Người Phật Tử Tại Gia đầu Tiên Trong Phật Giáo Là Ai? - Chùa Bằng

Chào mừng quý vị ghé thăm trang nhà Chùa Bằng - Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý. Chỉnh kích thước chữ Thông tin Lịch sử chùa Bằng Tóm tắt tiểu sử Lịch sử chùa Lý Triều Quốc Sư Lịch sinh hoạt hàng tháng Chùa Lý Triều Quốc Sư LỊCH TU HỌC HÀNG THÁNG NĂM 2024 CỦA CHÙA BẰNG Tin tức Hoạt động Phật sự Tư tưởng Phật giáo Thường thức Phật giáo Lịch Sử Phật Giáo Pháp thoại Video Audio Kinh tụng Âm nhạc Phật giáo Hình Ảnh Hoa đăng Sách Thư viện sách Lời vàng vi diệu Tùy bút Liên hệ Liên hệ BBT Website Email: chuabang.com@gmail.com. Vị trí Chùa trên bản đồ Google Kiểu tìm Bài Viết & Tin TứcVăn Thơ Lịch Sử Phật Giáo › Bài viết Chia sẻ trên Facebook Twitter bài viết này Chia sẻ trên Google Ngày đăng: 30/05/2022 14:32 PM Người Phật tử tại gia đầu tiên trong Phật giáo là ai? Khi Đức Phật vừa thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, có 2 vị thương gia là Bhallika và Trapusha dẫn đoàn xe chở hàng đi ngang qua, được Chư thiên mách bảo, hai thương gia này lòng tràn đầy vui sướng, vội dừng xe, sắp xếp bánh và mật ong, rồi cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật ngự dưới tàn cây Rājāyatana.

Cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo quy y Nhị bảo (lúc này chưa có Tăng bảo)

Hai thương gia Tapussa và Bhallika – Vào tuần lễ thứ bảy sau khi đắc đạo, Đức Thế Tôn ngự tại cội cây Rājāyatana. Lúc bấy giờ có hai thương gia tên Tapussa và Bhallika trên đường về quê, từ Ukkhala đi ngang qua chỗ Đức Phật ngự, khi ấy hai thương gia này được một vị chư thiên vốn là quyến thuộc của họ, đã mách bảo rằng:

Các bạn ơi, có Đức Thế Tôn vừa giác ngộ, Ngài đang ngự tại cội cây Rājāyatana; các vị hãy đi đến Đức Thế Tôn ấy và cúng dường với bánh bột và mật ong. Sự cúng dường này sẽ mang lại cho các bạn lợi ích an vui lâu dài”.

Được nghe mách bảo, hai thương gia này lòng tràn đầy vui sướng, vội dừng xe, sắp xếp bánh và mật ong, rồi cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật ngự dưới tàn cây Rājāyatana. Đến nơi hai người đã kính cẩn đảnh lễ Đức Phật và dâng lên Ngài thực phẩm bánh và mật ong:

“Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy thọ nhận lễ phẩm của chúng con, bánh và mật ong cho chúng con được sự lợi ích an vui lâu dài”.

Đức Thế Tôn suy nghĩ:

“Các đấng Như Lai không thọ nhận thực phẩm bằng tay, vậy ta nên thọ nhận bánh và mật ong này bằng cái chi đây?

Khi ấy, Tứ Đại Thiên Vương biết được ý nghĩ của Đức Thế Tôn từ bốn hướng hiện ra mang bốn cái bát đá dâng lên Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy thọ nhận bánh vào bốn cái bát đá này”.

Đức Thế Tôn đã lấy bốn cái bát và chú nguyện thành một, xong ngài đã thọ nhận bánh và mật bằng cái bát đá đặc biệt ấy rồi thọ thực.

Sau khi Đức Thế Tôn thọ thực xong hai thương gia Tapussa và Bhallika đảnh lễ dưới chân Ngài và xin qui y:

“Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin quy y Đức Thế Tôn và quy y giáo pháp. Xin Đức Thế Tôn thu nhận chúng con là cận sự nam, kể từ hôm nay đến trọn đời qui ngưỡng”.

Vào thời điểm này chưa có Tăng bảo nên họ chỉ quy y Phật và Pháp. Đây là những cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo đã quy y nhị bảo (Phật bảo và Pháp bảo).

Cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo quy y Tam bảo

Thân phụ của công tử Yasa – Sau khi Đức Thế Tôn Chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển Isipatana gần thành Bārāṇasī, đã tiếp độ được năm Tỳ kheo Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Bây giờ đã có đủ tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo.

Lúc ấy tại thành Bārāṇasī (Ba-la-nại) có ông trưởng giả đại phú hộ, là thân phụ của công tử Yasa.

Một ngày kia công tử Yasa khởi lên tư tưởng chán mùi tục lụy, vì đêm khuya chợt thức giấc trông thấy cảnh các cô hầu ngủ say trên sàn nhà, mỗi cô lộ ra tật xấu, làm mất hết vẻ đẹp thần tiên, để hiện ra cảnh tưởng ê chề chẳng khác nào nghĩa địa tha ma. Công tử chán ngán và âm thầm bỏ nhà ra đi giữa đêm thanh vắng, hướng về khu rừng Isipatana.

Vừa đi, công tử Yasa vừa đi vừa thốt: “Ôi! đời quá bẩn chật, quá phiền toái’. Chàng vừa đến ven rừng thì Đức Phật đã ở tại đấy chờ đợi chàng. Khi nghe lời than thở của công tử Yasa, Đức Phật khẽ bảo: “Hỡi Yasa, ở đây không bẩn chật, ở đây không phiền toái. Hãy đến đây, hỡi Yasa! hãy ngồi xuống, ta sẽ thuyết pháp cho ngươi nghe”.

Công tử Yasa rất ngạc nhiên khi nghe Đức Phật bảo, chàng bỗng dưng cảm thấy dạt dào niềm hoan hỷ. Chàng liền cởi đôi hia vàng và đi chân trần đến gần Đức Phật, quì xuống đảnh lễ Ngài và ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho công tử nghe, Ngài đã khích lệ, đã khai thị với pháp thoại tuần tự. Liền đó công tử Yasa đã chứng quả Nhập lưu.

Rạng sáng hôm ấy, ông trưởng giả thân phụ của Yasa đi tìm con. Ông đi hướng về khu rừng Isipa-tana. Bất chợt cũng gặp Đức Thế Tôn đang ngồi dưới một tàn cây trong khu rừng ấy. Lúc này, Đức Thế Tôn đã dùng thần thông che khuất công tử Yasa, nên ông trưởng giả không nhìn thấy con mình đang ngồi bên Đức Phật.

Ông trưởng giả đến gần Đức Phật, chào Ngài và hỏi thăm Ngài có nhin thấy một vị công tử đi qua đây không? Đức Phật bảo ông ta hãy ngồi xuống đây trong giây lát sẽ gặp vị công tử ấy. Ông trưởng giả nghe lời và ngồi xuống, Đức Phật đã thuyết pháp cho ông nghe, với pháp thoại tuần tự, Ngài đã khích lệ, khai thị pháp nhãn cho ông trưởng giả, ông đắc quả Tu đà huờn ngay khi đó. Ông đảnh lễ Đức Phật và xin qui y:

“Bạch Đức Thế Tôn, thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn, ví như người lật lên vật bị úp, hay như người mở ra vật bị gói kín, hoặc như người chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc như người mang đèn vào bóng tối cho kẻ có mắt được thấy cảnh sắc; cùng thế ấy, giáo pháp đã được Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng giải. Bạch Đức Thế Tôn, con xin quy y Đức Thế Tôn, quy y Giáo pháp, quy y Tăng chúng; mong Đức Thế Tôn hãy nhận con là cận sự nam đã quy y kể từ hôm nay đến mạng chung”.

Đây là người cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo đã quy y Tam bảo (Phật bảo – Pháp bảo – Tăng bảo).

Cận sự nữ đầu tiên trong Phật giáo quy y Tam bảo

Thân mẫu và hiền thê của công tử Yasa –Trong khi Đức Phật đang thuyết pháp cho ông trưởng giả thì công tử Yasa đã thẩm nghiệm lại pháp và đắc quả A la hán. Đức Phật biết rõ điều đó nên Ngài thu hồi thần thông, ông trưởng giả nhìn thấy con trai của mình, ông rất vui và bảo con trai hãy trở về nhà để an lòng người mẹ.

Đức Phật đã nói với ông trưởng giả rằng: Yasa, con trai của ông đã đạt đến vô lậu tâm giải thoát thì không thể trở lui lại đời sống thế tục nữa. Nghe vậy ông trưởng giả rất vui lòng vì ông là bậc Dự Lưu nên nhận thức rõ điều đó. Rồi ông trưởng giả đã thỉnh Đức Phật cùng các tỳ kheo đến nhà thọ thực ngày mai, Đức Phật nhận lời, ông đảnh lễ Ngài và ra về. Sau đó, Đức Phật cho phép Yasa thọ phẩm mạo Tỳ kheo bằng cách “Ehi bhikkhu” (Thiện lai Tỳ kheo).

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn cùng tôn giả Yasa là thị giả, đã đi đến nhà của ông trưởng giả, cha của tôn giả Yasa.

Người mẹ và người vợ của ngài Yasa đã bước ra đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật thuyết tuần tự pháp thoại và giảng về bốn chơn lý cho những nữ cư sĩ ấy nghe. Cuối thời pháp cả hai người đều chứng quả Dự lưu, đạt được lòng tin bất động nơi Tam bảo.

Khi đã đắc pháp nhãn ly trần vô cấu, họ đảnh lễ Đức Phật, xin quy y:

“Bạch Đức Thế Tôn, thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn, cũng ví như người lật lên vật bị úp, hay người mở ra vật bị gói kín, hoặc như người chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay như người đem đèn vào bóng tối cho kẻ có mắt thấy được cảnh sắc; cùng thế ấy, giáo pháp đã được Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng giải.

Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin quy y Đức Thế Tôn, quy y Giáo pháp, quy y Tăng chúng, mong Đức Thế Tôn hãy nhận chúng con là những cận sự nữ đã quy y kể từ hôm nay đến mạng chung” …

Đây là những người cận sự nữ đầu tiên trong Phật giáo đã quy y Tam bảo.

---------------------------------------------

CHUYỆN HAI ANH EM TAPUSSA VÀ BHALLIKA

MINGUN SAYADAW - LIÊN HIẾU dịch

Lời nguyện quá khứ của hai vị thiện nam

Trong một kiếp quá khứ, Tapussa và Bhallika tái sanh vào một gia đình giàu có tại thành phố Hamsavati, thời đức Phật Padumutara tại thế. Ngày nọ, khi đang tham dự pháp hội do đức Phật Padumuttara thuyết giảng, hai anh em Tapussa và Bhallika đã thấy hai người đệ tử tại gia được đức Phật ấn chứng là hai đệ tử xuất sắc nhất trong hàng đệ tử của đức Phật, những người đã thọ Tam quy ngũ giới. Khi ấy, hai anh em Tapussa và Bhallika mong ước có được phước lành như hai vị đệ tử ấy, sau ngày ấy họ đã chuẩn bị một buổi cúng dường trang nghiêm long trọng đến đức Phật và Tăng chúng, trong buổi lễ cúng dường hai anh em đã phát nguyện nhờ thiện nghiệp cúng dường đến đức Phật và chư Tăng, mong họ có được phước báo như hai vị đệ tử đã được đức Phật Padumattara ấn chứng.

Hai anh em Tapussa và Bhallika đã sống một đời sống đạo đức, luôn tạo các thiện nghiệp trong kiếp sống đáng nhớ đó, và sau khi qua đời họ không bị đọa vào các khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la) mà được tái sanh vào cõi người và cõi trời.

Lại nữa, trong khoảng thời gian 31 kiếp trước cho đến kiếp sống hiện tại đó, trong suốt khoảng thời gian ấy không có Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, Bhallika tái sanh là một thiện nam, thường dâng cúng các loại trái cây đến đức Phật Độc Giác hiệu là Sumana.

Do nơi phước lành này, Bhallika luôn được sanh vào những cảnh giới an lành. Trong thời Đức Phật Thích Khí tại thế, Bhallilka sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại thành phố Arunavati. Ngày nọ, Bhallika nghe tin có hai anh em thương buôn tên là Ujita và Ojita, hai vị này đã có cơ hội cúng dường vật thực đầu tiên đến Đức Phật Thích Khí vào ngày thứ 49, sau bảy tuần lễ Đức Phật an trú trong pháp lạc của đạo quả Niết Bàn giải thoát, và Đức Phật chuẩn bị bước sang tuần lễ thứ tám.

Khi ấy, Bhallika cùng với một người bạn (sau này là Tapussa) đã đến đảnh lễ Đức Phật Thích Khí, sau khi đảnh lễ xong Bhallilka bạch đức Phật từ bi hoan hỷ thọ nhận bữa cơm cúng dường của ông vào ngày hôm sau. Vào ngày hôm sau, Bhallika cùng với người bạn đã chuẩn bị một buổi cúng dường rất đặc biệt đến đức Phật.

Khi ấy, ông bạch đức Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, do nơi thiện nghiệp này, cầu mong cho hai anh em chúng con có được cơ hội cúng dường vật thực đầu tiên đến đức Phật trong tương lai”.

Trãi qua nhiều kiếp tái sanh, Tapussa và Bhallika - hai người bạn luôn luôn cùng nhau tạo những thiện nghiệp, cùng cúng dường bố thí, và do nơi phước lành ấy hai người cùng sanh vào những cảnh giới tốt đẹp. Trong thời đức Phật Ca Diếp, Tapussa và Bhallika cùng sanh ra trong một gia đình buôn bán gia súc. Trong suốt nhiều năm tháng, họ đã cúng dường các loại vật thực làm từ sữa đến đức Phật và chư Tăng.

Mối quan hệ huynh đệ trong kiếp cuối

Hai người bạn ấy đã cùng tái sanh vào những cảnh giới an vui trong hằng hà sa số kiếp, điều đó tạo nên khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai đức Phật (Ca Diếp và Thích Ca). Trong thời đức Phật Thích Ca tại thế, thời gian trước khi đức Phật thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát, Tapussa và Bhallika tái sanh là hai anh em trong một gia đình thương buôn hàng hóa vận chuyển. Họ điều hành việc buôn bán bằng cách tập hợp một số đông những người cộng sự để mang hàng hóa từ nơi này đến nơi khác.

Quê hương của họ ở tại vùng Asitancara (theo Chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ thì quê họ tại Pokkharavati). Người anh tên là Tapussa và em trai là Bhallika.

Họ đã trở thành những chủ doanh nghiệp và điều hành việc giao dịch mua bán cùng với 500 cỗ xe bò. Trong khoảng thời gian đó, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành tựu đạo quả giác ngộ, đã an trú 49 ngày trong pháp lạc của đạo quả Niết Bàn giải thoát, và đức Phật chuẩn bị bước sang tuần lễ thứ 8 sau ngày thành tựu đạo quả dưới cội cây Linlun.

Lúc ấy, đoàn thương buôn cùng 500 cỗ xe bò của hai anh em Tapussa và Bhallika đang trên đường đi cách chỗ đức Phật tĩnh tọa không xa. Ngay thời điểm đó, có một vị tiên nữ, người này ngay kiếp trước đó là mẹ của hai anh em thương buôn, thấy được nhu cầu cần vật thực của Đấng Đại Giác để duy trì thân tứ đại sau 49 ngày an trú trong Pháp lạc (lần thọ dụng cuối cùng trước khi Ngài thành tựu Phật quả là thọ nhận bát cháo sữa của thôn nữ Sujata).

Khi ấy, vị tiên nữ nghĩ rằng hai người con trai trong tiền kiếp của bà nên cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn trong lúc ấy. Vì vậy, tiên nữ đã dùng năng lực của bà làm cho các cỗ xe bò không thể di chuyển được.

Hai anh em thương buôn đã kiểm tra các con bò, kiểm tra xe và tất cả cả yếu tố liên quan làm cho các cỗ xe không thể di chuyển được. Họ đã vận dụng tất cả khả năng và trí hiểu biết để tìm ra nguyên nhân nhưng vẫn không biết lý do vì sao.

Vị tiên nữ kiếp trước là mẹ của họ, thấy hai người con trai thất vọng nên bà đã xui khiến một người nam trong đoàn thương buôn, làm cho người ấy nói rằng: “Này hai con, các con không phải bị tà ma hay ngoại đạo nào quấy phá mà là do năng lực của ta, một vị tiên nữ sống trên mặt đất, người đã từng là mẹ của hai con trong quá khứ, ta đã cản trở không cho các cỗ xe di chuyển.

Này các con, đức Phật, Người sở hữu 10 năng lực siêu phàm, đang ngồi dưới cội cây Linlun cách đây không xa. Hãy đến đảnh lễ và cúng dường vật thực đến đức Phật, đó là bữa cúng dường vật thực đầu tiên mà đức Phật thọ nhận sau 49 ngày kể từ ngày Thế Tôn thành tựu Phật quả”.

Khi nghe vị tiên nữ báo tin, hai anh em thương buôn vô cùng hoan hỷ. Khi ấy, họ nghĩ rằng nếu như họ chuẩn bị nấu nướng để cúng dường sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy họ lấy những vật thực làm sẵn mà họ mang theo trong chuyến hành trình để cúng dường, họ đặt vật thực trong một cái đĩa bằng bạc, đi đến gần đức Phật và bạch: “Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài vì lòng đại từ đại bi, thọ nhận món vật thực này của chúng con”.

Khi hai anh em thương buôn tác bạch cúng dường, đức Phật đã quán xét xem các đức Phật quá khứ đã làm gì trong trường hợp như vậy. Khi ấy, bốn vị thiên vương xuất hiện và mỗi vị đã dâng cúng đức Phật một bình bát. Đức Phật nghĩ vì lời ích của các vị thiên vương nên Ngài nhận cả 4 cái bát, và sau đó Ngài đặt 4 cái bát chồng lên nhau với ý nghĩ rằng bốn cái bát hãy là một.

Như ý nguyện của Ngài, bốn cái bát nhập lại thành một bình bát có 4 đường viền. Hai anh em thương buôn đặt vật thực vào trong bình bát của đức Phật. Sau khi đức Phật thọ thực xong, hai anh em đã cúng dường nước uống cho Ngài và dâng nước để Ngài rửa tay.

Sau đó, họ đảnh lễ đức Phật và ngồi vào một nơi thích hợp. Đức Phật đã thuyết pháp tế độ hai anh em thương buôn, họ vô cùng hoan hỷ, cuối bài pháp hai anh em thương buôn phát tâm quy y nhị Bảo: nương nhờ Đức Phật Bảo và Đức Pháp Bảo.

Sau đó, hai anh em thương buôn bạch đức Phật rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài mở lòng đại từ đại bi thương xót chúng con, ban cho chúng con một báu vật, để chúng con thỉnh về quê hương, hằng ngày luôn luôn tâm niệm, lễ bái cúng dường”.

Đức Phật đưa tay phải lên đầu bứt 8 sợi tóc gọi là Xá lợi tóc ban cho hai anh em thương buôn. Hai anh em Tapussa và Bhallika vô cùng hoan hỷ, an trí Xá lợi tóc của đức Phật trong một cái hộp bằng vàng và thỉnh về quê hương. Khi về đến quê, họ đã xây một bảo tháp ngay lối vào của thị trấn Asitancana để an trí và tôn thờ 8 sợi tóc Xá lợi Phật.

Theo sử truyền, vào những ngày bát quan trai giới, bảo tháp tôn thờ Xá lợi tóc của Phật thường có hào quang chiếu sáng. (Tháp Xá lợi tóc ấy hiện nay chính là Tháp Chùa Vàng Shwedagon, tại cố đô Yangon, Myanmar).

Thành tựu đạo quả giải thoát

Ngày nọ khi Đức Phật đang trú tại Tịnh Xá Kỳ Viên, Ngài thuyết bài pháp liên hệ đến đề tài “Sự khác biệt giữa những đệ tử tại gia do nơi phước đã tạo”, Đức Phật xác định: “Này các Tỳ kheo, giữa những đệ tử tại gia của Như Lai - những người đã quy y Phật, quy y Pháp sớm nhất, hai anh em Tapussa và Bhallika là những đệ tử tại gia xuất sắc nhất”.

Hai anh em Tapussa và Bhallika là những đệ tử tại gia quy y Phật và Pháp sớm nhất. Sau đó, Đức Phật rời Bồ đề Đạo tràng đến vườn Lộc Uyển, thành phố Ba-la-nại (Barasani) thuyết bài pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân(Dhammacakkapavattana-sutta) cho năm người bạn đồng tu trước đó.

Tiếp sau, đức Phật tiếp tục vân du hóa độ đến thành Vương Xá (Rajagaha). Vào thời điểm đó, hai anh em thương buôn lại có một chuyến giao dịch đến thành Vương Xá.

Họ đã đến viếng thăm và đảnh lễ đức Phật, sau khi đảnh lễ xong họ ngồi vào chỗ thích hợp. Nhân dịp đó, đức Phật đã thuyết pháp cho hai anh em thương buôn, cuối bài pháp, người anh là Tapussa chứng đắc đạo quả Tu-đà-hoàn, người em xuất gia làm một vị Tỳ-kheo trong giáo đoàn của Phật, và sau đó thành tựu đạo quả A-la-hán với đầy đủ lục thông.

Người Phật Tử

Chia sẻ trên: Chia sẻ trên Facebook Twitter bài viết này Chia sẻ trên Google chuabang Thông tin Lịch sinh hoạt hàng tháng Chùa Lý Triều Quốc Sư LỊCH TU HỌC HÀNG THÁNG NĂM 2024 CỦA CHÙA BẰNG Giới Thiệu Lịch sử chùa Bằng Tóm tắt tiểu sử Lịch sử chùa Lý Triều Quốc Sư Tin tức tổng hợp » BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã... » Hà Nam: Bế mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật... » Hà Nam: HT.Thích Bảo Nghiêm chia sẻ tại Khóa bồi dưỡng kiến... » Ngày tu an lạc tháng 10 năm Giáp Thìn tại chùa Bằng » Trang nghiêm lễ hằng thuận tại Tổ đình Long Hưng - Hà Nội » Phú Thọ: Trang nghiêm Đại giới đàn Nguyệt Trí lần thứ VIII » Phú Thọ: Trước thềm khai mạc Đại giới đàn Nguyệt Trí lần... » Hà Nội: Tân Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam tới thăm chùa... » Lễ khánh thành Trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn » Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN tỉnh Thanh Hóa » Ninh Bình: Đại giới đàn Thanh Đàm năm 2024 thành tựu viên mãn » Ninh Bình: Ngày hành sám cuối cùng của 25 Giới tử tại Đại... TIN TỨC NỔI BẬT

Từ khóa » đệ Tử đầu Tiên Của đức Phật Là Ai