Người Trẻ Thụt Lùi Nếu Thoả Mãn 8 Tiếng Công Sở - VnExpress

Vài năm trước đây, tôi từng đọc qua lời chia sẻ cũng là lời nhận xét của một người nước ngoài rằng ông ấy rất vui khi đến Việt Nam du lịch, con người rất thân thiện nhưng có điều làm ông ấy khó hiểu đó là mỗi buổi tối, các quán cà phê, các quán trà chanh chém gió đều đông kịt người và phần đông số đó là những bạn trẻ tuổi.

Ông ấy cho rằng với một quốc gia đang phát triển và dân số trẻ như Việt Nam, điều này đang làm lãng phí rất nhiều nguồn lực.

Tôi hiểu điều ông ấy nghĩ, tức là các bạn trẻ này nên đến lớp học thêm kỹ năng nào đó có thể bổ trợ cho nghề nghiệp đang làm hoặc học thêm một kỹ năng khác, cũng có thể là đi học thêm ngoại ngữ. Việc thanh niên ngồi đông đúc ở quán cà phê chỉ để lướt mạng, tán gẫu và để thời gian trôi qua vô vị như vậy là không nên.

Tôi nghĩ rằng trước khi nguồn lực bị lãng phí thì người bị ảnh hưởng đầu tiên là những thanh niên này. Họ sẽ ngày càng tụt hậu so với mặt bằng chung của nguồn nhân lực trong nước - những người biết cố gắng hơn chứ chưa so sánh với nước ngoài.

Trong một cuốn sách nói về tâm lý của người Việt, một tác giả phân tích rằng chúng ta có năng lực, phẩm chất, thường sẽ rất cố gắng để làm một việc gì đó (trong hoàn cảnh khó khăn lại càng cố gắng hơn). Song chúng ta lại rất rơi vào trạng thái dễ thoả mãn, không duy trì sự cố gắng như một thói quen mỗi ngày.

Một người bạn làm HR (nhân sự) của tôi than thở rằng chứng bệnh chung của nhiều lao động trẻ bây giờ là: đi làm muộn, không chịu được áp lực dù là ít, tính hay dỗi, hay nhảy việc và chưa có văn hoá kỷ luật công sở cao. Cô ấy nói rằng trước đây gần chục năm, mỗi năm chỉ có khoảng hai, ba đợt thông báo tuyển dụng nhân sự mới. Tuy nhiên những năm gần đây, hầu như tháng nào cũng đăng thông báo tuyển dụng mới để có sẵn CV phòng khi nhân viên nhảy việc đột xuất.

>> Đốt cháy tuổi trẻ vì làm những 'việc bàn giấy vớ vẩn'

Chẳng nói đâu xa, những đồng nghiệp trẻ tuổi ở công ty của tôi cũng rơi vào cái bẫy dễ thoả mãn với bản thân thế này. Tâm lý chung là họ rất hài lòng với "sự chăm chỉ" cũng như thời gian lao động của bản thân tám tiếng ở công ty. Nên mỗi tối hoặc cuối tuần là phải ra đường, đi tán dóc hoặc tiêu tiền gì đó để "bù lại những giờ làm việc căng thẳng" trên công sở.

Đây rõ chỉ là những nguỵ biện mà thôi. Nếu để ý kỹ, tôi nhận thấy họ chỉ sử dụng tối đa 60-70% công lực làm việc thì đã tưởng mình làm nhiều, làm cực rồi than thở và nghĩ rằng mình phải hưởng thụ để bù đắp cho bản thân. Nhưng thật ra khi quản lý giao việc, phải đôn đốc, nhắc nhở thì họ mới hoàn thành đúng tiến độ. Lên công ty thì thời gian ngồi lướt Facbook, nghe nhạc và đi nhận hàng online khiến phân tâm và không thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Những bạn này chỉ mong đến chiều tối để đi quẫy, hoặc nằm nhà xem phim, tha thẩn trên mạng...

Tâm lý thoả mãn về một ngày làm việc của bản thân có thể hiểu một cách đơn giản như sự bù đắp lại những năm tháng học hành vất vả. Tuy nhiên, nếu cứ mãi thoả mãn và tưởng rằng bản thân đã đủ trình độ đủ năng lực làm việc mà không chịu học thêm kỹ năng mới, nắm bắt xu hướng mới thì rất có thể một ngày nào đó không xa, những bạn trẻ này sẽ đi thụt lùi khá xa và bị những bạn bè biết cố gắng hơn qua mặt.

Phạm Quang

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • Người trẻ nhụt chí đòi về quê
  • Tiêu 30% lương, tôi vẫn 'sống sót' ở Sài Gòn
  • Muốn mua nhà, đừng uống cà phê 50.000 đồng
  • Tuổi trẻ lo kiếm tiền, đừng quan tâm nhà cửa

Từ khóa » Sự Thụt Lùi Là Gì