đùi, bắp tay, bắp chân, khi sờ ấn vào đau thốn nhiều hơn. Đôi khi, đó chỉ là cảm giác mệt mỏi, uể oải, nặng nề khắp người. Ngoài ra, các triệu chứng đau mỏi người còn kèm theo mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đau đầu, chán ăn, đau ngực, khó thở, khó nuốt, … 

Để bản thân không bị ảnh hưởng quá nhiều từ những cơn nhức mỏi toàn thân, bạn nên biết rõ nguyên nhân để phòng tránh cũng như có những biện pháp điều trị tình trạng này.

Nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức toàn thân

Ngày nay, khi đề cập đến tình trạng người nhức mỏi toàn thân, bạn không thể không nhắc đến hội chứng suy nhược mạn tính (CFS). Hội chứng này được đặc trưng bởi sự mệt mỏi dai dẳng. Tình trạng người mỏi mệt ê ẩm trở nên tồi tệ hơn khi gắng sức, không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh không bị bất kỳ bệnh lý cụ thể nào gây ra các triệu chứng này.  

Hầu hết bệnh nhân có thể lực rất tốt trước khi bắt đầu bị đau nhức toàn thân. Sự mệt mỏi bắt đầu khá đột ngột, tương tự cúm. Họ cũng cảm thấy khó chịu sau khi gắng sức, sau các hoạt động thường ngày và phục hồi rất chậm (thường trên một ngày) kèm theo các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, đau ở nhiều khớp. 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể than phiền giấc ngủ bị xáo trộn và không thấy sảng khoái khi ngủ dậy. Họ thường buồn ngủ ban ngày và mất ngủ vào ban đêm. Một số người bị suy giảm nhận thức, tốc độ xử lý công việc chậm lại, khả năng học tập kém, suy giảm khả năng xử lý thông tin mới, suy giảm trí nhớ và giảm khả năng tập trung. 

Hội chứng suy nhược mạn tính (CFS) hiện nay là một vấn đề sức khỏe phổ biến và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Căn nguyên của hội chứng này phức tạp, chưa được biết hết và còn gây tranh cãi. Các nhà khoa học đã ghi nhận một số nguyên nhân như nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), virus herpes ở người (HHV) -6 và virus parvovirus B19 ở người; di truyền và các tác động làm thay đổi hệ miễn dịch.

Hội chứng này là một rối loạn trên nhiều cơ quan, người bệnh cần được thăm khám và có chỉ định hợp lý. Hiện nay, các bác sĩ đang ưu tiên phương pháp không dùng thuốc hơn. Chúng bao gồm: các liệu pháp nhận thức – hành vi, các bài tập thể dục chọn lọc với cường độ và thời gian gắng sức tăng dần trong nhiều tuần, cũng như cố gắng học cách cân bằng giữa nghỉ ngơi và hoạt động để cơ thể hồi phục.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác khiến bạn dễ gặp phải tình trạng ê ẩm mình mẩy như vận động quá mức, chơi thể thao cường độ cao, tư thế nằm và ngồi không đúng, ít vận động, thời tiết thay đổi hay cơ thể thiếu canxi – vitamin D,… Bạn cũng có thể bị đau nhức toàn thân do cảm cúm, cảm lạnh, căng thẳng, thiếu ngủ, uống ít nước hay không được bù nước kịp thời. 

Một số trường hợp đau mỏi cơ toàn thân kéo dài có thể liên quan đến các bệnh cơ xương khớp, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh ngoại biên… Trong trường hợp này, bạn nên đến bác sĩ thăm khám và được hướng dẫn cách chữa đau nhức toàn thân hiệu quả.

Đau nhức toàn thân và những cơn đau ở các vùng cơ thể

Bên cạnh tình trạng đau nhức toàn thân, bạn cũng có thể bị đau ở những vùng cụ thể như cổ, vai, lưng hoặc tay chân. Cơn đau ở các bộ phận cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh không khác gì với tình trạng đau mỏi toàn thân. Dưới đây là một số vùng dễ bị đau trên cơ thể:

1. Đau mỏi cổ

Bạn có thể cảm thấy đau âm ỉ hay căng cứng cơ ở cổ. Đôi khi, cơn đau còn lan ra các vị trí khác như gáy, thái dương, tai hoặc lan xuống vai, tay và khiến bạn đau mỏi người. Tình trạng này thường kèm theo hạn chế vận động vùng cổ, làm bạn khó xoay trở đầu, nhất là khi giữ lâu một tư thế.

đau mỏi cổ

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau mỏi cổ:

  • Thời tiết lạnh khiến cơ bắp và các khớp xương co rút nhiều hơn, đồng thời gây chèn ép làm mạch máu vùng cổ lưu thông kém, từ đó gây đau mỏi cổ
  • Gối đầu quá cao khi ngủ hoặc nằm quá lâu ở một tư thế.
  • Ngồi trước màn hình vi tính, ti vi quá lâu mà không vận động.
  • Tập luyện thể thao quá sức, không khởi động trước hoặc tập không đúng kỹ thuật.
  • Gội đầu thường xuyên vào ban đêm làm giảm lượng oxy cung cấp cho các mạch máu

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới đau mỏi cổ còn có thể do tình trạng lo lắng, trầm cảm, thoái hóa cột sống, chèn ép dây thần kinh, tổn thương đĩa liên đốt sống sau chấn thương hoặc một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, viêm màng não, ung thư… 

Ai dễ gặp phải triệu chứng đau mỏi cổ?

  • Những người từ 30–40 tuổi trở đi, mạch máu giảm tính đàn hồi rất dễ nhức đầu, hoa mắt, mỏi cổ, quay cổ nghe rắc rắc…;
  • Những người hay làm việc ở một tư thế trong thời gian dài (như nhân viên văn phòng, tài xế…) và ít vận động, tập luyện thể dục làm cho đĩa đệm cột sống cổ dễ thoái hóa gây đau nhức cổ.

Nếu bị đau nhức mỏi toàn thân thường xuyên và kéo dài, đặc biệt ở phần cổ, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để có phương pháp chữa trị kịp thời khi cần thiết.

2. Đau vai gáy

Khi thời tiết thay đổi, đau vai là tình trạng khó tránh khỏi, nhất là đối với phụ nữ trung niên. Đau vai gáy là một dạng đau nhức toàn thân thường do rối loạn thần kinh cơ gây ra. Bạn sẽ thường gặp tình trạng này sau khi ngủ dậy vào buổi sáng. Phần cổ sau gáy kéo dài xuống hai bả vai sẽ bị nhức mỏi, khó chịu.

đau vai gáy

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau vai gáy

Đây là dạng bệnh có liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy. Thời tiết thay đổi khiến cơ vùng đốt sống cổ bị co cứng, đồng thời dễ làm các mạch máu tại đây bị chèn ép dẫn đến lưu thông máu kém, từ đó khiến tình trạng đau vai gáy càng nặng hơn.

Ngoài ra, ngồi quá nhiều, ít vận động, sử dụng gối nằm quá cao, nằm không đúng tư thế (nằm nghiêng quá lâu, nằm co quắp người,…) sẽ làm mạch máu và cơ bị chèn ép, khiến máu không thể lưu thông và gây đau vai gáy. 

Tập thể dục là một trong những phương pháp hạn chế nguy cơ đau nhức toàn thân nói chung và đau mỏi vai gáy nói riêng. Nếu là một người ít vận động, ngồi nhiều và làm việc trí óc thì bạn nên lập cho mình thói quen tập thể dục ngay.

Trong một số trường hợp khác, đau vai gáy có thể do các vấn đề xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, viêm khớp, gãy xương gây ra và cần điều trị y tế. Vì vậy, nếu triệu chứng này kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám.

Đau vai gáy thường xuất hiện ở:

  • Những người lớn tuổi: Hệ miễn dịch, hệ cơ xương khớp và khả năng vận động của người lớn tuổi thường suy giảm khiến họ dễ bị viêm cũng như thường xuyên bị đau nhức toàn thân, kể cả đau vai gáy.
  • Nhân viên văn phòng: Do công việc ngồi trước máy tính quá lâu lại ít vận động nên tình trạng đau vai gáy thường xuyên xảy ra. 
  • Những người chơi thể thao quá mức: Những người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao như chơi các môn bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ… thường vận động khớp vai quá mức khiến dây chằng bị căng giãn và gây đau.

3. Nhức mỏi cánh tay

Nhức mỏi cánh tay là hiện tượng nhức mỏi cơ bắp tay, cổ tay và ảnh hưởng đến hoạt động của cánh tay. Tình trạng này thường xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đau khắp người.

đau nhức cánh tay

Nguyên nhân gây nhức mỏi tay:

  • Tư thế nằm ngủ đè áp tay khiến cơ và mạch máu bị chèn ép lâu và dẫn đến máu lưu thông kém
  • Những người tham gia thể thao nặng hoặc hoạt động tay quá sức (như khuân vác)
  • Cơ thể thiếu canxi – vitamin D và dễ bị chuột rút 
  • Những người lớn tuổi ít vận động
  • Những người có bệnh về cơ xương khớp như thoái hóa, viêm khớp, ung thư xương…có thể bị nhức mỏi tay nói riêng và đau nhức toàn thân nói chung
  • Chấn thương mạnh ở tay khiến máu tích tụ ngày càng nhiều gây ra hiện tượng đau nhức
  • Những người có bệnh lý như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, thiếu máu não, các bệnh về gan và thận…
  • Do sử dụng một số loại thuốc kháng sinh với liều lượng cao.

Bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhức mỏi tay kéo dài. Nếu càng thờ ơ, các cơn đau nhức có thể khiến bạn mệt mỏi, đau người ê ẩm, căng thẳng và từ đó dẫn đến ăn uống không ngon, ngủ không đủ giấc hoặc mất ngủ.

4. Đau lưng

Đau lưng là tình trạng thường thấy ở hầu hết mọi lứa tuổi. Đau lưng khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là cúi người.

Đau lưng được chia thành 3 loại:

  • Đau lưng cấp tính: loại đau lưng này thường kéo dài dưới 6 tuần. Đau cấp tính có thể gây ra do các nguyên nhân như ngã hay va chạm mạnh ở vùng lưng.
  • Đau lưng bán cấp: cơn đau kéo dài 6–12 tuần
  • Đau lưng mạn tính: cơn đau thường kéo dài trong ít nhất 12 tuần.

Đau nhức lưng

Những nguyên nhân gây đau lưng:

Thông thường, đau lưng có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:

  • Chấn thương
  • Bong gân và trật vẹo trong vùng thắt lưng
  • Bạn ngồi, đứng hoặc đi bộ với tư thế xấu kéo dài hoặc lặp đi lặp lại.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Tình trạng viêm nhiễm như viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng cột sống, đĩa đệm, áp xe ngoài màng cứng hoặc áp xe cơ / mô mềm vùng lưng. 
  • Thoái hóa khớp cột sống, tổn thương khớp cùng chậu, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, vẹo cột sống… gây ra tình trạng đau lưng.
  • Các thói quen thường ngày như mang ba lô nặng, mang túi nặng một bên, khom lưng nhặt đồ vật, khiêng vật nặng hay thường xuyên vặn lưng phát ra tiếng rắc cũng sẽ dẫn đến tình trạng nhức mỏi vùng lưng 
  • Ngoài ra mang thai cũng là một nguyên nhân cơ học dẫn đến bệnh lý đau lưng hoặc đau nhức toàn thân 

Ai có khả năng dễ mắc phải tình trạng đau lưng?

Người nằm trong các trường hợp dưới đây dễ bị đau lưng hơn những người khác:

  • Những bị béo phì: Trọng lượng dư thừa có thể làm tăng áp lực lên đĩa đệm, cơ và khớp ở lưng và khiến lưng bị đau. 
  • Người ít hoạt động thể chất
  • Ngồi một chỗ quá lâu trong ngày do công việc
  • Người từ 30–40 tuổi trở lên
  • Những người có tiền sử mắc các bệnh như viêm khớp, viêm cột sống, ung thư xương hay do gen di truyền
  • Người có thói quen hút thuốc lá: Hút thuốc lá khiến cơ thể không nạp được nhiều chất dinh dưỡng cho đĩa đệm ở lưng và gia tăng nguy cơ bị đau lưng.

Một điều quan trọng cần lưu ý là nhiều rối loạn không liên quan đến lưng có thể dẫn đến các cơn đau mà bệnh nhân cảm nhận được ở lưng, chẳng hạn như đau quặn mật, viêm phổi, viêm tụy cấp, bệnh lý thận (sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu). 

5. Nhức mỏi chân

Trong các vấn đề liên quan đến tự nhiên đau nhức toàn thân, nhức mỏi chân cũng phổ biến như nhức mỏi vai gáy và nhức mỏi tay. Tình trạng này cũng thường xảy ra ở những người ít vận động và những người lớn tuổi có vấn đề về xương khớp.

Nhức mỏi chân khiến đùi và bắp chân có cảm giác mỏi mệt, tê nhức và đôi khi còn bị chuột rút. Nhức mỏi chân không nguy hiểm đến sức khỏe, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động hằng ngày như đi lại, chạy nhảy hay tập thể dục.

Nhức mỏi chân

Nguyên nhân khiến bạn nhức mỏi chân:

  • Cơ thể thiếu canxi và vitamin D dễ gây ra tình trạng loãng xương và đau mỏi tay chân
  • Một số bệnh lý về cơ xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, đái tháo đường
  • Khi tuổi càng cao, xương khớp bắt đầu lão hóa, nhiều vấn đề xương khớp có thể xảy ra và gây đau nhức.
  • Phụ nữ sau khi sinh cũng thường bị đau mỏi chân do phải chăm sóc em bé, làm những động tác như bế, ôm, cho con ăn, bú. Tất cả những hoạt động đó còn khiến cho người mẹ đau nhức toàn thân.
  • Thừa cân, béo phì khiến trọng lượng cơ thể dồn vào các khớp gối, khớp bàn chân nên dễ khiến bạn đau nhức chân.
  • Thay đổi thời tiết, nhất là vào mùa lạnh, gây hạn chế lượng máu lưu thông nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp và cơ vùng chân.
  • Tập luyện những động tác quá mạnh ở cơ chân.
  • Ngồi một chỗ quá lâu, không vận động khiến bạn dễ bị tê bàn chân và nhức mỏi bắp chân.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
  • Các thói quen như ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, đi giày cao gót, đá mạnh chân đều gây ảnh hưởng đến khớp gối và các cơ vùng chân, từ đó dễ gây đau mỏi nhiều hơn

Khi xuất hiện những triệu chứng nhức mỏi bắp chân, đùi, bàn chân bị tê… bạn nên nghỉ ngơi, duỗi thẳng chân ra và xoa bóp nhẹ nhàng giúp các mạch máu lưu thông dễ dàng hơn.

Phòng ngừa những cơn đau nhức toàn thân như thế nào?

Nếu biết cách phòng ngừa, bạn sẽ có thể ngăn chặn được các cơn đau mỏi cơ toàn thân xuất hiện. Bạn nên:

  • Tắm nước nóng để cơ thể được thư giãn
  • Vận động và tập thể dục ở mức độ vừa phải phù hợp với sức khỏe
  • Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể bằng các loại thực phẩm như sữa, rau dền, cá, trứng, ngũ cốc…
  • Áp dụng các bài tập yoga hoặc ngồi thiền
  • Xoa bóp vai, tay và chân sau những giờ làm việc. 
  • Có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, uống đủ nước cơ thể cần.
  • Tránh căng thẳng lo lắng kéo dài, ngủ đúng giờ và đủ giấc.
  • Tránh các thói quen và tư thế sai như đã đề cập ở trên trong sinh hoạt hàng ngày

Hello Bacsi hy vọng với những kiến thức trên, bạn có thể hiểu rõ về nguyên nhân gây đau nhức toàn thân để từ đó có thể hạn chế được tình trạng này.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » đau Cơ Toàn Thân Là Bệnh Gì